Cựu quan chức ngoại giao TQ nói về chiến tranh tín ngưỡng của ĐCSTQ tại Úc
- Minh Nhật
- •
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) từng là Đệ nhất Tham vụ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc. Tháng 5 năm 2005, ông Trần bất ngờ đào thoát khỏi vị trí của mình tại Tổng lãnh sự. Ông xuất hiện trước công chúng vào ngày 4/6/2005 tại lễ tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn ở Sydney, phơi bày chính sách gián điệp và bắt cóc của Trung Quốc tại Úc, đồng thời hứa rằng sẽ tiết lộ tất cả những gì bản thân biết về những hoạt động đen tối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cũng vào ngày 4 tháng 6 này, ông Trần cùng vợ tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Sự kiện ông Trần Dụng Lâm đào thoát xuất hiện cùng lúc với sự việc một nhân viên phòng 610 trốn khỏi Trung Quốc và xin tị nạn tại Úc (Xem bài: Chuyện đời của cựu quan chức phòng 610: “Vì sao tôi trốn khỏi Trung Quốc?”). Điều này đã gây ra một cơn chấn động không nhỏ trên phương diện nhân quyền và ngoại giao của phương Tây đối với ĐCSTQ vào thời bấy giờ.
Phần làm chứng dưới đây được ông Trần Dụng Lâm đọc trước quốc hội Úc vào ngày 26/7/2005. Trước đó 2 tháng, ông Trần đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Úc sau khi tuyên bố chế độ cộng sản Trung Quốc đang điều hành một mạng lưới 1.000 người cung cấp thông tin ở Úc, đặc biệt nhắm vào phong trào tinh thần Pháp Luân Công, đồng thời thường xuyên cưỡng ép bắt cóc người dân về Trung Quốc.
- Tiếp theo kỳ 1: Vì sao tôi thoái ĐCSTQ
*
Hôm nay tôi làm chứng về cách các phái bộ Trung Quốc ở nước ngoài, mà cụ thể là ở Úc, thực hiện chính sách đàn áp người tập Pháp Luân Công.
Theo hiểu biết của tôi, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một chiến dịch có hệ thống. Tất cả các cơ quan chức năng – và đặc biệt là các cơ quan trong Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao – đều có liên quan.
Trong mỗi phái bộ của Trung Quốc ở nước ngoài phải có ít nhất một quan chức phụ trách các vấn đề về Pháp Luân Công. Người đứng đầu và Phó trưởng phái bộ sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề Pháp Luân Công. Tôi biết rằng có hơn 1.000 mật vụ Trung Quốc và những người cung cấp thông tin đang cư trú tại Úc, và họ đã tham gia vào nỗ lực đàn áp Pháp Luân Công. Tôi tin rằng con số ở Hoa Kỳ sẽ cao hơn.
Trong thời gian tôi làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, khoảng hơn 100 phái đoàn do các quan chức cấp cao của Trung Quốc đứng đầu, từ cấp Thứ trưởng trở lên, đã đến thăm Sydney. Tất nhiên là dùng tiền thuế của người dân Trung Quốc. Tôi thường phải chăm sóc những quan chức tham nhũng này. Do vậy tôi có cơ hội nghe được nhiều thông tin nội bộ về việc người tập Pháp Luân Công bị bắt như thế nào; tất cả các tài nguyên quốc gia đã được sử dụng.
Bên trong Lãnh sự quán, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lý lịch bí mật về người tập Pháp Luân Công bị giết khi bị giam giữ. Những người này luôn bị buộc tội là “bất hợp tác” hoặc bị cho là đã “tự sát”, trong khi thực tế họ chết vì bị đối xử không đúng cách hoặc do sự tàn bạo của cảnh sát.
Chiến tranh trên đất Úc
Tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Pháp Luân Công là một trong những nhiệm vụ chính của các phái bộ Trung Quốc trên khắp thế giới.
Vào tháng 2 năm 2002, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney đã thành lập một thực thể có tên là “Nhóm đặc biệt đấu tranh chống Pháp Luân Công”, do Tổng lãnh sự và Phó Tổng lãnh sự đứng đầu. Nhóm này bao gồm đại diện từ tất cả các bộ phận của Lãnh sự quán, bao gồm Bộ phận Nghiên cứu Chính trị, Bộ phận Tuyên truyền Văn hóa, Bộ phận Quan hệ Hoa kiều, Phòng Thương mại, cũng như Phòng Giáo dục. Hai tuần một lần, nhóm này tổ chức một cuộc họp.
Năm 2002, khi tôi nhận trách nhiệm điều phối Nhóm Đặc biệt, cuộc họp được tổ chức cách tháng và hai năm rưỡi sau đó, nó được tổ chức hàng quý. “Vấn đề Pháp Luân Công” là ưu tiên của Lãnh sự quán, và đó là chuyện hàng ngày, là chuyện liên tục. Nhóm Đặc biệt là một phần của hệ thống Phòng 610 – một hệ thống được thiết kế để đàn áp Pháp Luân Công. Mô hình được sử dụng ở Úc cho “cuộc chiến tranh chống Pháp Luân Công” giống với mô hình được sử dụng ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác nơi Pháp Luân Công có mặt. Chính sách của Trung ương ĐCSTQ đối với các nhiệm vụ về Pháp Luân Công ở nước ngoài là “mỗi sự việc là một cuộc chiến, tùy ý tấn công, chủ động dồn ép”.
Một số biện pháp được thực hiện để tước bỏ “không gian tự do” của Pháp Luân Công như sau.
Tuyên truyền quy mô lớn
Trong nửa đầu năm 2002, các phái bộ ở Úc đã tổ chức “thành công” các cuộc triển lãm ảnh chống Pháp Luân Công. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney đã tổ chức triển lãm với danh nghĩa “Quảng bá văn hóa Trung Quốc lành mạnh và phản đối tà giáo”. Tổng lãnh sự nhanh chóng thuyết giảng đường lối của Đảng Cộng sản về Pháp Luân Công bất cứ khi nào tổ chức hoặc tham dự sự kiện nào đó.
Trong khi đó, nhân viên lãnh sự quán thường xuyên gửi thư chống Pháp Luân Công, bản tin, ghi chú, và các tài liệu in ấn khác cho các quan chức chính phủ Úc; họ cũng làm điều này thông qua nhiều tổ chức “hữu nghị” khác nhau khi cần thiết. Ví dụ vào năm 2004, trang web của Đại học Wollongong có đăng tải một bức ảnh về một gian thông tin của người tập Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sau khi có khiếu nại từ Hiệp hội Hữu nghị Sinh viên Trung Quốc, cơ quan do Lãnh sự quán kiểm soát, bức ảnh đã bị gỡ xuống trong vòng vài giờ.
Hàng năm, Lãnh sự quán phân phát vô số gói tài liệu chống Pháp Luân Công cho tất cả các cấp chính quyền New South Wales, các tổ chức phi chính phủ, thư viện, trường học và khách đến thăm Lãnh sự quán. Ngay cả khi nhân viên Lãnh sự quán đến thăm các vùng hẻo lánh của New South Wales, các tài liệu chống Pháp Luân Công cũng được mang theo để phân phát.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã trả tiền cho Đài Truyền hình Trung Quốc Sydney (dịch vụ do Kênh 31 cung cấp) cho một khung giờ vàng để phát sóng một chương trình CCTV là “Phỏng vấn tiêu điểm”, một chương trình chỉ trích Pháp Luân Công. Một số phương tiện truyền thông địa phương của Trung Quốc ở Sydney, chẳng hạn như Singtao Daily, Australian Express Daily (trước là 2AC Chinese Daily) và trang web “Chinatown Online”, tất cả đều theo sát Đảng trong việc đưa tin và trong các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công.
Một lần, một người tập Pháp Luân Công đã đấu thầu thành công chương trình “Phỏng vấn nửa giờ tùy chọn” do Đài phát thanh tiếng Quan Thoại 2AC sản xuất. Tuy nhiên, một quan chức Lãnh sự quán tham dự cuộc đấu thầu ngay sau đó đã yêu cầu đài đặt ra một số hạn chế nhất định cho cuộc phỏng vấn, và kết quả là người tập Pháp Luân Công đó phải hủy bỏ cuộc phỏng vấn.
Cưỡng chế kinh tế
Chính quyền bang New South Wales, quốc hội bang và hội đồng thành phố, cũng như Đảng Lao động và Đảng Tự do của bang này đã phải chịu áp lực về kinh tế, cũng như bị dụ dỗ về lợi ích kinh tế. Đối mặt với áp lực rất lớn, Bankstown, Rockdale, Hurstville, Burwood và các hội đồng thành phố khác đã hủy bỏ các nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công hoặc làm những việc ủng hộ chính sách đàn áp của ĐCSTQ. Công việc của Lãnh sự quán đã rất thành công, với kết quả là chỉ một số ít nghị sĩ và ủy viên hội đồng New South Wales sẵn sàng gặp Pháp Luân Công hoặc phát biểu trong các cuộc biểu tình thỉnh nguyện của họ. Không còn bất kỳ hội đồng thành phố nào dám gửi thư cảm ơn Pháp Luân Công.
Các phương pháp tiếp cận từ phương diện kinh tế đã khá thành công. Vào năm 2002, các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã quyết định trao hợp đồng nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng tỉnh Quảng Đông cho North West Shelf. Đây là một phần trong chiến lược “Khái niệm biên giới lớn” của Trung Quốc, nhằm giành được cả tài nguyên thiên nhiên và thỏa hiệp chính trị từ Úc. Lãnh sự quán ở Sydney đã xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều quan chức liên bang và tiểu bang bằng cách mời họ đến thăm Trung Quốc, thúc đẩy lợi ích kinh doanh cá nhân của các quan chức ở Trung Quốc và tổ chức bữa tối để vinh danh họ.
Hàng năm, nhiều quan chức Trung Quốc đến thăm Úc. Họ được giao nhiệm vụ sử dụng mọi dịp chính thức có thể để bôi nhọ Pháp Luân Công. Ông Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm Sydney vào tháng 5 năm 2005. Chắc chắn ông này không quên tố cáo Pháp Luân Công là một “tà giáo” khi nói chuyện với các nhân vật thân cộng sản ở cộng đồng người Hoa; điều này xảy ra bất chấp thực tế là không có cuộc biểu tình nào của Pháp Luân Công trong chuyến thăm của ông Ngô Bang Quốc.
“Mỗi sự việc là một cuộc chiến”
Lãnh sự quán đã ngăn cản thành công nỗ lực của người tập Pháp Luân Công nhằm tham gia cuộc diễu hành Lễ hội mùa xuân Trung Quốc. Lãnh sự quán đã nhiều lần buộc Cơ quan Đường sắt New South Wales và Công ty Sân bay Quốc tế Sydney gỡ bỏ các bảng quảng cáo lớn có in dòng chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” (những nguyên lý chính của Pháp Luân Công).
Để ngăn chặn việc khóa học ngoại khóa dành cho người Trung Quốc của trường Minh Huệ, một trường học có hiệu trưởng là một người tập Pháp Luân Công, nhận được tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo New South Wales, Lãnh sự quán đã gây áp lực rất lớn lên cơ quan này, và vụ việc vẫn bị mắc kẹt ở đó.
Trong khi đó, sau khi các thành viên Lãnh sự quán nói chuyện với Hội đồng Thành phố Fairfield, kế hoạch thiết lập một tác phẩm khắc đá “Chân, Thiện, Nhẫn” đã bị hủy bỏ.
Ngoài ra còn có một “danh sách đen” do Lãnh sự quán lưu giữ, trong đó có tên của những người tập Pháp Luân Công là người Úc. Điều này được sử dụng để kiểm soát và giám sát họ khi họ định xuất cảnh từ Úc.
Tuy nhiên, không phải tất cả các lần khiếu nại của Lãnh sự quán đều thành công. Vào tháng 5 năm 2003, đại diện của Lãnh sự quán đã khiếu nại tới chính quyền New South Wales và Hội đồng Sydney, bày tỏ phản đối một buổi biểu diễn văn hóa Trung Quốc, do người tập Pháp Luân Công tổ chức. Nhưng vụ việc đã kết thúc trong vô ích. Nhiều tổ chức cộng đồng người Hoa đã được huy động để viết thư hoặc gọi điện cho Thị trưởng và các ủy viên hội đồng thành phố. Lãnh sự quán đã đi xa đến mức chuẩn bị một bức thư theo kịch bản để mọi người ký và chuyển đến Hội đồng. Hội đồng đã đưa ra một chút hạn chế, họ tuyên bố rằng họ sẽ không cử bất kỳ quan chức nào tham dự sự kiện. Nhưng Hội đồng khẳng định rằng người tập Pháp Luân Công có quyền thuê Tòa thị chính Sydney theo hợp đồng thương mại.
Vận động cộng đồng người Hoa
Mỗi năm các quan chức Lãnh sự quán tham dự hàng trăm buổi sinh hoạt do cộng đồng người Hoa địa phương tổ chức. Trong mỗi sự kiện, Lãnh sự quán yêu cầu người chủ trì đảm bảo rằng “sẽ không có Pháp Luân Công”. Nhiều lần Lãnh sự quán đã thảo luận với cộng đồng về cách chống lại Pháp Luân Công, và thậm chí còn bắt đầu các chiến dịch trong đó mọi người ký đơn khiếu nại chống lại Pháp Luân Công.
Lãnh sự quán cũng đã trả phí để một số học giả về Trung Quốc đi đến Trung Quốc, với hy vọng khuyến khích họ lên tiếng phản đối Pháp Luân Công trên truyền hình hoặc viết một bài báo. Một số người xin thị thực đã được yêu cầu chửi bới những người Pháp Luân Công biểu tình thỉnh nguyện ở bên ngoài Lãnh sự quán.
Kiểm soát và giám sát
Lãnh sự quán đã hai lần chia sẻ với Tổng lãnh sự quán Nga tại Sydney danh sách những người tập Pháp Luân Công chính. Sau đó, lãnh sự quán Nga đã giúp chặn một số người tập Pháp Luân Công muốn vào Nga trong chuyến thăm của Giang Trạch Dân, lúc đó là chủ tịch Trung Quốc.
Tất cả các trường dạy tiếng Hoa ở New South Wales đều sử dụng sách giáo khoa do Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của Quốc vụ viện Trung Quốc phát hành. Chỉ có một trường không sử dụng: trường Minh Huệ ở Sydney, ngôi trường có “liên quan đến người tập Pháp Luân Công”.
Mỗi năm, hơn 20 người tập Pháp Luân Công gặp khó khăn tại Lãnh sự quán Trung Quốc khi họ tìm cách gia hạn thị thực hoặc hộ chiếu Trung Quốc. Những công dân Trung Quốc muốn gia hạn hộ chiếu thường bị tịch thu thay vì gia hạn.
Một số người gốc Hoa và sinh viên từ Trung Quốc đã được khuyến khích trà trộn vào cộng đồng Pháp Luân Công, với mục đích thu thập thông tin về họ. Phần thưởng là vé xem biểu diễn văn nghệ, bữa tối miễn phí, quà tặng hoặc tiền mặt.
Đây chỉ là một vài ví dụ về những gì mà ĐCSTQ khiến người tập Pháp Luân Công tại bang New South Whales, Úc, phải chịu đựng. Các hoạt động tương tự được thực hiện ở các quốc gia khác, ở bất cứ nơi nào có mặt người tập Pháp Luân Công.
Không có tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cần phải chấm dứt cuộc đàn áp của Đảng đối với Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác.
Lời chứng của ông Trần Dụng Lâm được đăng tải trên Faluninfo.net
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
- Vài mẩu chuyện đời về những người bị Trung Cộng tẩy não ở New York
- Mùa hè câm lặng: Hồi ức của một sinh viên Mỹ về “mùa hè đen tối” tại TQ
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện cuộc sống sau bức hại