Ông Lý Nhuệ (Li Rui), một cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc, kiêm nhà phê bình nổi tiếng về chế độ Bắc Kinh (qua đời năm 2019 ở tuổi 101). Trước đó có một thời gian ông là thư ký riêng của Mao Trạch Đông. Lúc sinh thời, ông từng nói Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không còn hy vọng.

Ly Nhue
Trong suốt cuộc đời mình, ông Lý Nhuệ nổi tiếng là một người thẳng thắn. (Ảnh: Getty Images)

Từ năm 1946 – 2018, ông Lý Nhuệ đã lưu giữ những cuốn nhật ký viết tay, ghi lại những trải nghiệm và quan sát của mình trong suốt 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ. Các ghi chép này của ông có thể thách thức lịch sử mà ĐCSTQ tự “tô vẽ” về bản thân.

Hôm 19/8, một phiên tòa bắt đầu tại California được mở nhằm phán xử liệu nhật ký của ông Lý Nhuệ có nên được giữ lại tại Viện Hoover của Đại học Stanford, nơi con gái Lý Nam Ương của ông đã tặng chúng, hay được trả lại cho người vợ góa Trương Ngọc Trân của ông.

Phiên tòa làm dấy lên nghi ngờ rằng làm sao bà Trương Ngọc Trân, 90 tuổi, người vợ thứ 2 của ông Lý Nhuệ, lại có thể trả hàng triệu USD phí pháp lý? Người góa phụ này bị cáo buộc là tay sai của chính quyền Trung Quốc. Rất có thể ĐCSTQ sẽ tiến hành thẩm tra đối với những cuốn nhật ký này.

Ly Nhue
Từ năm 2014- 2018, bà Lý Nam Ương (Li Nanyang, đầu tiên từ bên phải), với sự cho phép của cha mình, đã cẩn thận tránh sự giám sát của ĐCSTQ và tặng khoảng 40 hộp nhật ký, thư từ và các tài liệu khác của ông Lý Nhuệ cho Thư viện Hoover của Đại học Stanford. (Ảnh: MXH)

Lúc sinh thời, ông Lý Nhuệ, một thành viên theo chủ nghĩa tự do của ĐCSTQ, đã bị ĐCSTQ bức hại nhiều lần. Ông bị cầm tù 2 lần trong gần 10 năm, bị đưa đến Trại lao động Bắc Đảo Hoàng và suýt chết đói, và 2 lần bị khai trừ khỏi ĐCSTQ.

Ông Lý Nhuệ gia nhập ĐCSTQ năm 1937 khi mới 20 tuổi. Năm 1949, ĐCSTQ đánh bại Chính phủ Quốc dân đảng trong cuộc nội chiến và lên nắm quyền. Đến năm 1958, ông Lý Nhuệ trở thành thư ký riêng của Mao Trạch Đông.

Nhưng năm sau, ông bị khai trừ khỏi đảng vì chỉ trích Đại nhảy vọt. Đây là một phong trào công nghiệp hóa do Mao Trạch Đông thúc đẩy, khiến khoảng 30 triệu – 40 triệu người chết đói trong vòng 3 năm.

Sau đó, ông được phục hồi chức vị đảng viên. Năm 1979, ba năm sau cái chết của Mao Trạch Đông, Lý Nhuệ trở lại hàng ngũ cao nhất của đảng. Vào những năm 1980, ông làm việc trong Ban Tổ chức đầy quyền lực của ĐCSTQ, cơ quan bổ nhiệm và đề bạt các quan chức cấp cao.

Ông cũng chỉ trích mạnh mẽ cuộc đàn áp đẫm máu của Chính phủ ĐCSTQ đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989. Từ ban công căn hộ của mình ở Bắc Kinh, ông đã chứng kiến ​​binh lính bắn vào những người biểu tình trong và xung quanh quảng trường Thiên An Môn. Ông mô tả sự kiện này là “ngày cuối tuần đen tối”.

Lý Nhuệ: ĐCSTQ hoàn toàn sai lầm

Sau Cách mạng Văn hóa, Lý Nhuệ được phục hồi chức vụ. Từ tháng 1/1979, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Điện lực, Phó Giám đốc Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Thứ trưởng Thường trực Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Cố vấn Trung ương.

Năm 1979, ông đến thăm Brazil và Hoa Kỳ cùng với đội thanh tra năng lượng của ĐCSTQ. Trong nhật ký của mình, Lý Nhuệ viết rằng lần đầu tiên đến một siêu thị ở Hoa Kỳ, ông nhận thấy siêu thị có “mọi thứ bạn cần và rất thuận tiện.”

Ông nói: “Trong chuyến đi này, tôi phải nói rằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta luôn tự hào đã không còn trong tâm trí tôi nữa. Không chỉ là về điện nước, mà xét trên toàn bộ đời sống và hệ thống xã hội, chủ nghĩa tư bản của người ta phù hợp hơn với quy luật phát triển của con người”.

Sau cái chết của ông, Lý Nam Ương kể rằng khi ông nhìn thấy những tòa nhà cao tầng mọc lên từ mặt đất ở Hoa Kỳ, cùng hàng loạt hàng hóa rực rỡ trong siêu thị, và cuộc sống thịnh vượng của người dân Mỹ bình thường, ông nhận ra rằng “ĐCSTQ hoàn toàn sai lầm.”

Lý Nhuệ: ĐCSTQ không còn hy vọng

Năm 1989, ĐCSTQ điều xe tăng và xe bọc thép đến đàn áp phong trào sinh viên yêu nước. Trước cuộc đàn áp, Lý Nhuệ đã viết một lá thư kêu gọi chính quyền ĐCSTQ “không tham gia các phong trào thiết quân luật và không tấn công sinh viên”. Kết quả là ông lại bị khai trừ khỏi ĐCSTQ.

Các tài liệu được giải mật từ Nhà Trắng cho thấy, ĐCSTQ đã thảm sát tổng cộng 10.454 người, và làm bị thương 28.796 người trong vụ thảm sát học sinh, sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6.

Bà Lý Nam Ương cũng đăng một bài báo tiết lộ, sau khi ĐCSTQ nổ súng vào ngày 4/6, Lý Nhuệ từng nói ĐCSTQ đã không còn hy vọng. Ông đã nói với bà rằng: “Đảng này không còn vị gì nữa, đất nước này cũng không còn vị gì nữa. Nếu có cơ hội, con hãy đưa con gái của mình cùng nhau rời đi.”

Phó Long Sơn / Vision Times