Sự giả dối trong sách giáo khoa Trung Quốc
- Tự Minh
- •
Cô Helen Raleight là người Mỹ gốc Hoa, là nhân viên nghiên cứu chính sách di dân tại Viện nghiên cứu Centennial ở Colorodo Mỹ. Cô là người đứng đầu Công ty Tư vấn Red Meadow và là tác giả của nhiều cuốn sách cũng như các bài báo trên Wall Street Journal. Gần đây, tờ The Federalist đăng bài phỏng vấn Helen. Trong đó cô kể về lịch sử bị nhồi nhét thuở còn đi học ở Trung Quốc, nếu đem so sánh với hiện thực cha mẹ kể thì chúng hoàn toàn khác nhau.
Dưới chế độ chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân nơi đây luôn bị ngăn chặn bằng nhiều cách để họ không thể tiếp cận với sự thật lịch sử. Nếu họ tìm cách tiếp cận với những tư liệu không cùng “tư tưởng” với chính quyền thì có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, phần lớn nội dung chính quyền phổ cập, phổ biến thì lại mang nặng tính tuyên truyền.
Cô cho biết, nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa, nhưng đó là do phần lớn lịch sử đã bị ĐCSTQ che giấu. Chính quyền tìm mọi cách để thay đổi ký ức của người dân về sự thống trị tàn bạo và không để cho họ biết những khổ nạn mà người Trung Quốc đã từng trải qua.
Helen nhận sự giáo dục ở Trung Quốc trước khi đến Mỹ lấy bằng thạc sĩ. Cô là đại biểu điển hình cho lớp thế hệ trẻ bị tẩy não bằng giáo dục tại Trung Quốc. Sau khi đến Mỹ và được tiếp xúc với con người và sự vật khác, mặc dù có hoài nghi với những điều được biết khi còn nhỏ nhưng cô cũng không suy nghĩ nhiều mà chỉ dốc sức chú tâm vào công việc để cải thiện cuộc sống.
Cha mẹ Helen cũng rất ít khi đề cập đến các sự kiện đã phát sinh trong quá khứ, chỉ từng nói rằng gia phả của gia đình đã bị mất trong thời Cách mạng Văn hóa. Là một tác giả, Helen luôn mong mỏi viết một cuốn lịch sử về gia đình. Vì vậy vài năm trước, khi cha mẹ đã gần 70 tuổi, Helen chủ động yêu cầu họ kể lại những gì họ biết và chứng kiến trong quá khứ.
Helen đã rất sốc vì những gì cha mẹ cô kể khác hoàn toàn so với nội dung được học trong sách giáo khoa nhà trường. Cô đã dẫn chứng với The Federalist 2 sự kiện lịch sử làm ví dụ:
1. “Cải cách ruộng đất”: Cải cách hay khủng bố tinh thần?
Từ năm 1950 – 1953, ĐCSTQ đẩy mạnh phong trào “cải cách ruộng đất”. Helen cho biết trong sách giáo khoa chỉ viết ngắn gọn về phong trào này. Đại loại nó được mô tả là cách thức cần thiết để trả lại ruộng đất cho nông dân nghèo – những người lẽ ra mới là chủ nhân thực sự của ruộng đất.
Helen kể thêm rằng các môn học khác cũng bổ trợ cho quan điểm trong sách giáo khoa lịch sử. Ví dụ như văn học, học sinh phải đọc một phần cuốn tiểu thuyết Bạo Phong Sậu Vũ của Chu Lập Ba. Tiểu thuyết này mô tả “cải cách ruộng đất” như một ngày hội lớn với niềm vui hân hoan khi quân đội lấy đất và gia súc của chủ đất chia lại cho nông dân nghèo. Học sinh bị bắt buộc phải học thuộc một số các đoạn trích trong cuốn tiểu thuyết đó.
Mãi đến gần đây Helen mới biết ông cố nội của cô là một nông dân trồng lúa mì, có sở hữu đất đai trước năm 1949. Ông phải đổ mồ hôi lao động trên từng thước đất để nuôi sống gia đình. Vậy mà chỉ trong một đêm, các nông dân nghèo khác đã cướp hết đất đai, gia súc và thậm chí cả nông cụ khiến ông hoàn toàn bị mất trắng.
Đáng chú ý là các hình thức văn hóa văn nghệ cổ cũ cho phong trào này xuất hiện khắp nơi: trong các bài học lịch sử, sách, điện ảnh, giải trí, thậm chí cả bài hát ru cho trẻ con… Tất cả nội dung đều mô tả những người có sở hữu đất đai là những kẻ xấu xa đồi bại. Helen cho biết, cô không hề biết rằng câu hô nhịp khi nhảy dây cùng bạn bè hồi nhỏ cũng chứa đựng những lời mắng chửi địa chủ trong đó. Điều này khiến cha mẹ cô cảm thấy rất đau lòng.
Có khoảng 10 triệu chủ đất đã bị mất tài sản trong cuộc “cải cách ruộng đất” này. Nhiều thôn làng thậm chí còn bị đưa chỉ tiêu phải chỉ điểm, đấu tố và giết bao nhiêu chủ đất. Thậm chí cả trẻ em, con của chủ đất cũng không được tha. Ước tính có ít nhất 1 – 2 triệu chủ đất và người thân trong gia đình bị chết từ năm 1949 – 1953. Cái gọi là “cải cách” cuối cùng là công cụ để khủng bố tinh thần người dân, dưới danh nghĩa phân phối lại tài sản.
2. Thảm họa thiên nhiên hay do con người
Từ năm 1959 – 1963, Trung Quốc trải qua một nạn đói khủng khiếp. Mặc dù thống kê vẫn bị che giấu bởi chính quyền, nhưng người ta có thể ước lượng con số từ 30 – 60 triệu người đã chết trong nạn đói này. Sách giáo khoa Trung Quốc chỉ nói chung chung ngắn gọn đây là “ba năm thiên tai tự nhiên” hay “ba năm gian nan”, nhìn chung đều quy trách nhiệm cho “tự nhiên” và “khách quan”.
Kể về 3 năm này, cha mẹ Helen cho biết người chú ruột của cô sinh năm 1959 đã chết trên tay bà nội vì quá đói. Ngoài ra, cha của Helen đã mất bà ngoại, hai chú ruột, cả gia đình người cô ruột 5 người và một giáo viên của ông ở trường trung học trong nạn đói này.
Theo cuốn sách nghiên cứu của Frank Dikotter “Nạn đói của Mao”, Trung Quốc có thu hoạch mùa màng tốt vào năm 1958 _ năm trước khi xảy ra nạn đói. Khí hậu cũng ôn hòa từ năm 1959 đến 1961, chỉ có một vài vùng giới hạn có xảy ra hạn hán. Không hề thấy có lý do gì có thể xảy ra nạn đói khủng khiếp với số người chết nghiêm trọng như vậy dưới các hoàn cảnh bình thường.
Để hình dung ra sự khủng khiếp của nạn đói này, chúng ta có thể so sánh với số người chết trong Đại chiến Thế giới thứ Hai: 60 triệu. Như vậy trong 3 năm, chính quyền ĐCSTQ của Mao đã để cho số người chết tương đương với cả một cuộc đại chiến thế giới.
Đối mặt với lịch sử
Cô Helen cho biết, sau một thời gian dài hướng đến chủ nghĩa xã hội và dùng nó làm nền tảng chính cho bộ máy tuyên truyền, Trung Quốc đang chuyển sang sử dụng các làn sóng tinh thần yêu nước kiểu mới. Hệ thống tuyên truyền và nền giáo dục bị quản chế chặt chẽ bởi chính quyền vẫn đang đổ lỗi cho phương Tây (chủ yếu là Mỹ) ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, hy vọng người dân sẽ tiếp tục trao cho ĐCSTQ quyền lực.
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ dựa vào tinh thần yêu nước để tránh né các vấn đề nội tại là một việc hết sức nguy hiểm vì nó có thể tuột khỏi khả năng kiểm soát bất cứ lúc nào. Cô Helen dẫn lời Frederick Douglass, “vận mệnh của một quốc gia chỉ có thể được đảm bảo khi quốc gia đó trung thực, đáng tin cậy và giữ được đạo đức”. Thế giới sẽ chỉ có thể đón nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc khi nó có thể đối diện với lịch sử của chính mình.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Con người Trung Quốc Cải cách ruộng đất sách giáo khoa Xã hội Trung Quốc Cách mạng Văn hóa Đại nhảy vọt Lịch sử Trung Quốc