Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã khiến cho chính quyền Trung Quốc có hành động trả đũa. Còn đối với Vương Vĩ Tinh, quản lý cấp cao của Huawei bị bắt giữ tại Ba Lan với tội danh gián điệp, thì Huawei lại nhanh chóng tuyên bố tội trạng của người này không liên quan tới Huawei, chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên có phân tích chỉ ra, Vương Vĩ Tinh không phải “gia đình họ Triệu” (chỉ những người thuộc gia đình có quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc, câu này có nguồn gốc từ A.Q chính truyện của Lỗ Tấn), do đó khó mà so được với Mạnh Vãn Châu.  

huawei
Vương Vĩ Tinh (Stanislaw Wang) và Mạnh Vãn Châu (Ảnh từ internet)

Ngày 12/1, công ty Huawei lên tiếng về vụ việc, nhân viên của Huawei là Vương Vĩ Tinh tại Văn phòng đại diện Huawei Ba Lan do “nguyên nhân cá nhân” liên quan đến vi phạm pháp luật Ba Lan nên bị bắt giữ để điều tra, “vụ việc đã tạo thành ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của Huawei toàn cầu”, Huawei quyết định lập tức chấm dứt hợp đồng lao động với Vương Vĩ Tinh.

Sau 1 ngày truyền thông Ba Lan đưa tin rầm rộ về vụ việc Vương Vĩ Tinh bị bắt, Huawei đã nhanh chóng công bố tuyên bố nói trên.  

Ngày 11/1, nhiều kênh truyền thông Ba Lan đưa tin, cơ quan chức năng Ba Lan đã bắt Giám đốc bán hàng của Huawei Ba Lan là Weijing W. (còn có tên là Stanislaw Wang) và một nhân viên tình báo Ba Lan, hai người này bị cáo buộc là hoạt động gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Truyền thông Đại lục sau đó đã tìm hiểu và đưa tin, quản lý cấp cao của Huawei bị Ba Lan bắt giữ là Vương Vĩ Tinh (Wang Weijing), từng là người phụ trách về quan hệ công chúng của Huawei.

Trong cùng ngày (11/1) truyền thông Ba Lan đưa tin Vương Vĩ Tinh bị bắt, ông Scott Bradley, Phó Chủ tịch cấp cao của Huawei Canada cũng tuyên bố từ chức. Trước đó vài ngày, Chủ tịch Huawei Canada tuyên bố, công ty này “không có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Trung Quốc”, “vĩnh viễn không làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc”.

Theo tờ báo Sankei Shimbun tại Nhật Bản đưa tin hôm 11/1, quản lý cấp cao của Huawei tại Ba Lan này bị bắt cùng với cựu quan chức Ba Lan bị nghi ngờ liên quan đến việc hợp tác với Huawei, tức tội danh liên quan đến hành vi gián điệp. Cựu quan chức Ba Lan này trước đó đã làm việc tại Cục An ninh Ba Lan phụ trách điều tra về hoạt động gián điệp và khủng bố.

Bản tin cho biết, do nhiều năm nay Huawei bị nhiều quốc gia cáo buộc thu thập tình báo cho chính phủ Trung Quốc nên đã bị các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc ngăn chặn; Ủy ban châu Âu và chính phủ Séc cũng đã công khai tuyên bố cấm sử dụng thiết bị Huawei.

Dù vậy, hành động bắt giữ quản lý cấp cao của Huawei vì tội danh gián điệp lại xuất hiện đầu tiên ở Ba Lan, một nước có mối quan hệ hữu nghị tương đối tốt với Bắc Kinh. Vụ việc rất có thể sẽ mang lại một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng cho việc kinh doanh của Huawei ở nước ngoài.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc ngoài việc biểu thị “quan tâm nghiêm túc” ra, hiện nay cũng chưa có phản ứng mạnh mẽ nào. Có người dùng Twitter phân tích, do Vương Vĩ Tinh không phải “gia đình họ Triệu” (chỉ những người thuộc gia đình có quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc, câu này có nguồn gốc từ ‘A.Q chính truyện’ của Lỗ Tấn), hơn nữa chính phủ Trung Quốc từ trước giờ vẫn luôn giữ khoảng cách với những người bị vạch trần là gián điệp ở nước ngoài. Do đó, Bắc Kinh sẽ không đối đãi với Vương như vụ việc Mạnh Vãn Châu, càng không vì thế mà bắt giữ người Ba Lan giống như hành động trả đũa đối với Canada.

Theo thông lệ, một khi có gián điệp ở nước ngoài của Trung Quốc bị chính quyền sở tại bắt giữ, Bắc Kinh thông thường đều sẽ “phủi sạch quan hệ”. Mỹ cũng đang chuẩn bị dẫn độ một nhân viên tình báo ở Giang Tô Trung Quốc tên Yanjun Xu bị bắt giữ tại châu Âu về Mỹ để xét xử, phản hồi của Trung Quốc là chính quyền Giang Tô “đã kiểm tra và không có người này”.

Truyền thông Ba Lan đưa tin, Weijing W. (Vương Vĩ Tinh) tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, trường đại học này có quan hệ với cơ quan ngoại giao và tình báo của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, Vương tiếp tục học Ngôn ngữ Ba Lan tại Đại học lodz (Ba Lan). Từ năm 2006, Vương làm việc tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdańsk (thành phố ở miền Bắc Ba Lan). Năm 2011, Vương vào làm việc tại Huawei và chuyển công tác đến Ba Lan, tại đây Vương phụ trách về quan hệ công chúng và liên hệ với các phái đoàn ngoại giao. Năm 2017, Vương làm Giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan.

Có kênh truyền thông tại Ba Lan đưa tin Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh là “Học viện tình báo” của Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều trường ngoại ngữ của Trung Quốc do phụ trách đào tạo bồi dưỡng quan chức trú ở nước ngoài cho chính phủ Trung Quốc, nên cũng đồng thời đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn số ít “tinh anh” để bồi dưỡng thành nhân viên tình báo ở nước ngoài.

Theo báo cáo điều tra của chính phủ Mỹ, Huawei có mối quan hệ mật thiết với quân đội, an ninh Trung Quốc. Có cựu nhân viên của Huawei tiết lộ, hệ thống quản lý nhân sự nội bộ của Huawei đều tham chiếu theo hệ chế độ quản lý của hệ thống An ninh quốc gia Trung Quốc.

Có phân tích chỉ ra, Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vốn được cho là sẽ trở thành người thừa kế Huawei, nên trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc có vị trí đặc biệt cao. Bên cạnh đó, Mạnh Vãn Châu mang họ của mẹ, cũng là đặc trưng điển hình của “gia đình họ Triệu”. Hơn nữa, ông ngoại của Mạnh Vãn Châu là Mạnh Đông Ba từng là Phó tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên.

So với Mạnh Vãn Châu, Vương Vĩ Tinh có thể chỉ là một quan chức cấp thấp.

Trí Đạt

Xem thêm: