Hồng Kông: 230.000 người biểu tình thu hút chú ý của du khách Trung Quốc
- Xuân Thành
- •
Hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông hôm Chủ Nhật (7/7) tiếp tục tổ chức tuần hành để yêu cầu chính quyền Đặc khu xóa bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Cuộc tuần hành lần này hướng tới việc giải thích cho khách du lịch Trung Quốc hiểu bản chất của phong trào biểu tình Hồng Kông vì tại Đại Lục chính quyền đang bưng bít hoặc làm sai lệnh thông tin.
Khác với các cuộc biểu tình gần đây, cuộc tuần hành hôm 7/7, người biểu tình thay vì chủ yếu nhắm vào phản đối chính quyền, thì đã tìm cách thu hút sự chú ý của du khách Trung Quốc. Những tờ rơi giải thích những lo lắng của người dân Hồng Kông về dự luật dẫn độ đã được phân phát cho người xem dọc theo tuyến đường tuần hành.
Những người tổ chức thông báo rằng ước tính có khoảng 230.000 người tham gia cuộc tuần hành; trong khi cảnh sát địa phương đưa ra con số ước tính thấp hơn rất nhiều. Cảnh sát nói rằng vào lúc cao điểm nhất, cuộc tuần hành hôm 7/7 có khoảng 56.000 người tham gia.
Ventus Lau Wing-hong, một trong những người tổ chức buổi tuần hành hôm 7/7, đã nói rằng ông hy vọng du khách Trung Quốc Đại Lục hiểu được tại sao người Hồng Kông đang biểu tình vì Bắc Kinh hoặc là đã kiểm duyệt các tin tức này hoặc thông tin sai lệnh trên các phương tiện truyền thông nhà nước của họ.
Tuyến đường tuần hành đưa người biểu tình đi qua hai địa điểm mà du khách Trung Quốc thường ghé thăm: Tsim Sha Tsui, một khu mua sắm nổi tiếng với nhiều cửa hàng xa xỉ phẩm ở quận Cửu Long, và nhà gas đường sắt Tây Cửu Long – điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Kông. Nhà gas này cũng có một điểm kiểm soát biên giới cho khách du lịch Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Hồng Kông.
Những người biểu tình bắt đầu tuần hành từ điểm tập hợp ban đầu ở Salisbury Garden, tại Tsim Sha Tsui vào khoảng 3:35 chiều ngày 7/7 (giờ địa phương), trước 25 phút so với thời điểm bắt đầu cuộc tuần hành vì số lượng người tham gia đông đảo.
Theo trang tin Stand News Hồng Kông, số lượng người tham gia đông đã buộc một số người biểu tình phải lựa chọn một tuyến đường khác để tới đích đến là gas đường sắt Tây Cửu Long.
Tại sao người dân tham gia biểu tình?
Một sinh viên đại học xưng tên Chan đã tham gia cuộc tuần hành hôm 7/7 cùng với bố mẹ. Sinh viên này nói rằng họ tham gia biểu tình vì chính quyền Hồng Kông đã không lắng nghe tiếng nói của họ cho dù các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.
“Chúng tôi không thể để ngọn lửa này bị dập tắt nhanh chóng. Chúng tôi chưa đạt được bất kỳ yêu cầu nào. Do đó, tôi tin rằng luôn luôn có lời kêu gọi hành động trên mạng, chúng ta nên tiếp tục bước ra và lên tiếng về quan điểm của mình để cộng đồng quốc tế có thể tiếp tục quan tâm tới [dự luật dẫn độ],” Chan nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times Hồng Kông.
Sinh viên Chan nói thêm rằng dự luật dẫn độ là ví dụ mới nhất về việc Bắc Kinh vi phạm nguyên tắc ‘một đất nước, hai chế độ’, trong đó Trung Quốc đã hứa sẽ duy trì quyền tự trị và tự do của Hồng Kông khi chủ quyền của thành phố này được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
“‘Một đất nước, hai chế độ’ bây giờ chỉ tồn tại trên danh nghĩa, vì Bắc Kinh đã ngày càng thâm nhập vào Hồng Kông, dù là họ đang thao túng bầu cử cơ quan lập pháp Hồng Kông hay thông qua các sắc lệnh, thì nhìn chung họ đều không coi trọng độc lập tư pháp của Hồng Kông,” Chan nói.
Ông Fung, một người kinh doanh bán lẻ, nói rằng nếu ông không tham gia cuộc tuần hành này, ông có thể không còn cơ hội nói lên tiếng nói của mình trong tương lai.
Trong khi đó, ông To Chi-kuen – người từng tham gia vào Phong trào Ô dù năm 2014, đã nói rằng Bắc Kinh không chỉ đàn áp người dân Hồng Kông mà họ cũng làm điều tương tự với người dân bên trong Trung Quốc Đại Lục.
“Chúng tôi muốn nói cho mọi người dân Trung Quốc rằng chính quyền mà đàn áp cả người Hồng Kông và người Trung Quốc Đại Lục là chuyên chế,” ông To Chi-kuen nói với Epoch Times Hồng Kông.
Yêu cầu của người biểu tình là gì?
Dọc theo tuyến đường tuần hành, người biểu tình hô lớn khẩu hiệu: “Thả tự do cho những người biểu tình bị bắt, điều tra việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, lập tức tổ chức hai cuộc bầu cử mở.”
Trong các cuộc biểu tình ngày 10 và 12/6, cảnh sát đã bắt giữ 24 người. Sau đó, trong cuộc biểu tình hôm 1/7, cảnh sát bắt thêm 12 người và một người nữa mới bị bắt do cáo buộc tham gia vào hành vi xông vào tòa nhà Hội đồng Lập hiến tối 1/7. Một số người bị bắt đã được bảo lãnh tại ngoại.
Tờ nhật báo Apple Daily tại Hồng Kông cho biết nhiều người bị bắt do bị cáo buộc về các hành vi trên mạng như tấn công vào trang web của cảnh sát và đăng tải các thông tin cá nhân của các sĩ quan cảnh sát.
Ba yêu cầu có trong khẩu hiệu của người biểu tình, cùng với đòi hỏi hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ và đề nghị chính quyền rút lại tuyên bố cho rằng người biểu tình là “côn đồ” là 5 yêu cầu mà những người tổ chức biểu tình hôm 7/7 đặt ra cho giới chức Hồng Kông.
Một trong năm yêu cầu nêu trên là đòi hỏi về quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cách thức Hồng Kông lựa chọn trưởng Đặc khu và các thành viên của cơ quan lập pháp đơn viện – yêu cầu này đồng điệu với mục tiêu của Phong trào Ô dù năm 2014. Hiện tại, vị trí trưởng Đặc khu Hồng Kông do một ủy ban gồm phần lớn người thân Bắc Kinh bầu ra, trong khi chỉ có một phần nhỏ các nhà lập pháp tại nghị viện được người dân bầu trực tiếp theo các khu vực địa giới hành chính.
Xuân Thành (theo Epoch Times Hồng Kông)
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình Luật dẫn độ