Trong 4 năm qua, hơn 12.000 sinh viên đại học Trung Quốc Đại Lục bị nhiễm HIV. Chủ đề này đã thu hút sự chú ý trên Internet và nằm trong danh sách tìm kiếm nóng.

HIV
(Ảnh: Shutterstock)

Hơn 10.000 sinh viên đại học nhiễm HIV trong 4 năm

Ngày 1/12 là Ngày Thế giới Phòng chống AIDS. “Sách xanh về sức khỏe sinh sản thanh niên Trung Quốc” do Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe thuộc Ủy ban y tế quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các đơn vị khác phối hợp phát hành, cho thấy vào năm 2023 có tổng cộng 3.010 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo trong số học sinh sinh viên từ 15 – 24 tuổi ở Trung Quốc Đại Lục. Năm 2023, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ trong học sinh trẻ là 34,4:1, trong đó lây truyền qua tình dục đồng giới là 84,7%, lây truyền qua đường tình dục khác giới là 14,0%. Trong những năm gần đây, có hơn 400 trường hợp thuộc nhóm học sinh trẻ tuổi từ 15 – 17 tuổi được báo cáo.

HIV
(Ảnh chụp màn hình)

Theo dữ liệu liên quan, từ năm 2020 – 2023, số ca nhiễm HIV mới được báo cáo lần lượt là 2.977 người, 3.677 người, 2.733 người và 3.010 người. Trong khoảng thời gian 4 năm, tổng cộng có 12.397 người được báo cáo nhiễm HIV. Tỷ lệ nam/nữ là 33,9/1, độ tuổi trung bình là 19,9 tuổi.

Sau khi tin tức trên được công bố, chủ đề “12.000 trường hợp nhiễm HIV ở sinh viên đại học trong 4 năm” đã thu hút sự chú ý, cư dân mạng liên tiếp bình luận:

“Tuyến phòng thủ của thanh niên” bình luận: Sinh viên đại học là tương lai của đất nước, dữ liệu như thế này thật đáng lo ngại. Nhà trường và gia đình cần tăng cường phổ biến giáo dục giới tính, kiến ​​thức phòng chống HIV.

“Chú ý đến sức khỏe” bình luận: Sinh viên đại học cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, tránh các hành vi tình dục nguy cơ cao lây nhiễm cao, có trách nhiệm với bản thân và người khác.

Có cư dân mạng cho rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được khôi phục lại ngay từ bây giờ. Bởi có người thậm chí còn không biết mình bị nhiễm HIV, nên nếu kết hôn hoặc quan hệ tình dục với người khác giới thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Nhiễm HIV ở Trung Quốc Đại Lục đang có xu hướng xuất hiện ở người trẻ, trường hợp trẻ nhất chưa đến 13 tuổi

Một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc công bố cho thấy, từ năm 2010 – 2019, có tổng cộng 141.557 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo ở những người từ 15 đến 24 tuổi, bao gồm cả học sinh, sinh viên. Khoảng 80% trường hợp mắc bệnh AIDS mới được chẩn đoán ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 15 – 24 là thanh thiếu niên bỏ học, không được đi học. Ở Trung Quốc, hầu hết thanh thiếu niên nhiễm HIV là thanh thiếu niên ngoài nhà trường, và do tính chất “trễ” của nhiễm HIV, nhiều thanh thiếu niên ngoài nhà trường có thể đã bị nhiễm HIV trước khi bỏ học. Theo khảo sát, một số học sinh sẽ lựa chọn bỏ học hoặc chuyển trường khác sau khi có kết quả xét nghiệm nhiễm HIV.

Vì sao tỷ lệ nhiễm HIV trong sinh viên đại học lại cao như vậy? Tạp chí Nature cho rằng sự thiếu hiểu biết về tình dục của sinh viên đại học cũng như sự thiếu hiểu biết của họ về cách ngăn ngừa HIV và xử lý với các hành vi tình dục có nguy cơ cao, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, cũng như việc sử dụng mạng xã hội để hẹn hò đồng tính với những người lạ có nguy cơ nhiễm HIV tiềm ẩn, đều là những yếu tố chính dẫn đến lây nhiễm HIV ở sinh viên đại học. Trong những năm gần đây, sinh viên trẻ dần trở thành nhóm giám sát chủ chốt trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Trung Quốc.

Theo CDC Thâm Quyến, nhiễm HIV đang có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn, xuất hiện nhiều trường hợp ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó trường hợp trẻ nhất là dưới 13 tuổi. Trong những năm gần đây, tại các thành phố như Thượng Hải, Trường Sa, Tây An, Nam Xương, Nam Kinh và Bắc Kinh, nơi tập trung các trường đại học, khoảng 60% sinh viên nhiễm HIV đã thực hiện hành vi này khi kết bạn trên các mạng xã hội.

Trang Huxiu đưa tin, một nam sinh (19 tuổi) là sinh viên năm thứ hai đã đến bệnh viện ở miền bắc Trung Quốc do chảy máu hậu môn. Một tháng sau, xét nghiệm theo dõi cho thấy sinh viên này dương tính với HIV. Điều tra dịch tễ học cho thấy anh đã đến một quán bar để uống rượu và hát hò với các bạn cùng lớp, sau đó bị say, hôm sau khi tỉnh dậy thì phát hiện chỉ còn lại một mình, mông đau nhức và đầy máu, về sau anh đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán nhiễm HIV. Đây là 1 trong 10 trường hợp nhiễm AIDS ở học sinh, sinh viên trẻ được công bố tại một thành phố phía bắc Trung Quốc.

Ông Trình Phong (Cheng Feng), giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Đại học Thanh Hoa, cho biết không nên đánh giá thấp số ca nhiễm (HIV) hiện nay, và tình hình phòng ngừa và kiểm soát bệnh AIDS trong khuôn viên trường vẫn còn nghiêm trọng.

Khảo sát dịch tễ học cho thấy trong các nhóm chủ chốt, 86,8% trường hợp sinh viên mới được báo cáo trong năm nay kết bạn qua nền tảng xã hội trực tuyến, 71,7% quan hệ tình dục với người trong cộng đồng, 66% có từ 2 bạn tình trở lên, và 11,3% đã sử dụng loại ma túy mới. Học sinh sinh viên kết bạn thông qua các mạng xã hội, có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục đồng giới không an toàn là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến nhiễm và lây truyền HIV.

Một địa phương ở phía tây bắc Trung Quốc đã công bố danh sách xếp hạng nhiễm HIV của các trường học địa phương, và dữ liệu thật đáng kinh ngạc. Tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV ở sinh viên đại học và trung học cơ sở vẫn ở mức cao.

Vào tháng 5/2019, các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc và Trường Y Đại học Thanh Hoa đã cùng xuất bản một bài báo đánh giá trên tạp chí Science về sự gia tăng bệnh AIDS ở sinh viên Trung Quốc: “Một trong những yếu tố dẫn đến mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của bệnh AIDS là có thể trước đó giáo dục giới tính ở đại học bị hạn chế. Vì chỉ 1/3 số thanh niên có thành tích tốt nhất của Trung Quốc vào đại học, nên giáo dục dự bị đại học tập trung chủ yếu vào nghiên cứu học thuật. Các khảo sát gần đây cho thấy, khoảng một nửa số sinh viên đại học đã được giáo dục giới tính, nhưng mức độ giáo dục này thường ở mức tối thiểu (không bao gồm HIV và lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục), hơn nữa nội dung mang tính bảo thủ.”

HIV 1
(Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân ở sinh viên đại học tiếp tục gia tăng. Khoảng 60% đến 80% sinh viên đại học chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân và có nhiều bạn tình. Kết hợp với việc thiếu giáo dục giới tính, nguy cơ lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng cao.

Theo cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế Việt Nam, trong số những người nhiễm mới HIV được phát hiện, có tới gần 70% trường hợp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện trong nhóm thanh niên trẻ là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, nhóm quan hệ đồng giới nam, nhóm chuyển giới…

Đó là thông tin cảnh báo dịch HIV được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức chiều 18/11/2024, nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Trước đây, đường lây của bệnh chủ yếu truyền qua đường máu ở nhóm nghiện, chích ma túy, hiện nay chủ yếu truyền qua đường tình dục ở nhóm quan hệ đồng giới nam hay nhóm chuyển giới. Đặc biệt, việc lây truyền có dấu hiệu trẻ hóa trong các nhóm đối tượng này”.

Báo Lao Động đưa tin, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, số liệu thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 – 29 (40%) và 30 – 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Theo bà Thu Hương, trong số các ca nhiễm HIV mới, có đến gần 70% tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và có đến gần 40% số nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, “chemsex,” và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng ARV, trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.

Trí Đạt (t/h)