ĐCSTQ đã gài bẫy Pháp Luân Công từ trước sự kiện ngày 25/4/1999
- Lý Duyên
- •
Cuộc thỉnh nguyện “quy mô lớn nhất, lý trí, ôn hòa nhất, và trọn vẹn nhất” trong lịch sử Trung Quốc của hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh ngày 25/4/1999 đã bị bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ vu khống thành “bao vây Trung Nam Hải”. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã lợi dụng việc này để lấy cớ đàn áp Pháp Luân Công. Ba cựu quan chức công an của ĐCSTQ chứng kiến cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4 đã xác nhận rằng hệ thống an ninh chính trị của ĐCSTQ đã âm mưu hãm hại Pháp Luân Công từ nhiều năm trước.
Kể từ khi được Sư phụ Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng năm 1992, Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã nhận được sự hoan nghênh của người dân trên khắp thế giới. Chỉ sau mấy năm ngắn ngủi đã có hơn trăm triệu người bước vào luyện tập. Tác phẩm chính của Pháp Luân Công là cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” đã được “Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh” đưa vào danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất ở Bắc Kinh năm 1996.
Cục An ninh Quốc gia thêu dệt tội danh từ 5 năm trước sự kiện 25/4/1999
Ông Chung Quế Xuân (Zhong Guichun), người hiện sống ở New Zealand, từng là Trưởng phòng An ninh Chính trị, Chi nhánh Phong Đài thuộc Cục Công an thành phố Bắc Kinh, đã từng có thời gian dài tham gia vào việc giám sát các nhóm dân tộc, tôn giáo, bất đồng chính kiến và các nhóm khí công. Ông đã tiếp xúc với tất cả các môn khí công từ năm 1978 và bước vào vào con đường tu luyện Pháp Luân Công vào những năm 1990.
Ông Chung cho biết: “Công việc của chúng tôi là thu thập thông tin tình báo, xem xét liệu có bất kỳ tổ chức ‘phi pháp’ nào không và liệu họ có đứng về phía Đảng hay không. Nếu không, họ sẽ bị xóa sổ”. Ông Chung nói rằng Giang Trạch Dân đề xuất cần ổn định, còn Cục Công an thì tin rằng số học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh là quá nhiều, mà vào thời điểm đó, Cục An ninh Chính trị sắp bị giải thể, nên muốn làm gì đó để bảo vệ bản thân.
Vào tháng 11/1993, khi phụ trách liên hệ với lớp học thứ 14 của Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, ông Chung bị đình chỉ chức vụ, khóa học sau đó bị hủy bỏ. Tối hôm đó, hơn một trăm cảnh sát mặc thường phục đã tấn công hơn 3.000 học viên đã đặt vé tham gia lớp học, ý đồ tạo bằng chứng gây rối, nhưng nhận thấy rằng Pháp Luân Công có “kỷ luật rất tốt.”
Cục An ninh Chính trị tin rằng Pháp Luân Công dễ lợi dụng, vì vậy họ đã bắt đầu các cuộc điều tra bí mật vào năm 1994 và bôi nhọ rằng “Pháp Luân Công được tổ chức chặt chẽ” nhằm lấy lòng chính quyền trung ương.
Ông Chung nói rằng cảnh sát đã gài bẫy Pháp Luân Công từ rất sớm, “Khi các môn khí công khác xảy ra vấn đề, họ cũng (dùng nó để) vu khống Pháp Luân Công”, “người dân không biết nội tình, và những người không phải là nhân viên Cục An ninh Chính trị cũng không biết sự thật”. Từ Bắc Kinh đến Cục I Bộ Công an (Cục An ninh Chính trị), Thủ tướng Chu Dung Cơ, người phụ trách kinh tế đều không biết gì về âm mưu của Cục An ninh Chính trị, Giang Trạch Dân lúc đầu không rõ ràng, trong khi La Cán (Luo Gan), khi đó là thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, biết rất rõ nội tình.
Vào tháng 2/1999, tạp chí US News & World Report dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao ĐCSTQ cho biết, “Pháp Luân và các môn khí công khác có thể tiết kiệm cho mỗi người 1.000 Nhân dân tệ chi phí y tế hàng năm và nếu 100 triệu người tập mỗi ngày, vậy là có 100 tỷ Nhân dân tệ tiết kiệm được mỗi năm về chi phí y tế. Ông Chu Dung Cơ rất vui vì điều này. Đất nước có thể sử dụng tốt hơn số tiền đó.”
La Cán đã hai lần gán nhãn “tôn giáo X” cho Pháp Luân Công vào năm 1997 và 1998 để tiến hành đàn áp. Cảnh sát, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và các đặc vụ đã được cử đến các địa điểm tập của Pháp Luân Công để hoạt động như các đặc vụ ngầm, nhưng chỉ phát hiện rằng Pháp Luân Công tất cả đều công khai và miễn phí, nhiều người đã trở thành học viên chân chính. Khi đó, ông Chu Dung Cơ đã gọi điện cho La Cán và nói rằng “những vụ án lớn thì không dụng tâm điều tra mà lại sử dụng những phương pháp đặc vụ tiên tiến nhất để đối phó với những người dân thường!”
Cục An ninh Chính trị cũng nhiều lần lên kế hoạch điều các đội tuần tra, chống bạo loạn và quản lý đô thị để quấy rối các học viên Pháp Luân Công khi đang luyện tập ngoài trời. Đồng thời, vào năm 1996, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản đã áp đặt lý do “cổ vũ mê tín dị đoan” để cấm xuất bản các sách của Pháp Luân Công.
Cựu quan chức an ninh quốc gia Thiên Tân Hách Phượng Quân (Hao Fengjun) cũng xác nhận rằng khi ông làm việc tại Phòng 610 vào năm 2000, ông đã nhìn thấy rất nhiều dữ liệu và hồ sơ theo dõi các học viên Pháp Luân Công. Ông tin rằng không thể thu thập lượng dữ liệu lớn như vậy trong vòng một hoặc hai năm, mà chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại về Pháp Luân Công.
Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, tất cả 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào thời điểm đó đã đọc sách Chuyển Pháp Luân, và tất cả họ đều có thành viên gia đình tu luyện Pháp Luân Công, bao gồm cả vợ của Giang Trạch Dân là bà Vương Dã Bình. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân lại có tính đố kỵ vô cùng bất thường đối với Pháp Luân Công, theo lời của Giang, “Ngay cả vợ tôi cũng tin tưởng Lý Hồng Chí, thì ai còn tin Tổng Bí thư này đây?”
“Giang Trạch Dân rất ghen tị. Khi nhìn thấy một Sư phụ Pháp Luân Công của chúng tôi như vậy, ông ta ghen tị không chịu nổi!”. Ông ta còn “rất sợ số lượng người tập Pháp Luân Công nhiều như vậy, cả hơn trăm triệu người tập,” ông Chung cho biết.
Vụ bắt giữ bạo lực ở Thiên Tân thể hiện rõ dã tâm của La Cán
Ngày 11/4/1999, tạp chí “Khoa học và Công nghệ Thanh niên” của Học viện Giáo dục Thiên Tân đã cho đăng bài viết nhan đề “Tôi không tán thành những người trẻ tuổi tập luyện khí công” của tác giả Hà Tộ Hưu, anh rể của La Cán. “Côn đồ khoa học” Hà Tộ Hưu, kẻ được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc, đã cho gửi đăng bài khắp nơi công kích khí công là “ngụy khoa học“.
Năm 1998, Hà Tộ Hưu vu khống Pháp Luân Công trên đài truyền hình Bắc Kinh là có hại cho nhân dân. Sau đó, bằng trải nghiệm cá nhân của mình, các học viên Pháp Luân Công giảng sự thật cho giới truyền thông thông, Hà Tộ Hưu mất đất tuyên truyền ở Bắc Kinh, lại chuyển về Thiên Tân tiếp tục đăng bài ám chỉ rằng tập Pháp Luân Công sẽ gây ra những vấn đề lớn và thậm chí làm suy yếu quốc gia.
Diễn biến từ ngày 19 – 23/4, hàng ngàn học viên Thiên Tân đã đến tòa soạn tạp chí Khoa học để nói rõ sự thật, người phụ trách hiểu ra sự việc và chuẩn bị đăng tuyên bố đính chính. Tuy nhiên, sự việc bất ngờ đảo chiều vào ngày 23/4, tòa soạn không tiếp nhận lý lẽ của những người tập Pháp Luân Công, còn chính quyền Thiên Tân thì điều động cảnh sát vũ trang đến đánh đập và bắt giữ 45 người khiếu nại.
Ông Hác Phượng Quân, người cũng có mặt hôm xảy ra vụ việc, kể rằng toàn bộ đội cảnh sát của ông nhận lệnh khẩn tập trung đến đó, nhưng nhận ra không có đánh nhau hoặc gây rối trật tự công cộng như lệnh của cấp trên cho biết; camera giám sát cũng cho thấy “Các học viên Pháp Luân Công chỉ đang ngồi dưới sàn”, “Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, ông Hác Phượng Quân nói, các học viên Pháp Luân Công sau đó đã bị đánh đập và bắt đưa đi.
Các hành động bạo lực của cảnh sát đã thể hiện rõ dã tâm của La Cán, chính là thêu dệt tội danh, chuẩn bị tấn công Pháp Luân Công.
Ông Chung Quế Xuân được các học viên kể lại rằng Sở Công an Thiên Tân sẽ không thả người, “Vậy thì chúng ta sẽ khiếu nại lên cấp cao hơn, chỉ còn có cách lên Bắc Kinh, Ủy ban Trung ương và Văn phòng Thỉnh nguyện.” Ông cho biết, “Các học viên nói với tôi rằng họ sẽ đến Văn phòng Thỉnh nguyện (Hội đồng Nhà nước) để kiến nghị vào ngày 25/4”. Ông cho rằng Công an Thiên Tân cố tình không giải quyết vấn đề và cố ý làm to chuyện để dò xem phản ứng của Pháp Luân Công.
Cựu Phó Cục trưởng Cục 11 Bộ Công an Diệp Hạo cũng là một học viên Pháp Luân Công từng đích thân chứng kiến cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4. Ông nhớ lại, “Thiên Tân bắt người, Thiên Tân xem xét và thông báo bắt nhầm; tuy nhiên sau đó thì lật lọng, nói rằng đây là lệnh từ Bắc Kinh, muốn gì thì lên Bắc Kinh mà khiếu nại”.
Giang Trạch Dân và La Cán cấu kết phát động cuộc đàn áp
Vào ngày 25/4, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công Bắc Kinh và các khu vực lân cận biết tin đã tự phát tập trung về Văn phòng Thỉnh nguyện của Quốc vụ viện Trung Nam Hải. Cùng ngày, cảnh sát Bắc Kinh, cảnh sát vũ trang và cảnh sát thường phục đều được điều đến, nhưng không tìm được lý do gì để ra tay.
Đêm đó, đích thân Giang Trạch Dân đã viết thư tay chuyển cho các cán bộ cấp cao, gọi Pháp Luân Công là “X giáo”, cáo buộc “có kẻ đứng sau giật giây” “lên kế hoạch và chỉ đạo” việc lên Bắc Kinh kiến nghị, nói rằng “Tôi không tin là chủ nghĩa Mác không thể đánh bại Pháp Luân Công!”
Giang Trạch Dân tức giận cho họp các Ủy viên Bộ Chính trị ngay ngày hôm sau để thông qua báo cáo của La Cán. Theo cuốn “Thế hệ thứ tư” của tác giả Tông Hải Nhân ghi lại, mặc dù không có người tổ chức, các học viên Pháp Luân Công đã thỉnh nguyện một cách trật tự ôn hòa, nhưng La Cán lại nói rằng Pháp Luân Công “thực tế có mục đích chính trị đằng sau”; còn khai man là “có thành phần phức tạp”,” không chỉ cạnh tranh quần chúng với đảng, mà còn lôi kéo đảng viên.”
Cuốn sách “Con người Giang Trạch Dân” nhắc lại chuyện tại cuộc họp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, có đến 6 người đã bày tỏ ý phản đối ý đồ đàn áp của Giang Trạch Dân. Có chi tiết Giang Trạch Dân “đột nhiên đứng phắt dậy”, chỉ mặt ông Chu Dung Cơ và gào lên: “Hồ đồ! Đúng là hồ đồ! Đây là vấn đề tồn vong của đảng và nhà nước! Tôi rất buồn”, buộc tội Chu Dung Cơ “thiếu nhạy bén về chính trị”.
La Cán chớp thời cơ nhảy vào hỏi ngay: “Vậy ý Tổng Bí thư tính thế nào?”
Giang Trạch Dân vung tay hét lên: “Tiêu diệt! Tiêu diệt! Kiên quyết tiêu diệt!”. Giang Trạch Dân giao cho La Cán chịu trách nhiệm điều tra và lục soát quy mô lớn trên toàn quốc. Trong vòng chưa đầy hai tháng, La Cán đệ trình lên Giang một tập báo cáo, kết luận Pháp Luân Công là “tôn giáo X” và đề xuất lệnh cấm.
Vào tháng 10/2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nâng cấp phòng An ninh Chính trị thuộc các Cục Công an lên thành Cục An ninh Nội địa, gộp chung công việc của các bộ phận an ninh chính trị cũ lại thành Phòng 610, tăng lên biên chế và kinh phí, toàn lực đối phó với Pháp Luân Công. Nhờ việc đàn áp tàn ác đối với Pháp Luân Công, La Cán lấy được lòng Giang Trạch Dân, năm 2002 khi Giang Trạch Dân nắm quyền, La Cán cũng lấy được một ghế Ủy viên trong Thường vụ Bộ Chính trị. Sau khi Giang Trạch Dân về vườn, La Cán trở thành tác nhân chính tiếp tục chính sách đàn áp nói trên.
Nhà bình luận thời sự Thạch Cửu Thiên nói rằng vụ thỉnh nguyện ngày 25/4 ban đầu là do Giang Trạch Dân và La Cán cố ý giăng bẫy. Giang và La kẻ tung người hứng tại cuộc họp ngày 26/4, công khai cố chấp làm theo ý mình đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Hác Phượng Quân thẳng thắn rằng vụ việc ngày 25/4 đã được lên kịch bản chi tiết, các học viên Pháp Luân Công chỉ là vật tế.
Tại thời điểm xảy ra sự kiện, ông Ethan Gutmann, một danh nhân kinh tế Mỹ, tác giả cuốn “Trung Quốc mới đã mất” đang ở Bắc Kinh. Sau này, ông kể lại: “Trên thực tế, chúng tôi từng trao đổi với một lãnh đạo cấp trung, người rất ủng hộ đảng. Ông ấy tuyên bố rằng quyết định đàn áp Pháp Luân Công đã có từ sớm trước khi công khai ra ngoài. Như vậy xem ra “ngày 25/4” chỉ là một cái cớ (để đàn áp).”
Ông Gutmann tin rằng các học viên Pháp Luân Công dễ sa bẫy là bởi vì “vào thời đó mọi người không biết rằng đó là cái bẫy.”
Lý Duyên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Giang Trạch Dân Cuộc thỉnh nguyện ngày 25.4 La Cán Dòng sự kiện Pháp Luân Công