ĐCSTQ rầm rộ tuyển mộ dư luận viên toàn cầu để chống lại truyền thông phương Tây
- Tiến Minh
- •
Cơ quan truyền thông tiếng Anh ở nước ngoài của chế độ cộng sản Trung Quốc là CGTN (Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc) vừa kết thúc một chiến dịch tuyển dụng “nhân tài truyền thông” toàn cầu và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội kéo dài 2 tháng trên toàn thế giới để giúp chế độ Bắc Kinh tuyên truyền “chống lại dư luận phương Tây”. Các phương tiện truyền thông do nhà nước TQ hậu thuẫn trả thù lao hậu hĩnh nhằm thu hút những người trẻ tham gia, trong đó nhắm mục tiêu đến sinh viên các trường đại học phương Tây.
CGTN đã khởi động chiến dịch “Những người thách đấu truyền thông” (Media Challengers) vào tháng 4 để thu hút các phóng viên, người thuyết trình, DJ, người làm podcast và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể sử dụng tiếng Anh trên toàn cầu.
Theo trang web chính thức, chiến dịch “nhằm truyền cảm hứng cho những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới” và nó có mục tiêu “truyền sức mạnh mới vào truyền thông quốc tế dưới môi trường hội tụ truyền thông”. Những người dự tuyển được yêu cầu tải lên một video dài 3 phút thuộc bất kỳ thể loại nào, cho dù họ là “tín đồ ăn uống, công nghệ, chuyên gia trang điểm, tín đồ thể thao hay bất kỳ thứ gì khác.
CGTN đã thưởng một khoản lên đến 10.000 đô la cho người chiến thắng và đào tạo chuyên môn miễn phí cho những người lọt vào vòng chung kết. Nó cũng mang lại cơ hội việc làm bán thời gian hoặc toàn thời gian cho những người chiến thắng tại “trụ sở chính của CGTN ở Bắc Kinh và ba trung tâm sản xuất ở Washington, London và Nairobi. Ngoài ra, những người chiến thắng “còn được mời tham gia chương trình bảo hiểm Con đường Tơ lụa cổ đại từ năm 2021 đến năm 2022 của CGTN”.
Nhắm vào mục tiêu thanh niên Phương Tây
Các video trên YouTube trong chiến dịch này cho thấy hình ảnh những người trẻ tuổi đến từ các nước phương Tây và châu Phi cũng như các sinh viên Trung Quốc đang du học ở nước ngoài đã tham gia chương trình. Ngoài ra, tờ báo Anh Quốc The Times còn đưa tin CGTN đang nhắm mục tiêu cả vào các trường đại học của Anh vì một số sinh viên đại học và những người có ảnh hưởng đến truyền thông địa phương nằm trong số những người tham gia.
Bài báo của The Times cảnh báo rằng nếu “những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phương Tây nhại lại các đường lối chính thức của Trung Quốc về các vấn đề cụ thể, thì khán giả trong nước có thể lầm tưởng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc được khán giả quốc tế ngưỡng mộ thực sự.”
Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (The China Research Group) ở Anh đã đăng một dòng tweet cho biết những người có ảnh hưởng toàn cầu và các vlogger được CGTN tuyển dụng sẽ quảng bá Trung Quốc và chống lại những luận điệu của phương Tây mà nói không tốt về Trung Quốc. Nhóm cũng lưu ý rằng cơ quan ngôn luận chính thức ở nước ngoài của ĐCSTQ đang nhắm mục tiêu đến các sinh viên đại học Anh.
Tổ chức tư vấn ngoại giao Anh Henry Jackson Society đã bình luận về chiến dịch tuyển dụng của CGTN trên tài khoản Twitter của mình, rằng “Không một trường đại học có tự trọng nào lại nên cho phép trò kinh doanh tuyên truyền như vậy được tuyển dụng trong khuôn viên nhà trường.”
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ He Qinglian đã viết trong một bài báo cho Epoch Times rằng chính sách tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ “liên quan đến lượng lớn nhân lực và tiền bạc để truyền bá lịch sử và hệ tư tưởng của ĐCSTQ ra nước ngoài, nhờ vậy đạt được mục tiêu tuyên truyền về câu chuyện của Trung Quốc theo cách mà ĐCSTQ muốn.”
Bà chỉ ra rằng CGTN đã sử dụng mức lương hấp dẫn và cơ sở vật chất hiện đại để tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại các trung tâm truyền thông của họ ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Phi. Trong năm 2018, chỉ riêng tại văn phòng Tây London của CGTN, đã có 6.000 ứng viên địa phương cạnh tranh cho 90 vị trí công việc truyền thông mà hãng này mời chào.
Giấy phép phát sóng của CGTN ở châu Âu đã bị cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Vương quốc Anh thu hồi vào năm 2020, cáo buộc các nội dung phát đều do ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát nhằm đưa lên sóng những lời thú tội cưỡng bức trên truyền hình của những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả công dân Anh Peter Humphrey. Tuy nhiên, Pháp đã gia hạn giấy phép cho phép CGTN tiếp tục phát sóng các chương trình ở châu Âu, điều này dẫn đến việc thông tin sai lệch bị phát tán khắp đất nước này.
Năm 2021, báo Pháp Le Monde vạch trần CGTN vì đã sử dụng một nhà báo Pháp không có thực để đăng tin giả về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hòng minh oan cho chính sách diệt chủng mà chế độ cộng sản đang tiến hành với nhóm thiểu số.
Tiến Minh (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa CGTN dư luận viên toàn cầu tuyên truyền của Trung Quốc