Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị hai phe đẩy lên vũ đài, Hồng Kông sắp có ‘bão’ lớn?
- Tuyết Mai
- •
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đồng thời bị cả ông Tập Cận Bình và Hàn Chính đẩy lên sân khấu chính trị, trở thành “xác chết chính trị” giữa vòng kìm kẹp của hai phe.
Chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ của người Hồng Kông đến nay đã kéo dài hơn 5 tháng. Trong tình trạng cảnh sát Hồng Kông lạm dụng bạo lực và sự bất an xã hội do khủng bố trắng của bộ máy chính trị gây ra, các thảm cảnh người chết trôi, chết rơi, bị giết chết… không ngừng tái diễn. Gần đây, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), người bị công chúng cáo buộc là nhân vật chính gây ra thảm họa nhân đạo cho Hồng Kông, đã có buổi gặp mặt với 2 nhân vật chủ chốt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngay sau khi bất ngờ được ông Tập Cận Bình tiếp kiến và ghi nhận công trạng, ngày hôm sau (6/11), bà Lâm đã đến Bắc Kinh gặp mặt ông Hàn Chính – Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng của ĐCSTQ. Tại đây, ông Hàn Chính công khai ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, đề nghị tiếp tục “ngăn chặn bạo loạn”… Những diễn biến mới nhất cho thấy, ĐCSTQ sẽ đẩy mạnh bạo lực trấn áp người biểu tình ở Hồng Kông trước khi Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”. Mục đích là sớm bình ổn tình hình Hồng Kông để không bị Mỹ chế tài khi đã thông qua dự luật. Nếu điều này là sự thật thì tình hình Hồng Kông sẽ càng nguy hiểm hơn nữa và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế.
Khác biệt trong phát ngôn của Hàn Chính với Tập Cận Bình
Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, ông Hàn Chính (64 tuổi) có xếp hạng quyền lực thấp nhất, nhưng với tư cách thành viên quan trọng trong “bang Thượng Hải” của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, ông là Phó thủ tướng đầu tiên của ĐCSTQ được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ban Điều phối Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao. Ông là nhân vật cấp cao nhất của ĐCSTQ ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thúc đẩy Dự luật Dẫn độ, thường xuyên âm thầm túc trực tại Thâm Quyến để chỉ đạo công việc tại Hồng Kông. Ông cũng bị nhiều cáo buộc đã thúc đẩy tình hình Hồng Kông rơi vào hỗn loạn. Ngoài ra còn có nhiều thông tin đồn thổi rằng ông khó có thể bảo toàn được chức vụ.
Cuộc gặp giữa ông Hàn Chính và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lần này là cuộc gặp đầu tiên trong sóng gió chống Dự luật Dẫn độ của người Hồng Kông bùng nổ từ hồi tháng Sáu. Trước khi hai người bước vào hội đàm chính thức, ông Hàn Chính đã tổ chức gặp hệ thống truyền thông và bày tỏ quan điểm ghi nhận công trạng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền đặc khu cũng như cảnh sát Hồng Kông. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh chính quyền Trung ương sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ và lực lượng cảnh sát Hồng Kông.
So với buổi gặp “đón đầu” tại Thượng Hải của ông Tập Cận Bình với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nội dung khác biệt ở chỗ ông Hàn Chính công khai thể hiện quan điểm ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, trong khi ông Tập Cận Bình không đề cập nội dung này.
Đáng chú ý, đi cùng ông Hàn Chính khi gặp bà Lâm còn có Phó Thư ký trưởng thường trực Chính phủ Trung Quốc Đinh Học Đông, Chủ nhiệm Trương Hiểu Minh của Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao và quan chức Chính phủ Hồng Kông là Cục trưởng Nhiếp Đức Quyền của Văn phòng Hiến pháp và Đại Lục, Chủ nhiệm Trần Quốc Cơ của Văn phòng Trưởng Đặc khu Hồng Kông.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga thành “xác chết chính trị”, nội bộ ĐCSTQ công khai chia rẽ
Tờ Epoch Times chia sẻ quan điểm của nhà bình luận chính trị Thạch Tạng Sơn cho biết, cả ông Tập Cận Bình và Hàn Chính cùng thay nhau gặp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là một tín hiệu hiếm hoi cho thấy hai phe cùng đẩy bà Lâm lên sân khấu chính trị, đẩy trách nhiệm cho bà. Hàm ý rằng dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ” thì tình cảnh hỗn loạn ở Hồng Kông là trách nhiệm của Trưởng Đặc khu, chính quyền Trung ương không chịu trách nhiệm! Nói cách khác, bà Lâm đã trở thành “xác chết chính trị”, dù làm thế nào cũng chịu trận, “một khi không còn lợi dụng được thì sẽ bị vứt bỏ”.
Điều đáng chú ý là cả hai phe cùng dẫn theo người của mình cho thấy tình trạng công khai chia rẽ trong giới chóp bu ĐCSTQ. Trong đó nhân vật quan trọng sóng đôi cùng ông Tập Cận Bình rất đáng chú ý, đó là Bộ trưởng Triệu Khắc Chí của Bộ Công an.
Nhà bình luận Vương Xuân Hàn, từng là phóng viên của tờ WSJ (Wall Street Journal) trú tại Trung Quốc đã chia sẻ tweet phân tích rằng sự xuất hiện của Triệu Khắc Chí cùng Tập Cận Bình cho thấy ông ta đã đóng vai trò trong vấn đề Hồng Kông, rất có khả năng giữ chức Phó chủ nhiệm của Ban Điều hành Hồng Kông – Ma Cao.
Kể từ ngày 12/2/2019 sau khi Chính phủ Hồng Kông tung ra Dự luật Dẫn độ, phong trào biểu tình chống lại dự luật này ngày càng mạnh mẽ. Ông Hàn Chính trong vai trò là Trưởng ban Ban Điều hành Hồng Kông và Ma Cao của ĐCSTQ đã công khai ủng hộ Dự luật Dẫn độ. Trong tình hình ông này túc trực trấn giữ địa bàn Thâm Quyến để trực tiếp chỉ huy công việc tại Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao cùng Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông đã liên tục thể hiện lập trường cứng rắn, từ chối những đòi hỏi của người dân Hồng Kông, quy kết hoạt động kháng nghị của người dân là “bạo động”, bật đèn xanh cho xã hội đen hợp tác với cảnh sát Hồng Kông trấn áp bạo lực, kích động làm tình hình ngày càng leo thang.
Các tổ chức như Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao của Chính phủ ĐCSTQ, Văn phòng Liên lạc của Chính phủ ĐCSTQ tại Hồng Kông, thế giới ngầm Hồng Kông, Cảnh sát Hồng Kông và Đặc vụ Quốc an của Công an ĐCSTQ đều làm việc theo chỉ đạo của nhân vật số hai phái Giang là ông Tăng Khánh Hồng cùng giới thân tín mà đứng đầu là Bí thư Ban Chính pháp Trung ương Quách Thanh Côn. Vốn dĩ, những nhân vật phụ trách chính tại Hồng Kông như Hàn Chính, Trương Hiểu Minh, và Vương Chí Dân đều là thân tín của Tăng Khánh Hồng.
Hồi giữa tháng Bảy có thông tin cho biết, ông Tập Cận Bình đã rất không hài lòng đối với công việc của Văn phòng Liên lạc Chính phủ tại Hồng Kông và Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao cũng như cách làm việc của ông Hàn Chính trong vai trò là Trưởng ban Ban Điều hành Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao, hiện nay các ban ngành Trung ương đang thu thập thông tin tình hình cho kế hoạch điều chỉnh chính sách đối với Hồng Kông. Còn Văn phòng Liên lạc Chính phủ tại Hồng Kông và Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao đang bị truy cứu, sẽ có biến động nhân sự.
Trên Epoch Times, nhà bình luận chính trị Ngô Minh Đức cho biết, những phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng như ông Hàn Chính khẳng định quan điểm ủng hộ bà Lâm chẳng qua là cách phát biểu xã giao mà thôi. Hãy nhìn lại những trường hợp cựu Trưởng Đặc khu như Đổng Chấn Hoa hay Lương Chấn Anh, ĐCSTQ cũng ứng xử như vậy, cũng nhấn mạnh ĐCSTQ ủng hộ Chính phủ Đặc khu, cai trị theo pháp luật, tôn trọng tự trị cao độ, nhưng thực tế đến gần thời điểm cần đào thải nhân sự thì ĐCSTQ mới có động thái bất ngờ.
Hồng Kông đang ở thời kỳ khó khăn nhất
Ông Thạch Thực, nhà bình luận thời sự Trung Quốc từng cho biết trên Epoch Times rằng tình hình Hồng Kông hiện nay đang trở nên đen tối hơn, vì cả hai phe Tập Cận Bình và Hàn Chính đều muốn Lâm Trịnh Nguyệt Nga “bình ổn bạo loạn”, thậm chí khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Hồng Kông hiện nay.
Có thể thấy trước đây thái độ của ông Tập về Hồng Kông khá mơ hồ, nhưng sau khi kết thúc Hội nghị Toàn thể Trung ương 4 mới thấy ông có quan điểm dứt khoát. Hiện nay ông Tập ra mặt công khai ủng hộ bà Lâm cho thấy cục diện Hồng Kông sắp tới đầy thách thức. Vì ông đã nhập cuộc gánh trách nhiệm, có thể tăng cường vũ lực trấn áp để bình ổn Hồng Kông trước khi Thượng viện Mỹ thông qua “Dự luận Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông”, đây là cách ‘đi trước’ để Mỹ không thể can thiệp sau khi thông qua Dự luật, vì việc truy cứu chế tài chỉ áp dụng từ thời điểm Dự luật được thông qua.
Có thể thấy, sau khi kết thúc Hội nghị Toàn thể Trung ương 4 thì Lực lượng cảnh sát Hồng Kông thậm chí trong tình trạng “mất kiểm soát” hơn trước. Họ đến tận nhà bắt người, trong một phút quăng ra 12 quả bom hơi cay, chỉ vào cuối tuần trước đã bắt giữ 325 người. Tờ Epoch Times dẫn thông tin cho biết ĐCSTQ sẽ tiếp tục tạo ra khủng bố trắng ở Hồng Kông, có thông tin Bắc Kinh đã chuẩn bị bắt giữ hơn 700 người đóng vai trò quan trọng trong phong trào biểu tình ở Hồng Kông, đến tận nhà hoặc công ty để bắt giữ người; bất cứ ai ra đường biểu tình cũng sẽ bị bắt…
Hôm 4/11, tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý lại khuấy đảo dư luận với thông tin cho biết, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đông đảo giới thương gia giàu có ở Hồng Kông và Mỹ đã đổ xô đến Bắc Kinh bằng máy bay riêng. Lý do vì ĐCSTQ muốn thông báo trước cho họ biết tình hình trước khi áp dụng biện pháp mạnh nhất nhằm bình ổn Hồng Kông.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Dự luật dẫn độ Hồng Kông biểu tình Hồng Kông Tập Cận Bình Lâm Trịnh Nguyệt Nga