Jack Ma xuất hiện tại Hồng Kông sau tin đồn bị cấm xuất cảnh
- Lê Tử Hy
- •
Ông Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập Alibaba, đã xuất hiện ở Hồng Kông vài ngày trước. Đây được cho là chuyến đi đầu tiên của ông đến Hồng Kông sau khi bị chính quyền hạn chế xuất cảnh. Lần xuất hiện cuối cùng của Jack Ma là vào ngày 1/9 để thăm nông trường của Alibaba ở Chiết Giang.
Trang The Standard tại Hồng Kông đưa tin, theo hai nguồn tin có chức vụ quan trọng tiết lộ, họ đã nhìn thấy Jack Ma ở Hồng Kông vào ngày 1/10. Không rõ ông đã gặp ai trong thời gian ở Hồng Kông, và cũng không rõ ông đã rời Hồng Kông hay chưa.
Theo nguồn tin trong ngành ngân hàng, Jack Ma đã đến Hồng Kông vài ngày, tham gia nhiều buổi tụ họp và gặp gỡ bạn bè. Nguồn tin không tiết lộ mục đích nào khác khi ông đến Hồng Kông, chỉ nói ông sẽ rời Hồng Kông sớm nhất là vào ngày 13/10.
Mặc dù Jack Ma đã xuất hiện trong các sự kiện ở Trung Quốc vài lần kể từ đầu năm nay nhưng trên thực tế, thời gian gần đây ông cực kỳ kín tiếng. Có tin đồn rằng ông đã chính thức bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hạn chế xuất cảnh, đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông tại Hồng Kông gần một năm sau khi cơ quan quản lý Trung Quốc hủy bỏ đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) của Ant Group.
Điều trùng hợp là, giá cổ phiếu của Alibaba cũng tăng từ 142,2 đô la Hồng Kông (khoảng 118 nhân dân tệ) vào ngày 30/9 lên 167,8 đô la Hồng Kông (khoảng 140 nhân dân tệ) vào ngày 11/10, tăng 18%. Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ khác như Tencent chỉ tăng khoảng 7,49% trong cùng thời gian.
Bản tin chỉ ra rằng sau khi Alibaba đầu tư vào bộ phim nội địa “Trường Tân Hồ” (The Battle at Lake Changjin), mối quan hệ của công ty với chính quyền rõ ràng có dấu hiệu nóng lên. Bộ phim có kinh phí hơn 1 tỷ nhân dân tệ và chủ yếu mô tả trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ ở hồ Trường Tân, Triều Tiên. Kể từ khi công chiếu vào ngày 30/9, doanh thu phòng vé đã thu về hơn 4 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, Jack Ma đã đến thăm nông trường do Alibaba điều hành ở Chiết Giang vào ngày 1/9. Tập đoàn này đã thông báo vào ngày hôm sau (ngày 2/9) rằng, đến năm 2025 họ sẽ quyên góp 100 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình, cung cấp trợ cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời nhấn mạnh tăng cường bảo vệ người lao động như nhân viên chuyển phát nhanh, tài xế nền tảng gọi xe, v.v.
- Theo gót Tencent, Alibaba quyên góp 100 tỷ NDT vì “thịnh vượng chung”
- Jack Ma xuất hiện tại Chiết Giang trợ giúp “thịnh vượng chung”?
Sau khi Jack Ma công khai phê bình ngành tài chính Trung Quốc về việc duy trì “tư duy tiệm cầm đồ” dựa trên các khoản thế chấp và đảm bảo tài chính, gây áp lực to lớn lên các doanh nghiệp nhỏ vào tháng 10 năm ngoái, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group (một công ty con của Tập đoàn Alibaba) đã bị hủy bỏ.
Vào tháng Một năm nay, Jack Ma dùng phương thức truyền hình để “xuất hiện” tại một lễ trao giải của một quỹ. Đến tháng Tư, Alibaba của Jack Ma đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc xử phạt với mức phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ. Về vấn đề này, Alibaba bày tỏ rằng họ “thành khẩn” chấp nhận xử phạt và cũng sẽ đưa ra một loạt biện pháp để hạ thấp ngưỡng hoạt động của nền tảng và giảm chi phí vận hành nền tảng.
Ngoài ra, “Đại học Hồ Bạn” (Hupan University) tại Hàng Châu do nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đứng đầu cũng bị “xóa tên” (đổi thành Trung tâm Đổi mới Hồ Bạn) vào tháng 4 vừa qua.
Theo nguồn tin của Financial Times cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho Đại học Hồ Bạn do Jack Ma thành lập ngừng tuyển sinh, và lớp học đầu tiên dự kiến khai giảng vào cuối tháng 3 năm nay cũng đã ngừng giảng dạy. Sau khi Đại học Hồ Bạn buộc phải đình chỉ tuyển sinh, các nhà bình luận có liên quan cho rằng Đại học Hồ Bạn dùng cờ hiệu đại học nhưng thực chất là lôi kéo những người nổi tiếng, quan nhị đại, phú nhị đại, đây là điều mà chính quyền Bắc Kinh không thể tha thứ.
Đến tháng Năm, Jack Ma đã tham gia sự kiện cảm ơn gia đình nhân viên được tổ chức tại trụ sở ở Hàng Châu của Alibaba. Và lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông là vào ngày 1/9 khi ông đến thăm một nông trường do Alibaba điều hành ở tỉnh Chiết Giang.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Alibaba có bối cảnh chính trị sâu sắc, bao gồm Hong Kong Boyu Capital do cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành thành lập, và CITIC Capital Lưu Lạc Phi – con trai của Lưu Vân Sơn. Reuters từng tiết lộ rằng vào năm 2012, Boyu Capital của Giang Chí Thành đã đầu tư 50 triệu USD vào Alibaba, với mức định giá hiện tại, Boyu kiếm được 125 triệu USD từ khoản đầu tư này. Vào tháng 8/2013, quỹ đầu tư tư nhân Boyu Capital do Giang Chí Thành kiểm soát, đã trở thành nhà đầu tư vào Tập đoàn Alibaba.
Lê Tử Hy, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Alibaba Jack Ma Mã Vân