Chính phủ Trung Quốc cấm quan chức sử dụng điện thoại Apple, nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua iPhone 15 hiện đang được bán ở Trung Quốc và các cửa hàng trên toàn quốc. Doanh số bán điện thoại mới của Apple bùng nổ tại Trung Quốc.

GettyImages 1660506914
CEO Apple Tim Cook chụp ảnh với khách mời của sự kiện ra mắt iPhone 15 hôm 12/9/2023 tại Cupertino, California. (Nguồn ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times, Tiến sĩ Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), nhà xã hội học kiêm cựu Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU), cho biết một số người Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo, nhưng hành động thực tế của họ là điều không thể chối cãi.

Ngày 22/9, iPhone 15, điện thoại di động mới của Apple, đã được bán tại 40 quốc gia trên thế giới. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc cấm một số cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sử dụng iPhone, nhưng iPhone 15 hiện vẫn đang được bán tại Trung Quốc, một lượng lớn người dân vẫn xếp hàng mua.

id14079474 Collage Maker 22 Sep
Trước đợt mở bán mẫu iPhone mới, đã có hàng dài người xếp hàng tại cửa hàng Tam Lý Đồn ở Bắc Kinh và cửa hàng trên đường Đông Nam Kinh ở Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình)

Người ta nói rằng có hàng dài người xếp hàng tại các cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Một số người đã đứng bên ngoài cửa hàng từ 5h sáng.

Những người đầu cơ đang chờ thu hàng ngay khi đợt mở bán bắt đầu, họ tăng giá thêm từ 1.200 nhân dân tệ lên 1.500 nhân dân tệ (tương đương khoảng 4 – 5 triệu đồng) để bán lại, chủ yếu tập trung vào dòng iPhone 15 Pro.

Theo ứng dụng WeChat, đến nay “Họp báo Apple” đã có 2,47 tỷ lượt xem, là chủ đề được xem nhiều nhất trên Weibo hôm 13/9. Tuy nhiên, nó chỉ đứng thứ 4 trong danh sách tìm kiếm nóng và theo cách nào đó, rõ ràng là đã bị cố ý loại khỏi danh sách tìm kiếm nóng.

Ông Chung Kiếm Hoa cho rằng Trung Quốc cấm quan chức sử dụng iPhone, và yêu cầu họ phải ủng hộ Huawei trong nước, nhưng mọi người đều thấy ngay cả bản thân bà Bành Lệ Viện, phu nhân của ông Tập Cận Bình, cũng sử dụng iPhone.

Các báo cáo chỉ ra rằng khi tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mexico năm 2013, bà Bành Lệ Viện đã lấy một chiếc iPhone màu trắng ra để chụp ảnh, làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi.

Ông Chung Kiếm Hoa nói: “Có quan chức cấp cao nào không sử dụng iPhone khi ra nước ngoài và làm việc? Đó chính là nói một đằng, làm một nẻo. Bây giờ ông Tập Cận Bình không cho phép quan chức sử dụng iPhone, thậm chí không cho mang iPhone vào các tòa nhà văn phòng, hãy chờ xem hiệu quả đến đâu. Tôi tin rằng nếu ông ấy không dùng, thì người nhà ông ấy cũng sẽ dùng.

Thứ hai, nếu không được phép mang iPhone vào tòa nhà văn phòng, thì hãy mang điện thoại Huawei vào tòa nhà và cất iPhone đi. Vài nghìn USD một chiếc điện thoại di động, lẽ nào bạn lại tin rằng họ sẽ sử dụng hàng nội địa sao?”

Ông bổ sung thêm, một số người Trung Quốc nói rằng họ muốn tẩy chay Hoa Kỳ, họ ‘bài Mỹ’. Họ nói rằng iPhone không được sản xuất ở Trung Quốc mà là ở Ấn Độ, chỉ sợ có mùi cà ri. Nhưng bây giờ họ lại đổ xô đi mua!?

“Vì vậy, đặc điểm của một số người Trung Quốc là vậy, họ nói một đằng, làm một nẻo, cơ thể (hành động thực tế) mới là trung thực nhất. Họ ‘bài Nhật’ nhưng lại mua xe Nhật. Mua máy ảnh cũng phải đến Hồng Kông, vì máy ảnh ở Hồng Kông được sản xuất tại Nhật Bản, chứ không phải ở Đại Lục. Những chuyện như thế này sớm đã xảy ra, nên phản ứng đối với việc ra mắt iPhone lần này cũng không có gì đáng ngạc nhiên.”

Người Trung Quốc di cư đến Hoa Kỳ có thể gặp phải trở ngại lớn hơn

Nhiều người Trung Quốc không chỉ thích sử dụng iPhone, mà còn thích di cư. Từ năm ngoái, 40.000 người Trung Quốc đã vượt biên (nhập cảnh bất hợp pháp) vào phía bắc và phía nam Hoa Kỳ, với hy vọng được nhập cư vào quốc gia này.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Họ lo ngại xu hướng này có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, vì một số đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Về vấn đề này, ông Chung Kiếm Hoa tin rằng sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nhiều người Trung Quốc đã chịu đựng đủ mọi hành hạ đang tìm kiếm cơ hội di cư.

“Ngoài miệng họ nói ủng hộ ĐCSTQ, nhưng hễ có cơ hội, họ sẽ rời đi. Nếu không thể rời đi theo các kênh thông thường, họ sẽ tự mình vượt biên hoặc đi du lịch tới Hoa Kỳ từ Mexico, để xin tị nạn.”

Ông cho biết, do số người Trung Quốc di cư vào Hoa Kỳ rất lớn, Chính phủ Hoa Kỳ lo ngại, sau khi đến đây, họ sẽ tiếp tục trở thành những người ủng hộ chính trị cho ĐCSTQ, phá hoại quyền tự do, dân chủ và nhân quyền của người Mỹ.

Lần này, Nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Antonio Rubio kêu gọi hạn chế nhiều hơn đối với người nhập cư Trung Quốc và trục xuất họ. Lượng người trốn theo tàu từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong vài tháng qua.

Thậm chí còn có quảng cáo trực tuyến nói rằng có thể đưa người Trung Quốc nhập cư vào Hoa Kỳ. Ông tin rằng điều này cũng đã thu hút sự chú ý của xã hội Mỹ.

“Tôi tin rằng việc những người Trung Quốc di cư vào Hoa Kỳ sẽ ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, Hoa Kỳ nhắm vào người Mexico, nhưng bây giờ họ đang nhắm vào người Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là nguồn nhập cư lớn nhất đến Hoa Kỳ trong vài năm qua”, ông Chung Kiếm Hoa nói.

Theo thống kê của Hải quan Mỹ, kể từ tháng 10 năm ngoái, số lượng người Trung Quốc vượt biên trái phép đã vượt quá 6.500 người, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Bình Minh (t/h)