Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng Quý II chưa bằng một nửa dự kiến
- Trương Đình
- •
Dữ liệu cho thấy GDP (tổng sản phẩm quốc nội) Quý II của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Có chuyên gia cho rằng mục tiêu năm của Trung Quốc dù chỉ cần đạt 4% cũng khó khăn.
Vào thứ Sáu (15/7), Cục Thống kê Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố dữ liệu, cho thấy GDP (tổng sản phẩm quốc nội) Quý II của Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng chậm nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Quan điểm chung cho rằng chính sách chống dịch ‘Zero-COVID’ của ĐCSTQ đã làm giảm sản lượng công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng, khiến tăng trưởng kinh tế Quý II của nước này thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường.
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt trung bình 2,5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng năm của Trung Quốc là 5,5%. Là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc nhưng Thượng Hải đã bị phong tỏa trong phần lớn thời gian của Quý II khiến tình hình kinh tế vùng này đã giảm 14% trong Quý II, do đó thị trường nhìn chung kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại còn vượt quá dự kiến.
Nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại UBP Hồng Kông là Carlos Casanova nói với kênh Al Jazeera: “Dữ liệu kém hơn dự kiến… Chúng tôi dự kiến sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chung làm giảm khả năng phục hồi mạnh tiêu thụ trong tháng Sáu”.
Bloomberg cho biết dù dữ liệu của nhà nước Trung Quốc cho thấy GDP Trung Quốc tăng nhẹ, nhưng nhiều chỉ số cho thấy hoạt động kinh tế thực sự đang thu hẹp trong Quý II. Dữ liệu du lịch cho thấy tính đến tháng Bảy, lưu lượng hành khách trên hầu hết các tuyến đường của Trung Quốc đều thấp hơn năm ngoái, trong khi lượng mua xe hơi chiếm khoảng 10% doanh thu bán lẻ hàng tháng đã giảm hơn 10% trong quý.
Dữ liệu hôm 15/7 cũng cho thấy các lĩnh vực áp lực khác: khu vực dịch vụ chiếm hơn một nửa nền kinh tế so với một năm trước giảm 0,4% trong Quý II; dù việc làm tổng thể được cải thiện một chút khi các thành phố nới lỏng tình trạng phong tỏa, nhưng vào tháng Sáu tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức kỷ lục mới là 19,3%.
Cổ phiếu Trung Quốc đã kéo dài mức thua lỗ trong phiên giao dịch giữa trưa ngày thứ Sáu, với chỉ số CSI 300 đóng cửa giảm 1,7%, mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng Năm. Vào lúc 3:04 chiều [15/7], đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm 0,3% so với đô la Mỹ ở mức 6,7799 nhân dân tệ. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc tăng 0,1%.
Tuy ĐCSTQ đã dỡ bỏ nhiều quy định hà khắc nhất trong hạn chế dịch bệnh COVID-19, nhưng trong những tuần gần đây các hạn chế mới ảnh hưởng đến hàng triệu người đã được đưa ra ở các nơi như Tây An, Lan Châu, Hải Khẩu, Ma Cao và An Huy. Chính sách ‘Zero-COVID’ áp dụng trong vài tháng qua ngày càng mang lại nhiều tổn thất cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Vấn đề là triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn rất không chắc chắn, vì nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn đang bám sát chính sách ‘Zero-COVID’. Sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.5 có khả năng lây nhiễm cao ở một số thành phố làm tăng thêm mối đe dọa về các vụ phong tỏa mới. Số trường hợp COVID-19 được xác nhận vào ngày 15/7 đã đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng Năm.
ĐCSTQ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% cho năm 2022, điều mà các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ khó để đạt được.
Casanova, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại UBP ở Hồng Kông, cho biết ông dự kiến mức tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc năm 2022 sẽ dưới 4%.
Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis ở Hồng Kông, nói với kênh tin Al Jazeera: “Với dữ liệu Quý II, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cần phải hạ mục tiêu năm vì họ cần đạt được mức tăng trưởng hơn 8% trong nửa cuối năm mới có thể đạt được mục tiêu cả năm là 5,5%”.
Phân tích của Bloomberg cho rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong Quý II có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm khoảng 5,5% trong năm nay.
Tệ hơn nữa, dữ liệu vào ngày 15/7 cho thấy, không có dấu hiệu cải thiện về sự sụt giảm đầu tư bất động sản của Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc. Tuần này trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản không hoàn thành việc xây dựng khiến người mua nhà ở hàng chục thành phố đã ngừng thanh toán thế chấp, điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng.
“Trong nửa cuối năm 2022 vẫn sẽ có những rủi ro lớn trong ngành bất động sản”, chuyên gia kinh tế Xu Tianchen tại Economist Intelligence Unit (EIU) nói với trang BBC tiếng Trung. Ông Xu Tianchen tin rằng việc người mua nhà từ chối trả các khoản vay mua nhà chưa hoàn thiện gần đây có thể khiến người tiêu dùng tránh xa hệ thống bán trước bất động sản, điều này sẽ làm tăng áp lực tài chính và thanh khoản hiện có mà các công ty bất động sản Trung Quốc phải đối mặt.
Chuyên gia này nói rằng các chủ doanh nghiệp nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các biện pháp phòng chống dịch, nhiều người trong số họ có thể phá sản trong thời gian bị đột ngột bị phong tỏa nghiêm ngặt: “Chúng tôi đặc biệt lo lắng về sức khỏe của các chủ doanh nghiệp nhỏ”.
Nhà kinh tế trưởng Wei Yao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Societe Generale SA nói với Bloomberg rằng với mức tăng trưởng chỉ đạt 2,5% trong 6 tháng đầu năm, số liệu này có nghĩa là mục tiêu 5,5% trong năm nay không thể đạt. Bà nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần một sự phục hồi “rất, rất mạnh trong nửa cuối năm” để có được mức tăng trưởng 4% cho cả năm.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 như thế nào cùng việc triển khai biện pháp kích thích kinh tế ra sao. ĐCSTQ đã không ngừng tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để giúp bù đắp vấn đề sụt giảm tăng trưởng.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện