Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã gây áp lực tài chính rất lớn lên chính quyền địa phương. Làn sóng cắt giảm lương công chức đã lan rộng khắp Trung Quốc, không những tiền thưởng, phụ cấp không có, mà ngay cả lương cơ bản cũng không còn được đảm bảo, kể cả đối với các sĩ quan cảnh sát.

canh sat Trung Quoc
(Nguồn: ChameleonsEye/ Shutterstock)

Đồn cảnh sát không thể trả lương

Kể từ năm 2022, Trung Quốc Đại Lục xuất hiện ​​làn sóng cắt giảm lương công chức, khi đó, khu vực bị ảnh hưởng chính là các tỉnh ven biển phía Đông Nam có kinh tế phát triển, tiền thưởng, phụ cấp của công chức bị giảm đáng kể.

Cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, thậm chí ngay cả cảnh sát của các đồn công an tại một số tỉnh miền Trung và miền Tây cũng không được trả lương.

Ông Trần đến từ Hồ Nam nói với tờ Epoch Times rằng chính quyền địa phương các cấp trên khắp đất nước hiện đang mắc nợ, và nhiều chính quyền thậm chí không thể trả lương.

Hiện tại, kinh phí của chính quyền ngày càng thắt chặt, ông Trần nói: “Chúng tôi cung cấp dịch vụ cho đồn cảnh sát, và các nhân viên trực ở đồn nói đùa rằng chúng tôi tự do hơn so với họ, buổi tối họ vẫn phải làm thêm. Tôi nói rằng làm thêm giờ sẽ được trả lương ngoài giờ, nhưng anh ta nói rằng không có lương làm thêm giờ. Họ đã không được trả lương trong nhiều tháng và họ không thể bày tỏ sự phàn nàn của mình ở bên ngoài, và họ không thể nói điều đó trên WeChat. Hễ nói ra thì sẽ bị sa thải và bị cho là vi phạm kỷ luật chính trị, họ cố gắng không cho mọi người biết về điều này.”

Ông La, người am hiểu chính trị và kinh tế Đại Lục, nói với tờ Epoch Times rằng rất có thể đồn cảnh sát sẽ không thể trả lương. “Tôi có một người bạn ở Thái Châu nói rằng nhiều đơn vị trong chính quyền Thái Châu của họ hiện không có khả năng trả lương, đã giảm lương và sa thải nhân viên. Nửa đầu năm nay, tôi nghe nói các cảnh sát phụ trợ không nhận được lương và bị cho nghỉ việc. Với tình hình hiện nay ở Trung Quốc, điều này là hoàn toàn bình thường.”

Ông Tăng đến từ Huệ Châu, Quảng Đông nói với Epoch Times rằng các sĩ quan cảnh sát tại đồn cảnh sát được thành lập chính thức phải là công chức. Một đồn công an chính thức chỉ có một số ít cảnh sát, còn lại là cảnh sát hỗ trợ và cảnh sát phối hợp.

Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền có ở Mỹ, nói với Epoch Times rằng tài chính của ĐCSTQ hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng và nhiều công chức địa phương sẽ bị cắt giảm lương hoặc không thể được trả lương trong năm nay. Doanh thu tài chính của tất cả các tỉnh trên cả nước về cơ bản là âm, Hồ Nam cũng nằm trong số đó, khả năng cảnh sát không trả lương là tương đối cao, và nhiều nơi đã bộc lộ vấn đề tương tự.

Do thiếu các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và các ngành công nghiệp trụ cột quy mô lớn, tài chính của một số quận, thành phố địa phương ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc Đại Lục đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của ngành bất động sản Trung Quốc, trực tiếp dẫn đến khủng hoảng tài chính của chính quyền địa phương.

Bắt đầu từ năm 2022, các tỉnh miền Trung và miền Tây như Sơn Tây, Thanh Hải, Nội Mông, Hồ Nam, v.v. ở Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách tổ chức cải cách tinh gọn bộ máy ở các huyện được coi là  có dân số nhỏ nhằm giảm bớt khủng hoảng tài chính.

Bắt đầu từ tháng 3/2023, các cơ quan và tổ chức chính phủ của ĐCSTQ đã bắt đầu thanh lọc nhiều loại nhân viên ngoài biên chế, các sở y tế và giáo dục đã trở thành mục tiêu chính, cũng như cảnh sát phụ trợ và quản lý đô thị.

Lần thanh lọc và thu hẹp quy mô lớn gần đây nhất của các cơ quan chính phủ của ĐCSTQ là vào năm 1998, nhưng vào thời điểm đó phương Tây đang chuẩn bị mở cửa thị trường cho Đại Lục, và nhiều người trong thể chế đã ra ngoài làm việc, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội làm giàu.

Giảm lương toàn quốc, Quảng Đông cũng không ngoại lệ

Sau năm 2014, lương công chức Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, đặc biệt đối với công chức cấp cơ sở dưới cấp thị trấn, lương công chức đã tăng từ 60 đến 70% và tăng hàng năm hoặc 2 năm 1 lần.

Năm 2016 và 2018, lương công chức tăng đúng thời hạn nhưng đến năm 2020, xu hướng này dừng lại và làn sóng cắt giảm lương bắt đầu lan rộng.

Bây giờ ngay cả Quảng Đông, một tỉnh kinh tế phát triển, cũng đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm lương.

Cô Bạch, sống ở nước ngoài, nói với tờ Epoch Times vào đầu năm nay rằng một phó giám đốc đồn cảnh sát ở một thành phố ven biển mà cô biết đã nói với cô rằng tất cả cảnh sát sẽ bị giảm lương.

Ông Tăng nói rằng thành phố Mai Châu, một thành phố tương đối xa xôi ở Quảng Đông, đã ban hành văn bản nội bộ đảm bảo 6 tháng và 8 tháng, nghĩa là công chức đảm bảo 6 tháng lương và phấn đấu phát 8 tháng lương.

Nhân viên biên chế sự nghiệp ở Quảng Đông về cơ bản không có tiền thưởng hiệu suất, “Có người tôi biết nói rằng một tháng lương ban đầu được trả một lần, nhưng đôi khi được trả thành 3 đợt, vào đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng”.

Ông Tăng giải thích, cái gọi là công chức của chính phủ là cái “bát cơm sắt” (một công việc ổn định, không dễ mất, thường đi kèm với các quyền lợi tốt như lương, phúc lợi và chế độ nghỉ hưu đảm bảo). Những người dưới công chức một cấp là nhân viên sự nghiệp công vụ và nhân viên doanh nghiệp, cấp thấp nhất là nhân viên thời vụ và lao động hợp đồng. “Lương công chức rất cao, ở đây thường hơn 10.000 tệ một tháng, ở Thâm Quyến thậm chí còn cao hơn. Nhưng lương của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công chỉ 5.000 hoặc 6.000 tệ, còn những người lao động tạm thời có thể giúp bạn mua 5 bảo hiểm và 1 quỹ nhà ở thì chỉ khoảng 3.000 tệ.”

Ông Tăng cho biết, hiện nay mọi tầng lớp xã hội đều rơi vào tình trạng ảm đạm và hàng hóa khó bán. “Tôi cũng có một số bạn cùng lớp đang kinh doanh dịch vụ ăn uống và bán buôn, bán lẻ. Năm nay khó buôn bán, ai cũng thua lỗ.”

“Các dự án tư nhân về cơ bản đã không còn nữa. Một số ít nhà thầu nhỏ trước đây từng giúp tư nhân xây nhà ở đây về cơ bản đều không có việc làm. Ngoài ra còn có tài xế xe tải chở gạch, chở cát, vật liệu xây dựng, về cơ bản, họ đều có không có việc gì để làm, làm thì cũng lại sợ không được trả lương.”

Lấy của cải của người dân, cảnh sát biến thành thành công cụ kiếm tiền

Để tăng doanh thu của chính quyền địa phương, thường xuyên có tin tức về việc cảnh sát thực thi pháp luật theo kiểu đánh bắt cá, áp dụng mức phạt cao đối với tài xế và người bán hàng rong.

China Business Network đưa tin rằng doanh thu phạt tiền và tịch thu tăng đáng kể ở 7 trong số 16 tỉnh vào năm 2023, trong đó Trùng Khánh và Bắc Kinh tăng lần lượt 22,4% và 21,9%. Nhiều chính quyền địa phương đã ngừng công bố hồ sơ phạt.

Ông Phạm đến từ Hà Nam nói với Epoch Times rằng hiện tại chính quyền vẫn kiếm tiền từ bảo hiểm y tế, con số này tăng lên hàng năm, nếu không đóng bảo hiểm y tế thì con cái sẽ không được đến trường. Ngày nay, nhiều người không dùng vì cho rằng bệnh nhẹ không có tác dụng, bệnh nặng không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, những người có con nhất định sẽ phải đóng, nếu không sẽ không được đến trường. Những người dám không đóng là vì con cái họ không trong độ tuổi đến trường.

Ông cho rằng hiện nay xe cảnh sát di chuyển thường xuyên hàng ngày, chính quyền dựa vào họ để kiếm tiền và bận rộn cướp bóc của cải của người dân. Trước đây là tạm giữ vì những chuyện nhỏ, hiện nay thì phổ biến giam giữ hình sự, dù chưa đủ để kết án thì cũng sẽ bị giam giữ vài tháng, lưới rải ra càng ngày sẽ càng rộng (chỉ việc chính quyền mở rộng phạm vi kiểm soát hoặc gia tăng các hành động bắt giữ và trừng phạt, không chỉ giới hạn ở những hành vi nghiêm trọng mà còn nhắm vào cả những vi phạm nhỏ).

Ông nói rằng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người bị nhốt vào trại tạm giam. Cảnh sát có nhiệm vụ bắt người lĩnh thưởng, bất kỳ việc lớn hay nhỏ nào thì đều giam giữ. Trong quá trình thẩm vấn, người xử lý vụ án sẽ nhắc nhở người bị bắt đưa tiền ra, thường yêu cầu gia đình rút tiền bảo hiểm, đầu tiên là thả trong 1 hoặc 2 tháng, rồi lại bắt vào thì sẽ không thả nữa, sẽ làm thủ tục và chờ tuyên án.

Ông Phạm cho rằng hiện tại Chính phủ không có tiền nên cảnh sát khắp nơi ra sức kiếm tiền, nhiều nơi còn dàn dựng các vụ án để kiếm tiền.

Ông đưa ra ví dụ: Có một người phụ nữ đến từ Phổ Nhĩ, Vân Nam, bạn trai cô từng làm ăn ở Myanmar. Anh ta dùng giấy tờ tùy thân của cô để làm thẻ chuyển tiền cho người khác, bị cảnh sát điều tra được và nói rằng tiền đó không sạch. Sau đó, người phụ nữ ở Vân Nam bị cảnh sát Hà Bắc bắt giữ, rồi cảnh sát Hà Nam lại tìm điều tra được họ, thế là cảnh sát 2 nơi bắt đầu giành vụ án này. Cuối cùng Hà Bắc giao người phụ nữ Vân Nam cho cảnh sát Hà Nam, người đàn ông thì bị giao cho cảnh sát Hà Bắc.

Ông cũng dẫn ra một ví dụ khác: Một số học sinh trường dạy nghề khi còn học đã ký hợp đồng làm việc với nhiều công ty cho vay và đòi nợ, chính quyền và trường học khuyến khích đi làm, sau khi đi làm thì từ ông chủ cho đến các nhân viên toàn bộ đều bị bắt, nói rằng đây là băng nhóm lừa đảo, tiền lương được xác định là tiền bẩn và cần phải tịch thu, hơn nữa lại còn bị phạt thêm tiền.

“Những trường hợp như thế này có quá nhiều, vừa mới vào làm việc liền phạm tội, các sinh viên học sinh không hiểu chiêu trò bên trong nhà tù.  Để con khỏi chịu khổ, phụ huynh sẽ tốn tiền tìm người và bảo lãnh. Nhưng thông thường thì sau khi được tại ngoại sẽ bị bắt lại, việc bắt người này là có hạn ngạch.”

Ông Phạm cho rằng những người ở cấp thấp hơn vẫn sẽ bị thu hoạch. Mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân ngày càng lớn, những vụ việc ác độc ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, cho nên sẽ giết quan chức, dù sao thì cũng chẳng sống tiếp được nữa.

“Người dân thường nói rằng thà chiến tranh nổ ra, để cho thế giới vong. Hàng xóm của tôi cứ nói thế suốt ngày. Khi nghe thấy máy bay bay ngang qua trên bầu trời, ông ấy nói hãy ném vài quả bom xuống để tất cả chết hết cho xong.”

Ông Ngô Thiệu Bình cho rằng cảnh sát và các nhân viên duy trì sự ổn định khác cũng cần phải tồn tại. Nếu không được trả lương, sẽ có hai tác động: một mặt, những người này có thể không làm việc chăm chỉ; có thể để họ tự tạo thu nhập và giải quyết vấn đề về tiền lương, tiền phạt tùy tiện và phí tùy ý có thể tăng lên tương ứng.

“Một tình huống khác là họ có thể giảm chi phí để duy trì sự ổn định. Đối với những người dân thường bảo vệ quyền lợi của mình thì bị đàn áp, ngăn chặn trái pháp luật, v.v, những việc như thế này cũng sẽ giảm thiểu cùng với việc cắt giảm nhân viên. “Nếu ngày càng có nhiều nhân viên cơ sở của chính quyền ĐCSTQ không được trả lương, thì sự bất ổn của ĐCSTQ chắc chắn sẽ gia tăng.”

Theo Tống Đường, Dịch Như / Epoch Times