Hồng Kông: Thêm 2 trường “lén lút” bỏ điêu khắc về thảm sát Thiên An Môn
- Thư Hoa
- •
Sau Đại học Hồng Kông (HKU) bí mật phá dỡ “Cột Quốc thương” về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, sự việc tương tự đã diễn ra tại Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) khi bức tượng đồng Nữ thần Dân chủ Mới (12 năm tuổi) tại khuôn viên trường này bị dỡ bỏ. Đồng thời cùng ngày, một trường khác là Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông (HKLU) cũng đã dỡ bỏ bức phù điêu về Thiên An Môn.
Khoảng 6:30 sáng ngày 24/12, phóng viên tự do Bai Ying vội vã đến hiện trường sau khi nhận được tin báo của một sinh viên CUHK, nhưng khi đến nơi thì bức tượng đồng Nữ thần Dân chủ mới đang bị cẩu đi. Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường có rất đông an ninh túc trực, nhà trường cũng bố trí rất đông nhân viên, bảo vệ không cho ai đến gần trong thời gian di dời.
Bức tượng đồng Nữ thần Dân chủ Mới là sản phẩm của nhà điêu khắc Trần Duy Minh (Chen Weiming) người Trung Quốc để tưởng nhớ biến cố Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989 tròn 20 năm. Tượng nữ thần cao 6,4 mét, được chuyển đến Hồng Kông trưng bày vào ngày 2/6/2010 và được “Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc” (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China) tiếp nhận. Thời điểm đó, chính quyền Hồng Kông đã 2 lần dẹp bức tượng này với lý do cản trở đường phố, còn nhà điêu khắc Trần Duy Minh cũng vì vậy mà bị cấm vào Hồng Kông.
Sau nhiều đấu tranh, cuối cùng bức tượng được trưng bày vào một buổi tối ngày 4/6 cùng năm. Sáng sớm ngày 5/6, hơn 2.000 người gồm giảng viên và sinh viên cùng người dân Hồng Kông đã trợ giúp đưa tượng đến CUHK và đặt trên bãi cỏ gần ga MTR trong khuôn viên trường.
Theo một bài đăng trên Facebook của Tạp chí Sinh viên Đại học Trung văn (Chinese University Student Press), sau khi bức tượng bị dỡ bỏ, một người nào đó đã để lại tờ Tạp chí Sinh viên Đại học Trung văn số tháng 11 mới nhất dưới tấm biển cảnh báo, với bìa tạp chí ghi “Đây không phải là CUHK”.
Sáng ngày 24/12, CUHK đã đưa ra một tuyên bố cho biết một “bức tượng trái phép” đã được di dời khỏi khuôn viên trường vào sáng nay. Năm 2010, CUHK nhận được một bản kiến nghị từ Hội sinh viên trường yêu cầu chấp thuận việc trưng bày bức tượng trong khuôn viên trường.
Tuyên bố cũng nêu rõ 2 tổ chức từng tham gia sắp xếp bức tượng được trưng bày trong khuôn viên trường là “Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc” và “Hội Sinh viên CUHK”, hiện đã bị giải tán hoặc không còn hoạt động thực tế. Sau khi thảo luận nội bộ, CUHK với tư cách bên quản lý khuôn viên trường đã quyết định dỡ bỏ bức tượng.
Sự kiện tương tự tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông
Một trường đại học khác cũng loại bỏ tác phẩm điêu khắc tưởng nhớ Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989 là Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông. “Ban Biên tập Hội Sinh viên Đại học Lĩnh Nam” (Lingnan University Students’ Union Press Bureau) đã đăng trên Facebook rằng vào khoảng 5:00 sáng ngày 24/12, cho biết nhân viên trường đã bao bọc bức phù điêu ngày 4/6 trong khuôn viên trường, gỡ nó ra và quấn nó trong nhiều lớp băng dính để chuyển đến kho lưu trữ. An ninh trường từ chối trả lời về cách xử lý bức phù điêu, họ cũng không cho phép sinh viên được ghi hình.
Một số cư dân mạng bình luận trên Facebook của “Ban Biên tập Hội sinh viên Đại học Lĩnh Nam”: “Lịch sử cũng không dám đối mặt, có còn là cơ sở giáo dục?”
Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông trả lời rằng gần đây trường đã xem xét và đánh giá các hạng mục trong khuôn viên trường có thể gây rủi ro về pháp lý hoặc an ninh, để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng đại học nên hạng mục liên quan phải được dọn sạch hoặc loại bỏ và cất giữ đúng cách.
Bức phù điêu Thiên An Môn của trường cũng là tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Duy Minh, ông đã ghép hơn 10.000 bức ảnh Thiên An Môn ngày 4/6 thành một bức phù điêu phẳng, bao gồm xe tăng quân đội xua đuổi học sinh sinh viên, cảnh Wang Weilin (Vương Duy Lâm) dùng thân mình chặn xe tăng, cảnh người dân Bắc Kinh chạy xe đạp đưa người chết và bị thương vào bệnh viện. Vào năm 2010, bức phù điêu đã được gửi đến Hồng Kông cùng với bức tượng đồng của Nữ thần Dân chủ Mới, cũng từng bị cảnh sát tạm giữ để điều tra.
Cùng năm đó, “Hội Sinh viên Đại học Lĩnh Nam” đã tìm cách đặt vĩnh viễn bức phù điêu này và được Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông chấp nhận tại thời điểm đó. Cuối cùng, kế hoạch cũng được thực hiện vào năm 2011.
Ông Trần Duy Minh đang xem xét khởi kiện
Người tạo ra bức phù điêu là ông Trần Duy Minh trả lời Epoch Times cho biết, ông rất lấy làm tiếc về vụ việc, cả 2 trường đều không thông báo trước mà đột ngột dỡ bỏ tác phẩm điêu khắc, đây là cách làm không đúng, có thể vi phạm pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh rằng tác phẩm điêu khắc chỉ được cho mượn để triển lãm và chủ sở hữu vẫn là ông. Ông sẽ tham khảo ý kiến của luật sư về cách xử lý tiếp theo, bao gồm cả việc xem xét khởi kiện. Hiện nay người ta hy vọng rằng 2 trường đại học có thể bảo quản tốt các tác phẩm điêu khắc và vận chuyển trở lại Mỹ để triển lãm tại Mỹ.
Ông Trần thẳng thắn nói rằng đây có thể là số phận của các tác phẩm điêu khắc ở Hồng Kông. Theo Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì “không có chỗ nào để nói lý lẽ”, “pháp luật của Hồng Kông đã chết”, thậm chí ĐCSTQ không công nhận “Tuyên bố chung Trung – Anh”. Ông cho rằng sự việc phải liên quan đến sức ép từ Bắc Kinh, vì nếu Hồng Kông vẫn còn quyền tự do “người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” thì trường sẽ không bao giờ có những hành động tự ý như vậy.
Về việc nhà trường dỡ bỏ tác phẩm điêu khắc vào lúc nửa đêm, ông mô tả nó là “lén lút như một tên trộm”, sợ rằng sự việc sẽ khơi dậy phản đối của công chúng. “Tại sao họ không dám làm vào ban ngày? Không dám làm việc này một cách quang minh? Điều đó cho thấy họ biết hành động là không hợp lý”.
Ông cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ thường bắt giữ và xét xử nhiều người trước kỳ nghỉ lễ, vì thời điểm này truyền thông nước ngoài nghỉ ngơi nên ảnh hưởng của truyền thông là nhỏ nhất, đây là chiến thuật nhất quán của ĐCSTQ.
Vào ngày thứ hai của việc dỡ bỏ “Cột Quốc thương” tại CUHK (ngày 23/12), Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Con đường dẫn tới dân chủ của Hồng Kông”. Ông Phó chủ nhiệm của Văn phòng Liên lạc đã cho biết “Trung ương ĐCSTQ chưa từng dao động trong quan điểm phát triển dân chủ tại Hồng Kông… phát huy dân chủ theo quy định của pháp luật”.
Ngày hôm sau, vào những giờ đầu của đêm Giáng sinh ở Hồng Kông, CUHK và Đại học Lĩnh Nam đã bí mật loại bỏ các tác phẩm điêu khắc liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Theo Thư Hoa, Epoch Times
Từ khóa Hồng Kông Thảm sát Thiên An Môn Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Cột quốc thương