Telegram, phần mềm nhắn tin phổ biến với người Hồng Kông trong phong trào chống Dự luật Dẫn độ về Trung Quốc Đại Lục, có thể phải đối mặt với sự phong tỏa của chính quyền Hồng Kông.

shutterstock 1388759369
(Ảnh minh họa: BigTunaOnline/ Shutterstock)

Telegram là ứng dụng tin nhắn tức thời bảo mật do Pavel Durov, một lập trình viên, tỷ phú người Nga sinh năm 1984 phát triển vào năm 2013. Pavel Durov là người sáng lập ra trang mạng xã hội VK, được ví như Facebook của Nga. Sau khi bán VK với giá 300 triệu USD cho tập đoàn Mail.ru vì bị chính quyền Nga ép buộc, Pavel Durov rời khỏi Nga và tiếp tục duy trì Telegram, vốn được ông phát triển khi còn ở Nga.

Telegram được coi là một trong những ứng dụng tin nhắn bảo mật nhất thế giới, được các chuyên gia bảo mật và những người không muốn bị các chính phủ kiểm soát thông tin yêu thích. Trong các cuộc phỏng vấn, ông Durov miêu tả Telegram là một công ty phân tán, không nằm dưới quyền tài phán hay bộ máy an ninh của bất kỳ quốc gia nào, nhất là nằm ngoài tầm kiểm soát của nước Nga của ông Putin. Hiện nay, Telegram vẫn được duy trì hoạt động bởi tiền cá nhân của Durov mà không sử dụng bất cứ hình thức nào khác để tạo nguồn thu.

Kênh truyền thông Hồng Kông thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dẫn các nguồn tin cho biết, nhà chức trách đang xem xét “chặn” các nền tảng liên quan như Telegram vì có rất nhiều thông tin của các “công cụ tìm kiếm thịt người” trên các nền tảng này.

“Công cụ tìm kiếm thịt người”, tiếng anh là “Human flesh search engine” là một thuật ngữ xuất phát từ Trung Quốc đầu những năm 2000, chỉ hiện tượng mở rộng tri thức trực tuyến trên Internet nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng (Crowd-Powered Expansion of Online Knowledge). Trong đó, người dùng Internet có thể sử dụng các kênh trực tuyến như web, blog, mạng xã hội, tin nhắn (như Telegram) để thông báo/yêu cầu người dùng Internet khắp nơi tìm kiếm và cung cấp thông tin về một/một nhóm các cá nhân liên quan đến một sự việc nào đó. Với sự trợ giúp của Internet, yêu cầu thông tin về đối tượng cần tìm kiếm sẽ nhanh chóng được quảng bá và người dùng Internet khắp nơi có thể cung cấp thông tin về đối tượng một cách nhanh chóng.

Một số chuyên gia công nghệ thông tin chỉ ra rằng về mặt kỹ thuật thì việc chặn Telegram không hề dễ dàng. Vài năm trước, Chính phủ Nga đã cố gắng chặn Telegram nhưng không thành.

Chính quyền Hồng Kông đã thực hiện một sửa đổi mới đối với Sắc lệnh Quyền riêng tư” vào tháng Mười năm ngoái, nhằm hình sự hóa hành vi mà họ gọi “công cụ tìm kiếm thịt người“.

Ngày 16/5, Đài Á Châu Tự Do đưa tin rằng bà Chung Lệ Linh (Chung Lai-ling), Ủy viên Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân, đã tiết lộ tại Ủy ban của Hội đồng Lập pháp về Các vấn đề thể chế chính trị rằng việc “hình sự hóa công cụ tìm kiếm thịt người” đã được thực thi nửa năm, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Các nhà chức trách đang xem xét thiết lập danh sách đen đối với các nền tảng liên tục tải lên dữ liệu “công cụ tìm kiếm thịt người”.

Đặc biệt, đối với các nền tảng ở nước ngoài đã được cảnh báo nhiều lần mà vẫn không thay đổi, họ sẽ chủ động xem xét việc “tiếp tục thực hiện các hành động quyết đoán hơn”.

Đồng thời, “Sing Tao Daily” (Tinh Đảo Nhật báo), kênh truyền thông Hồng Kông thân ĐCSTQ, dẫn nguồn tin rằng các nhà chức trách đang cực kỳ lo ngại về phần lớn thông tin “công cụ tìm kiếm thịt người” trong những năm gần đây, đến từ các nhóm Telegram mà người dân thường sử dụng.

Do lượng thông tin “Search Engine thịt người” khổng lồ liên quan, Văn phòng Ủy viên đang “tích cực xem xét” việc lần đầu tiên đưa ra luật, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế quyền truy cập của người dân vào các nền tảng liên quan. Nguồn tin này cũng đe dọa rằng một khi luật được viện dẫn, về mặt kỹ thuật, có khả năng sẽ không thể truy cập được toàn bộ nền tảng và toàn bộ ứng dụng có thể sẽ bị xóa.

Bà Chung Lệ Linh (Chung Lai-ling), Ủy viên Quyền riêng tư, dẫn dữ liệu tại Hội đồng lập pháp cho biết, từ ngày 8/10 – 31/12 năm ngoái, 227 thông báo ngừng tiết lộ đã được đưa ra cho 12 nền tảng trực tuyến, yêu cầu xóa 1.111 thông tin “công cụ tìm kiếm thịt người“, khoảng 80% thông tin đã bị xóa.

Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, Văn phòng Ủy viên đã tiến hành 2 vụ bắt giữ đối với 2 trường hợp liên quan đến tội phạm “công cụ tìm kiếm thịt người“.

Tuần trước, Văn phòng Ủy viên còn tiến hành bắt giữ chung với cảnh sát trong một vụ án khác. Trong đó, những người liên quan đã tiết lộ thông tin cá nhân của các sĩ quan cảnh sát, 70 nhà lập pháp và gia đình của họ trên các nền tảng xã hội.

Bà Chung Lệ Linh cho rằng khó khăn trong việc bẻ khóa nguồn chủ yếu là do các nền tảng này đặt ở nước ngoài, vì các nhà cung cấp phần mềm nhắn tin tức thời ở nước ngoài tỏ ra “bất hợp tác”.

Văn phòng Ủy viên đã gửi thư cảnh báo đến các nền tảng ở nước ngoài và khiếu nại với các đối tác ở nước ngoài nhiều lần, nhưng thông tin liên quan đến công cụ tìm kiếm thịt người” vẫn chưa được gỡ bỏ, thậm chí sau khi bị xóa bỏ, nó lại tiếp tục được khôi phục nhiều lần.

Trích dẫn Điều 66L của “Sắc lệnh Dữ liệu Cá nhân (Quyền riêng tư)” mới được sửa đổi, bà Chung Lệ Linh chỉ ra rằng Sắc lệnh này trao quyền cho Văn phòng Ủy viên ngăn chặn hoặc hạn chế quyền truy cập của bất kỳ người nào vào bộ phận thông tin được công bố trên nền tảng; cũng như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ lưu trữ ngừng cung cấp dịch vụ cho các nền tảng liên quan, nhằm “chặn” toàn bộ nền tảng một cách trá hình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ cho rằng về mặt kỹ thuật, muốn “chặn” các nền tảng trực tuyến là điều không hề dễ dàng. Kênh truyền thông trực tuyến “News Chase” dẫn lời ông Phương Bảo Kiều (Francis Fong), Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại Công nghệ Thông tin Hồng Kông, cho biết năm 2018, Chính phủ Nga cũng cố gắng xử phạt Telegram.

Vì người sáng lập Telegram từ chối giao “chìa khóa mã hóa” cho chính phủ, đồng thời chuyển cơ sở hoạt động ra ngoài, và liên tục thay đổi địa chỉ IP, mà tất cả dữ liệu đều được đặt trong hệ thống điện toán đám mây của Google và Amazon.

Khi các nhà chức trách Nga cố gắng chặn địa chỉ IP này, họ lại chặn nhầm các trang web khác, thậm chí đánh sập tổ chức tài chính hoặc các dịch vụ liên quan ở Nga, nhưng cuối cùng họ vẫn buộc phải bỏ cuộc.

Các nhà chức trách đang lên kế hoạch chặn Telegram, gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Hồng Kông. Một số người mô tả rằng ĐCSTQ sợ nhất là người dân có thể tiếp cận thông tin về dân chủ và nhân quyền; một thành phố cấp quốc tế lại chặn Internet, phải chăng là muốn tiếp nối con đường của Triều Tiên?

Một số người còn nói rằng đến Nga cũng không thể chặn Telegram, lẽ nào chính quyền Hồng Kông lại muốn đương đầu với thách thức mà ngay cả ông Putin cũng không thể làm được? Cũng có người cho rằng không có Telegram thì có Signal, không có Signal thì có WhatsApp, xem chính quyền sẽ chặn được bao lâu?

Đầu năm 2015, Telegram với tính năng mã hóa dữ liệu và tin nhắn an toàn đã bị chính quyền Bắc Kinh phong tỏa như một “công cụ chống chính phủ”.  

Với ưu điểm bảo mật tốt và nó cho phép tạo các nhóm trò chuyện lớn có hàng trăm ngàn người tham gia, trong phong trào chống Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019, Telegram rất được người biểu tình Hồng Kông ưa chuộng. Họ sử dụng nền tảng này để liên lạc tức thì, phổ biến thông tin, hợp tác và thậm chí đưa ra các quyết sách, đạt được chiến lược phản kháng linh hoạt ‘Be Water’ (giống như nước).

Do vậy, Telegram đã trở thành cái gai trong mắt của chính quyền và từng là mục tiêu của quân đội mạng Trung Quốc. Nhưng Telegram cũng có những lỗ hổng bảo mật, như không thể mã hóa “cuộc trò chuyện nhóm”. Thực tế là các tài khoản bị ràng buộc qua điện thoại cũng trở thành một lỗ hổng để cảnh sát lấy thông tin cá nhân của những người biểu tình.

Bình Minh (t/h)