Học giả Trung Quốc kể chuyện tra tấn trong nhà tù
- Nghiêm Gia Vĩ
- •
Theo giới thiệu năm 2012 trên trang Bình luận Độc lập (duping.net), học giả Nghiêm Gia Vĩ sinh năm 1937 tại Thành Đô – Trung Quốc Đại lục trong gia đình dòng dõi Nho học. Năm 1957, trong phong trào chống hữu khuynh, ông bị liệt vào phần tử cánh hữu và bị bỏ tù 15 năm. Từ năm 2007 ông tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh vì nhân quyền, viết bài vạch trần các thủ đoạn tàn bạo thời Mao Trạch Đông như chống hữu khuynh, cách mạng văn hóa, cải cách ruộng đất… Trong hàng loạt bài viết của ông đăng tải trên truyền thông quốc tế, có những đánh giá cho rằng nhiều bài có tiếng vang, gây được sự ảnh hưởng.
Trong thời gian ở tù, ông Nghiêm Gia Vĩ đã tai nghe mắt thấy, đích thân chứng kiến những hành vi ngược đãi và tra tấn, những ký ức đó cho đến nay vẫn ám ảnh ông trong những cơn ác mộng khi nằm ngủ, không bao giờ có thể nguôi ngoai. Vì vậy ông chép lại những ký ức này để công khai với thế giới, để lịch sử ghi lại, không thể để những hành động dã man của những kẻ tàn ác bị lãng quên.
Cả Mao Trạch Đông cũng bị kinh động
Trong cái gọi là Trại quản giáo của Trung Quốc Đại lục (gồm nhà tù, đội cải tạo lao động, đội giáo dục lao động, trại theo dõi, trại tạm giam) có vấn đề ngược đãi và tra tấn tù nhân (thực ra thứ gọi là “phần tử giáo dục lao động” của Đội giáo dục lao động chính là biến tướng của tù đày). Vụ việc thậm chí còn từng làm cho “Mao thái tổ” thấy “choáng váng”, phải ra “chỉ thị tối cao”. Đó là vào năm 1974 trong thời Cách mạng Văn hóa, khi đó sau khi tôi mãn hạn tù tại Nhà tù Số 4 tỉnh Tứ Xuyên đã bị ép ở lại Đội cải tạo gọi là “nhân viên làm nghề” (tựu nghiệp viên). Một hôm tổ chức đại hội “hai loại nhân viên” của toàn bộ nhà tù. Cái gọi là “hai loại nhân viên” là tên chung của tù nhân và nhân viên làm nghề. Người đọc Báo cáo đại hội là ông Vương Tôn Chính (Wang Zongzheng), Chính ủy của nhà tù khi đó. Thông thường, cho dù là Quản tù chức lớn hay nhỏ, chỉ cần ở hội nghị cầm cái gọi là “Lời răn” hoặc “Báo cáo” là “hai loại nhân viên” không chỉ phải rửa tai lắng nghe mà những ai có khả năng viết chữ cũng phải cầm bút cung kính ghi chép, nếu không sẽ bị xem là thái độ “chống cải tạo”. Nhưng hôm đó vừa bắt đầu đã nghe Quản tù tuyên bố: “Hội nghị hôm nay, Chính ủy Vương có Báo cáo quan trọng, truyền đạt chỉ thị quan trọng của Lãnh tụ vĩ đại Mao chủ tịch. Chỉ cần mọi người nghiêm túc lắng nghe, không ai được ghi chép, không được thì thầm tai nhau, không bàn riêng ồn ào, ai vi phạm sẽ bị xếp vào tội có hành vi chống cải tạo!” Ngay lập tức bầu không khí vừa căng thẳng vừa gợi tò mò, không biết chuyện gì sắp xảy ra.
Nhưng kết quả cái gọi là “chỉ thị quan trọng của Mao chủ tịch” mà hôm đó quản tù Vương truyền đạt chỉ có một câu, đó là “Kẻ nào đã phát minh ra những phương thức thẩm vấn phát xít này? Phải chấm dứt ngay lập tức”. Lời tuyên bố không đầu không đuôi, cơ bản mọi người không rõ Mao chủ tịch muốn đề cập chuyện gì. Sau khi chính ủy Vương đọc “chỉ thị tối cao” hai lần mới nhắc về chính sách cải cách lao động vĩ đại thế nào, “hai loại nhân viên” phải làm sao để thực hiện “chủ nghĩa nhân đạo của cách mạng”. Dường như điều Mao chỉ thị không chỉ không liên quan gì đến “hai loại nhân viên” chúng tôi, thậm chí không liên quan gì đến Trung Quốc, mà xem chừng lại giống như chuyện “chủ nghĩa đế quốc Mỹ độc ác”. Sau này mới biết, thì ra trong Cách mạng Văn hóa có một số quan chức “phái theo tư bản” bị tra tấn cực hình trong lao tù, vụ việc sau đó đến tai Mao chủ tịch. Nhất thời Mao tức giận bèn viết “chỉ thị tối cao” kiểu “ghi chú” như vậy. Tuy nhiên, sau khi “chỉ thị tối cao” được truyền đạt, thực trạng tù nhân bị trói, bị đánh đập vẫn không có gì thay đổi.
Đủ các kiểu loại tra tấn cực hình
Kể từ năm 1957 khi tôi bị bắt vào Trại theo dõi Tự Vĩnh tại Tứ Xuyên, hành vi tra tấn và ngược đãi luôn đeo đẳng tôi, hình thức rất đa dạng, không thiếu thể loại nào. Những người hiền lành chưa từng trải qua rất khó tưởng tượng được. Đại khái có thể phân loại như sau:
1. Phổ biến nhất là đánh người
Đối với tù nhân thì chuyện này đã là chuyện nhỏ. Đặc biệt là Quản tù không dùng dụng cụ gì mà chỉ đấm, tát, đá, chuyện này ở trong tù có thể xem như không phải chuyện đáng kể. Nhà tù Số 4 tỉnh Tứ Xuyên có một Quản tù tên là Dư Kế Phát (Yu Jifa), vốn là một trung đội trưởng trong quân đội bị cho “chuyển nghề”, vì không biết nhiều chữ nghĩa nên đành chuyển về Đội Cải tạo lao động để cai quản tù nhân. Khi hắn ta ở nhà tù Lô Châu tỉnh Tứ Xuyên, hắn có biệt danh là “thừa một chân”. Hắn luôn mang đôi giày da quân đội, cứ trông thấy ai không vừa mắt là dùng một bàn chân tung cước nên được ban tặng “mỹ danh” này. Có lẽ vì đá người quá nhiều mà sau đó chân hắn bị kết hạch, thời điểm đó trình độ điều trị bệnh này của Trung Quốc rất thấp, cuối cùng cái chân bị bệnh của hắn ngắn hơn gần 3cm so với chân kia khiến hắn đi cà thọt, muốn đá người cũng khó khăn. Vậy là mỹ danh “thừa một chân” được đổi thành “Thừa Thọt”.
Nhưng dù Thừa Thọt không còn dùng chân đá người, hắn dùng tay đánh cũng kinh khủng như vậy. Một lần hắn dùng cây gậy đánh một tù nhân tên Trần Trung Lương (Chen Zhongliang), đánh đến cây gậy gẫy đôi, còn người bị đánh hôn mê bất tỉnh. Hồi xảy ra nạn đói ba năm, tôi đi cải tạo lao động tại mỏ than Phù Dung (Furong), do nạn đói làm thiếu dinh dưỡng nên tôi bị chứng quáng gà. Do thiếu vitamin A, tế bào que của võng mạc mắt không thể tổng hợp được một chất gọi là rhodopsin, cho nên cứ đến xế chiều là tôi không nhìn được gì nữa (dân gian thường gọi là “mắt quáng gà”). Một hôm vào xế chiều, chỉ đạo viên Tôn Minh Thanh (Sun Mingqing) gọi vài tù nhân chúng tôi ra ngoài bê cho hắn ta thứ gì đó. Tôi “báo cáo” hắn rằng tôi không thể nhìn thấy gì. Vừa nghe hắn đã nổi xung hét lên: “Mắt mày mù à? Nếu gọi mày đi ăn thứ gì chắc không ai chạy nhanh hơn mày!” Tôi nói: “Em bị bệnh quáng gà.” Tôn hỏi: “Quáng gà là thứ chó gì?” Tôi đáp “Vì thiếu vitamin…”, khi tôi còn chưa nói hết ý đã bị bàn tay hắn bổ vào đầu, “Loại chó cánh hữu phản cách mạng như mày còn dám bôi nhọ chính quyền, chính quyền nhân dân cho mày ăn no mỗi ngày ba bữa, mày còn dám kêu thiếu vitamin…” vừa chửi hắn vừa đá tôi. Lúc đó cơ thể tôi yếu ớt đến mức chỉ cần cơn gió hơi mạnh thổi qua cũng khó đứng vững, cú đá của hắn chút nữa làm tôi bổ nhào. Nhưng hắn không chỉ không buông tha tôi, còn chửi tôi “chó giả chết” (hàm nghĩa là giở trò lừa bịp), đồng thời hắn lại dùng chân đá liên tục vào người tôi khiến tôi đau phải la lên, sau đó dường như hắn cũng thấm mệt, đành bỏ lại tôi rồi dẫn mấy tù nhân khác đi ra.
Vào năm 1963, khi đó tôi làm việc trồng rau tại Trung đội 5 của mỏ than Phù Dung, một phân đội trưởng họ Tống (Song) quát tôi rằng thùng phân mà tôi nhặt phân không đầy, cho rằng tôi làm việc gian trá, hắn liền lấy cái cành cây đánh lên đầu tôi, hắn đánh tôi giống như thúc roi xe bò xe ngựa, vừa đánh vừa chửi “thằng cha mày nhanh lên nào, đi nhanh lên!” Bữa trưa hôm đó hắn còn không cho tôi ăn. Trong mắt tên cai họ Tống này, chúng tôi thậm chí còn không bằng loài gia súc trâu ngựa. Loài trâu hay ngựa làm việc cũng phải được cho ăn cỏ. Trong trung đội trồng rau thôn Trương Gia của mỏ khoáng sản này có một Quản tù tên là Cam Đại Toàn (Gan Daquan), có biệt danh là “Cam đòn gánh”. Bởi vì suốt ngày hắn cầm cây đòn gánh, không phải để khiêng thứ gì mà để đánh người. Tôi tận mắt nhìn thấy một tù nhân họ Vương (Wang), vì đến vườn rau ăn trộm đậu Hà Lan ăn bị phát hiện, khi đó tên cai cầm đòn gánh phang thẳng làm gãy lìa xương vai tù nhân họ Vương kia.
2. Dùng tù nhân trị tù nhân
Trong chính sách cải tạo lao động thời đó, cũng có những lời nhân nghĩa đạo đức kiểu như không được phép đánh chửi và ngược đãi tù nhân, nhưng chủ yếu chỉ nhằm che mắt “quỷ phương Tây”. Cũng giống như Hiến pháp thần thánh của chúng ta ngày nay có ghi rõ rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội…, nhưng bạn cứ thử lập hội xem an ninh có mời bạn đi “uống trà” không? Mấy chục năm tôi sống trong Đội cải tạo lao động, chứng kiến câu cửa miệng giới Quản tù hay dùng là “Chúng tôi không đánh người, không chửi người. Chúng tôi không đánh, không chửi người chịu cải tạo”, ý nghĩa là những người bị đánh là vì không chịu cải tạo, chống cải tạo. Nhưng thế nào là “chịu cải tạo”, thế nào là “chống cải tạo” là do miệng lưỡi Quản tù “phán quyết”. Cho nên có Quản tù láu cá, để an thân và bớt việc, thậm chí xúi giục cho tù nhân này xử lý tù nhân khác…
Một số tù nhân muốn được đánh giá “tích cực chịu cải tạo, lập công giảm tội” nên cũng tích cực hợp tác với Quản tù. Thậm chí có những tù nhân “biến thái” xem việc này như trò giải trí, thư giãn. Đặc biệt, trong việc đấu tố tù nhân “chống cải tạo” hoặc bỏ trốn này, có tù nhân làm vì để được đánh giá là có thái độ tích cực, có khi vì để trả thù riêng, thậm chí có khi chỉ để trút giận, tìm lạc thú. Dù sao những trường hợp bị đấu tố hành hạ là vì được Quản tù dung túng. Dù sao khi đánh người khác lại được “Đảng và Chính phủ nhân dân” xem là “biểu hiện tốt vì tích cực chịu cải tạo” thì còn gì hào hứng bằng?
Trong Cách mạng Văn hóa, tôi ở Nhà tù Số 4 tỉnh Tứ Xuyên. Tôi thấy có một tù nhân hoàn toàn bị chứng tâm thần phân liệt tên là Lý Đinh (Li Ding), anh ta kể rằng có “phát hiện độc đáo” về chủ nghĩa Mác – Lê, muốn được thảo luận cùng đồng chí Mao chủ tịch. Ai có chút khả năng phán đoán thì chỉ nghe qua là hiểu anh ta có vấn đề tâm thần, nhưng thời điểm đó anh ta bị quy kết là “phản động tột bậc”, độc ác “lăng nhục lãnh tụ”. Vậy là bị lôi ra đấu tố, bị phạt quỳ và chịu đòn đấm đá. Vào một buổi tối, tôi chứng kiến một phạm nhân bị kết tội cánh hữu của chúng tôi đã tát liên tục vào hai bên má Lý Đinh đến hơn chục lần, ngay đến một người tâm thần cũng phải chịu hành hạ vô tâm như vậy. Được biết vài năm trước vị huynh đệ này có viết hồi ký về Lý Đinh.
Trong giới tù nhân, còn có “tù nhân đặc biệt”. Khi tôi ở trong đội thôn Trương Gia của mỏ than Phù Dung, có một phạm nhân tên Mai Đình Tú (Mei Tingxiu), nghe tên giống như tên phụ nữ nhưng đó là nam giới. Vốn từng là cán bộ của Đội cải tạo lao động nông trường Cổ Tự. Năm 1957 sau khi bị liệt vào cánh hữu, thêm nữa người ta lại tìm thấy trong nhật ký của anh ta có “ngôn từ phản động”, vậy là anh ta bị kết án 10 năm tù vì “tội phản cách mạng”, nhưng anh ta may mắn vì khi đến mỏ than Phù Dung có nhiều Quản tù là người thân quen của anh ta. Chí ít vì họ khá yên tâm về anh ta, nên cho anh ta làm “tù nhân trưởng”, hàng ngày anh ta không phải làm công việc chân tay, còn các tù nhân khác làm gì là do anh ta bố trí. Kinh khủng hơn là anh ta có quyền quyết định lượng tiêu chuẩn thực phẩm hàng ngày của các tù nhân khác, bất kể đó là ai. Hồi đó, ai thêm được chút thức ăn là thêm được chút hy vọng sống sót. Vì vậy mà các phạm nhân đều xem anh ta như “quản giáo thứ hai”. Hàng ngày anh ta đi kiểm tra, thấy ai làm việc không tích cực là đánh đập, vì vậy không tù nhân nào không sợ anh ta. Điều lạ hơn là tù nhân này bị bắt cải tạo lao động chưa đầy 5 năm đã được thả ra. Trong Đội cải tạo lao động, cái gọi là “quan phạm nhân” kiểu như “tù nhân trưởng” hay “tổ trưởng học tập” thường đều có bối cảnh xuất thân như từng làm thư ký, là đảng viên, nhờ đó mới có điều kiện trở thành công cụ của Quản tù trong kế hoạch “dùng phạm nhân trị phạm nhân”.
Giờ đây nghĩ chuyện này cảm thấy thế sự khó lường, nhiều kẻ khi gặp nạn lại thành gặp may. Ngày nay phạm nhân sống trong tù không khác gì người thân trong nhà được làm quan, ông chủ lớn giàu có hiển nhiên được “ưu đãi” đặc biệt. Vào những năm 1990, ông Lãnh Đãi Phát (Leng Daife) trưởng phụ trách Nhà tù Số 4 tỉnh Tứ Xuyên (sau này bị kết án tù vì tội tham ô), đã dám gọi tù nhân đến và nói thẳng “Tôi biết nhà anh rất giàu, nếu gia đình anh tặng nhà tù 10 nghìn nhân dân tệ thì có thể giảm án một năm tù cho anh.” Số tiền 10 nghìn nhân dân tệ khi đó khác xa bây giờ, như dân gian có ví “nhà nào có 10 nghìn tệ là nhà giàu có”.
3. Dùng công cụ phòng hiểm tra tấn tù nhân
Vốn dĩ những công cụ phòng hiểm dùng để phòng ngừa, ngăn chặn những tù nhân có khuynh hướng bạo lực giở trò bạo lực. Nhưng Quản tù thường lạm dụng công cụ này để hành hạ tù nhân. Phổ biến nhất là còng tay, tiếp theo là dây thừng và cùm chân. Năm 1957, tôi ở Trại Giám sát Tự Vĩnh, Thẩm phán cho rằng “tôi khai báo không thẳng thắn và trung thực”, vậy là tôi lại có tranh cãi động chạm ông ta. “Thẩm vấn viên” họ Ngô (Wu) đã áp dụng cực hình còng tay đối với tôi, có tên gọi là “khai cung hai bên”. Nghĩa là một vòng còng tay còng vào cổ tay trái tôi, vòng còng kia còng vào cổ tay phải, sau đó dùng lực xiết mạnh, chỉ cần chưa tới 10 phút là tay bị tím bầm vì không tuần hoàn máu được. Đau đớn khi đó khiến người bị tra tấn như muốn chết ngay lập tức còn tốt hơn. Tôi buộc phải “khai báo thẳng thắn” tất cả như ý ông ta. Lúc đó họ Ngô tự đắc nói “Mày muốn so gan với bố à, mày còn không bằng đứa con nít. Hôm nay tao mới mời mày xơi ‘khai cung hai bên’, còn chưa mời mày ăn ‘lưng kiếm Tô Tần’ đấy.” Tiếp đó hắn ta lại cho tôi “thưởng thức” thêm chút đau đớn, hắn cho một vòng còng vào một tay tôi bẻ ra sau lưng, còn vòng còng kia thì còng cổ tay còn lại bằng cách vắt qua vai. Ai muốn biết có thể làm thử xem cảm giác như thế nào. Người Trung Quốc ơi, vì đâu mà tài trí thông minh của chúng ta lại dồn hết vào thứ tàn ác này?! Chả trách Mao Trạch Đông cũng phải thốt lên “Kẻ nào đã phát minh ra phương pháp thẩm vấn phát xít này?” Cảnh tượng hồi đó, ngày nay dù thời gian đã qua vài chục năm, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại trong những cơn ác mộng.
Loại còng tay đề cập ở trên là “còng tay nước ngoài” mang của phương Tây về, có lẽ cũng còn chút “văn minh”. Bởi vì giữa hai vòng còng được nối bằng dây xích sắt. Còn còng tay “đặc sắc Trung Quốc” được gọi trắng là “còng bưng”. Loại còng này dùng sắt chế thành một cái vòng, cho cả hai tay vào chung, sau đó chọc một cây sắt vào giữa rồi khóa bên ngoài lại. Tư thế còng này trông giống như hai tay bạn đang phải bưng một món đồ, cho nên gọi là “còng bưng”. Khi bị còng bưng thì ngay cả chén cơm ăn bạn cũng không cầm được, khi ăn chỉ còn cách kề miệng vào chén cơm và “cạp” từng miếng, không khác gì cho chó cho heo ăn. Cá nhân tôi không được “thưởng thức” loại đãi ngộ “chủ nghĩa nhân đạo cách mạng vô cùng đặc sắc Trung Quốc” này, nhưng tôi đã hơn một lần thấy người khác “thưởng thức”. Đặc biệt là tù nhân bị án tử hình, chờ xử bắn.
Đối với người bị kết án tử hình, trong thời gian chờ thi hành án, thông thường họ bị biệt giam, đặc biệt đối với cái gọi là “tội phạm nghiêm trọng phản cách mạng”, còn có một loại “hưởng thụ” đặc biệt gọi là “giường hành hình”. Cái gọi là “giường hành hình” là một tấm gỗ dùng để cho tù nhân nằm dang rộng hai tay hai chân, cả tứ chi và vùng eo bị cố định bằng dây thừng hoặc dây xích. Khi bị cố định như vậy không thể ngồi lên hay nằm nghiêng được. Tôi từng được Quản tù cử đi tiêm thuốc ngủ cho tử tù bị nằm giường này, do anh ta giãy giụa la hét dữ dội. Trong canh chừng tử tù, cứ sau 24 tiếng lại thay phiên người canh.
Ngoài còng tay thì xiềng chân và dây thừng cũng là những công cụ quan trọng mà Quản tù hay lạm dụng hành hạ tù nhân. Xiềng chân có phân loại nhẹ và nặng, loại nhẹ có trọng lượng chỉ vài cân, còn loại nặng có thể lên tới hơn 40 cân. Sau khi bị đeo mới biết thế nào gọi là “lê chân cực nhọc”. Khi chân chuyển động, tiếng vang của xiềng chân cũng là loại thanh âm khiến tù nhân cảm giác rợn người. Đặc biệt là về khuya, khi nghe thanh âm này truyền từ trong nhà ngục ra gợi cảm giác khủng bố như âm vang từ địa ngục. Người bị xiềng chân rất khó chợp mắt ban đêm, vì khi đó xiềng sắt rất lạnh lẽo. Mùi vị này tôi đã đích thân trải nghiệm qua. Điều kỳ lạ hơn nữa là một khi xiềng chân thời gian dài được tháo ra, khi bước đi sẽ có cảm giác tương tự như “trên vũ trụ mất trọng lượng”, bước đi siêu vẹo chỉ trực ngã bổ nhào. Điều này là vì tình trạng “không tự do” của thân thể đã gây ra dạng “thói quen” đáng sợ. Còn dùng dây thừng trói cũng là cách ngược đãi tù nhân thường thấy của Quản tù thời đó. Người bị trói tàn nhẫn có khi đến mức mất tự chủ trong việc tiểu tiện và đại tiện, bị ngất xỉu và cánh tay bị tàn phế. Trong thời gian ở Nhà tù Số 4, tôi đã thấy một tù nhân tên là Hà Quang Toàn (He Guangquan), bị Quản tù trói đến nổi hai tay tàn phế. Sau vụ việc, Quản tù cũng không bị xử phạt gì.
4. Biệt giam
Còn được gọi là “giam khám nhỏ”. Người tù sẽ bị nhốt vào một phòng nhỏ chưa đầy hai mét vuông, bên trong có chiếc giường nhỏ, cạnh giường đặt thùng chứa phân. Mọi sinh hoạt ăn uống và bài tiết đều ở trong đó. Trên cửa có một lỗ vuông nhỏ, là đường thông duy nhất để hàng ngày đưa cơm và nước vào. Mỗi ngày chỉ được 8 lạng lương thực (sáng và tối được 2 lạng, trưa được 3 lạng), thức ăn mỗi bữa có vài lá rau già và chút muối, chưa từng thấy chút dầu mỡ nào. Không chỉ ít cơm và rau, ngay cả nước cũng chỉ có một chén sứ, dùng cho cả ăn và rửa mặt. Chỉ cần bị như vậy trong vòng chưa đầy hai tháng là cơ thể người tù sẽ chỉ còn lại da bọc xương.
Cực hình là sản phẩm của chế độ phản nhân tính
Trong Đội Quản nghiêm 101 Chi đội Giáo dục Lao động 415, có một “phần tử giáo dục lao động” tên là Vương Chí Trung (Wang Zhizhong), người này vốn từng là giám đốc một nhà xuất bản ở Tứ Xuyên, năm 1957 bị quy kết phái hữu nên bị chuyển vào Trại Giáo dục Lao động 415. Bởi vì anh bị nghi là thành viên của “nhóm phản cách mạng chủ nghĩa Mác – Lênin”, còn bản thân anh kiên quyết phủ nhận, cho nên anh bị cho là thuộc loại “ngoan cố không tự thú”. “Cán bộ quản giáo” Lý Ngọc Bạch (Li Yubai) của đội này cho làm một “quan tài sống” bằng đá để biệt giam anh. Sở dĩ được gọi là “quan tài sống” vì “gian phòng” bằng đá này chỉ vừa đủ chứa một người sống bên trong, đừng nói đến chuyện nằm mà thậm chí dù muốn ngồi cũng không thể ngồi được, trên cửa “phòng” có một lỗ nhỏ, người bị nhốt ăn ngủ và bài tiết bên trong. May mà người làm ra “quan tài sống” cũng là phần tử bị cải tạo lao động, vì vậy anh ta đã mở một lỗ nhỏ ở phía sau “quan tài sống”. Nhờ đó mà phân và nước tiểu của anh Vương mới thoát được ra qua cái lỗ nhỏ đó. Do “quan tài sống” đặt gần cái căng tin của cán bộ trại, vì thế một thời gian sau giới cán bộ không thể chịu đựng được mùi hôi thối nên phải thả anh Vương Chí Trung ra, lúc này anh chỉ còn lại hơi thở thoi thóp.
Sau khi anh Vương Chí Trung được “sửa án oan” vào năm 1979, anh cùng người lãnh đạo của Nghi Tân và người bạn cũ bị nạn phái hữu cùng đến nhà Lý Ngọc Bạch, tên Lý tự biết việc trước đây hắn làm không khác gì loài cầm thú, sợ hãi đến mặt biến sắc, la lối run rẩy: “Tôi đã sai, mọi việc trước đây làm đều sai lầm…” Thật đúng là nếu biết có ngày hôm nay, hà cớ gì trước đây làm vậy?
Tất nhiên, mặc dù không phải Quản tù nào cũng tàn nhẫn như Lý Ngọc Bạch, nhưng nhìn chung họ không xem tù nhân hay người bị cải tạo lao động như con người. Họ nghĩ rằng đối với “kẻ thù” không thể “nhẹ nhàng”, không thể nghĩ đến chuyện nhân tính, tất nhiên thậm chí càng không thể có cái gọi là “cảm tình”, “ân sủng riêng”. Lôi Phong (Lei Feng), người được Mao Trạch Đông ca ngợi như “thánh nhân” từng có phát biểu vô nhân tính rằng “Đối với kẻ thù phải lạnh lùng cay nghiệt như mùa đông”. Do đó, tra tấn và ngược đãi trong các “trại quản giáo” ở Trung Quốc Đại lục là sản vật của chế độ phản nhân tính chứ không chỉ là vấn đề phẩm chất của cá nhân Quản tù.
Nghiêm Gia Vĩ (Yan Jiawei) – hoàn thành bản thảo ngày 02/1/2019
Xem thêm:
Từ khóa Tra tấn trong tù Chống Cánh hữu Nhà tù Trung Quốc