Hơn 1.300 người già bị mất tích mỗi ngày tại Trung Quốc
- Tự Minh
- •
Một báo cáo gần đây cho biết, mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 1.370 người già bị mất tích. Phần lớn họ bị con cái bỏ rơi ở thôn quê vắng bóng người để lên các đô thị phồn hoa náo nhiệt.
Theo Daily Telegraph, người già ở Trung Quốc thường dựa vào con cái của mình cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần. Phụng dưỡng bố mẹ già là một mỹ đức truyền thống. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ gần đây, do kinh tế phát triển hơn, người ta chỉ nghĩ đến việc phát triển sự nghiệp của bản thân chứ không để ý đến việc bố mẹ có được hạnh phúc vào những năm tháng cuối đời hay không.
Viện Nghiên cứu Trợ cấp Xã hội Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy mỗi năm có khoảng 500.000 người già bị mất tích, tính trung bình mỗi ngày là 1.370 người.
>> Ai sẽ đánh thức những người đang ngủ say trong thời đại mới?
Theo tờ Daily Telegraph, đại đa số những trường hợp bị mất tích xảy ra ở nông thôn hay thành phố nhỏ, nơi mà những người trẻ tuổi thường rời bỏ quê hương để lên các thành phố tuyến đầu tìm kiếm công việc.
Báo cáo cho thấy 80% người già bị mất tích tại các thành phố lớn được tìm thấy, ở nông thôn chỉ là 50%.
Rất nhiều người già mất tích bị bệnh về thần kinh, trong đó 72% bị các tổn thương về năng lực ghi nhận ký ức, 1/4 được chẩn đoán bị chứng rối loạn trí nhớ tuổi già.
Bốn thập kỷ thực hiện chính sách một con của Trung Quốc đã dẫn đến việc suy giảm lực lượng lao động cũng như các hậu quả của việc già hóa dân số nhanh chóng.
Năm 2013, chính quyền Trung Quốc đưa ra một điều luật yêu cầu con cái trưởng thành phải thăm cha mẹ già. Điều luật liệt kê ra một loạt các quy định về nghĩa vụ để “đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người già”. Nhiều người cho rằng điều luật này rất khó có thể đem ra áp dụng cụ thể.
Theo ước lượng của Liên Hợp Quốc, trước năm 2050, 30% dân số Trung Quốc sẽ thuộc nhóm hơn 60 tuổi. So sánh một cách tương đối thì trên toàn cầu, nhóm người trên 60 tuổi này chỉ chiếm 20% và Trung Quốc vào năm 2000 thì nhóm này cũng chỉ chiếm 10%.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa người già người lớn tuổi Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc người cao tuổi