Trong kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng 1/5”, nhiều cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục công bố dữ liệu du lịch, nhằm cố gắng vẽ nên một bức tranh tiêu dùng “nhộn nhịp và thịnh vượng”. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thực tế lại rất khó che giấu. Cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ leo thang đã tròn một tháng, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều áp lực như xuất khẩu suy giảm, ngành sản xuất đình trệ, việc làm căng thẳng và tiêu dùng yếu kém. Khoảng cách giữa tuyên truyền chính thức và cảm nhận của người dân ngày càng lớn.

bieu tinh o TQ
Trong kỳ nghỉ lễ 1/5 năm 2025, tại nhiều địa điểm du lịch ở Trung Quốc Đại Lục xảy ra tình trạng hỗn loạn, các vấn đề như “chặt chém du khách” diễn ra liên tục, nhiều nơi du khách đồng loạt hô vang yêu cầu “hoàn tiền vé”. Hình ảnh là tại khu du lịch Long Hiệp ở Phật Sơn. (Ảnh chụp từ video)

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin hôm 5/5, bà Trần Hiểu Cầm, người phụ trách một công ty ngoại thương ở Thâm Quyến, cho biết khi Mỹ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp liên quan đã không thể hoạt động bình thường.

Bà nói: “Trước đây vào mùa xuân, các nhà nhập khẩu Mỹ đã đặt hàng điện tử đến tận tháng Bảy, bây giờ thì các đơn hàng đó đều chuyển sang Việt Nam. Ngay cả khi chúng tôi nhận được đơn hàng, cũng phải chuyển sang nhà máy ở Việt Nam sản xuất. Rất nhiều dây chuyền sản xuất ở các nhà máy tại Quảng Đông đã phải dừng lại, anh nói xem phải làm sao bây giờ, giờ chỉ còn cách chờ đợi hai nước Trung – Mỹ đàm phán.” Bà cũng tiết lộ rằng chủ của công ty đang tìm người mua lại công ty này: “Họ đang thương lượng, chủ công ty này không định tiếp tục kinh doanh thương mại nữa.”

Ông Phương Chí, người phụ trách một doanh nghiệp tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang cũng cho biết, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu là các khu vực kinh tế kiểu ngoại thương ở miền Nam: “Các khu vực như Quảng Đông, Phúc Kiến vốn dựa vào ngoại thương là chính, họ bị ảnh hưởng rất lớn, nhà máy đóng cửa, thị trường đóng cửa. Nếu trong thời gian tới hai nước có thể đạt được thỏa thuận thì còn tạm ổn. Vì hiện tại các khu vực như Việt Nam ở Đông Nam Á vẫn chưa thể thay thế được ngành sản xuất của Trung Quốc, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ bị chuyển ra khỏi Trung Quốc, mà một khi đã chuyển ra thì không thể quay lại nữa.”

Theo thống kê, sản lượng vận tải hàng không của các hãng hàng không nói chung đã giảm mạnh khoảng 30%. Cảng Los Angeles ước tính, tuần lễ bắt đầu từ ngày 4/5, lượng hàng cập cảng sẽ giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, riêng trong tháng Năm sẽ có hơn 250.000 container bị hủy.

Thị trường việc làm tiếp tục ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên theo số liệu chính thức vẫn ở mức cao

Tập đoàn Goldman Sachs gần đây đã công bố một báo cáo chỉ ra, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, sẽ có khoảng 10 đến 20 triệu việc làm tại Trung Quốc bị đe dọa, chiếm khoảng 3% lực lượng lao động toàn quốc.

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp điều tra tại các thành phố trên toàn Trung Quốc trong tháng Ba là 5,2%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên đã lên tới 16,5%. Thị trường việc làm vẫn ảm đạm, trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5) không chỉ không xuất hiện “làn sóng tuyển dụng” như kỳ vọng, mà còn có hiện tượng nhiều vị trí tuyển dụng bị hủy bỏ đột ngột.

Trên các nền tảng mạng xã hội như Weibo, Xiaohongshu, Douyin, nhiều bạn trẻ lên tiếng chia sẻ khó khăn khi tìm việc. Một cư dân mạng tên “Sui sui nian” (碎碎念) viết: “Tôi là thạc sĩ ngành xã hội nhân văn tốt nghiệp năm 2025, từ kỳ tuyển dụng mùa thu năm ngoái đến mùa xuân năm nay, cho đến khoảng tháng Tư, đến giờ vẫn chưa tìm được việc. Tôi đã nộp khoảng 8.000 hồ sơ xin việc, tham dự hết các hội chợ việc làm mùa thu… nhưng tốt nghiệp rồi mà vẫn không tìm được việc.”

Screen Shot 2025 05 07 at 05.02.44 scaled
Một người là thạc sĩ ngành xã hội nhân văn tốt nghiệp năm 2025, cho biết từ kỳ tuyển dụng mùa thu năm ngoái đến mùa xuân năm nay, cho đến khoảng tháng Tư, đến giờ vẫn chưa tìm được việc. (Ảnh chụp màn hình Douyin)

Một công nhân nông thôn ở Nam Xương, Tứ Xuyên tên là Lý Phương Lâm nói: “Ở chỗ chúng tôi người thất nghiệp cũng nhiều lắm, bây giờ muốn tìm một công việc, không có vị trí nào cho bạn đâu. Đàn ông ngoài 50 tuổi là gần như không tìm được việc nữa rồi, thật sự rất khó kiếm việc.”

Một doanh nhân kinh doanh online ở Giang Tô họ Chúc cũng nói: “Kinh doanh bây giờ khó lắm, gần như không có mối làm ăn nào. Dạo gần đây tôi đi du lịch bằng tàu hoả, khắp nơi đều nghe thấy tiếng mắng chửi – toàn là chửi ĐCSTQ, trong lúc ngồi nói chuyện thôi. Vì người ta không kiếm được tiền, chính phủ thì tham nhũng, tất cả đều lộ rõ ra hết, ai cũng biết cả, chống tham nhũng là chỉ chống lại những quan chức không nghe lời thôi.”

“Biển người” đi du lịch dịp 1/5, dư luận nghi ngờ tính xác thực của tuyên bố “phục hồi tiêu dùng”

Tân Hoa Xã đưa tin rằng kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5) năm nay ghi nhận 295 triệu lượt người đi du lịch trong cả nước, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch đạt 166,8 tỷ Nhân dân tệ, phục hồi đến mức tương đương với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trên các nền tảng như Weibo, Xiaohongshu, nhiều cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của các số liệu này.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các số liệu kinh tế dịp 1/5. Tân Hoa Xã trích dẫn dữ liệu từ các nền tảng như Meituan, Tuniu, Tongcheng Travel cho biết mức độ quan tâm và đặt tour du lịch trong dịp này tăng vọt, lượng tìm kiếm và đặt chỗ đều gia tăng mạnh mẽ. Báo cáo “Xu hướng du lịch dịp 1/5 năm 2025” thậm chí còn khẳng định mức độ nhiệt tình với du lịch có thể đạt đỉnh trong vòng 3 năm qua.

Tuy nhiên bà Trương, một cư dân ở Vũ Hán, cho biết không khí năm nay không thể so sánh với những năm trước: “Hôm qua tôi đi dạo một vòng siêu thị Walmart ở đây, chẳng thấy ai mấy, khu mua sắm Vương Phủ Tỉnh trước kia nhộn nhịp giờ cũng vắng tanh, (nhiều cửa hàng) dọn đi hết rồi, cũng chẳng có ai… chắc chắn là không bằng trước kia. Bây giờ giá cả tăng hết rồi, thuốc men cũng tăng giá.”

Ngoài ra, chỉ số tìm kiếm trên Baidu cho thấy trong dịp lễ 1/5, từ khóa “tàu lửa vỏ xanh” (tàu chậm giá rẻ) có mức độ quan tâm tăng đột biến. Nhiều hành khách chuyển sang đi loại tàu này vì giá vé cao tốc tăng mạnh, dù tàu vỏ xanh di chuyển chậm và mất nhiều thời gian hơn. Thực tế rằng nhóm thu nhập trung bình và thấp “có kỳ nghỉ nhưng không có ngân sách” hoàn toàn trái ngược với hình ảnh “tiêu dùng sôi động” mà truyền thông nhà nước mô tả.