Dự báo kinh tế Trung Quốc qua báo cáo của IMF và UBS
- Trí Đạt
- •
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm thứ Ba (16/7), cơ quan này đã nâng triển vọng kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu trong năm nay, đồng thời hạ thấp kỳ vọng ở mức độ vừa phải đối với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, một báo cáo của UBS cho thấy, nếu bị Mỹ áp thuế 60%, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm một nửa.
IMF nâng dự báo tăng trưởng Trung Quốc lên 5%
Theo đó, IMF duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2%, bằng mức dự báo hồi tháng 4. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF đã hạ tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong năm nay 0,1 điểm phần trăm xuống còn 2,6%; tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng euro tăng 0,1 điểm phần trăm và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng tăng 0,4 điểm phần trăm lên 5%. IMF chỉ ra rằng trong quý đầu tiên, tiêu dùng tư nhân của Trung Quốc đã phục hồi và xuất khẩu rất mạnh.
Báo cáo cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng dự báo cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ được nâng lên nhờ các hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 đã được nâng lên 5%, chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân phục hồi trong quý 1 và xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Theo AFP đưa tin, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói với các phóng viên rằng “tăng trưởng toàn cầu vẫn ổn định”.
Tuy nhiên, tốc độ mở rộng của nền kinh tế thế giới vẫn không mấy ấn tượng so với các tiêu chuẩn lịch sử gần đây. Từ năm 2000 đến 2019, trước khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế, tăng trưởng toàn cầu hàng năm đạt trung bình 3,8%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế là tổ chức cho vay của 190 quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cũng như giảm nghèo toàn cầu.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas ước tính Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm gần một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng do tác động tiêu cực của tình trạng già hóa dân số và tăng trưởng năng suất chậm lại, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,5% vào năm 2025, đồng thời tiếp tục chậm lại trong trung hạn, đến năm 2029 giảm xuống mức 3,3%.
Nền kinh tế Ấn Độ hiện được dự đoán sẽ tăng trưởng 7%, tăng so với dự báo 6,8% của IMF hồi tháng 4, một phần nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ ở khu vực nông thôn.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,3%. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm lên 4,5%. Dự báo tăng trưởng của Mỹ vẫn ở mức 1,9%.
UBS: Nếu bị Mỹ áp thuế 60%, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm một nửa
Nghiên cứu mới nhất do UBS công bố cho thấy, nếu Mỹ áp mức thuế mới 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị cắt giảm một nửa, nhấn mạnh những rủi ro đặt ra cho Bắc Kinh nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump cho biết vào đầu năm nay rằng nếu được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp theo, ông có thể xem xét áp thuế mới 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) trích dẫn một báo cáo do các nhà kinh tế UBS công bố ngày 15/7 rằng nếu điều này xảy ra, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm 2,5 điểm phần trăm trong năm tới. Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, đồng nghĩa với việc nếu ông Trump đắc cử và áp đặt mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới sẽ giảm hơn một nửa.
Dự báo của UBS dựa trên các giả định sau: Một số hoạt động thương mại của Trung Quốc vẫn có thể được chuyển sang Mỹ thông qua nước thứ ba, Trung Quốc sẽ không có hành động trả đũa, hơn nữa các quốc gia khác sẽ không đứng cùng hàng ngũ với Mỹ trong việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế tại UBS cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bị cắt giảm một nửa do xuất khẩu giảm, nửa còn lại là do tiêu dùng và đầu tư bị ảnh hưởng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc có hành động trả đũa, tác động của thuế quan có thể trầm trọng hơn, từ đó đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
UBS dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt 4,6% vào năm 2025 và 4,2% vào năm 2026. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của UBS tin rằng ngay cả khi Trung Quốc đưa ra một số biện pháp kích thích để chống lại tác động của bất kỳ mức thuế nào, tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống 3% trong hai năm tới.
Từ khóa UBS kinh tế Trung quốc IMF