Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 ĐCSTQ khai mạc, thảo luận “nghị quyết lịch sử”
- Trí Đạt
- •
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 (Hội nghị Trung ương 6 khóa 19) đã được khai mạc tại Nhà khách Kinh Tây, Bắc Kinh. Hội nghị sẽ xem xét bàn bạc và thông qua “nghị quyết lịch sử” thứ 3 của ĐCSTQ. Có chuyên gia cho rằng nghị quyết này sẽ là bước củng cố quyền lực cho ông Tập Cận Bình trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã mấy ngày gần đây liên tiếp đăng nhiều bài viết đặc biệt nói về Hội nghị Trung ương 6 khóa 19, nhìn tại các quyết sách của ông Tập Cận Bình “đích thân bố trí”, cũng đếm lại chi tiết “thành tích chính trị” của ông Tập kể từ khi nắm quyền tại Đại hội 18 đến nay.
Nghị trình chủ yếu của Hội nghị Trung ương 6 diễn ra trong 4 ngày liên tiếp này gồm: Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ báo cáo công tác cho Ủy ban Trung ương; trọng điểm nghiên cứu tổng kết toàn diện cái mà ĐCSTQ gọi là “thành tựu to lớn và vấn đề kinh nghiệm lịch sử”; bàn bạc thông qua “nghị quyết lịch sử” thứ 3 của ĐCSTQ.
Hai nghị quyết lịch sử của ĐCSTQ lần lượt vào năm 1945 và năm 1981, đã xác lập địa vị không ai sánh được trong nội bộ đảng cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, nhưng đều là dựa trên cơ sở thực tế phủ định đường lối quá khứ của ĐCSTQ. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 năm 1945 chính là phủ định “đường lối của Vương Minh” – người bị Mao đấu tố lật đổ;“Nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử từ khi kiến quốc đến nay”năm 1981 do Đặng Tiểu Bình đóng vai trò chính, nó được đưa ra sau khi phe lão cán bộ do Đặng Tiểu Bình đứng đầu đánh bại “phe phàm là” do Hoa Quốc Phong (đương nhiệm Chủ tịch ĐCSTQ thời điểm đó) đứng đầu. Nghị quyết này phủ định đường lối Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.
Hôm 5/11, tờ Minh Báo tại Hồng Kông dẫn “nguồn tin từ Bắc Kinh” cho biết, “nghị quyết lịch sử mới” do Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 thảo luận sẽ lần đầu tiên xác lập giai đoạn 100 năm của ĐCSTQ qua các thời Mao, Đặng, Giang, Hồ và Tập, làm nổi bật hơn “công trạng và thành tích” của ông Tập trong các phương diện như chống tham nhũng, cải cách quân đội, thoát nghèo, v.v, quét sạch chướng ngại để ông Tập tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20 của ĐCSTQ.
Hãng tin AFP dẫn lời của chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Anthony Saich thuộc Đại học Harvard cho biết, khác với 2 lần trước, nghị quyết lần này sẽ không tượng trưng cho cắt đứt với quá khứ, mục đích là củng cố ông Tập Cận Bình là “người kế tục tự nhiên trong tiến trình lịch sử từ khi thành lập đảng đến nay”.
Ông Anthony Saich cho rằng nghị quyết lần này sẽ giảm thiểu những phê bình đối với thời kỳ Mao Trạch Đông từ năm 1949 – 1976, chẳng hạn như việc hàng chục triệu người chết đói trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”, và điều này có thể đánh dấu bước thụt lùi của lịch sử.
ĐCSTQ trong 30 năm đầu có “Cải cách ruộng đất”, “Dẹp phản động”, “Tam phản ngũ phản”, “Phản hữu”, “Đại nhảy vọt”, “Nạn đói”, “Đại cách mạng Văn hóa”; giai đoạn đầu của 30 năm tiếp theo Đặng Tiểu Bình rút kinh nghiệm Cách mạng Văn hóa, tiến hành cải cách kinh tế, đưa Trung Quốc ra thế giới, nhưng đồng thời ĐCSTQ cũng bước về hướng hủ bại toàn diện, đạo đức xã hội trượt dốc toàn diện, còn xảy ra các cuộc bức hại nhân quyền nghiêm trọng như thảm sát Lục Tứ, bức hại Pháp Luân Công, v.v.
- Nhìn lại hậu quả tai hại của cuộc “Cải cách ruộng đất” tại Trung Quốc
- Có bao nhiêu người chết trong “Cách mạng Văn hóa”?
Ngay từ ngày 5/1/2013, ông Tập Cận Bình đã đề xuất một cách rõ ràng rằng “giai đoạn 30 năm trước và 30 năm sau cải cách mở cửa không thể phủ định lẫn nhau” tại Trường đảng Trung ương.
Trong bản tin nói trên của AFP, ông Carl Minzner, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho biết, vấn đề cốt lõi của Hội nghị Trung ương 6 lần này là “ông ấy (Tập Cận Bình) có thể đi bao xa”.
Ông Carl Minzner nói, “Cách dùng từ và nội dung của nghị quyết có thể ám thị kỳ vọng hình tượng bản thân của ông Tập Cận Bình: Là theo sát Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, hay là chỉ muốn ngồi ngang hàng với Mao Trạch Đông?”
Tin đồn Tập Cận Bình từng muốn vượt qua Đặng Tiểu Bình, ngồi ngang hàng với Mao
Chia sẻ với Epoch Times, ông Viên Hồng Băng, chuyên gia về luật học đang cư trú tại Úc cho biết, Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSTQ sẽ đưa ra nghị quyết lịch sử, mục đích là đưa ra lý luận để trải thảm cho ông Tập Cận Bình tái nhiệm tại Đại hội 20 ĐCSTQ, làm chủ tịch đảng, xác lập vị trí trọn đời.
Ông Viên Hồng Băng nói: “Mạch tư duy tổng thể (của nghị quyết Hội nghị Trung ương 6) chính là một câu: Mao Trạch Đông đã khiến Trung Quốc đứng dậy; Đặng Tiểu Bình khiến Trung Quốc giàu lên; Tập Cận Bình khiến Trung Quốc mạnh lên.”
“Giai đoạn đầu tiên từ góc độ của Tập Cận Bình, kẻ độc tài chuyên chế Mao Trạch Đông đã khiến Trung Quốc đứng dậy, đương nhiên từ góc độ của chúng ta mà xét thì chính là đã khiến cho những người Cộng phỉ như họ đứng lên, không phải là khiến người Trung Quốc đứng lên. Giai đoạn lịch sử thứ hai là Đặng Tiểu Bình mở ra, đồng thời cũng bao gồm Giang Trạch Dân, họ khiến Trung Quốc giàu lên, nhưng từ góc độ của chúng ta mà xét thì chính là khiến quyền lực của ĐCSTQ đạt đến mức độ tham ô hủ bại ăn sâu vào xương tủy, họ sử dụng chủ nghĩa tư bản quyền quý.”
Ôn Viên Hồng Băng là người có liên hệ với một số quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của ĐCSTQ. Ông nói với Epoch Times rằng cách nghĩ ban đầu của ông Tập Cận Bình là “trong ĐCSTQ chỉ có 2 lãnh tụ thực sự và luôn là lãnh tụ chính xác, một là Mao Trạch Đông, một là Tập Cận Bình.”
Tuy nhiên cuối cùng ông Tập đã bỏ ý định này. Ông Viên Hồng Băng tiết lộ, nguyên nhân là những người cố vấn xung quanh ông Tập đã nhắc nhở ông ấy.
Xác định chế độ người kế nhiệm mới?
Ngày 8/11, tờ The Straits Times tại Singapore đăng bài viết có tiêu đề “Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang cân nhắc chế độ người kế nhiệm mới để lựa chọn người kế tục”. Bài viết dẫn nguồn tin tiết lộ, các nhân tố bất ổn định trong chính trị của ĐCSTQ xưa nay đều có liên quan đến người kế nhiệm, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ chế độ kế nhiệm cũ, và ông ấy buộc phải lập một chế độ mới để giải quyết khủng hoảng người kế nhiệm này.
Bài viết nói, một nguồn tin từ nhân sĩ giấu tên trong nội bộ ĐCSTQ cho biết, đối với ông Tập Cận Bình mà nói, chế độ người kế nhiệm cũ là không hợp lý. Ông ấy không muốn để cho ông Giang Trạch Dân đã 95 tuổi hoặc ông Hồ Cẩm Đào gần 78 tuổi quyết định người kế tục mình. Hiện tại, nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã bí mật đặt định khuôn khổ người kế nhiệm chính trị, được biết sẽ xác định trước Đại hội 20 của ĐCSTQ, dù đến lúc đó nó có thể không được công bố ra ngoài.
Theo khuôn khổ ban đầu mà ông Tập Cận Bình xác định, ông ấy có thể sẽ không chỉ chỉ định một người kế nhiệm, mà là sẽ đề bạt hơn 1 người vào Ban Thường vụ trong tầng lãnh đạo của khóa tiếp theo để thử mức độ trung thành và độ nhạy cảm chính trị của họ.
Bản tin còn chỉ ra 5 người có thể được ông Tập chọn làm ứng cử viên gồm: Trần Mẫn Nhĩ (Bí thư Trùng Khánh), Định Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ), Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, Lý Cường (Bí thư Thượng Hải) và ông Lý Hy (Bí thư tỉnh Quảng Đông).
Bài viết còn nói, nhân sĩ trong nội bộ ĐCSTQ cho rằng ông Tập Cận Bình đồng thời cũng có thể chấp nhận những người cùng tuổi với mình ở lại Ban Thường vụ, bởi vì điều này có thể chuyển dịch phê bình việc ông ấy làm trái nguyên tắc “7 lên 8 xuống” để ở lại nhiệm kỳ tiếp theo.
Trí Đạt (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Mao Trạch Đông Đặng Tiểu Bình Hội nghị toàn thể lần thứ 6 ĐCSTQ