ĐCSTQ muốn kéo dài tuổi thọ của lãnh đạo đến 150 tuổi
- Trí Đạt
- •
Ngày 15/9, trên WeChat Trung Quốc lan truyền rộng rãi một đoạn quảng cáo của Bệnh viện 301 Bắc Kinh, trong đó, trọng điểm là tuyên truyền về “Công trình Sức khoẻ” của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tiết lộ mục tiêu kéo dài tuổi thọ của lãnh đạo ĐCSTQ lên đến 150 tuổi. Có lẽ do nội dung quá nhạy cảm, nên ngày hôm sau đoạn video này đã bị ngăn chặn.
Bệnh viện 301 Bắc Kinh là căn cứ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ quan trọng của trung ương ĐCSTQ, nhiều năm qua luôn phụ trách việc điều trị và bảo vệ sức khoẻ của các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.
Theo đoạn video quảng cáo mà Đài Á châu Tự do có được, nội dung giới thiệu từ khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền đến nay, việc điều trị và bảo vệ sức khoẻ cho những người đứng đầu ĐCSTQ trải qua hơn 60 năm “tìm tòi và thực tiễn” đã có được “bước tiến dài”, hình thành một thể thống nhất về “tập trung dự phòng, điều trị, bảo vệ sức khoẻ, hồi phục sức khoẻ, điều dưỡng”, lấy “phòng chống ung thư, phòng ngừa bệnh tim mạch, chống lão hoá, kiểm soát bệnh mạn tính, tái tạo chức năng cơ quan quan nội tạng và phương thức sinh hoạt lành mạnh” làm trọng điểm, hệ thống độc đáo sử dụng “tinh hoa dưỡng lão của Trung Quốc được kết hợp sâu cùng kỹ thuật điều trị tiên tiến của phương Tây”.
Quảng cáo nói, hệ thống điều trị này là “số một trên thế giới”, bình quân tuổi thọ của lãnh đạo ĐCSTQ phổ biến sẽ cao hơn so với lãnh đạo các nước phương Tây phát triển, năm 2008, tuổi thọ trung bình của lãnh đạo ĐCSTQ là 88 tuổi. Cuối đoạn quảng cáo có tiết lộ, năm 2005 đã khởi động “Công trình sức khoẻ thủ trưởng 981”, mục tiêu kéo dài tuổi thọ lên đến 150 tuổi.
Nội dung đoạn video cho thấy, Công trình Sức khoẻ thủ trưởng 981 được thiết kế gồm có 3 công trình lớn, bao gồm “Công trình trường thọ 150 tuổi”.
Video quảng cáo trên WeChat của Bệnh viện 301
Theo RFA đưa tin, đoạn quảng cáo được đăng tải hôm thứ Hai đã bị chặn, lý do là “Sử dụng cơ quan quốc gia, sử dụng danh nghĩa hoặc hình tượng nhân viên công tác không đúng mực”.
Tra lại các tài liệu trên trang tìm kiếm Baidu của Trung Quốc thì “Công trình Sức khoẻ thủ trưởng 981” vẫn còn, nội dung giới thiệu cũng tương đồng với nội dung trong video quảng cáo.
Theo thông tin được công khai trên Baidu, nhóm nghiên cứu “Công trình Sức khoẻ thủ trưởng 981” được thành lập năm 2005, và được chính thức khởi động vào tháng 5/2015, là một “công trình trọng đại” có mục đích phục vụ sức khoẻ cho “tinh anh xã hội”. Công trình này đã lựa chọn những chuyên gia hàng đầu và kỹ thuật y học đặc sắc trong nước, có 7 chuyên gia là người đứng đầu trong cơ quan trị bệnh và bảo vệ sức khoẻ, 30 bác sĩ cấp chuyên gia về bảo vệ sức khoẻ; có hơn 170 chuyên gia hội chẩn (bác sĩ trưởng và những người đầu ngành trong nước), thiết lập hơn 11 phòng khoa chống ung thư, kiểm soát bệnh mạn tính, khoa y học chống lão hoá, “hướng tới nhóm tinh anh xã hội và lãnh tụ, để ‘hộ giá’ bảo vệ sức khoẻ cho họ”.
Trung tâm Công trình Bảo vệ sức khoẻ thủ trưởng 981 “có một nhánh chuyên gia y tế bảo vệ sức khoẻ và nhân viên phục vụ ưu tú, nhiều năm phục vụ cho thủ trưởng Trung ương, có thiết bị chăm sóc sức khỏe dự phòng tiên tiến nhất và phòng thí nghiệm chẩn đoán phân tử trên thế giới.”
Tài liệu còn cho thấy, mô hình 981 có 3 công trình lớn: “Công trình thúc đẩy khoẻ mạnh (bất lão); Công trình tái hiện thanh xuân (bất lão); Công trình trường thọ 150 tuổi (trường thọ)”, trong đó, công trình trường thọ 150 tuổi có nội dung hoàn toàn tương tự với nội dung đoạn quảng cáo đã bị chặn trên WeChat của Bệnh viện 301.
Quan chức cấp cao ĐCSTQ “ném tiền qua cửa sổ”, bí mật kinh người đằng sau đặc quyền điều trị y tế
Ở các nước dân chủ, Tổng thống và quan chức các cấp được người dân bầu chọn, sau khi rời chức vụ thì sẽ không còn còn quyền hạn gì nữa. Nhưng ở Trung Quốc Đại lục, những quan chức cấp cao về hưu vẫn còn được hưởng rất nhiều đặc quyền, hơn nữa người nộp thuế nuôi dưỡng không chỉ là quan chức hành chính đương chức và về hưu, mà còn bao gồm hàng loạt các quan chức thuộc đảng uỷ mà vốn phải do ĐCSTQ tự nuôi sống họ.
Đãi ngộ đối với quan chức về hưu tại Trung Quốc khiến người ta phải kinh ngạc. Theo Tạp chí Động hướng tại Hồng Kông đưa tin, năm 2014, chi phí cho quan chức cấp cao nghỉ hưu lên đến hơn 67,5 tỉ Nhân dân tệ. Năm 2014, chỉ riêng cán bộ cấp cao nghỉ hưu như Thường uỷ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Uỷ viên trưởng Nhân đại, Phó Chủ tịch Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Cố vấn Trung ương, chi tiêu công lên đến 326 triệu Nhân dân tệ, bình quân mỗi người 27,25 triệu Nhân dân Tệ. Các cấp bậc khác cũng được nâng theo từng cấp bậc, khiến cho chi phí ngân sách thành con số khổng lồ.
Trong đó cao tầng của ĐCSTQ và quan chức cấp cao có được đãi ngộ đặc thù về điều trị y tế đã được gián tiếp xác minh. Nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ Trương Chấn qua đời ở tuổi 101, có kênh truyền thông giới thiệu cái gọi là “kinh dưỡng sinh” của ông; nhưng kênh truyền thông thân với ĐCSTQ là Nhật báo Đông phương tại Hồng Kông có bài bình luận chỉ ra, “Lấy những đạo lý dưỡng sinh kết hợp cùng với nhau, tự nhiên sẽ có lợi vô hại, nhưng có thể trường thọ được hay không thì cần phải vẫn cần phải đặt thêm một dấu hỏi lớn. Sở dĩ Trương Chấn có thể sống đến hơn 100 tuổi, tuyệt đối không phải là vì có bí quyết dưỡng sinh nào đó, bí quyết dưỡng sinh là vô dụng đối với người thường. Bùa dưỡng sinh thực sự của Trương Chấn chính là giá trị bản thân ông ta, đảng và nhân dân đã nuôi sống ông ta ‘bằng bất cứ giá nào’.
Bài viết còn nói, từ thời ông Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ đã bắt đầu trường thọ, bản thân Mao sống đến 83 tuổi, Chu Ân Lai sống 78 tuổi, Chu Đức sống 90 tuổi. Khi đó, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là 65 tuổi, cho nên so với người dân bình thường họ được coi là “hạc đứng giữa bầy gà”. Nhưng hiện nay, lãnh đạo ĐCSTQ khiến họ phải thua kém, hầu như ai cũng là hoặc ít nhất sống gần 100 tuổi; ví dụ: Đặng Tiểu Bình sống đến 93 tuổi, nguyên Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ Uông Đông Hưng sống đến 100 tuổi, nguyên Bí thư Ban Bí thư ĐCSTQ Đặng Lực Quần sống đến 100 tuổi, nguyên Uỷ viên Quốc vụ Trương Cẩn Phu sống đến 101 tuổi, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Lữ Chính Thao và Lôi Khiết Quỳnh lần lượt sống đến 105 tuổi và 106 tuổi.
Bài viết nói, “Một khi gặp phải động đất, sập mỏ hoặc tai nạn khác liên quan đến an toàn sản xuất, lãnh đạo thường xuyên chỉ đạo nói, cần phải cứu sống người bị nạn bằng mọi giá. Kỳ thực quốc gia đang thực sự không tiếc cái giá phải trả, nhưng duy nhất để đảm bảo sức khoẻ, an toàn và cuộc sống cho lãnh đạo sau khi nghỉ hưu. Quan chức cấp Thứ trưởng trở lên, có thể trú hàng tháng hàng năm trong bệnh viện chuyên khoa hoặc phòng bệnh dành cho cán bộ cấp cao để hưởng thụ điều trị y tế tỉ mỉ chu đáo, dùng những loại thuốc tiên tiến nhất, đắt nhất trên thế giới, mỗi ngày tiêu tốn hàng triệu Nhân dân tệ để tiếp tục sống. Năm 2013, truyền thông nhà nước từng đưa tin, một vị cán bộ cấp tỉnh một lần nằm viện là tiêu tốn đến 3 triệu Nhân dân tệ. Vậy lãnh đạo đảng và cấp quốc gia tiêu tốn bao nhiêu, chúng ta có thể đoán được phần nào.”
Nhưng những đặc quyền trong đãi ngộ điều trị y tế rất cao này đằng sau đó là cả một bức màn đen tối.
Năm 2016, sau sự kiện Toà án Tối cao của ĐCSTQ “xử lại” vụ án Nhiếp Thụ Bân, người bị giết oan cách đây nhiều năm, có tin đồn lan truyền rộng rãi nói rằng Nhiếp Thụ Bân bị vội vã xử tử là vì biết được thông tin liên quan đến nhà ngoại giao nổi tiếng ĐCSTQ Chương Hàm Chi (Zhang Hanzhi) thay thận. Thông tin công khai cho thấy, Chương Hàm Chi đã thay thận 2 lần vào năm 1995 và năm 2002. Luật sư nổi tiếng Trung Quốc Lý Trang từng tiết lộ, “cơ quan nội tạng của Nhiếp Thụ Bân có khả năng vẫn đang sống”.
Con gái của Chương Hàm Chi là Hồng Hoảng (Hung Huang) từng có bài viết đăng trên Tuần san Nam Đô, phủ nhận việc Chương Hàm Chi cấy ghép thận có liên quan đến vụ án Nhiếp Thụ Bân, nhưng không thể khẳng định thận mà bà cấy ghép không có liên quan đến Vương Thụ Bân, Trương Thụ Bân hay một tử tù nào đó.
Hồng Hoảng nói, dù là người nhà, nhưng chưa từng tham gia tìm kiếm cơ quan nội tạng phù hợp để cấy ghép, cũng không nghe ngóng về nguồn nội tạng. Tất cả những việc này đều là do các bác sĩ bố trí. Sở dĩ không tham gia, không nghe ngóng, là vì có một loại cảm giác “có thể chúng tôi không muốn biết quá trình này , có thể rất đáng sợ”.
Theo tỉ phú Trung Quốc Quách Văn Quý, hiện đang cư trú tại Mỹ tiết lộ trước đó, bí quyết duy nhất để lãnh đạo ĐCSTQ trường thọ chính là giết người, thay thế nội tạng khoẻ mạnh của người trẻ, và thường xuyên tiêm huyết thanh do cảnh sát vũ trang trẻ tuổi cung cấp để duy trì hoạt tính của nội tạng thay thế. Quách Văn Quý còn tiết lộ, con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng bị bệnh ung thư, đã nhiều lần phải thay nội tạng, điều này có nghĩa là đã phải giết nhiều mạng người.
Chuyên gia y tế cho biết, thay thế nội tạng đều có giới hạn tuổi thọ, nhiều nhất duy trì 10 năm, có nội tạng chỉ có thể sống sót được 2 – 3 năm. Điều này có nghĩa muốn kéo dài tuổi thọ, thì cần phải thay nội tạng định kỳ.
Hệ thống quan liêu của ĐCSTQ mỗi năm hưởng thụ phúc lợi điều trị y tế với chi phí gấp rất nhiều lần người dân bình thường đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật.
Về đoạn video quảng cáo công khai của Bệnh viện 301 được nói ở trên, có người dùng Twitter mỉa mai rằng, “Ngũ mao (chỉ đội quân dư luận viên trên mạng của ĐCSTQ) xem đến phát khóc luôn, không biết xử lý thế nào”.
Có người nói, “Họ đều không muốn chết, sống để tiếp tục gây hại cho bách tính”, “(Quảng cáo) quay rất hay, tiết lộ một cách rất ngắn gọn về việc tiền của người nộp thuế được dùng vào chỗ nào”, “Họ giết hại lấy nội tạng của người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và người trẻ tuổi, dùng nội tạng đó để kéo dài sinh mệnh tội ác của họ. Đúng là lũ ma quỷ trời đánh”.
“Một đám cương thi già hút máu bách tính!”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Bệnh viện 301 Kéo dài tuổi thọ Dòng sự kiện