Đặng Tiểu Bình khi còn sống có di chúc hay còn gọi là “di chúc chính trị” hay không? Đã có những đồn đoán trái chiều trong giới chính trị tại Trung Quốc nhiều năm qua. Trong trường hợp công khai, khi Đặng Tiểu Bình chính thức tuyên bố từ chức tại Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 13 vào tháng 11/1989, ông đã 3 lần biểu thị: “Khi ra đi, đừng làm cái gì gọi là di chúc chính trị!”, “Không cần có cái gì là di chúc cả. Con đường đi qua chính là để lại cho thế hệ sau lựa chọn”, “Nếu di chúc chính trị không xử lý tốt, thì sẽ xảy ra chuyện xấu”.

Dang Tieu Binh
Từ trái qua phải: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình. (Nguồn: Ảnh ghép / Getty Images)

Tuy nhiên, ngay trước khi Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 16 năm 2003 sắp diễn ra, một nhà xuất bản Hồng Kông đã bất ngờ phát hành cuốn sách mang tên “Di chúc” của tác giả Sa Sĩ (Shashi). Trong đó kể về chuyến công du miền Nam của ông Đặng Tiểu Bình năm 1992. Sau nửa năm khảo sát, suy nghĩ và nhiều lần trưng cầu ý kiến ​​người khác, cuối cùng Đặng đã để lại một “di chúc” bí ẩn chưa được công khai.

Năm 1992, Giang Trạch Dân, người lên nắm quyền bằng cách giẫm lên máu của sinh viên qua sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, theo đuổi đường lối cực tả và cổ xúy “chống diễn biến hòa bình”. Từ ngày 18/1 đến ngày 21/2 năm đó, Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến công du tới Vũ Xương, Thâm Quyến, Chu Hải và Thượng Hải, thường được gọi là “Chuyến công du phía Nam của Đặng Tiểu Bình”. Ông có bài phát biểu dài trong chuyến công du phía Nam và đưa ra tối hậu thư cho Giang Trạch Dân: “Ai không cải cách, người đó sẽ hạ đài.” Đặng còn định để cho Kiều Thạch thay thế Giang Trạch Dân giữ chức tổng bí thư ĐCSTQ. Giang Trạch Dân sợ đến hồn bay phách lạc, nhanh chóng thừa nhận sai lầm của mình với Đặng.

Cuốn “Di chúc” tiết lộ: Sau chuyến công du miền Nam, Đặng Tiểu Bình triệu Hồ Cẩm Đào, Tăng Khánh Hồng và Vương Thụy Lâm đến nhà ông ở Phố Sau Cảnh Sơn, Bắc Kinh vào tháng 6/1992, và nói với họ: “Nhân lúc vẫn còn tỉnh táo tôi giao phó cho các vị vài việc.” Đặng nói: “Đầu năm tôi đi một chuyến vào miền nam, sau đó nhờ Trịnh Tất Kiên (Zheng Bijian) viết ra những điểm chính trong bài phát biểu ở miền nam. Nhiều người cho rằng đây là di chúc cuối cùng hoặc lời giao phó chính trị cuối cùng của tôi. Lời này nói không toàn diện, hôm nay tôi sẽ không nói lại quá nhiều nữa, nhưng bản di chúc chính trị cốt lõi thực sự không thể để gây xôn xao dư luận như thế này được. Hôm nay, tôi muốn nói một chút về bản di chúc chính trị hoặc giao phó chính trị thực sự của mình trong phạm vi nhỏ.”

Trong cuốn “Di chúc” có đề cập rằng Đặng Tiểu Bình nói ông không hài lòng với tình hình hiện tại của hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Ông là một trong những người sáng lập ra hệ thống chính trị này. Mười mấy năm qua, ông cũng được coi là người chịu trách nhiệm của thể chế chính trị này, cũng là nạn nhân của chính thể này. Lời này nên bắt đầu từ đâu? Đặng Tiểu Bình cho biết, mỗi khi nhìn thấy thân thể tàn tật của Phác Phương (Pu Fang, con trai cả của Đặng), ông đều tin rằng thứ mà hệ thống chính trị này thiếu nhất là dân chủ và pháp quyền.

Đặng Tiểu Bình cho rằng trong những năm ông nắm quyền, có một vấn đề vẫn chưa được giải quyết, 10 năm sau người khác nắm quyền cũng chưa hẳn giải quyết được. Là vấn đề là gì? Đặng giải thích: Trên thực tế, “giải pháp” cho vấn đề này vẫn tồn tại, đó là học hỏi chính phủ hợp hiến của Mỹ. Đây là điều mà Mỹ dựa vào để trở thành siêu cường.

Đặng Tiểu Bình nhắc tới Đài Loan: “Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc”

Trong “Di chúc”, Đặng Tiểu Bình cũng nói đến vấn đề Đài Loan. Ông cho rằng sau khi vấn đề Hồng Kông được giải quyết, vấn đề thống nhất lớn nhất của Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Một trong những vấn đề ở Đài Loan là hiện nay có một khoảng cách quá lớn trong hệ thống chính trị. “Tôi không nhìn ra cách giải quyết vấn đề này, thế hệ các vị cũng chưa chắc có thể giải quyết được. Nhưng tôi nghĩ có 3 điểm các vị nên nắm bắt.”

Đặng Tiểu Bình đưa ra 3 điểm: Thứ nhất, không bao giờ sử dụng vũ lực trừ khi thực sự cần thiết, người Trung Quốc sẽ không đánh người Trung Quốc. Thứ hai, nền kinh tế Đại Lục cần phấn chấn thẳng tiến, nếu vẫn nghèo thì sẽ không bao giờ có hy vọng. Thứ ba, về mặt thể chế chính trị, “một quốc gia, hai chế độ” có thể chưa đủ. Một cách khả thi là xây dựng một chính phủ hợp hiến liên bang. Chỉ khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh về kinh tế và có một nước cộng hòa dân chủ và pháp quyền về mặt chính trị thì vấn đề Đài Loan mới có thể được giải quyết dễ dàng.

Ngoài ra, Đặng Tiểu Bình còn nói về các vấn đề phát triển, quan hệ Trung – Mỹ, vấn đề Lục Tứ (Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989) và các vấn đề thể chế chính trị.

Có các ý kiến ​​​​khác nhau về độ khả tín của cuốn sách “Di Chúc”. Tuy nhiên, trong thông tin công khai của ĐCSTQ, Đặng Tiểu Bình nói: “Sẽ phải mất 3 thế hệ để đặt nền móng vững chắc cho dân chủ và pháp quyền”.

Vào ngày 17/6/1991, Đặng Tiểu Bình nói với các thành viên Bộ Chính trị tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh: “Sau cơn bão chính trị, chúng ta phải chờ đợi hay thậm chí lui lại? Đảng Cộng sản nói về dân chủ, nói về pháp quyền, không phải là hôm nay mới đưa ra. Ngay từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đổng Tất Vũ (Dong Biwu), Tống Khánh Linh (Song Qingling), Lý Tế Thâm (Li Jishen) và Hoàng Viêm Bồi (Huang Yanpei) đã thúc giục rằng sau khi chế độ cũ bị lật đổ, một chế độ mới phải được thiết lập và thể hiện trong hiến pháp. Có nhiều yếu tố dẫn đến một thời kỳ bất ổn chính trị. Loại bỏ 3 ngọn núi lớn không hoàn toàn, vẫn còn hơn một nửa ngọn núi (ám chỉ chế độ phong kiến) đè nặng lên chúng ta, và phải mất 3 thế hệ mới đặt được nền tảng vững chắc cho dân chủ và pháp quyền. Nếu môi trường trong nước và quốc tế tốt hơn thì có thể thực hiện nhanh hơn.”

Đặng Tiểu Bình dự đoán: ĐCSTQ sẽ đi vào con đường tà ác

Đặng Tiểu Bình có thực sự quan tâm nhiều đến dân chủ và pháp quyền đến vậy không? Ông từng đưa ra dự đoán, ngày 7/3/1985, ông phát biểu tại Hội nghị Công tác Khoa học và Công nghệ Quốc gia: “Nếu chính sách của chúng ta dẫn đến sự phân cực thì chúng ta đã thất bại; nếu một giai cấp tư sản mới ra đời thì chúng ta thực sự đã bước đi vào con đường tà.” 

Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng cần chú ý đến những cuộc khủng hoảng khác nhau do mâu thuẫn xã hội gây ra. Trên thực tế, điều này cho thấy Đặng cũng thừa nhận trong thâm tâm rằng những “lý thuyết” như “để một số người giàu trước”, v.v, sẽ là hậu hoạn khôn lường, bao gồm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, sự xuất hiện của tầng lớp đặc quyền, sự gia tăng các cuộc biểu tình của công nhân và nông dân, v.v. Mặc dù bề ngoài Đặng cũng đề cập đến vấn đề thể chế và “nền tảng dân chủ”, nhưng ông chỉ nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp trong khuôn khổ quản lý của ĐCSTQ và không đi chệch nửa bước so với “Bốn nguyên tắc cơ bản” của mình. Ông tấn công Triệu Tử Dương và đuổi Triệu hạ đài được, chính là dùng cây gậy to “Bốn nguyên tắc cơ bản”.

Vào ngày đầu năm mới 1993, Đặng nói với Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Kiều Thạch và những người khác tại khách sạn Tây Giao (Xijiao) ở Thượng Hải: “Vấn đề công bằng xã hội thu hút sự chú ý. Nhiều cuộc diễu hành, biểu tình và mít tinh có liên quan đến bất công xã hội. Phàm khi có sự phân cực trong xã hội, hình thành giai cấp đặc quyền thì chính trị sẽ không ổn định, xã hội sẽ không ổn định, sẽ dẫn đến công nhân xuống đường làm cách mạng, còn nông dân sẽ chống thuế và làm cách mạng.”

Dù điều trên không phải là di chúc nhưng lời tiên đoán của Đặng đã trở thành sự thật. Thực tế đã chứng minh, “cải cách” mà Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh hồi đó thực chất là gì? Cộng thêm sự cai trị tham nhũng của Giang Trạch Dân sau thời Đặng, cái gọi là cải cách và mở cửa của Đặng chỉ tạo ra hàng ngàn tỷ tài sản cho một số gia tộc lớn của ĐCSTQ. Sự phân cực nghiêm trọng ở Trung Quốc ngày nay, và sự tồn tại của giai cấp tư sản giàu có và hùng mạnh như vậy, cho thấy cái gọi là thành tựu kinh tế mà ĐCSTQ đã khoe khoang trong nhiều năm về cơ bản chỉ dành cho giai cấp có đặc quyền.

Giờ đây, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng nhất thế giới, sự phân cực giàu nghèo đã đạt đến đỉnh điểm nguy hiểm.

Hệ số Gini của tài sản ròng của hộ gia đình Trung Quốc là 0,45 vào năm 1995, 0,55 vào năm 2002 và đạt 0,73 vào năm 2012; 1% số hộ gia đình giàu nhất nước này hiện sở hữu hơn 30% của cải trong nước. Ở chiều ngược lại, 25% số hộ thuộc diện nghèo chỉ sở hữu khoảng 1% tài sản quốc gia. Một bộ phận lớn người dân không có phương tiện sinh sống, trong khi những kẻ quyền quý lại cực kỳ giàu có.