Kinh tế TQ: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường mỗi người nói một kiểu
- Miêu Vi
- •
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ẩn thân gần 2 tháng, cuối cùng cũng lộ diện vào ngày 21/7, tham gia hội nghị tọa đàm các doanh nhân Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh. Tại hội nghị, ông nhắc đến cách nói tương tự như kinh tế “nội tuần hoàn”, “tình hình kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự liệu”, yêu cầu các doanh nghiệp “yêu nước” có thể “hồi sinh lại sau những khó khăn”, nhưng ông không nhắc đến việc Trung Quốc đang xảy ra thảm họa lũ lụt, và sự ảnh hưởng của mưa lũ đến kinh tế Trung Quốc. Phát biểu của ông lần này so với các phát biểu trước đó của ông Lý Khắc Cường, được cho là mỗi người nói một kiểu.
Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, ngày 21/7, ông Tập Cận Bình tham gia Hội nghị Tọa đàm Doanh nhân Bắc Kinh, 7 quản lý cấp cao của Hikvision, GoerTek, Microsoft, Panasonic, v.v, cũng tham gia và phát biểu tại buổi tọa đàm này.
Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình đề cập 3 ý kiến. Thứ nhất, ông Tập cho biết, “Cần bảo vệ và kích phát sức sống chính của thị trường”. Thứ hai, cần “phát huy tinh thần doanh nhân”. Cuối cùng, ông Tập nhấn mạnh, cần “Tập trung lực lượng làm tốt việc của mình”.
Phát biểu mới nhất của ông Tập Cận Bình có đề cập đến cách nói tương tự như “nội tuần hoàn”, chỉ ra cần hình thành “cục diện phát triển mới với tuần hoàn quốc nội làm chủ thể, và hai vòng tuần hoàn quốc nội và quốc ngoại cùng thúc đẩy nhau”, nhưng không phải là “vận hành khép kín” theo kiểu bế quan tỏa cảng, mà là làm cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế liên thông với nhau tốt hơn. Điều này được cho là tương tự với cách nói về kinh tế “nội tuần hoàn”.
“Nội tuần hoàn” do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đề xuất tại Diễn đàn Lục Gia Chủy lần thứ 12 tại Thượng Hải tổ chức vào ngày 18/6. Giới doanh nghiệp cho rằng, cái gọi là “nội tuần hoàn” là kinh tế trong nước phát triển với chủ thể là thị trường trong nước, không còn tiếp tục dựa vào hướng đi của đầu tư vốn nước ngoài nữa.
Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình còn đề cập đến “6 ổn định” và “6 đảm bảo”, kích phát “sức sống chủ thể của thị trường”, tập trung lực lượng làm tốt việc của chính mình, “tình hình kinh tế Trung Quốc tốt hơn so với dự liệu”, nhưng ông không để cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế trong nước như thảm họa lũ lụt, dịch bệnh.
Đây là lần đầu tiên ông Tập lộ diện kể từ sau chuyến khảo sát Ninh Hạ trong tháng Sáu vừa qua. Đối với phát ngôn mới nhất của ông Tập, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn hôm 21/7 có phát biểu bình luận nói, “Ông Tập Cận Bình cuối cùng đã lộ diện vào hôm nay. Việc đầu tiên chính là tổ chức Tọa đàm doanh nhân, đủ để thấy sự nghiêm trọng của nguy cơ kinh tế thậm chí vượt qua cả lũ lụt cuồn cuộn. Trong hàng loạt những lời khen ngợi tung hô, trọng điểm của ông Tập Cận Bình chính là một câu: Chứng thực những gì trước đó ông Lưu Hạc nói bóng gió, khởi động mô hình kinh tế nội tuần hoàn.”
Theo truyền thông chính quyền Trung Quốc đưa tin, Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ Uông Dương, Vương Hộ Ninh và Hàn Chính đều tham gia buổi tọa đàm này, nhưng chủ quản kinh tế là Thủ tướng Lý Khắc Cường lại không tham gia. Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn cho rằng, điều này khiến người ta có nhiều suy đoán.
Tập – Lý chia rẽ và tiếp tục thể hiện ra bề ngoài?
Gần đây, giữa ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã nhiều lần ‘giao chiến’ từ xa. Ngày 15/7, ông Lý Khắc Cường nói tại hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện rằng, Trung Quốc vẫn là nước đang trong quá trình phát triển, làm việc gì cũng phải cố hết sức mà làm, lượng sức mà làm, cách nói này được truyền thông Đài Loan lý giải là chọi lại với “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình.
Ngày 17/7, mục Thủ tướng trên trang web của Chính phủ ĐCSTQ có đăng bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường vào ngày 15/7 tại Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện. Ông Lý Khắc Cường cho biết, cần phải tối ưu hoá hướng đầu tư tiền cho trái phiếu chính phủ, tuyệt đối không cho phép làm công trình hình tượng, công trình thể diện.
Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường còn yêu cầu, đối với tiểu khu cũ và lâu đời không thể nào nói dỡ bỏ liền dỡ bỏ, còn thân tín của ông Tập Cận Bình là Thái Kỳ ở Bắc Kinh lại xua đuổi “lao động cấp thấp” và cưỡng chế dỡ nhà.
Chuyên mục “Chuyện đêm Trung Nam Hải” trên trang web của Đài Á châu Tự do có bài viết nói, chỉ phân tích từ góc độ ông Lý Khắc Cường không hề nể nang ra sức lên án “công trình thể diện”, “công trình hình tượng”, rất dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến hành vi do thân tín của ông Tập Cận Bình thực hiện ở thành phố Bắc Kinh.
Phát biểu của ông Lý Khắc Cường trên truyền thông ĐCSTQ đã có sự cắt giảm. Tờ Apple Daily chỉ ra, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là trang web Tân Hoa Xã đã đưa tin về hội nghị lần này, nhưng không đề cập đến câu nói “nói dỡ bỏ liền dỡ bỏ” và “Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển” của ông Lý Khắc Cường, điều này cho thấy nội bộ Trung Nam Hải tiếp tục thể hiện ra sự chia rẽ.
Còn ‘tâm sự bùi ngùi’ “lượng sức mà làm” của ông Lý Khắc Cường, lại như người nói vô tâm, người nghe hữu ý, khiến cho ngoại giới liên tưởng đến ông Tập Cận Bình “không biết lượng sức” đối với sức mạnh quốc gia Trung Quốc.
Trước đó vào ngày 28/5, tại cuộc họp báo bế mạc Hội nghị Nhân đại toàn quốc, ông Lý Khắc Cường đã đề cập đến “600 triệu người Trung Quốc có thu nhập 1000 nhân dân tệ”, khuyến khích “kinh tế vỉa hè”. Có truyền thông đăng bài viết với tiêu đề “Lý Khắc Cường vì sao lại đâm thủng bong bóng tuyệt đẹp?”, cho rằng những lời này của ông Lý giống như đã ném xuống một quả bom chấn động, chọc thủng “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình.
Ngày 6/7, ông Lý Khắc Cường thị sát tại trấn Đồng Nhân tỉnh Quý Châu đã công khai cho biết nhìn thấy rất nhiều nhà xưởng để không, ông kêu gọi trưng dụng nhiều hơn nữa công nhân từ nông thôn. Về việc này, có bình luận nói, lời của ông Lý có ý chứng thực địa phương có không ít dây chuyền sản xuất vẫn trong trạng thái ngừng hoạt động, cũng phản ánh hiện trạng kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh, và tiếp tục tiết lộ tình hình thực tế của kinh tế Trung Quốc là vô cùng gay go. Như thế, việc thoát nghèo toàn diện và hướng đến kinh tế bậc trung mà ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, liệu có thể đạt được chăng?
Về việc liệu có tồn tại chuyện đấu đá giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường hay không, phân tích của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) nói rằng, thực ra từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chống tham nhũng thanh trừng tất cả các đối thủ tiềm ẩn cho đến việc loại bỏ hạn chế nhiệm kỳ chức Chủ tịch nước, thì ông Lý Khắc Cường đã không phải là đối thủ. Xung đột hiện tại chủ yếu là vì phương diện thi hành các biện pháp chính trị, ông Tập muốn thể diện, ông Lý muốn bản chất.
Miêu Vi
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tập Cận Bình Lý Khắc Cường kinh tế Trung quốc