Cựu giáo sư Trường Đảng trung ương bình luận về chính sách 5 năm tới của ĐCSTQ
- Tiêu Nhiên
- •
Bà Thái Hà (Cai Xia) – cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây trong chương trình podcast “Không minh bạch” (@bumingbai) đã giải thích thông điệp chính trong “Quyết định” của Phiên họp toàn thể lần III Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20, theo đó chỉ ra trọng tâm cải cách của ông Tập Cận Bình 5 năm tới. Bà cho rằng người dân Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức và bất ổn lớn hơn từ “Quyết định” này.
Bà Thái Hà vào Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ năm 1992, sau khi nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ, bà ở lại trường giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là Xây dựng Đảng trong ĐCSTQ. Năm 2020, bà bị khai trừ khỏi Đảng vì chỉ trích lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Lý do và bối cảnh chính trị đằng sau việc gỡ bài “Nhà cải cách Tập Cận Bình”
Ngày 15/7 – ngày diễn ra Phiên họp toàn thể lần III Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo dài có tiêu đề “Nhà cải cách Tập Cận Bình”. Tuy nhiên, bài viết gần 10.000 từ này đã bị gỡ bỏ hoàn toàn khỏi Internet Trung Quốc ngay sau đó. Giáo sư Thái Hà đã phân tích 3 lý do chính:
Trước hết, một số nội dung lịch sử trong bài viết là sai lệch. Bài báo đề cập rằng vào năm 1978, cha của ông Tập Cận Bình đã đẩy ông Tập đến làng Tiểu Cương ở Trừ Châu tỉnh An Huy để tham gia trong vấn đề hoạt động cải cách “phân chia sản phẩm đến tận hộ gia đình”, nhưng thực tế vào thời điểm đó chưa có cải cách này nên nội dung rõ ràng là hư cấu.
Thứ hai, ông Tập Cận Bình có thể không hài lòng với danh hiệu “nhà cải cách”. Bài báo so sánh những cải cách của ông với những cải cách của ông Đặng Tiểu Bình, ngụ ý rằng ông chỉ kế thừa công lao của Đặng, trong khi Tập Cận Bình thực chất muốn vượt qua Đặng Tiểu Bình và thậm chí sánh ngang Mao Trạch Đông, cho nên danh hiệu này có thể quá thấp đối với ông Tập.
Thứ ba, bài báo đã gây ra những bình luận tiêu cực rộng rãi từ thế giới bên ngoài. Nhiều người cho rằng cải cách của Trung Quốc thực chất đã đi lùi kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, có thể phản ứng dữ dội từ dư luận khiến bài viết bị rút lại.
Bà Thái Hà chỉ ra việc một bài báo ‘nặng ký’ tạo uy thế cho nhà lãnh đạo như vậy bị gỡ xuống ngay sau khi được xuất bản là vấn đề lạ. Điều này cho thấy sự phức tạp của môi trường chính trị Trung Quốc ngày nay, cũng như tính bất ổn trong các quyết định cấp cao.
Việc xuất bản bài báo “Nhà cải cách Tập Cận Bình” không phải là một động thái tùy tiện, mà thường những bài báo như vậy sẽ phải trải qua nhiều lớp xem xét và phê duyệt, bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao của Ban Tuyên giáo Trung ương và thậm chí cả Ban Bí thư Trung ương. Nhưng dù vậy, những điểm thiếu chính xác về mặt lịch sử trong bài viết vẫn xảy ra, bà Thái Hà cho rằng điều này phản ánh tâm thái trong bộ máy quan liêu Trung Quốc: để tránh bị quy trách nhiệm nên không ai dám dễ dàng xóa bỏ những lời khen ngợi ông Tập Cận Bình.
Bà cũng đề cập rằng Tân Hoa Xã vào tháng 3 năm nay đã xuất bản một bài báo bằng tiếng Anh có lỗi lịch sử tương tự. Mặc dù phiên bản tiếng Trung đã bị gỡ bỏ, nhưng phiên bản tiếng Anh vẫn tiếp tục lan truyền. Hiện tượng này cho thấy có một mức độ cẩu thả và thiếu chính xác nhất định trong quy trình làm việc nội bộ của ĐCSTQ.
Tập trung quyền lực vào cá nhân thay vì tập thể
Phân tích đường lối cải cách của ông Tập Cận Bình, bà Thái Hà đã chỉ ra rằng cốt lõi là tăng cường lãnh đạo tổng thể tập trung quyền hành vào một cá nhân. Thông qua cải cách thể chế và điều chỉnh tổ chức, ông Tập dần dần thiết lập một hệ thống quyền lực tập trung hơn. Ví dụ, Tập Cận Bình đã thành lập các nhóm lãnh đạo trung ương như Hội đồng An ninh Quốc gia và Ủy ban Cải cách Toàn diện Quốc gia, đồng thời đích thân giữ vai trò lãnh đạo của nhiều nhóm, sáp nhập nhiều chức năng của Chính phủ vào trong Đảng và tăng cường hơn kiểm soát tổng thể của Đảng.
Ông cũng dùng cách sửa đổi hiến pháp bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ Chủ tịch nước, thực hiện chế độ trách nhiệm đối với Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhằm củng cố quyền lực cá nhân. Những cải cách này không chỉ chấm dứt đường lối cải cách của những người tiền nhiệm như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, mà còn thực hiện kiểm soát chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khiến hệ thống chính trị Trung Quốc dần phát triển theo hướng tập trung hóa cá nhân và chuyên quyền.
Những trọng tâm cải cách trong 5 năm tới
Trong 5 năm tới, những cải cách do ông Tập Cận Bình lãnh đạo sẽ tập trung vào kiểm soát xã hội, quản lý kinh tế, quản lý tài chính địa phương và xây dựng quân đội. Mục tiêu cải cách trong các lĩnh vực này không chỉ là duy trì ổn định quốc gia mà còn củng cố vị thế chính trị của ông.
Về mặt kiểm soát xã hội, tăng cường hơn nữa lãnh đạo toàn diện của Đảng, đưa tổ chức Đảng thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội. Điều này có nghĩa là ĐCSTQ sẽ tăng cường kiểm soát xã hội thông qua nhiều biện pháp, bao gồm thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn ở nông thôn, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác để đảm bảo mọi ngóc ngách đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng, từ đó duy trì ổn định xã hội.
Về mặt quản lý kinh tế, những cải cách tập trung vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù trong “Quyết định” đề cập đến việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân cải cách và hứa sẽ giải quyết khó khăn về tài chính và bảo vệ quyền sở hữu của họ, nhưng tình hình thực tế có thể không lạc quan. Các chính sách kinh tế sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước, khiến không gian sinh tồn của các doanh nghiệp tư nhân có thể bị thu hẹp hơn nữa.
Quản lý tài chính địa phương là một lĩnh vực cải cách quan trọng khác. Trong những năm gần đây, khủng hoảng tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng, do đó kế hoạch cải cách bao gồm tăng thuế và phát hành trái phiếu địa phương để giảm bớt khủng hoảng này. Nhưng cách tiếp cận đó có thể làm tăng thêm gánh nặng cho người dân thường và gây ra nhiều bất mãn xã hội hơn.
Về xây dựng quân đội, sẽ tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa quân đội và đảm bảo trung thành tuyệt đối với Đảng. Mặc dù những cải cách của thập kỷ trước đã điều chỉnh quân đội, tuy nhiên vấn đề tranh giành quyền lực trong quân đội vẫn gay go, nên ông Tập sẽ tăng cường hơn nữa quyền kiểm soát quân đội để đảm bảo quân đội đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia và duy trì ổn định của chế độ.
Về ứng phó khủng hoảng hiện tại
Đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, khó khăn tài chính địa phương, xung đột xã hội gia tăng và môi trường quốc tế xấu đi, Chính phủ của ông Tập đã áp dụng một loạt biện pháp ứng phó, nhưng vẫn chưa chắc chắn về việc liệu các biện pháp này có hiệu quả hay không.
Về mặt kinh tế, cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng một số hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân, nhưng khu tư nhân vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn như hạn chế tiếp cận thị trường, bất ổn chính sách và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với nền kinh tế. Cho nên dù hy vọng sẽ thúc đẩy kinh tế bằng cách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, nhưng không dễ đạt được kết quả như mong muốn.
Các cuộc khủng hoảng tài chính địa phương cũng là một vấn đề lớn mà ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt. Chính phủ Tập Cận Bình có kế hoạch huy động vốn thông qua việc tăng thuế và phát hành trái phiếu địa phương để giảm bớt khó khăn tài chính địa phương. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương và gây ra sự bất mãn trong xã hội.
Để duy trì ổn định xã hội, ĐCSTQ cũng tăng cường kiểm soát xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc suy thoái kinh tế sẽ mở rộng mạng lưới quản lý xã hội và tăng cường kiểm soát dư luận.
Ngoài ra, chính quyền Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách quân đội để đảm bảo sự trung thành tuyệt đối của quân đội với Đảng. Bằng cách tăng cường hiện đại hóa và kỷ luật quân đội, ông Tập tiếp tục nỗ lực để giữ vững vị trí thống trị của cá nhân ông trước những thách thức đối với an ninh quốc gia.
Mặc dù các biện pháp này có thể có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài có thể làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội và các vấn đề kinh tế, khiến nền tảng cai trị của ĐCSTQ suy yếu.
Tương lai của doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù trong “Quyết định” cải cách Tập đề cập đến dành nhiều không gian hơn cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng tình hình thực tế có thể không lạc quan. Các chính sách kinh tế của ĐCSTQ vẫn do các doanh nghiệp nhà nước chi phối, khiến các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực then chốt.
Chính sách đàn áp doanh nghiệp tư nhân lặp đi lặp lại trong thập niên qua đã khiến nhiều doanh nhân mất niềm tin vào các cam kết của Chính phủ. Mặc dù ĐCSTQ đã cố gắng xoa dịu các doanh nghiệp tư nhân bằng cách hứa bảo vệ quyền sở hữu và tăng cường hỗ trợ tài chính, nhưng nhiều doanh nhân vẫn có thể chọn cách “án binh bất động chờ đợi”, hoặc thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.
Phát triển của doanh nghiệp tư nhân còn phụ thuộc vào biểu hiện thực tế của ĐCSTQ trong thực thi chính sách. Nếu họ thực sự làm như cam kết và mang lại cho doanh nghiệp tư nhân nhiều tự do và hỗ trợ hơn thì doanh nghiệp tư nhân có thể có nhiều dư địa hơn để phát triển. Tuy nhiên, xét đến các xu hướng chính sách trong quá khứ của ĐCSTQ, khả năng này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Bà Thái Hà chỉ ra sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc phần lớn vào việc ĐCSTQ có sẵn sàng cung cấp cho họ đủ không gian và hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, với con đường cải cách ưu tiên đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn trong 5 năm tới.
Tương lai của đông đảo người dân có thể biết trước
Sau Phiên họp toàn thể lần III này, người dân Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức và bất ổn lớn hơn trong tương lai. Mặc dù trong “Quyết định” cải cách đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và xã hội, nhưng hiệu quả thực tế của các biện pháp này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Thứ nhất, do kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với nền kinh tế nên rất khó khôi phục sức sống của thị trường. Khủng hoảng tài chính và áp lực thuế trong khi tăng trưởng doanh thu trì trệ có thể khiến chi phí sinh hoạt tăng cao hơn. đông đảo người dân sẽ phải đối mặt với áp lực kinh tế và khó khăn lớn hơn trong cuộc sống.
Thứ hai, việc tăng cường hơn nữa kiểm soát xã hội sẽ khiến cuộc sống của người dân trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, chính phủ càng dựa nhiều hơn vào các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để duy trì trật tự xã hội, làm không gian tự do ngôn luận và biểu đạt của người dân sẽ bị hạn chế hơn nữa.
Ngoài ra, với việc đồng Nhân dân tệ mất giá và dự trữ ngoại hối giảm, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của đông đảo người dân. Bà Thái Hà cho rằng những cải cách của ông Tập chủ yếu tập trung vào việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng và bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi tương đối ít quan tâm đến sinh kế của người dân. Như vậy nghĩa là đông đảo người dân trong vài năm tới khó cải thiện cuộc sống, ngược lại khi áp lực kinh tế gia tăng và sự kiểm soát xã hội thắt chặt, nhiều người có thể cảm thấy tương lai của mình càng ảm đạm hơn. Trong bối cảnh như vậy, xu thế tiêu dùng của đông đảo người dân Trung Quốc có thể giảm sút hơn nữa, xu hướng tiết kiệm hơn là đầu tư để đối phó với tình trạng không chắc chắn, điều này sẽ làm suy yếu thêm sức sống của nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó khiến những xung đột và bất mãn tích tụ trong xã hội theo thời gian có thể bùng phát vào một thời điểm nào đó trong tương lai, đặt ra những thách thức mới đối với ổn định của chế độ…
Trước những vấn đề nêu trên, câu hỏi liệu những cải cách của ông Tập Cận Bình có thực sự giải quyết được những thách thức hiện tại và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc hay không vẫn là một câu hỏi mở, chưa có gì để khẳng định được kết quả khả quan.
Từ khóa Tập Cận Bình Thái Hà