Ngày 17/11, “đóng cửa trường mẫu giáo quy mô lớn ở nhiều nơi” đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng ở Trung Quốc Đại Lục. 50 trường mẫu giáo ở Lâm Tuyền, An Huy, huyện đông dân nhất Trung Quốc, đã ngừng hoạt động. Thậm chí nhiều trường mẫu giáo quốc tế cao cấp tại tỉnh Quảng Đông cũng không thoát khỏi tình trạng trên.

mau giao
(Ảnh minh họa: Lesia Povkh Shutterstock)

Theo báo cáo của The Paper ngày 17/11, huyện Lâm Tuyền, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy là huyện đông dân nhất Trung Quốc, với dân số đăng ký là 2,293 triệu người vào năm 2022.

Tháng 8 năm nay, Phòng Giáo dục huyện Lâm Tuyền đã đưa ra thông báo cho biết, 50 trường mẫu giáo tư thục tại địa phương sẽ ngừng hoạt động, chiếm 11,8% tổng số trường mẫu giáo trong quận vào năm 2022, và 24,5% tổng số trường mẫu giáo tư thục trong cả nước.

Trong số 50 trường mẫu giáo tư thục đã đóng cửa, có 12 trường đã nộp đơn xin chấm dứt hoạt động, 38 trường không có tuyển sinh hoặc hoạt động thực tế, hoặc giấy phép hoạt động trường đã hết hạn.

Điều đáng chú ý là trong số 12 trường mầm non nộp đơn xin chấm dứt hoạt động, đa số đều mới đăng ký từ năm 2021. Gần đây nhất là các trường được đăng ký, thành lập vào tháng 6/2022 và đóng cửa sau 1 năm khai trương, có thể thấy tình trạng trường mẫu giáo địa phương đang rất căng thẳng.

Dữ liệu từ Chính quyền huyện Lâm Tuyền vào tháng 2 năm nay cho thấy, năm 2023, toàn huyện có 58.243 trẻ em đi học mẫu giáo, giảm 9,2% so với năm trước. Đây là năm giảm thứ 4 liên tiếp, hơn nữa mức giảm còn tăng mạnh. Từ năm 2019 – 2022, số trường mẫu giáo ở huyện Lâm Tuyền lần lượt là 377, 422, 425 và 425 trường.

  • Nội dung Twitter: “Rau hẹ (người dân bị bóc lột) không sinh con nữa, đợt đóng cửa trường mẫu giáo đầu tiên đã đến!”

Được biết, đợt thanh tra hàng năm các trường mẫu giáo tư thục ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc gần đây đã kết thúc. Tổng cộng 33 trường mẫu giáo đã ngừng hoạt động, chiếm 6,4% tổng số trường mẫu giáo tư thục cả nước.

Tháng 9 năm nay, 17 trường mầm non ở huyện Long Hải, thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến cũng đã ngừng hoạt động, chiếm 7,8% tổng số trường mầm non trên toàn huyện vào năm 2022. Mới đây, 6 trường mẫu giáo ở thành phố Thụy An, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang cũng đóng cửa.

Gần 30 trường học ở Thượng Hải đã dừng tuyển sinh vào năm 2023. Hầu hết các trường ngừng tuyển sinh là trường mẫu giáo tư thục, chủ yếu là do tỷ lệ tuyển sinh thấp.

Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nhiều trường mẫu giáo cũng đóng cửa.

Theo “Tạp Chí Sanlian Lifeweek”, do dân số sinh của Trung Quốc giảm trong những năm gần đây, nên số lượng trường mẫu giáo và số lượng học sinh mẫu giáo của Trung Quốc cũng giảm. Đến năm 2022, tổng số trường mẫu giáo trên toàn quốc sẽ giảm 5.610 trường so với năm ngoái.

  • Nội dung Twitter: “Làn sóng đóng cửa các trường mẫu giáo tại khu dân cư An Thái thành phố Chu Châu, Hồ Nam thực sự đã đến. Với tư cách là một nhà giáo dục mầm non, chứng kiến ​​cảnh tượng này thực sự khiến tôi đau lòng khôn tả.”

Trường mầm non quốc tế cao cấp tại Trung Quốc cũng lần lượt rơi vào “làn sóng đóng cửa”

Theo báo Sohu News ngày 24/8, trường mầm non đắt đỏ nhất Chu Hải, bất ngờ thông báo với phụ huynh rằng trường mẫu giáo sẽ đóng cửa. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng.

Cách đây không lâu, Học viện Dulwich Thâm Quyến, được biết đến với tên gọi “Phần cứng trường mẫu giáo quốc tế Thâm Quyến” “Trần học phí”, đã tuyên bố đóng cửa. Chưa đầy 2 năm, học viện này đã lặng lẽ rời đi.

  • Nội dung Twitter: “Các trường mẫu giáo đang phải đối mặt với làn sóng đóng cửa. Điều này sẽ xảy ra với toàn bộ ngành giáo dục trong vài năm tới. Không chỉ có ít trẻ em hơn mà còn có vấn đề thất nghiệp, thu nhập giảm khiến trẻ em khó đến trường.”

Theo dữ liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố vào tháng 6, số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc Đại Lục là 6,833 triệu vào năm ngoái, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1986.

Tính đến năm 2022, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong 6 năm liên tiếp. Năm 2022 số trẻ sơ sinh đã giảm xuống mức thấp mới trong 60 năm, chỉ còn 9,56 triệu, dự kiến ​​năm nay có thể không vượt quá 8 triệu.

Tại Trung Quốc Đại Lục, giới lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hy sinh sự phát triển kinh tế, khiến nạn thất nghiệp gia tăng, áp lực sinh tồn của giới trẻ ngày càng tăng.

Mới đây, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 16 -24 tuổi đạt 20,4%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2018.

Điều này có nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp vì đang học nên không có việc làm. Đây là mức tăng trưởng gấp nhiều lần so với mức 10,1% vào tháng 4/2018. Hơn nữa, dữ liệu của giới chức vẫn luôn bị nghi ngờ chưa phản ánh hết tình hình thực tế.

Giớ trẻ chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” “4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con).

Bình Minh (t/h)