ĐCSTQ kết án nặng người phát triển phần mềm đột phá phong tỏa Internet
- Bình Minh
- •
Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023, trong đó liệt kê trường hợp của 2 học viên Pháp Luân Công Thượng Hải là Hà Băng Cương và vị hôn thê Trương Dật Bác đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án nặng vì tham gia vào việc phát triển phần mềm để vượt tường lửa internet.
Ông Lại Kiến Bình, một cựu luật sư ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ tuyên án anh Hà Băng Cương và cô Trương Dật Bác là bất hợp pháp. ĐCSTQ “đã đổ tội cho công dân Trung Quốc với những cáo buộc bịa đặt”. Hơn nữa, hành vi thiết lập tường lửa mạng của ĐCSTQ là “bất hợp pháp và vi hiến”.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, ngày 12/6/2023, chính quyền ĐCSTQ đã kết án học viên Pháp Luân Công Hà Băng Cương và vị hôn thê Trương Dật Bác lần lượt là 6 năm và 5 năm tù, vì nghi ngờ tham gia phát triển và bảo trì phần mềm đột phá tường lửa phong tỏa Internet.
Báo cáo bổ sung, Minghui.org đưa tin rằng các học viên Pháp Luân Công đã phát triển một phần mềm có tên oGate (Cổng mạng), nhằm vượt qua sự kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ.
Năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ Hà Băng Cương và Trương Dật Bác ở Thượng Hải, cũng như những người được cho là có liên quan đến oGate trên khắp Trung Quốc. Có thông tin cho rằng trong thời gian Hà Băng Cương bị giam giữ, chính quyền ĐCSTQ đã không cho phép anh gặp luật sư.
“Tường lửa vĩ đại” (Great Firewall), còn được gọi là Trường thành tường lửa và Tường lửa quốc gia của ĐCSTQ. Đây là phương tiện chính của ĐCSTQ nhằm tiến hành giám sát mạng đối với người dân Trung Quốc. Mục đích của nó là ngăn chặn người dân Trung Quốc có được thông tin thật được truy cập ở nước ngoài thông qua mạng Internet.
Năm 1994, Trung Quốc kết nối Internet quốc tế.
Năm 1996, ĐCSTQ kiểm soát Internet và ban hành “Quy định tạm thời về quản lý mạng quốc tế của các mạng thông tin máy tính”.
Điều 6 quy định: “Mạng thông tin máy tính phải sử dụng các kênh vào, ra quốc tế do mạng viễn thông công cộng quốc gia của Bộ Bưu chính Viễn thông cung cấp để kết nối trực tiếp với quốc tế. Không đơn vị, cá nhân nào được thiết lập hoặc sử dụng các kênh khác để kết nối mạng quốc tế.”
Sau đó, điều khoản này đã được sử dụng rộng rãi để trừng phạt hành vi “vượt tường lửa”.
Giang Miên Hằng, con trai của Giang Trạch Dân, là một trong những thủ lĩnh chính của “Vạn lý tường lửa”. Tại một hội nghị năm 2000, Giang Miên Hằng nói: “Trung Quốc phải thiết lập một mạng lưới quốc gia độc lập với Internet”.
Việc phong tỏa Internet của ĐCSTQ chủ yếu được chia thành 2 hệ thống.
Thứ nhất là “Vạn lý tường lửa” nhắm vào nước ngoài. Mục đích chính của nó là chặn và ngăn chặn các trang web nhạy cảm và thông tin nhạy cảm ở nước ngoài, phục vụ Bộ An ninh Nhà nước ĐCSTQ, Phòng “610” (tổ chức phi pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công) và các cơ quan khác.
Thứ 2 là “Dự án Lá chắn Vàng” (Gold Shield), nhắm vào Trung Quốc Đại Lục, chủ yếu phục vụ hệ thống “Cảnh sát Internet” do “Cục Giám sát Mạng Thông tin Công cộng” của Bộ Công an ĐCSTQ thành lập.
Do sự tồn tại của “Vạn lý tường lửa”, người dân tại Trung Quốc Đại Lục không thể truy cập nhiều trang web nước ngoài.
Ông Lại Kiến Bình, một cựu luật sư ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ xây dựng tường lửa mạng là “bất hợp pháp và vi hiến”.
Ông nói: “ĐCSTQ dựa vào chế độ độc tài toàn diện để duy trì sự cai trị độc tài của mình”.
“Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của chế độ độc tài là sự phủ nhận toàn diện các nhân quyền và tự do cơ bản của người dân Trung Quốc. Trong đó, quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tư tưởng. ĐCSTQ kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt đối với dư luận, tin tức và ngôn luận.”
“Nếu khu vực này bị xâm phạm thì tội ác và lịch sử của ĐCSTQ sẽ bị phơi bày trước thế giới, nên phải đàn áp báo chí và đàn áp tự do”.
Ông Lại Kiến Bình nói việc ĐCSTQ thành lập “Vạn lý tường lửa” đã vi phạm Hiến pháp Trung Quốc, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Điều 35 Hiến pháp Trung Quốc quy định, công dân Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễu hành và biểu tình.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định, các quyền cơ bản của con người cần được bảo vệ trên toàn cầu.
Ông Lại Kiến Bình nói rằng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đảm bảo “các quyền tự do và quyền tối thiểu về tư tưởng, ngôn luận, tín ngưỡng, báo chí, v.v.”
Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được thông qua năm 1966 quy định, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo.
Điều 19 quy định, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin và ý tưởng, không phân biệt biên giới, dù bằng hình thức truyền miệng, viết, in, nghệ thuật hay thông qua bất kỳ hình thức nào khác mà họ lựa chọn.
Ông Lại Kiến Bình cho biết, dựa trên các luật trên và các công ước quốc tế, “việc ĐCSTQ thiết lập tường lửa mạng là bất hợp pháp và vi hiến”.
Học viên Pháp Luân Công Hà Băng Cương và vị hôn thê Trương Dật Bác lần lượt bị ĐCSTQ kết án 6 năm và 5 năm tù vì phát triển phần mềm đột phá phong tỏa Internet. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rất quan tâm đến vụ việc này. Ông Lại Kiến Bình nói rằng bản án của ĐCSTQ là bất hợp pháp.
Ông giải thích: “Người dân tự phát áp dụng một số phương tiện kỹ thuật để vượt qua tường lửa mạng (của ĐCSTQ) vốn là quyền tự cứu mình. Nhưng ĐCSTQ lại xác định đây là hành vi phạm tội hình sự. Vì vậy, đây là một trường hợp điển hình của việc sử dụng những cáo buộc bịa đặt để buộc tội công dân Trung Quốc.”
Pháp Luân Công là một công pháp tính mệnh song tu của Phật gia, dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, gồm 5 bài tập chậm rãi và đẹp mắt, có tác dụng kỳ diệu trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe.
Một thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ cho thấy, trước năm 1999, có 70 triệu người tập Pháp Luân Công. Ngày 20/7/1999, vì ganh tỵ và sợ hãi, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Lý do của y là số học viên Pháp Luân Công đông hơn cả số đảng viên ĐCSTQ, đồng thời dùng nhiều lời dối trá khác nhau để bôi nhọ Pháp Luân Công.
Ông Lại Kiến Bình nói: “ĐCSTQ muốn độc chiếm tâm trí, suy nghĩ và trái tim của người dân. Đồng thời đảng này muốn sử dụng chủ nghĩa vô thần, cũng như những ngụy biện và tà giáo của cộng sản để chiếm giữ tâm trí của người dân Trung Quốc.”
“Pháp Luân Công có một hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ‘Chân, Thiện, Nhẫn’. Điều này gây ra mối đe dọa lớn cho hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản.”
“Vì sợ sự thật, sợ những ngụy biện và dối trá của chính mình (bị vạch trần), nên họ (ĐCSTQ) muốn vu khống Pháp Luân Công… che đậy sự thật, bôi nhọ và ma quỷ hóa Pháp Luân Công.”
Nhằm truyền tải sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tà ác và phi pháp, ngay từ những năm đầu bị đàn áp, các học viên Pháp Luân Công đã tiến hành nhiều lần chèn sóng truyền hình.
Ví dụ, ngày 5/3/2002, sự kiện chèn sóng truyền hình ở thành phố Trường Xuân đã khiến 5.000 người bị bắt giữ.
Ngày 23/6 và 30/6/2002, 9 chương trình trên tần số vệ tinh của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cũng như mười đài truyền hình ở các tỉnh khác như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam đã bị chèn sóng.
Vụ việc động chạm đến CCTV – cơ quan ngôn luận cao nhất của ĐCSTQ, đánh dấu đỉnh điểm của chuỗi sự kiện chèn sóng truyền hình gây chấn động Trung Quốc diễn ra từ năm 2002 tới 2005.
Sau đó, ĐCSTQ đã tiến hành sách nhiễu, bắt bớ, tra tấn và kết án oan sai nhắm vào các học viên Pháp Luân Công trên quy mô cả nước.
Sau khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, các trang web Pháp Luân Công ở nước ngoài và thông tin nói rõ sự thật về Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu chính trong việc phong tỏa tường lửa mạng của ĐCSTQ.
Một báo cáo khảo sát do ông John Palfrey, giáo sư luật tại Đại học Harvard ở Hoa Kỳ, công bố năm 2005 cho thấy, Tường lửa vĩ đại của ĐCSTQ đã chặn 100% báo cáo tích cực về Pháp Luân Công, 48% nội dung liên quan đến Phong trào đàn áp đẫm máu học sinh, sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6. Trong khi đó, tần suất chặn các trang web khiêu dâm chỉ là 10%.
Ngày 12/1/2010, Google tuyên bố, họ không thể chịu được việc ĐCSTQ buộc họ phải lọc thông tin tìm kiếm và đã rút khỏi Trung Quốc. Kết quả khảo sát cộng đồng quốc tế cho thấy, ĐCSTQ buộc Google phải chặn khoảng 97% thông tin về Pháp Luân Công.
Từ khóa Pháp Luân Công Great Firewall VPN Vượt tường lửa