“Cột Quốc thương” có thể sẽ được đặt gần ĐSQ Trung Quốc tại Washington D.C
- Xuân Lan
- •
Một tác phẩm nghệ thuật tại Đại học Hồng Kông tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã được đưa ra khỏi khuôn viên trường cho vào trong kho hôm thứ Năm.
Bức tượng cao 5 mét, với tên gọi Cột Quốc thương (tiếng Anh: Pillar of Shame), được tạc để tưởng nhớ sự kiện quân đội Trung Quốc nổ súng vào những người biểu tình ủng hộ Dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Bức tượng mô tả các thi thể chồng chất lên nhau.
Trong khi các quan chức Trung Quốc cho biết khoảng 200 người chết trong vụ thảm sát, các ước tính khác đưa ra con số nạn nhân lên tới hàng trăm hoặc hàng nghìn người, theo BBC. Vào năm 2017, các tài liệu của Anh tiết lộ rằng tổng số người chết là gần 10.000 người.
Trường đại học cho biết họ đã dỡ bỏ bức tượng do lo ngại “rủi ro pháp lý” của nó.
Jens Galschioet, nhà điêu khắc đã tạo ra “Cột Quốc thương”, nói với hãng tin AP rằng đây là một thông điệp gửi đến các sinh viên rằng chính quyền Hồng Kông đang trấn áp bất đồng chính kiến.
Ông Galschioet đã đề nghị đưa bức tượng về Đan Mạch. Tuy vậy, ông cũng đã nhận được lời đề nghị đặt bức tượng ở công viên Washington, D.C., đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc.
Canada, Na Uy và Đài Loan cũng đã liên hệ đề nghị được đặt bức tượng tại quốc gia mình.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp mọi nỗ lực tưởng niệm vụ thảm sát. Các sinh viên tại trường đại học Hồng Kông thường rửa bức tượng vào ngày 4 tháng 6 hàng năm để tưởng nhớ, nhưng hội sinh viên đứng ra tổ chức việc lau chùi hiện không còn hoạt động.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc đã cấm các buổi lễ thắp nến tưởng niệm trong hai năm qua và đóng cửa một bảo tàng dành riêng cho việc tưởng niệm. Một số thành viên chủ chốt của bảo tàng hiện đã bị bỏ tù.
Việc tháo dỡ tác phẩm điêu khắc diễn ra vài ngày sau khi các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lập pháp Hồng Kông. Chiến thắng này đã bị chỉ trích bởi trước đó thành phố đã sửa luật bầu cử chỉ cho phép các ứng viên “yêu nước” và trung thành với Bắc Kinh ứng cử.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam đã đến Bắc Kinh trong tuần này để báo cáo về những diễn biến tại thành phố bán tự trị của Trung Quốc, nơi các nhà chức trách đã bịt miệng những người bất đồng chính kiến sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia sâu rộng.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết việc dỡ bỏ tác phẩm là một diễn biến đáng lo ngại ở Hồng Kông.
Xuân Lan
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Cột quốc thương