ĐCSTQ dùng công nghệ cao để giám sát và điều khiển quân nhân
- Trí Đạt
- •
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ thường cổ súy chuẩn bị chiến tranh, và đã tăng cường tấn công bằng các bài viết và đe dọa quân sự nhắm vào Đài Loan, nhưng tinh thần chiến đấu của binh lính ĐCSTQ thì sao? Việc ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để tăng cường kiểm soát quân đội đã được chú ý đến.
Theo dõi tư tưởng của binh lính theo thời gian thực
Ngày 21/1, ông Tập Cận Bình tiếp tục thăng hàm cho 7 thượng tướng, 5 trong số đó là cán bộ công tác chính trị.
Vào ngày 8/2, Khương Bình (Jiang Ping), chính ủy Lực lượng Không quân thuộc Chiến khu Tây Bộ, đã đăng một bài viết có ký tên trên tờ ‘Nhân dân Nhật báo’. Bài viết có tiêu đề “Cung cấp một bảo đảm chính trị và lý tưởng mạnh mẽ để thúc đẩy một sự nghiệp quân sự vững mạnh”, bày tỏ lòng trung thành đối với ông Tập Cận Bình .
Tờ ‘Báo Giải phóng Quân’ của ĐCSTQ đã đăng một bài viết vào ngày 8/2 với tựa đề “Mang theo ghi chép tay của người lính – Trào phúng trong vòng tròn bạn bè là gì?“, tác giả bài viết là Thi Vĩ (Shi Wei), chỉ đạo viên chính trị của một lữ đoàn pháo binh thuộc Tập đoàn quân 73 của ĐCSTQ.
Theo bài viết, trước đây những cán bộ công tác chính trị này có thói quen tìm hiểu lâm lý chiến sĩ thông qua “ăn cơm thì xem lượng cơm, ngủ thì xem tướng ngủ”, hiện giờ cần học cách bắt chuẩn mạch tư tưởng của cán bộ chiến sĩ từ việc “đăng bài (trên mạng xã hội) thì xem tư tưởng, nhận được bài viết thì xem (biểu hiện) tình cảm, kết giao bạn bè thì xem vòng tròn bạn bè”.
Ngày thường, vị chỉ đạo viên này lướt điện thoại, quan sát nhất cử nhất động của các cán bộ chiến sĩ đại đội trong vòng tròn bạn bè. Ông tự giới thiệu, “Để nắm bắt rõ hơn diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đại đội, tôi dần tạo thói quen để ý đến vòng tròn bạn bè của cán bộ chiến sĩ.”
Ví dụ, ông nhận thấy rằng Mã Vĩ Hào (Ma Weihao), binh nhì lớp 3, “đã không đăng bất kỳ tin tức nào trong một thời gian”. Điều này khiến ông chú ý, và lập tức tìm lớp trưởng của lớp này để tìm hiểu…
“Chỉ đạo viên” là gọi tắt của “chỉ đạo viên chính trị”. Trong quân đội ĐCSTQ, cán bộ công tác chính trị cấp đại đội được gọi là chỉ đạo viên; cán bộ công tác chính trị cấp tiểu đoàn là chính trị viên; cấp trung đoàn trở lên được gọi là chính ủy.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đã giới thiệu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Epoch Times vào tháng 8 năm ngoái, rằng quân đội Trung Quốc có hệ thống chính trị và hệ thống quân sự. Nhìn bề ngoài, quân sự và chính trị được chia thành tỷ lệ ‘ba – bảy’, bảy phần huấn luyện quân sự, ba phần giáo dục chính trị. Nhưng thường thì chính trị được ưu tiên hơn. Ví dụ, có cuộc họp ở cấp trên, thì bên dưới ‘phải học tập và quán triệt’ tinh thần của hội nghị. “Chẳng hạn như ở trung đoàn bay chúng tôi thì nói: Ồ, thời tiết này rất tốt, huấn luyện bay được. Nhưng chính ủy nói không được, hôm nay phải quán triệt tinh thần chỉ thị của đảng ủy cấp trên. Đó chính là quân sự phải nhường đường cho chính trị.”
Ông Diêu Thành nói: “Quân đội ĐCSTQ hiện nay chính ủy to hơn tư lệnh. Vì sao? Chính ủy là Bí thư đảng ủy, đảng lãnh đạo tất cả. Vậy thì đánh trận như thế nào? Để cho chính ủy vác súng đi đánh trận thì anh ta cũng sẽ không biết sử dụng. Họ chuyên môn gây khó dễ và mách lẻo tư lệnh.”
Phát triển và thiết kế một hệ thống đặc biệt để kiểm soát diễn biến tư tưởng của binh lính
Vào ngày 3/12/2021, tờ ‘Báo Giải phóng Quân’ đã đăng một bài viết giới thiệu cách một trung đoàn của Lực lượng Tên lửa sử dụng một hệ thống để phân tích suy nghĩ quân nhân, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các vấn đề trong nội bộ quân đội.
Bài viết nói rằng: “Tiểu Nhậm, một lính cấp cao của một đại đội, gần đây tinh thần sa sút và tính tích cực trong công việc không cao …” Gần đây, Phạm Chấn (Fan Zhen), một sĩ quan Phòng Công tác Chính trị của một trung đoàn của Binh chủng Tên lửa đã nhấp chuột để vào nền tảng quản lý của hệ thống “Nắm bắt nhanh tình hình binh lính” của trung đoàn, và dòng thông tin với phông chữ màu đỏ đã thu hút sự chú ý của Phạm. Sau khi nhận được thông tin khẩn cấp, Phạm Chấn đã ngay lập tức thông báo tình hình liên quan cho chủ quản đại đội của Tiểu Nhậm.
Theo giới thiệu, đây là bộ hệ thống “Nắm bắt nhanh tình hình binh lính” do trung đoàn này phát triển và thiết kế dựa trên “mạng lưới quân sự vững chắc” (kho dữ liệu lớn), mục đích là “nắm bắt chính xác diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ”.
Hệ thống “Nắm bắt nhanh tình hình binh lính” này đã thiết lập nhiều phần theo chủ đề. Thông qua bài phát biểu của các sĩ quan và binh sĩ ĐCSTQ với các phần như “Tôi có điều muốn nói” và “Khu vực bài đăng của doanh trại quân đội”, hệ thống có thể tự động tạo ra biểu đồ chỉ số, biểu đồ xu hướng biến đổi để phản ánh diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ dựa vào nội dung các phần này. Đối với một số trường hợp đặc biệt, hệ thống cũng sẽ tự động gửi cảnh báo đến người quản lý.
Bài viết tuyên bố, đây là trọng tâm của trung đoàn nhằm theo dõi sát vấn đề thực tế của bộ đội và tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Sử dụng dữ liệu lớn để phân tích đặc điểm tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, căn cứ vào đó phán đoán những nguy cơ mâu thuẫn cho phù hợp.
Chuyên gia quân sự Đài Loan Lâm Dĩnh Hựu nói với Epoch Times rằng những việc làm của ĐCSTQ sẽ có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, ông cho rằng ĐCSTQ nhấn mạnh rất nhiều khóa học chính trị trong việc kiểm soát ý chí chiến đấu của quân đội, và càng ngày, nó có thể khiến quân đội bỏ qua việc huấn luyện quân sự khi theo đuổi lòng trung thành với ĐCSTQ. “Đó là khi quân đội Giải phóng quân tăng cường kiểm soát loại tư tưởng này, liệu có chiếm dụng thời gian dành cho huấn luyện quân sự.”
Ông Lâm Dĩnh Hựu nói rằng các nước phương Tây không có mô hình tuyên truyền kiểu này cho quân đội, nhưng họ cũng có quyền kiểm soát nội bộ đối với quân đội. Ví dụ, khoảng thời gian trước đây, quân đội nói cần cố hết sức không được sử dụng thiết bị của Huawei, chủ yếu là sợ khi sử dụng các thiết bị công nghệ như vậy sẽ làm rò rỉ bí mật. “Mỹ cũng có hạng mục công việc chú ý đến quân nhân trên mạng hoặc sử dụng Facebook. Nhưng chủ yếu là đề phòng rò rỉ, không phải nói người này sẽ thay lòng đổi dạ, mà là sợ vô tình làm rò rỉ bí mật, để tránh cho hacker hoặc người có ý đồ có cơ hội ra tay.”
Chuyên gia Đài Loan: Quân đội ĐCSTQ tăng cường tẩy não và dùng công nghệ cao để giám sát
Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng Đài Loan, nói với Epoch Times rằng cho đến nay, ĐCSTQ vẫn duy trì hệ thống làm công tác chính trị nghiêm ngặt nhất trên thế giới, hệ thống này du nhập vào Trung Quốc từ thời Liên Xô trong những ngày đầu. Dưới môi trường hiện đại, ĐCSTQ sẽ không từ bỏ cái gọi là ‘đảng chỉ huy súng’, vì vậy ĐCSTQ sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng.
Ông cho rằng, thực tế là ĐCSTQ tăng cường tẩy não và dùng công nghệ cao để giám sát quân nhân.
“(Quân đội ĐCSTQ) đã giới thiệu rất nhiều công nghệ truyền thông hiện đại mà họ gọi là truyền thông hội tụ (Convergence Media). Vượt qua mặt bằng báo giấy, còn có phát thanh, truyền hình, với 3 nhân tố truyền thông truyền thống này, cộng thêm nhân tố mạng internet, thậm chí cái thứ 5 là thêm điện thoại di động, trong đó có thể cài đặt ứng dụng theo yêu cầu của quân đội và theo dõi xem bạn đã đọc các tài liệu liên quan của Tập Cận Bình hàng ngày hay chưa và liệu bạn có nhận được loại giáo dục chính trị này từ đảng hay không, tôi nghĩ đó là một phương pháp rất vô lý.”
Nhưng quân đội ĐCSTQ đang sử dụng những công cụ mới để tuyên truyền những tư tưởng lạc hậu. Ông Tô Tử Vân nói: “Khi ĐCSTQ thành lập Hồng quân vào năm 1927, đã nhấn mạnh ‘một tay cầm súng, một tay cầm truyền đơn’. Đến hiện nay, vào những năm 20 của thế kỷ 21, ĐCSTQ vẫn là một tay cầm súng, nhưng truyền đơn biến thành truyền đơn của truyền thông đa phương tiện. Các công cụ đã tiến bộ rồi, nhưng lối suy nghĩ lạc hậu với cái gọi là phục tùng đảng mà họ truyền đạt vẫn không thay đổi, thứ thay đổi chính là có nhiều vỏ bọc bên ngoài hơn.”
Ông Tô Tử Vân cho rằng điều này cũng cho thấy ĐCSTQ không tự tin. “ĐCSTQ có sự bất an ở mức độ cao đối với tiềm ý thức của quân nhân, dù sao thì cũng là ‘nòng súng tạo ra chính quyền’, và ngược lại ‘nòng súng cũng có thể lật đổ chính quyền’, đây là nhược điểm cố hữu của ĐCSTQ.”
“Ở một quốc gia dân chủ sẽ không nghi ngờ gì về mức độ trung thành của quân đội, bởi vì dựa vào hiến pháp và hiến chính thực hiện lòng trung thành của quân đội hoặc nhân viên vũ trang theo kiểu khế ước đối với quốc gia. Đồng ý với giá trị của nền dân chủ mới là phẩm chất tâm lý mạnh mẽ thực sự, chứ không phải như ĐCSTQ sử dụng thủ pháp tuyên truyền lừa gạt để yêu cầu quân đội phục tùng. Như thế một khi quân đội phát hiện đối tượng mà họ trung thành, kỳ thực đang áp bức nhân dân, không đúng với những gì tuyên truyền, thì lúc đó sẽ giống như vỡ đập nước, nó có thể cuốn sạch chính quyền ĐCSTQ.”
Ông Tô Tử Vân nói rằng quân đội các nước phương Tây không có loại giáo dục chính trị này, chỉ có một số mô tả về tình hình của đối phương, hoàn toàn khác với ĐCSTQ về bản chất. Quân đội Mỹ có tờ báo ‘Stars and Stripes’, cũng như các phương tiện truyền thông quân sự, tất cả đều kể về một số kiến thức chiến trường và không bao giờ bao gồm các chủ đề giáo dục chính trị như nói rằng Đảng Cộng hòa là tốt hay Đảng Dân chủ là tốt. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng Giải phóng quân ĐCSTQ là quân đội của đảng lớn nhất trên thế giới.
Chỉ huy tiểu đoàn có thể cho nổ chết binh lính ‘lạc đàn’ từ xa
Vào cuối năm 2020, khi ĐCSTQ tiếp tục nổ ra các cuộc xung đột biên giới, hệ thống tác chiến mà Quân khu Tây Tạng trang bị cho binh lính đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc thảo luận. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đại Lục “hệ thống tác chiến số hóa từng binh lính” gây tranh cãi này được tích hợp các chức năng như điều hướng, bộ chuyển đổi âm thanh và xử lý tư vấn. Mũ nồi của lính được trang bị ăng-ten vệ tinh và được trang bị kính đa chức năng nhìn ban đêm một mắt, trên tay có thiết bị đầu cuối kỹ thuật số. Tiểu đoàn trưởng ngồi ở trung tâm chỉ huy có thể trực tiếp chỉ huy từng binh sĩ.
Hệ thống này do Quân khu Tây Tạng trang bị cho binh lính, có thể dẫn đường cho pháo binh bắn phá bằng một cú nhấp chuột, và nếu bị quân đội Ấn Độ bắt được, nó sẽ tự hủy.
Báo cáo đề cập rằng nếu một người lính bị thương nặng nhưng không muốn bị bắt làm tù binh, việc kích hoạt thiết bị tự hủy không chỉ có thể duy trì phẩm giá của quân nhân, mà kẻ thù cũng sẽ không thể lấy được bất kỳ thông tin nào từ hệ thống. Và nếu người chỉ huy phát hiện trên màn hình rằng một người lính đã tách mình ra khỏi các đội và không thể liên lạc được, thì cũng sẽ khởi động tự hủy từ xa.
Ông Tô Tử Vân nói rằng ĐCSTQ cố tình cho thấy họ có thể làm nổ mũ nồi của binh lính từ xa, điều này sẽ khiến người ta rất buồn. Bởi vì bản chất con người (nhân tính) không bị loại trừ trong chiến tranh, chẳng hạn như trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Vào lễ Giáng sinh đầu tiên năm 1914, Anh và Đức đã cùng nhau hát những bài hát mừng Giáng sinh, và sau đó chạy ra ngoài để chơi bóng đá. Điều này cho thấy rằng ngay cả trong cuộc đối đầu vũ trang tồi tệ nhất cũng đều không nên vứt bỏ nhân tính, các trường hợp như thế này có rất nhiều.
Ông chỉ ra rằng để bảo vệ bí mật của thiết bị, hoặc để ngăn chặn việc binh lính đầu hàng kẻ thù từ đó làm lộ thông tin, ĐCSTQ đã cho nổ mũ nồi từ xa để làm nổ chết binh lính. Đây là một “thủ đoạn quản lý khủng bố”. Loại chiến thuật độc đoán này khó đánh thắng trận một cách lâu dài, ngược lại, quân đội của các nước dân chủ coi trọng nhân tính và tạo ra sức mạnh từ đồng cảm tâm lý, xét về lâu dài thì đây mới là người chiến thắng thực sự.
Ông Tô Tử Vân nói, “Vì vậy, từ góc độ nhân tính mà xét, nó cũng một lần nữa chứng minh rằng sự khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa độc tài và dân chủ. Không chỉ là phương thức sinh hoạt và sự phát triển kinh tế của chúng ta, mà còn cả xung đột vũ trang của quân đội.”
Thực tế, ĐCSTQ cũng đã có truyền thống không coi quân nhân là người. Trong thời kỳ nội chiến ở Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản, ĐCSTQ đã sử dụng chiến thuật biển người vô cùng thê thảm.
Gần đây, ĐCSTQ tung ra bộ phim “Hồ Trường Tân” về chủ đề “chống Mỹ và viện trợ Triều Tiên”, đã thúc đẩy làn sóng chủ nghĩa dân tộc. Nhưng người dân đã đặt câu hỏi về tính chính nghĩa của chiến dịch hồ Trường Tân và việc ĐCSTQ coi thường quyền sống của những người lính. Bộ phim ghi lại rằng ĐCSTQ đã xua đuổi một đội quân gồm 150.000 người vào khu vực rét -30 độ ở miền Bắc Triều Tiên, mà không có một chiếc áo khoác đệm bông, nhiều người đã chết cóng. Đây chính là “đại đội điêu khắc băng” mà ĐCSTQ tâng bốc. ĐCSTQ không suy nghĩ lại lý do tại sao các tình nguyện viên bị chết cóng, mà thay vào đó, đã tô điểm bi kịch vô cùng đau đớn thành một sự tích anh hùng.
Từ khóa Quân đội ĐCSTQ Giám sát tư tưởng Công nghệ cao Dòng sự kiện