Logic Stalin trong chính trị ĐCSTQ
- Ngô Quốc Quang
- •
Gần đây, tình hình thanh trừng chính trị cấp cao của ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình cho thấy những “nét mới” giống kiểu Stalin: Khác xu hướng thanh trừng kẻ đối lập dưới danh nghĩa “tham nhũng” trong 2 nhiệm kỳ đầu, giờ đây ngay cả những “thân tín” cũng không ngoại lệ.
Tình hình chính trị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây cho thấy những tình huống kịch tính, hấp dẫn nối tiếp nhau xuất hiện: Tiêu biểu trước tiên là Ngoại trưởng Tần Cương mất chức, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng vắng mặt trong các hoạt động đối ngoại vì “lý do sức khỏe”. Hai quan chức tư lệnh ngành trong nhóm 5 Ủy viên Quốc vụ này là những người mới nổi về chính trị, thăng tiến của họ nhanh chóng dưới thời Tập Cận Bình.
Tiếp đó lại đến tin đồn vấn đề của Trương Thăng Dân – Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương, và thậm chí cả Trương Hựu Hiệp – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương: Cả hai quan chức họ Trương này là lãnh đạo quân sự “nặng ký” mà Tập Cận Bình luôn tin cậy trong 10 năm qua, (thời điểm hiện tại Trương Hựu Hiệp là trợ lý số một phụ trách quân đội của Tập Cận Bình, là quân nhân chuyên nghiệp cấp cao nhất).
Nhưng danh sách “kịch tính” vẫn chưa hết, còn có thông tin cho rằng Triệu Lạc Tế – nhân vật hàng thứ ba trong ĐCSTQ là Chủ tịch Quốc hội cũng đang phải đối mặt với những rắc rối chính trị. So với những vụ việc kinh động này, vấn đề quan chức cấp cao của Quân chủng Tên lửa bị thanh trừng trước đó không lâu, trở nên chỉ như chuyện vặt. Tình hình khiến giới quan sát quốc tế không khỏi ngạc nhiên băn khoăn: Tình hình chính trị cấp cao của ĐCSTQ đã xảy ra chuyện gì?
Gia tăng dấu hiệu về sự sụp đổ
Điều đầu tiên khiến dư luận bất ngờ là: Trong bối cảnh Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực chưa từng có tại Đại hội 20 của ĐCSTQ, qua đó thành lập được một đội ngũ cấp cao gồm gần như toàn thân tín và tay sai, tại sao diễn biến như vậy vẫn xảy ra?
Nếu nguyên nhân sự việc đúng như ĐCSTQ tuyên bố là do những người liên quan có lối sống tham nhũng hoặc dính líu đến một vụ án tham nhũng, vậy thì từ tầm nhìn của Tập Cận Bình với tư cách là người lãnh đạo cao nhất, và từ cơ chế rà soát trong quá trình tuyển chọn quan chức của ĐCSTQ đều cho thấy vấn đề lớn: Không thể lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo đáp ứng được những tiêu chuẩn do chính ông Tập và tổ chức ĐCSTQ đặt ra?
Tất nhiên, người ta biết rằng tham nhũng trong ĐCSTQ là có tính hệ thống, đã lan rộng trong 30 năm qua, đến mức không quan chức nào có thể giữ mình trong sạch, có thể gọi ĐCSTQ là “tập đoàn tham nhũng”. Vì vậy, cái gọi là chống tham nhũng do ông Tập thực hiện kể từ khi lên nắm quyền phải có chọn lọc, không cách nào là phải chọn lọc. Cái gọi là chống tham nhũng có chọn lọc nghĩa là việc xác định mục tiêu tham nhũng không dựa trên mức độ tham nhũng của quan chức, mà dựa trên các tiêu chí khác và cho các mục đích khác. Mục đích đó là thanh lọc những người bất đồng chính kiến nhằm gia cố quyền lực. Trên cơ sở đó, đối tượng trở thành mục tiêu chống tham nhũng không phải người đó tham nhũng nghiêm trọng hay không, mà đó là người Tập Cận Bình phải loại bỏ để củng cố quyền lực.
Nói một cách dễ hiểu, tất cả các quan chức của ĐCSTQ đều tham nhũng, nhưng nếu họ luôn tuân theo cấp trên thì tham nhũng cũng không sao, nếu không thì rất có thể sẽ bị lôi ra. Do đó hiệu ứng chính trị của việc chống tham nhũng kiểu này là: Tất cả các quan chức, bất kể con đường thăng tiến ban đầu của họ, đều nhanh chóng cam kết trung thành với ông Tập, và cố gắng hết sức để thể hiện rằng họ trung thành tuyệt đối. Bằng cách đó mà Tập Cận Bình vốn ban đầu chỉ là quan chức địa phương có nền tảng quyền lực yếu kém và năng lực tầm thường, nhưng một khi lên nắm quyền có thể nhanh chóng củng cố quyền lực cho đến thiết lập được chế độ siêu độc tài mà bản thân Tập Cận Bình quyết tâm hướng tới.
Có lý giải cho rằng Tập Cận Bình đặc biệt không khoan nhượng với kẻ tham nhũng “không chùn tay” ngay cả khi ông ta đã lên nắm quyền, vì vậy khi trường hợp tham nhũng của Tần và Lý bị vạch trần thì Tập không cho qua. Nếu giải thích như vậy thì mâu thuẫn với quan điểm rằng việc chống tham nhũng có tính chọn lọc? (vì Tần Cương và Lý Thượng Phúc đều là thân tín của Tập Cận Bình). Lý giải đó cũng không đúng khi nhìn vào những trường hợp rõ ràng về tình trạng tham nhũng như Lật Chiến Thư, Vương Kỳ Sơn… nhưng Tập Cận Bình cho qua. Nếu Tập Cận Bình thực sự muốn kiềm chế tham nhũng từ tận gốc rễ, tại sao ông ta không hạn chế quyền lực công, thiết lập nền tư pháp độc lập, trái lại vẫn không cho phép công chúng giám sát quyền lực? Nếu Tần và Lý thực sự mất chức vì tham nhũng thì chỉ có thể nói rằng hệ thống của ĐCSTQ đã suy đến mức không thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để bản thân hệ thống duy trì hoạt động bình thường. Việc một quan chức cấp cao như vậy mất chức chỉ sau vài tháng nhậm chức cho thấy thực trạng suy sụp của hệ thống đó đang ở mức báo động.
Logic của Stalin: Thanh trừng “thân tín”
Trên thực tế, việc gọi Tần Cương và Lý Thượng Phúc hay Lật Chiến Thư và Vương Kỳ Sơn là thân tín của nhà độc tài Tập Cận Bình – quan điểm như vậy về chính trị là mâu thuẫn. Cái gọi là thân tín có nghĩa là được tin cậy – chữ “tín” rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu một nhà độc tài có thể thực sự tin tưởng cấp dưới của mình, thì ở một mức độ nhất định dù lo sợ nghi ngờ cũng vẫn để cấp dưới làm việc, nếu như vậy lại không thể nói đó hoàn toàn là “độc tài”. Còn chữ “thân” lại càng nực cười hơn. Người Trung Quốc xưa có câu: “Ở với vua như ở với hổ” – ai có thể tưởng tượng được việc duy trì mối quan hệ thân thiết với hổ?
Ngày nay, truyền thông phương Tây cũng tham khảo chính trị cung đình Trung Quốc cổ đại để hiểu tình hình chính trị cấp cao của ĐCSTQ, cần phải nói rằng đây là một sự cải thiện trong việc quan sát tình hình chính trị Trung Quốc. Tuy nhiên, lý giải ĐCSTQ thông qua quyền lực chính trị kiểu vương triều xưa là chưa đủ. Để hiểu ĐCSTQ sâu sắc hơn từ góc độ thể chế, cần phải tham khảo lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Mao Trạch Đông so sánh bản thân với Tần Thủy Hoàng nhưng thực ra ông ta chỉ tương đồng ở những vấn đề không đáng kể, Điền Gia Anh nói Mao giống Stalin những năm cuối đời khiến Mao trở nên tức giận và muốn giết Điền. Tập Cận Bình muốn trở thành phiên bản của Mao, nhưng ở góc độ quốc tế giống Stalin. Những sự kiện chính trị của ĐCSTQ gần đây cho thấy Tập Cận Bình đi theo hướng “đại thanh trừng” của Stalin vào giữa những năm 1930.
Có người có thể phản bác: Chẳng phải Tập Cận Bình đã luôn thúc đẩy thanh trừng sao? Đâu phải bây giờ mới đang đi theo hướng đó? Điều này cần giải thích: Cuộc thanh trừng lớn của Stalin vào giữa những năm 1930 là một chuỗi các sự kiện lịch sử cụ thể, không tương đương với ý nghĩa thanh trừng thông thường. Đúng vậy, Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền đã không ngừng thanh trừng chính trị, điều này giống như các cuộc thanh trừng chính trị liên tục của Mao trước Cách mạng Văn hóa, cũng giống như các cuộc thanh trừng chính trị của Stalin trước năm 1936. Nhưng trong Cách mạng Văn hóa, những người mà Mao muốn thanh trừng, từ Lưu Thiếu Kỳ đến Lâm Bưu, đều từng là “thân tín” đã giúp Mao giành được quyền lực tối cao. Điều tương tự cũng đúng với “đại thanh trừng” của Stalin vào giữa những năm 1930.
Theo lời của Orlov, người đã phục vụ một thời gian dài trong Ủy ban Nhân dân nội vụ Liên Xô (sau này gọi là “KGB”) và đã viết cuốn sách “Mật sử thanh trừng đối lập của Stalin”, chỉ ra rằng năm 1937 Stalin đã quyết tâm loại bỏ tất cả thân tín.
Có thể nói, giai đoạn đầu khi kẻ nắm quyền đảng cộng sản lên nắm quyền, họ chú trọng thanh trừng các đối thủ chính trị, đó chính xác là logic của chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình trong 10 năm cầm quyền đầu; một khi trở thành một nhà độc tài với quyền lực vô song không có hạn chế, họ thanh trừng những thân tín, đó chính là điểm nhấn của tình hình chính trị cấp cao ĐCSTQ từ sau Đại hội 20. Mọi người có thể dễ dàng hiểu vấn đề thanh trừng các đối thủ chính trị, nhưng thường khó hiểu vấn đề thanh trừng những thân tín, tuy nhiên thanh trừng thân tín chính là logic sâu xa trong chính trị ĐCSTQ hiện nay – ở đây tôi ví là “logic Stalin”.
Từ khóa Tập Cận Bình Joseph Stalin