Logic và giới hạn của chính sách “số ca nhiễm về 0” của Trung Quốc
- Vọng Cầm
- •
Trang The Diplomat đăng bài của tác giả Zhuoran Li có nhận định, chiến lược dân vận quy mô lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể có hiệu quả giải quyết viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đáng kinh ngạc, nhưng chỉ có thể kéo dài trong một thời gian nhất định, vì dân vận không bao giờ là giải pháp vạn năng.
Hôm 14/9, tờ The Diplomat của Mỹ đã có bài viết chỉ ra sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán, ĐCSTQ đã thực hiện thành công một cuộc phong tỏa trên toàn quốc để kiểm soát virus lây lan trong nước, qua đó đã xử lý triệt để đại dịch COVID-19 kéo dài và ghi công “nhờ sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng” và tuyên bố thể chế chính trị tập trung của Trung Quốc ưu việt hơn thể chế dân chủ tự do của phương Tây.
Logic cốt lõi trong chính sách kiềm chế COVID-19 của Trung Quốc là “làm sạch virus về 0”. Theo đó, cách thực hiện là đóng cửa biên giới để giảm các trường hợp đến từ nước ngoài; phong tỏa bất kỳ cộng đồng nào có trường hợp COVID-19, tránh lây lan quy mô lớn. Nhưng chính sách này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn xã hội. Người ta đã thấy hàng ngàn nhân viên y tế làm việc theo ca không ngừng nghỉ 24 giờ mỗi ngày, hoàn thành xét nghiệm axit nucleic cho 11 triệu cư dân Vũ Hán trong vòng 72 giờ; trong thực hiện biện pháp phong tỏa khiến những nhân viên y tế, nhân viên xã hội và cán bộ ĐCSTQ thường xuyên tuần tra trên đường phố, thăm nhà dân, phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân…; người dân cũng phải chịu đựng những hy sinh lớn và ủng hộ chính sách xóa sổ COVID-19; còn cái giá chung là mất tự do và thu nhập cá nhân.
Thực tế, chìa khóa để thực hiện chính sách xóa sổ COVID-19 là khả năng dân vận của ĐCSTQ, khả năng này từ lâu đã bắt nguồn từ bản sắc và lịch sử theo chủ nghĩa Lê-nin với một hệ thống phân cấp từ trên xuống dưới. ĐCSTQ có hơn 95 triệu đảng viên và 4,8 triệu Đảng ủy các cấp, là tổ chức duy nhất ở Trung Quốc thâm nhập sâu trong mọi ngóc ngách của xã hội; bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, trường học, bệnh viện và các tổ chức công cộng hay tổ chức xã hội khác dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ cũng đóng góp vào hoạt động dân vận này.
Trong lịch sử, ĐCSTQ luôn sử dụng loại hình dân vận này như một “vũ khí bí mật”, tiêu biểu là đường dây dân vận do Mao Trạch Đông phát triển vào thời kỳ [ĐCSTQ đang xây dựng và đóng trú] ở Diên An. Sau đó đường dây dân vận này đã trở thành một cỗ máy giết người của ĐCSTQ để cướp chính quyền vào năm 1949. Sau năm 1949 [khi có được chính quyền], ĐCSTQ liên tục thực hiện công tác dân vận nghiêm ngặt trong các mục tiêu chính trị: cuộc chuyển đổi xã hội từ năm 1949 – 1956, sản xuất thép và ngũ cốc từ năm 1958 – 1961, hay cuộc chiến chống thiên tai năm 1998 và 2008…
Sau khi Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 trên toàn quốc vào mùa xuân năm 2020, nước này chỉ còn rải rác vài đợt bùng phát quy mô tương đối nhỏ. Điều không thay đổi là cho đến nay ĐCSTQ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “xóa sổ virus”. Tuy nhiên, nhiều người trước đây ủng hộ chính sách phong tỏa trong đợt bùng phát dịch bệnh mang tính toàn quốc thì hiện đã thay đổi lập trường và chống lại việc phong tỏa.
Trong thời gian bùng phát vào mùa hè năm 2021, hàng trăm cư dân trong một cộng đồng ở Dương Châu (tỉnh Giang Tô) đã phản đối việc chính phủ phong tỏa khu vực của họ trong 3 tuần. Sự thất bại của hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu do chính phủ quản lý cũng khiến tình hình hỗn loạn; nhiều người dân than vãn họ không thể nhận được thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày khác từ chính quyền. Nhiều trường hợp khi mua được rau ăn thì giá cả không những quá cao mà rau còn bị héo úa.
Tâm lý hoảng loạn và thất vọng về việc thiếu nguồn cung cấp đồ thiết yếu và trạng thái phong tỏa đã làm trầm trọng thêm bất mãn của người dân. Không thể tìm được biện pháp hòa bình để bày tỏ sự bất mãn của mình nên người dân quyết định tổ chức biểu tình kêu gọi “chấm dứt phong tỏa”; một số người quá khích thậm chí còn cố gắng sử dụng vũ lực để phá chốt kiểm soát.
Vậy tại sao chính sách “xóa sổ virus” bắt đầu phản tác dụng? Những yếu tố nào làm cho công tác dân vận bị thất bại?
Chìa khóa để dân vận thành công là hình thành một mục tiêu chung vận động tất cả mọi người hưởng ứng. Từ thời Mao Trạch Đông cho đến ngày nay, biện pháp này luôn được ĐCSTQ xem là chìa khóa khi thực hiện mục tiêu chính trị – xã hội. Trung tâm công tác dân vận của Mao Trạch Đông là tuyên truyền ý thức hệ để mọi người dân noi theo. Từ Đại nhảy vọt đến Cách mạng Văn hóa, bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã thuyết phục mọi người rằng việc dân vận là vì lợi ích của nhân dân. Chính quyền Tập Cận Bình ngày nay cũng thông qua một tuyên bố tương tự, tập trung tuyên truyền rằng “quét sạch COVID-19” là vì lợi ích của tất cả mọi người.
Nhờ đó, chính quyền Bắc Kinh đã kêu gọi thành công người dân đồng lòng trong chính sách phong tỏa, và người dân cũng hiểu được mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, đặc biệt là những người còn nhớ rất rõ về đợt bùng phát dịch SARS năm 2003. Vì vậy, người dân ủng hộ chính quyền Bắc Kinh kiềm chế virus bằng mọi giá, cho rằng chính sách “xóa sổ virus” là vì lợi ích chung. Cũng phải kể đồng thời là sự gia tăng mạnh về số người chết ở châu Âu và Mỹ cùng với thực tế số trường hợp COVID-19 ở Trung Quốc sụt giảm càng khiến nhiều người tin tưởng việc thực thi nghiêm ngặt phong tỏa là cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19. Vì vậy, mọi người đã từ bỏ tự do và thu nhập bản thân cho mục đích lớn hơn này. Nhiều người thậm chí còn nghĩ ở nhà là họ đang góp phần vào “cuộc chiến tranh nhân dân chống lại đại dịch COVID-19”. Ý thức tham gia và niềm tự hào này đã giúp người dân tuân thủ chính sách “xóa sổ virus”.
Nhưng với sự lan rộng của đại dịch cùng biến thế virus, chính phủ nhận thấy chính sách “xóa sổ virus” ngày càng khó có được đồng thuận giữa chính quyền và người dân, để được người dân tiếp tục ủng hộ. Mọi người đã bắt đầu đặt những vấn đề khác, chẳng hạn như cuộc sống bình thường quan trọng hơn mục tiêu chung là dọn sạch virus, và mọi người ngày càng ý thức cao hơn việc phong tỏa khiến cuộc sống khó tồn tại được lâu dài.
Sau đợt bùng phát đầu tiên trên toàn quốc thì tình hình COVID-19 ở Trung Quốc chỉ còn rải rác ở một vài nơi với quy mô nhỏ, chỉ một số ít đô thị có số ca mắc gia tăng và số lượng cũng không đáng kể. Trước tình hình nguy cơ còn tương đối nhỏ này, người dân bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của các biện pháp “xóa sổ virus” cực đoan, chẳng hạn như phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn với cái giá phải trả là tự do và nguồn sinh kế.
Sau này khi ở Dương Châu thực hiện xét nghiệm tập trung quy mô lớn làm dịch bệnh bùng phát, đã khiến mọi người bắt đầu nghiêm túc đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách “xóa sổ virus”. Một người dân Dương Châu đặt ra câu hỏi: Là một phần quan trọng của chính sách “xóa sổ virus”, hoạt động xét nghiệm quy mô lớn không phải là cái máy ấp cho virus lây lan hay sao? Sau đó chuyên gia y tế có tiếng nói hàng đầu Trung Quốc là bác sĩ Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) đã công khai chủ trương “sống chung với virus”, quan điểm đã gây tranh luận về chính sách “xóa sổ virus”. Điều này cũng khiến cho xu thế ủng hộ của người dân đối với chính sách “xóa sổ virus” trở nên cực kỳ khó khăn, và chính quyền Bắc Kinh cũng khó duy trì được công tác dân vận như trước.
- Quan điểm “tồn tại cùng virus” của chuyên gia Trung Quốc gây tranh cãi
- Thuyết ‘tồn tại cùng virus’ gây ra cuộc ‘hỗn chiến’ của truyền thông ĐCSTQ
Một vấn đề nữa là sự nghi ngờ của mọi người về hành vi tham nhũng trục lợi của các quan chức càng làm xói mòn những nỗ lực hình thành mục tiêu chung. Trong thời gian bùng phát dịch bệnh ở Dương Châu, rõ ràng là có bán rau tươi và rẻ ở chợ gần đó, nhưng chính quyền lại điều hướng người dân mua loại rau đắt đỏ và không còn tươi do họ cung cấp. Đồng thời nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu có phải cán bộ địa phương đang sử dụng dịch vụ hàng hóa để trục lợi? Ngoài ra một vấn đề khác gây bất bình là chính quyền Dương Châu đã sớm bỏ phong tỏa khu vực dân cư nơi các quan chức chính quyền cư trú, điều này làm dấy lên chí trích rằng chính quyền đã dỡ bỏ phong tỏa khu vực đó trước thời hạn để giúp con cái của các quan chức đi du học đúng hạn. Bất kể những tin đồn này có đúng sự thật hay không, các quan chức đã lạm dụng quyền lực để tìm kiếm lợi ích cho gia đình của họ, đối xử không công bằng và làm tổn hại đến lợi ích của người dân Dương Châu, điều này khiến cái gọi là “mục tiêu chung” của chính quyền với người dân đi theo hướng ngày càng khó thực hiện.
Như giáo sư Joseph Fewsmith về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Boston cho biết, Mỹ không có khả năng huy động người dân như Trung Quốc trong việc quản lý khủng hoảng, và việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “xóa sổ virus” cho thấy rằng ĐCSTQ là một chính đảng theo chủ nghĩa Lê-nin; nhưng những phát triển tình hình gần đây cho thấy công tác dân vận của ĐCSTQ không thể tiếp tục vô thời hạn. Một cuộc vận động dân chúng thành công đòi hỏi phải xây dựng cẩn thận một mục tiêu chung giữa tất cả những người tham gia, từng người trong xã hội đều phải chịu đựng hy sinh và nỗ lực vì mục tiêu chung này. Nhưng hoạt động dân vận lâu dài đối diện nguy cơ làm mất đi mục tiêu chung này, vì những người tham gia khác nhau bắt đầu đặt lợi ích riêng của họ lên trên mục tiêu chung. Trong thời kỳ khủng hoảng, nhận thức của người dân về việc nhà cầm quyền trục lợi khiến xu thế ủng hộ dần mai một. Do đó công tác dân vận của ĐCSTQ đang bắt đầu tan rã, hiệu quả ngày càng giảm sút.
ĐCSTQ có thể ý thức dân vận là “vũ khí bí mật” của họ, nhưng [có lẽ] họ không hiểu rằng dân vận chưa bao giờ là giải pháp vạn năng.
Vọng Cầm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 phong tỏa Dịch bệnh ở Trung Quốc Số ca nhiễm về 0 Công tác dân vận Làm sạch virus về 0