Theo The Telegraph (Anh) ngày 3/7, dẫn nguồn từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính quyền Trung Quốc dự định đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm 6 trung tâm y tế có chức năng cấy ghép nội tạng tại Tân Cương, nâng tổng số bệnh viện loại này lên 9 cơ sở, vượt xa nhu cầu y tế thông thường của khu vực. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mở rộng quy mô hoạt động “cưỡng bức mổ cướp nội tạng” tại Tân Cương.

id14544328 0e3e66b1a6ee189ba7f23f5dc988cd50
Các trại tập trung Tân Cương trên bản đồ vệ tinh của Google. (Ảnh chụp màn hình trang web)

Theo tổ chức nhân quyền “Chấm dứt nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc” (End Transplant Abuse in China, gọi tắt là ETAC), hiện Tân Cương, nơi có khoảng 26 triệu dân, đang có 3 bệnh viện và trung tâm y tế thực hiện việc cấy ghép nội tạng. Trong số 6 trung tâm mới dự kiến xây thêm, có tới 4 trung tâm đặt tại thủ phủ Urumqi.

So sánh với tỉnh Quý Châu, nơi có 39 triệu dân nhưng chỉ có 3 bệnh viện thực hiện cấy ghép nội tạng, cho thấy quy mô mở rộng ở Tân Cương là bất thường. Hơn nữa, tỷ lệ hiến tạng ở Tân Cương chỉ đạt 0,69 người trên mỗi triệu dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 4,6 người. Điều này càng khiến giới quan sát nghi ngờ.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn ETAC, bà Wendy Rogers, cho biết chính quyền Trung Quốc thường xuyên lấy nội tạng từ các tù nhân khỏe mạnh mà không được sự đồng ý của họ, thậm chí một số nạn nhân còn tử vong ngay trong quá trình mổ cướp nội tạng.

Bà nhấn mạnh, người Duy Ngô Nhĩ, phần lớn là tín đồ Hồi giáo không uống rượu, được coi là nguồn cung nội tạng lý tưởng. Trước đó, các học viên Pháp Luân Công, cũng là những người không hút thuốc, không uống rượu và có lối sống lành mạnh, từng là nhóm nạn nhân bị mổ cướp nội tạng đầu tiên. Sau này, người Duy Ngô Nhĩ cũng trở thành đối tượng bị đàn áp quy mô lớn.

Sau khi trốn thoát khỏi Trung Quốc, bác sĩ người Kazakhstan, bà Sayragul Sauytbay, từng tiết lộ đã tận mắt chứng kiến trong các trại giam ở Tân Cương, sau những cuộc “khám sức khỏe”, một số tù nhân bị đánh dấu và sau đó nhanh chóng “biến mất”, nghi ngờ bị mổ lấy nội tạng.

Học viên Pháp Luân Công Trình Bội Minh (Cheng Pei Ming) từng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, kể lại việc ông bị ĐCSTQ cưỡng chế mổ cướp nội tạng vào năm 2004.

Năm 2024, ông tiết lộ tại Mỹ rằng phần thùy trái gan và một phần phổi của ông đã bị mổ cướp, sau đó ông thoát chết và tị nạn sang Mỹ.

Các lời khai và cuộc điều tra cho thấy ngành công nghiệp ghép tạng của ĐCSTQ sử dụng người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, trẻ em và người dân mất tích làm “nguồn cung nội tạng”, với 60.000–100.000 ca ghép mỗi năm, cao hơn rất nhiều so với 10.000 ca được công bố chính thức.

Năm nay nghị sĩ Mỹ Chris Smith đã đề xuất một dự luật mới, gọi hành vi của ĐCSTQ là “giết người trá hình y học”, đồng thời kêu gọi áp dụng chế tài đối với những cá nhân tham gia.

Ngày 8/5/2024, La Soái Vũ, 28 tuổi, bác sĩ thực tập khoa ghép thận của Bệnh viện Tương Nhã số 2 trực thuộc Đại học Trung Nam, Hồ Nam, rơi từ tầng 15 của một khu dân cư gần bệnh viện và thiệt mạng. Giống như thường lệ, phía chính quyền nhanh chóng kết luận đó là một vụ “tự sát”.

Tuy nhiên, cha mẹ La Soái Vũ phát hiện dấu hiệu giằng co trong ký túc xá, mảnh kính vỡ trên giường, dữ liệu máy tính bị xóa, và điện thoại gửi một tin nhắn kỳ lạ 7 phút sau khi anh rơi. La Soái Vũ từng khẳng định rằng mình không bao giờ tự sát. Những nghi vấn này cho thấy đây có thể là một vụ giết người.

Điều càng chấn động hơn là sau khi khôi phục dữ liệu từ máy tính của con trai, bố mẹ La Soái Vũ tìm thấy 1.119 trang tài liệu chứng cứ, vạch trần tội ác mổ cướp và buôn bán nội tạng người bất hợp pháp do Bệnh viện Tương Nhã số 2 thuộc Đại học Trung Nam thực hiện.