Kinh tế Trung Quốc đang nổi rõ hệ lụy từ hiện tượng bất thường trong hoạt động, khiến những vấn đề xã hội vốn dĩ đã âm ỷ đang trở nên nổi cộm hơn.

kinh te trung quoc
Tháng 11/2023 Trung Quốc dường như hứng chịu làn sóng mới các địa điểm kinh doanh ăn uống đóng cửa. (Ảnh tổng hợp từ MXH)

Năm 2024, nhà chức trách Trung Quốc lạm lụng nghiêm trọng phát hành đồng nội tệ: Tính đến cuối tháng 3 năm nay, quy mô tổng số tiền quốc gia (M2) của Trung Quốc đạt 304,8 nghìn tỷ RMB, gấp hơn 2 lần quy mô GDP; thế nhưng mọi tầng lớp xã hội trong nước lại thiếu tiền: Xu thế doanh nghiệp giảm lương và giảm nhân viên, người dân hạn chế mức tiêu dùng, còn cơ quan nhà nước cũng giảm những nhân viên ngoài biên chế… Nguyên nhân của hiện tượng kinh tế bất thường này là do lượng tiền tệ dư thừa từ ngân hàng trung ương phát hành không đi vào nền kinh tế thực hay thị trường vốn, chỉ luân chuyển nhàn rỗi vô nghĩa trong hệ thống tài chính. Do nền kinh tế thực thiếu các dự án đầu tư tốt, thị trường vốn không có tác dụng sinh lời, trong khi thị trường bất động sản bấp bênh… Hệ lụy có thể thấy là 5 biểu hiện xã hội trở nên nổi rõ hơn:

1. Người trẻ không muốn kết hôn

Ngày nay, số cặp đôi Trung Quốc kết hôn có xu hướng giảm, nếu năm 2013 có 13,47 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn thì đến năm 2022 số cặp đôi đăng ký kết hôn giảm xuống còn 6,83 triệu cặp (giảm năm thứ 9 liên tiếp), quý 1/2024 số lượng đăng ký kết hôn trên toàn Trung Quốc đã giảm xuống dưới 2 triệu. Nguyên nhân chính khiến giới trẻ không muốn kết hôn có thể là do “thiếu tiền”: từ đính hôn, tổ chức tiệc cưới, mua nhà, mua xe… việc gì cũng cần tiền! Chi phí cho hôn nhân ngày càng cao nên nhiều bạn trẻ không có tiền để kết hôn, đành lựa chọn cuộc sống độc thân. Đây có lẽ là lý do chính khiến tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc hiện nay suy giảm.

2. Người trẻ không muốn sinh con

Số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc ngày càng thấp, từ 17,58 triệu vào năm 2017 giảm xuống còn 9,02 triệu vào năm 2023. Trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng nới lỏng chính sách cho mỗi cặp vợ chồng sinh 2 – 3 con để giải quyết vấn đề dân số, nhưng hiệu quả rõ ràng không như mong đợi. Nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngại sinh con có thể là do chi phí nuôi con quá cao.

Theo ước tính của các tổ chức có uy tín của Trung Quốc, chi phí trung bình cho nuôi con của các cặp vợ chồng Trung Quốc từ khi sinh đến khi tốt nghiệp đại học lên tới 680.000 RMB (2,4 tỷ đồng). Ngoài ra cũng cần tính nhiều gia đình hàng tháng phải trả nợ thế chấp càng khiến vấn đề nuôi con rất khó khăn, thậm chí không dám nghĩ đến chuyện sinh thêm con. Một số người trẻ thấy chi phí nuôi con quá cao nên đơn giản chọn cách sống DINK (Double Income, No Kids) trong thế giới chỉ có hai người.

3. Người Trung Quốc ngày càng sống tiết kiệm

Tính từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng trong nước Trung Quốc đã 3 lần hạ lãi suất huy động, dự kiến vẫn còn dư địa để giảm lãi suất, nhưng dù vậy nhiệt tình tiết kiệm tiền của người Trung Quốc vẫn không hề suy giảm. Có hai lý do chính: Một là sau khi trải qua dịch bệnh COVID-19, nhiều người Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền nên mọi người tăng xu hướng tiết kiệm tiền bằng cách gửi vào ngân hàng, để đối phó với những tình huống khẩn cấp như thất nghiệp và bệnh tật. Một lý do khác là các kênh đầu tư khác của Trung Quốc như thị trường chứng khoán, các quỹ… giảm tín nhiệm, rủi ro đầu tư tương đối cao, do đó nhiều người thấy tốt hơn là nên giữ tiền trong ngân hàng, ít nhất thì được đảm bảo tiền gốc và lãi đều.

4. Tiêu dùng xã hội ì ạch và xuống cấp

Sau khi Trung Quốc không còn căng vì dịch bệnh COVID-19, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có động thái “tiêu dùng trả đũa”. Nhưng trên thực tế lại có diễn biến ngược lại, các thị trường tiêu dùng từ trung đến cao cấp như bất động sản, ô tô, hàng xa xỉ, đồ gia dụng nhỏ đều có doanh số sụt giảm mạnh. Nguyên nhân có thể là do thu nhập giảm, toàn xã hội bắt đầu chứng kiến ​​tình trạng suy giảm chi tiêu.

Ví dụ, trước đây người hút thuốc lá có hướng mua loại thuốc giá hàng chục RMB một gói, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều người hút loại 10 RMB một gói. Ngoài ra, do thị trường bán ô tô ế ẩm, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc đã phát động cuộc chiến về giá, có khi giảm giá tới 100.000 RMB để thu hút người mua. Điều này chủ yếu là do người dân hiện nay có thu nhập giảm hoặc thất nghiệp, khiến họ đã bắt đầu cắt giảm các chi phí sinh hoạt không cần thiết.

5. Thị trường đồ cũ ngày càng sôi động

Sau 3 năm dịch bệnh COVID-19, ngày nay thị trường đồ cũ tại Trung Quốc ngày càng trở nên sôi động. Một là sau đại dịch thì nhiều người thiếu tiền, họ muốn bán một số thứ có giá trị mà họ đang dùng để đổi lấy tiền mặt. Hai là do hiện nay thu nhập giảm, nhiều người thường chọn mua đồ cũ để giảm chi phí. Đây có thể là lý do hiện nay tại Trung Quốc, thị trường đồ cũ trực tuyến cũng như các cửa hàng cầm đồ và dịch vụ thu mua vàng ngoại tuyến đều bắt đầu sôi động trở lại.