Đông Phương: Quá trình leo thang “ngoại giao sói chiến” của Trung Quốc
- Đông Phương
- •
Cuối tháng Năm vừa qua, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị phàn nàn về công tác tuyên truyền đối ngoại khiến hình ảnh Trung Quốc trong mắt quốc tế “không đáng tin, không đáng yêu, cũng không đáng kính…., khiến Trung Quốc không có được tiếng nói quốc tế tương ứng vị thế”. Phàn nàn của ông Tập chính là về “ngoại giao sói chiến” leo thang theo xu thế trỗi đậy của nền kinh tế nước này.
Bài viết được chuyển thể từ video của Kênh YouTube Đông Phương.
Thời điểm cách đây 10 năm khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ngoài Nga và Pakistan, Trung Quốc không có bạn bè trong cộng đồng quốc tế và không có quan hệ với các cường quốc, nhưng hình ảnh hiện nay của Trung Quốc càng gay go hơn. Cuối năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ đã công bố khảo sát về thái độ đối với Trung Quốc của công dân thuộc 14 quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, kết quả cho thấy quan điểm tiêu cực ở tất cả các quốc gia. Một phần nguyên nhân chính có liên quan đến việc ĐCSTQ che đậy sự thật trong giai đoạn đầu của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Thực tế xu thế lo ngại ĐCSTQ đã bắt đầu từ trước khi xảy ra đại dịch, hiển nhiên liên quan đến “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ.
Vào tháng 7/2019, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) lúc đó ở lãnh sự Pakistan, đã chỉ trích Mỹ vì tiêu chuẩn kép của họ về các vấn đề nhân quyền, bản thân nước Mỹ cũng có tình trạng phân biệt chủng tộc, chênh lệch giàu nghèo và tội phạm bạo lực nên Mỹ không đủ tư cách để ba hoa hồ sơ nhân quyền tại Trung Quốc. Không lâu sau tuyên bố đó ông ta được thăng chức trở thành người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, và Triệu cũng thành “sói chiến” đầu tiên của ĐCSTQ. Kể từ đó, nhiều nhà ngoại giao ĐCSTQ đã học theo và lần lượt xuất hiện thêm nhiều “sói chiến” tương tự. Thực ra, nội bộ quan trường Trung Quốc cũng có những tiếng nói lên án về “ngoại giao sói chiến” này, nhưng cho đến nay không có dấu hiệu nào về việc họ kiềm chế, thay vào đó lại được hoan nghênh trên các nền tảng tuyên truyền tại Trung Quốc. Trong cuộc đối thoại ngoại giao Trung-Mỹ đầu tiên [thời Biden] ở Alaska hồi tháng Ba, lời phát biểu trịch thượng của Dương Khiết Trì, đặc biệt là tuyên bố “Mỹ không đủ tư cách để dạy Trung Quốc”, đã trở thành một cụm từ tìm kiếm nóng ở Trung Quốc Đại Lục, [giới kinh doanh] còn in lên áo thun để bán. Với xu thế “sói chiến” như vậy, không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ “không đáng tin cậy, không dễ thương, càng không đáng kính”.
Thành thật, “sói chiến” của ĐCSTQ đã sớm được thảm trải từ lâu.
Sau Cách mạng Văn hóa, nền kinh tế Trung Quốc trên đà suy sụp, khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền đã bắt đầu cải cách kinh tế. Sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 khiến hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ càng trở nên tồi tệ, thực trạng khiến Đặng Tiểu Bình sau đó đã thúc đẩy quan điểm “giấu mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối), không phô trương đối đầu với các nước.
Sau khi Đặng Tiểu Bình mãn nhiệm, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển lên, nhưng chính sách đối ngoại của ĐCSTQ vẫn theo xu thế kín tiếng như trước. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu thay đổi sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu thúc đẩy chính sách đối ngoại tích cực và sẵn sàng thể hiện hơn. Chiến lược “Chuỗi ngọc trai” được đề xuất trong thời chính quyền Hồ Cẩm Đào nhằm mở rộng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư ở các nước Ấn Độ Dương như Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka. “Tiến lên trong hòa bình” cũng là khẩu hiệu ngoại giao đưa ra lúc bấy giờ, nhưng ẩn sau khẩu hiệu đó là một tư thế ngoại giao ngày càng cứng rắn.
Trong quá khứ, hiếm khi ĐCSTQ sử dụng quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc, trước năm 2007 đã sử dụng quyền này 3 lần, trong đó có 2 lần liên quan đến nước bang giao với Đài Loan, một lần chống lại Guatemala vào năm 1997, còn một lần năm 1999 đối với Bắc Macedonia. Nhưng sau năm 2007, quyền phủ quyết đã được ĐCSTQ sử dụng thường xuyên hơn, chủ yếu để bảo vệ các quốc gia toàn trị, chẳng hạn như chính quyền quân sự Miến Điện và nhà độc tài Syria Assad. Ở châu Á, ĐCSTQ ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn, tiêu biểu trong sự kiện va chạm tàu ở quần đảo Điếu Ngư vào năm 2010, sau khi phía Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc liên quan đến vụ việc thì Bắc Kinh cũng lập tức yêu cầu Nhật Bản thả người và tàu, dù Nhật đã làm theo, nhưng ĐCSTQ vẫn trả đũa bằng cách cấm vận đất hiếm đối với Nhật Bản, động thái khiến cộng đồng quốc tế cũng phải ngạc nhiên.
Tuy nhiên, thực tế thời chính quyền Hồ Cẩm Đào, đằng sau lập trường ngoại giao cứng rắn của ĐCSTQ không phải là Bộ Ngoại giao mà là quân đội ĐCSTQ. Năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào đề xuất một sứ mệnh lịch sử mới cho quân đội, bao gồm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc từ trên biển, không gian, đến lĩnh vực thông tin và điện từ, hải quân Trung Quốc cũng bắt đầu hiện đại hóa và thách thức Mỹ tại Biển Đông của Việt Nam: năm 2009 va chạm với tàu khảo sát và đối đầu với tàu khu trục tên lửa dẫn đường McCain của Mỹ; trước đó vào năm 2007, ĐCSTQ đã thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh, đã phá hủy một vệ tinh thời tiết gây ra nhiều rác trong không gian; hoạt động hacker của quân đội ĐCSTQ cũng ngày càng dữ dội hơn.
Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ vẫn bị gạt ra ngoài lề. Chúng ta đều biết Bộ Chính trị là cơ quan ra quyết định của ĐCSTQ, đặc biệt là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, mọi chủ trương chính sách của Trung Quốc đều từ Ban Thường vụ Bộ Chính trị; dù có Quốc vụ viện, có Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cơ quan, bộ ngành khác nhau liên quan, nhưng quyền lực đều tập trung ở Ban Thường vụ Bộ chính trị. Giới bình luận thường nói Trung Quốc là đất nước của Đảng là vì thế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không phải là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị nên Bộ Ngoại giao không ở trung tâm quyền lực. Tại cuộc họp ASEAN năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã tuyên bố Mỹ trở lại Đông Nam Á, can thiệp vào vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Biển Đông. Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phía Trung Quốc tham dự cuộc họp là Dương Khiết Trì không biết ứng phó thế nào và đã phải rời khỏi địa điểm họp trong một giờ, khi trở lại mới có phát biểu cứng rắn. Năm 2007, tên lửa quân sự của ĐCSTQ đã phá hủy vệ tinh và gây ra rác trong không gian, chính phủ các nước đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối, nhưng các đại sứ như không biết gì về vấn đề này, và sau đó 12 ngày thì Bộ Ngoại giao ĐCSTQ mới có tuyên bố thanh minh.
Sau năm 2000 khi Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Tiền Kỳ Sâm nghỉ hưu, Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng chưa có ghế cho Bộ trưởng Ngoại giao, kéo dài đến năm 2017 khi Dương Khiết Trì vào Bộ Chính trị thì tình hình mới thay đổi. Dù ông ta là Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại nhưng ông ta có nhiều quyền lực hơn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và từ đó Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng chen được vào trung tâm quyền lực, trải thảm cho “ngoại giao sói chiến”. Thời kỳ đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) có thể xem là lúc “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ bùng nổ. Sau đại dịch chắc chắn cục diện thế giới sẽ có nhiều thay đổi, dù khó có thể biết thay đổi như thế nào và đi bao xa, nhưng tư thế “sói chiến” của ĐCSTQ sẽ không thay đổi. Để xem chính phủ các nước, đặc biệt là Chính phủ Mỹ, sẽ khiêu vũ với bầy sói ra sao?
Đông Phương, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả)
MỜI XEM VIDEO: “Thay đổi hình tượng TQ sẽ không giải quyết được vấn đề”
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Ngoại giao sói chiến Ngoại giao chiến lang Đông Phương