DAFOH: Lời của ông Hoàng Khiết Phu bên lề Hội nghị WHO có đáng tin?
- Minh Ngọc
- •
Gần đây kênh truyền thông của Đại Lục đưa tin về việc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu một lần nữa “phân trần” cho hệ thống cấy ghép nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một sự kiện bên lề Hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiến sĩ Torsten Trey, Chủ tịch Hiệp hội các Bác sĩ chống Mổ cướp nội tạng (DAFOH) đã phát biểu với EpochTimes rằng những tuyên bố về cải cách cấy ghép tạng của Trung Quốc trước sau không đồng nhất, và “Ông Hoàng Khiết Phu không cung cấp bất kỳ phương thức nào để truy cập vào hệ thống dữ liệu công khai minh bạch về cấy ghép tạng, nên suy cho cùng thì nguồn gốc những cơ quan tạng dùng trong cấy ghép không thể xác minh được.”
Ông Hoàng Khiết Phu tuyên bố, từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2018, tại Trung Quốc đã có 17.085 trường hợp hiến tạng tự nguyện thành công sau khi qua đời. Cần chú ý là thành viên tham gia sự kiện bên lề Hội nghị WHO này chỉ bao gồm đại diện của một số nước như Tây Ban Nha, Nga, Uruguay và Qatar.
Từ năm 2000, ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc tăng tốc đột biến. Thông thường tại các quốc gia khác, cấy ghép nội tạng thường phải mất thời gian dài chờ đợi nguồn tạng, có thể lên tới vài năm, trong khi ở Trung Quốc, chỉ trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày là có thể được cấy ghép tạng. Trước câu hỏi về nguồn tạng từ đâu mà dồi dào và sẵn có như vậy, ĐCSTQ chưa bao giờ đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Năm 2006, tại Washington D.C. có hai nhân chứng đã công khai đứng ra xác nhận việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng sống từ những người tập Pháp Luân Công. Năm 1992, khi Pháp Luân Công truyền ra xã hội, môn thực hành này đã nhanh chóng phổ biến trên khắp Trung Quốc nhờ những lợi ích to lớn về nâng cao đạo đức và sức khỏe. Nhưng từ sau năm 1999, khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhiều người theo học môn tu luyện này đã bị bắt giữ và biết mất một cách bí ẩn.
Cam kết của ĐCSTQ đối với cộng đồng quốc tế trước sau không đồng nhất
Nhận xét của tiến sĩ Torsten Trey về sự mâu thuẫn trong cam kết của ĐCSTQ về cấy ghép tạng trước cộng đồng quốc tế dựa trên hai ví dụ như sau.
Năm 2001, khi Vương Quốc Tề, một người Trung Quốc đứng ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ về việc ĐCSTQ sử dụng nội tạng từ tử tù, quan chức ĐCSTQ đã một mực khẳng định đó là lời nói dối không đáng tin cậy. Tuy nhiên, đến năm 2015, chính ĐCSTQ lại thừa nhận rằng 90% nội tạng cấy ghép là từ các tù nhân bị hành quyết.
Một ví dụ khác là trong Hội nghị về buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng tại Vatican năm 2017, các quan chức Trung Quốc đã khẳng định trước toàn thể thành viên tham dự rằng Trung Quốc không có du khách đến du lịch ghép tạng, nếu như có xảy ra thì đó chỉ là trường hợp cá biệt.
>>Hội nghị thượng đỉnh Vatican: Chất vấn Trung Quốc về nguồn gốc nội tạng
Tuy nhiên, cuối năm 2017, Đài truyền hình Hàn Quốc Chosun đã phát sóng bộ phim tài liệu có tên “Báo cáo điều tra 7”, trong đó đoàn làm phim đã bí mật điều tra hiện tượng khách du lịch y tế Hàn Quốc đến Trung Quốc phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Họ đã đến một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, vùng Đông Bắc Trung Quốc, đóng vai tìm hiểu phẫu thuật ghép tạng cho một bệnh nhân Hàn Quốc bị bệnh thận. Theo những gì điều tra được, ước tính từ năm 2000 đến nay trung bình mỗi năm có tới hàng trăm người Hàn Quốc đến Thiên Tân ghép tạng. Bệnh viện Thiên Tân thậm chí có một tòa nhà nhiều tầng dành riêng cho việc cấy ghép tạng với công suất 500 giường. Và nếu như vậy thì đây không thể coi là trường hợp cá biệt mà có tính hệ thống và kéo dài suốt nhiều năm. Điều này rõ ràng trái với tuyên bố hùng hồn của ĐCSTQ tại Vatican trước đó.
>>TV Chosun Hàn Quốc nói về chủ đề “Giết rồi mới có thể sống”
Có bao nhiêu người đăng ký có thể thực sự hiến tạng thành công?
Theo thông báo chính thức trên truyền thông của ĐCSTQ, tính đến ngày 4/5 vừa qua, số người tình nguyện hiến tạng tại Trung Quốc đạt đến con số 420.000 người. Và trong năm 2017, có 5.146 trường hợp hiến tặng nội tạng thành công sau khi người đăng ký hiến tạng qua đời.
Còn theo thông lệ quốc tế, thì có bao nhiêu cơ quan tạng được hiến tặng có thể thực sự được sử dụng cho cấy ghép tạng?
Tiến sĩ Torsten Trey cho biết: “Căn cứ vào tỷ lệ tử vong trung bình 7/1000, vào bệnh trạng, lối sống, tuổi tác và nguyên nhân tử vong của người hiến tạng, mà đến cuối cùng chỉ có 1-2% số người đăng ký hiến tặng đáp ứng đủ các yêu cầu và có thể hiến tạng thành công.”
Nếu tính toán theo tỷ lệ trên, năm 2017 với 420.000 người đăng ký hiến tạng, ước tính sẽ có khoảng 2.940 người qua đời, trong đó chỉ có 1-2% trong số này có thể cung cấp tạng phù hợp cho cấy ghép, tức là chỉ từ 29-58 người hiến tạng thành công. Thế nhưng, ĐCSTQ lại đưa ra con số 5.146 trường hợp hiến tạng thành công, so sánh với con số tính toán thì chênh lệch quá lớn và khẳng định là còn tồn tại một nguồn nội tạng “khổng lồ” khác ngoài số hiến tặng công khai.
Các bệnh viện ở Trung Quốc cần phải công bố minh bạch số ca ghép tạng hàng năm
Tiến sĩ Torsten Trey cho rằng, bất cứ bệnh viện nào ở Trung Quốc có tham gia hoạt động cấy ghép tạng cần phải công bố công khai số ca cấy ghép hàng năm. “Cần phải yêu cầu ĐCSTQ áp dụng các tiêu chuẩn cao như bên phương Tây để đảm bảo tính minh bạch trong cấy ghép tạng, mỗi một bệnh viện cần đưa số liệu thực tế hàng năm, như vậy mới có thể tiến hành thẩm tra và kiểm chứng tổng số ca cấy ghép tại Trung Quốc Đại Lục.”
Không thể chỉ vì lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề y đức. Tiến sĩ Torsten Trey nhấn mạnh: “Tổ chức Y tế Thế giới không chỉ nên nghe tuyên bố cải cách một phía từ quan chức ĐCSTQ, còn cần phải nghe tiếng nói từ những người bị hại. Rất nhiều bằng chứng không thể chối cãi cho thấy số lượng lớn những người tập Pháp Luân Công đã bị mổ cướp sống nội tạng mà tử vong. Tội ác phản nhân loại này của ĐCSTQ sẽ không thể xóa bỏ bằng bất kỳ hình thức cải cách nào.”
Cho dù ĐCSTQ hoàn toàn phủ nhận việc sử dụng nội tạng từ các nhóm tù nhân lương tâm như người tập Pháp Luân Công hay người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nhưng sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc và quy trình hiến tạng đủ để cộng đồng quốc tể đặt dấu chấm hỏi nghi ngờ tội ác mổ cướp tạng tàn bạo này đang tiếp tục diễn ra..
Tiến sĩ Torsten Trey nói thêm: “Nếu chúng ta không biết điều gì đã xảy ra với ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc diễn ra trong 20 năm qua, chúng ta không thể biết liệu ĐCSTQ còn đang tiếp tục lạm dụng cấy ghép nội tạng hay đã thực sự thay đổi?”
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Hoàng Khiết Phu Bức hại Pháp Luân Công Mổ lấy nội tạng