Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công
- Vương Vĩnh Hàng
- •
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc, nhiều luật sư nhân quyền đã đứng ra bảo vệ pháp luật, ủng hộ và bào chữa cho người tập Pháp Luân Công. Trong quá trình đó, nhiều người đã bị tước bằng, bị trừng phạt và phải đối diện với bức hại và tra tấn tàn khốc. Luật sư Vương Vĩnh Hàng, một trường hợp như vậy, đã ghi chép lại câu chuyện của mình và công bố ra hải ngoại.
Ông Vương Vĩnh Hàng là luật sư của Văn phòng Luật Càn Quân ở tỉnh Liêu Ninh. Ông đã tư vấn, đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công từ năm 2007. Vì việc này, ông bị chế độ trừng phạt tàn khốc, bị tù giam phi pháp và bị tra tấn tàn bạo.
Ông Vương Vĩnh Hàng từng đăng 7 bài viết trên trang Epoch Times tiếng Trung, cùng 1 thư ngỏ gửi đến Pháp viện Nhân dân Tối cao ở Trung Quốc. Trong bức thư ngỏ với tiêu đề: “Những sai lầm trong quá khứ cần được nhanh chóng khắc phục ngay hôm nay”, ông Vương đã chỉ ra rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát cả hệ thống hành pháp lẫn tư pháp mà không có sự kiểm tra, cân đối, đồng thời sử dụng các hệ thống này để bức hại người tập Pháp Luân Công dưới chiêu bài pháp luật. Chính vì lá thư này, dưới áp lực lớn của chính quyền, công ty luật nơi ông làm việc đã chấm dứt hợp đồng với ông. Chính quyền còn tịch thu và giữ giấy phép hành nghề luật sư của ông Vương Vĩnh Hàng.
Ông Vương Vĩnh Hàng bị bắt vào tháng 7 năm 2009 và bị kết án 7 năm tù giam. Vụ việc của ông đã được đề cập trong báo cáo năm 2010 của Liên Hợp Quốc về tra tấn và các hình thức tàn bạo, vô nhân đạo, ngược đãi hoặc trừng phạt khác.
Ông Vương Vĩnh Hàng hiểu rằng công chúng sẽ không bao giờ biết về những trải nghiệm của ông và nhiều người tập Pháp Luân Công khác nếu không có lời chứng trực tiếp. Bởi vậy ông đã ghi chép lại trải nghiệm của bản thân mình và công bố tới hải ngoại.
(Trong bài viết dưới đây, ông Vương gọi người tập Pháp Luân Công là “học viên Pháp Luân Công”, đây là cách gọi của người Trung Quốc.)
*
Luật sư đoạt giải thưởng
Tôi là Vương Vĩnh Hàng ở huyện Cử Nam, tỉnh Sơn Đông. Từ năm 1993 đến 1997, tôi học ngành kỹ sư cơ khí ở Học viện Đường Sắt Đại Liên (nay là Đại học Giao Thông Đại Liên). Sau đó, tôi làm việc tại Nhà máy Đầu máy Đại Liên. Năm 1999, tôi thi đỗ Kỳ thi Tuyển Quốc gia và trở thành cố vấn pháp lý cho nhà máy. Năm 2002, tôi rời nhà máy để hành nghề luật.
Mặc dù là một luật sư không có tên tuổi lắm và đang phải vật lộn để mưu sinh, tôi vẫn cố gắng hết sức để nhận biện hộ miễn phí cho những người bị đối xử bất công. Tôi đã miễn phí cho 10 trường hợp được bồi thường vì chết oan, ngoại trừ 3 trường hợp chỉ tính mức phí tối thiểu vì phải mất rất nhiều thời gian mới kết thúc.
Để có thêm khách hàng, tôi đã mở một quầy tư vấn luật miễn phí ở Hiệu sách Thành phố Đại Liên vào một dịp cuối tuần năm 2005. Tôi được coi là một trong 18 nhà cung cấp dịch vụ pháp luật tốt nhất ở Đại Liên vào năm 2006.
Bị từ chối cơ hội đại diện cho học viên Pháp Luân Công
Ông Vương Xuân Ngạn, một học viên Pháp Luân Công ở Đại Liên bị đưa ra xét xử vào mùa xuân năm 2008. Với tư cách là luật sư của ông, tôi vào phòng xử với toàn bộ hồ sơ pháp lý của mình. Ở thời điểm đó, hiếm khi thấy có luật sư nào bảo vệ cho học viên Pháp Luân Công. Thẩm phán đã đuổi tôi ra khỏi phòng xử. Bà ta nói sẽ báo cáo lên Sở Tư pháp, một tổ chức giám sát luật sư, để điều tra vai trò của tôi trong vụ việc này. Vài ngày sau, tôi nghe nói Sở Tư pháp đã bắt đầu điều tra.
Điều đó thật nực cười! Thẩm phán, cuối cùng, đã tước đi của tôi quyền đại diện cho thân chủ, mà quan trọng hơn là quyền thuê luật sư của thân chủ tôi.
Có một giai đoạn, tôi không tài nào chấp nhận được sự lạm dụng quá đáng của hệ thống pháp luật ấy. Nhưng sau đó, tôi sớm biết rằng bất cứ khi nào có vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công thì không có gì là nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cả.
Vợ tôi bị bắt chỉ vì dán đề-can
Vợ tôi, khi đó, đang học tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải. Cô ấy bị công an đưa đi vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 2008 chỉ vì dán đề-can có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Cảnh sát giam giữ cô ấy với tội danh “sử dụng tổ chức tà giáo nhằm phá hoại việc thực thi pháp luật.”
Ngày 2 tháng 5, tôi đến Đồn Công an Đường Trường Sa ở Thượng Hải, nơi vợ tôi bị giam. Tôi giải thích cho công an ở đó rằng bắt giữ vợ tôi là phi pháp vì hành động của cô ấy không thể bị coi là phạm tội.
Một cảnh sát mặc thường phục quát lên: “Anh phải tin tưởng chúng tôi chứ. Dù sao thì Trung Quốc cũng là quốc gia pháp quyền.”
Tôi đáp lại: “Trung Quốc không phải là quốc gia pháp quyền. Một quốc gia được cai trị bằng luật pháp thì, ít nhất, sẽ không có trại lao động cưỡng bức.”
Ông ta liền bật dậy, rồi chửi rủa tôi.
Tôi muốn thuê một luật sư địa phương đến thăm vợ tôi ở trại tạm giam. Tôi đã đến nhiều công ty luật, nhưng ai cũng lo ngại về việc đại diện cho học viên Pháp Luân Công. Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ người thân gửi giấy tờ luật sư của tôi tới Thượng Hải để tôi có thể vào thăm vợ, với tư cách luật sư.
Ngày 5 tháng 5, tôi gặp vợ mình với tư cách là luật sư của cô ấy. Sau đó, tôi viết một bức thư ngỏ gửi người đứng đầu nhà nước Trung Quốc để yêu cầu họ tuân thủ luật pháp, trả tự do cho vợ tôi, và chấp dứt bức hại Pháp Luân Công. Bức thư này đã được đăng trên Epoch Times, một hãng truyền thông của người Hoa tại hải ngoại. Nào ngờ, nó lại trở thành bằng chứng được chính phủ dùng để chống lại tôi.
Ngày 14 tháng 5, vợ tôi được trả tự do, nhưng ngay sau đó, tôi lại trở thành mục tiêu để trả thù.
Bị trở thành mục tiêu bắt giữ vì công bố thư ngỏ trên truyền thông hải ngoại
Cùng tháng vợ tôi được thả ra, Sở Tư pháp Tỉnh Liêu Ninh đã tước bằng luật sư của tôi. Tôi nghe nói ông Trương Gia Thành, người đứng đầu Sở Tư pháp, thậm chí còn đi từ Thẩm Dương (thủ phủ tỉnh Liêu Ninh) đến Đại Liên để chủ trì một nhóm thảo luận làm sao để “cứu” tôi và loại bỏ “ảnh hưởng tiêu cực” của những thông tin tôi viết gửi Sở Tư pháp Liêu Ninh.
Một số viên chức trong hiệp hội luật sư đã đến gặp tôi.
Một người trong họ nói: “Luật sư Vương, chúng tôi đã đọc bài viết của anh. Những gì anh nói là đúng. Chính phủ không thể bác bỏ những vấn đề mà anh nêu ra. Tuy nhiên, đừng để Pháp Luân Công lợi dụng anh. Chúng tôi không ngại những người cao tuổi của Pháp Luân Công, nhưng chúng tôi lo cho những người hiểu luật như anh.”
Tôi nói với ông ta rằng tôi có thể tự biết phải làm gì và sẽ không để bị lợi dụng.
Rồi ông ta yêu cầu tôi. Rằng trước hết, tôi phải xin lỗi và cam kết sẽ không đăng bài viết về các lãnh đạo quốc gia lên các trang web hải ngoại. Tiếp theo, tôi phải hứa không đăng bài trên Epoch Times nữa. Đổi lại, tôi sẽ được trả lại bằng luật sư và hiệp hội luật sư sẽ tạo nhiều điều kiện cho tôi sau này.
Tôi nói với họ rằng tôi viết thư vì tôi không còn lựa chọn nào khác, và tôi cũng không thể nhận lỗi trái với lương tâm mình. Buổi gặp đầu tiên vậy là kết thúc.
Buổi gặp thứ hai diễn ra tại Sở Tư pháp Đại Liên. Phó giám đốc sở chỉ trích tôi vì đã đăng các bài viết nhắm vào lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và đề cập đến Pháp Luân Công trên truyền thông hải ngoại.
“Làm gì có chuyện bức hại ở nhà tù như các học viên Pháp Luân Công tuyên bố. Nếu anh không tin, tôi có thể sắp xếp cho anh đến Nhà tù Thành phố Đại Liên.”
Tôi giải thích cho ông ấy rằng tôi không còn cách nào khác ngoài việc làm những gì đã làm. Rồi tôi hỏi lại ông ta: “Thứ nhất, vợ tôi bị giam giữ chỉ vì dán mấy tờ đề-can. Cảnh sát không buồn nghe lập luận pháp lý của tôi mà kết thúc cuộc thảo luận khi tuyên bố: ‘Việc này do cấp trên quyết định, chúng tôi làm gì có quyền’. Thứ hai, tôi viết về vấn đề pháp lý. Là viên chức của Sở Tư pháp, ông nên tập trung vào vấn đề tôi nêu ra có đáng chú ý không, chứ không phải việc tôi đăng bài ở đâu, hay nhắm vào ai. Thứ ba, ông biết rất nhiều chuyên gia luật. Tại sao ông không mời mười chuyên gia luật hình sự nêu ý kiến về bài viết của tôi? Chỉ cần có một người nói rằng tôi không dựa trên pháp lý, tôi sẽ làm tất cả những gì mà ông yêu cầu.”
Vị này kết thúc cuộc nói chuyện bằng lời đe dọa: “Vậy nếu đó là Cao Trí Thịnh, nếu là Lý Đức Quân thì sao? Họ có giỏi hơn anh không? Họ chẳng bị chúng tôi bắt rồi còn gì!”
Chu Vĩnh Khang là người phụ trách chương trình “duy trì ổn định“ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta đã gia tăng bắt giữ học viên Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 2008, trước kỳ Thế Vận hội.
Tôi đã viết và gửi thư ngỏ tới Toà án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao để chỉ ra những vô lý khi áp dụng Điều 300 của Bộ Luật Hình sự để kết tội các học viên Pháp Luân Công. Nhưng họ có trả lời tôi đâu.
Hai học viên Pháp Luân Công bị kết án tù cho dù tôi nỗ lực biện hộ vô tội cho họ
Vào tháng 8 năm 2008, thành phố Đại Liên đưa hai học viên Pháp Luân Công là bà Cốc Lệ và Khâu Thục Bình ra xét xử. Tôi tới tòa không phải với tư cách luật sư đại diện vì tôi không còn thẻ luật sư hành nghề nữa. Học viên Diêm Thọ Lân ở Đại Liên đi cùng tôi để biện hộ cho họ.
Công tố viên và thẩm phán không thể bác bỏ lập luận của chúng tôi rằng tu luyện Pháp Luân Công là không phạm pháp. Một số người thân của hai thân chủ của tôi cũng đã thay đổi thái độ tiêu cực đối với chúng tôi, thậm chí, chồng của một trong hai học viên còn xin lỗi chúng tôi vì đã tin vào tuyên truyền của chính phủ.
Tuy nhiên, thân chủ của tôi đã bị kết án bốn năm tù, lâu hơn một năm so với học viên mà tôi không biện hộ. Tòa án từ chối không đưa bản án cho tôi, ngay cả khi tôi đến gặp thẩm phán để yêu cầu nhận bản ản.
Bị bắt vì đại diện cho một học viên khác
Một luật sư ở Bắc Kinh và tôi cùng đứng ra biện hộ cho ông Tùng Nhật Húc vào tháng 6 năm 2009.
Ngày 4 tháng 7 năm 2009, khi tôi và mấy người bạn đang ăn trưa tại nhà của bạn tôi thì có một nhóm người xông vào và nói: “Không được cử động. Chúng tôi là cảnh sát của Phòng Cảnh sát Đại Liên.” Rồi họ bắt đầu lục soát xung quanh.
Tôi yêu cầu những người khác tiếp tục ăn, không cần để ý đến họ. Sau đó, một công an đã chỉ vào tôi và nói: “Đưa anh ta đi!”
Hai người đứng đằng sau tôi và ra lệnh cho tôi đứng lên, nhưng tôi không đứng dậy. Họ túm tay, lôi tôi sang một phòng khác có một nhóm công an đứng đợi sẵn. Họ bắt đầu đấm đá và đạp lên người tôi.
Một cảnh sát gọi tên tôi và bắt đầu nhạo báng tôi. Tôi nhận ra rằng họ đã theo dõi tôi sát sao.
Tôi hỏi: “Vì các ông đến để bắt tôi, hãy để họ đi.”
Câu trả lời tôi nhận được là những lời nhạo báng và đấm đá nhiều hơn.
Hôm đó, cảnh sát đã bắt giữ 13 người, trong đó có ông Phùng Cương, một giáo sư nghệ thuật ở Học viện Thuỷ sản Đại Liên. Ông Phùng đã qua đời trong một tình huống đáng ngờ vào ngày 14 tháng 8 năm 2009. Gia đình ông đã nhận được thi thể đông lạnh của ông nên họ có thể yêu cầu điều tra về cái chết của ông.
Thương tích sau lần bị bắt giữ
Cảnh sát đưa tôi đến một đồn công an địa phương và giam tôi trên tầng hai. Một cảnh sát mặc thường phục, tên là Tiêu Kiện, gọi điện cho hết người này đến người khác và hào hứng trả lời điện thoại.
Sau khi anh ta kết thúc các cuộc điện thoại, tôi hỏi anh ta: “Anh cần phải đeo thẻ khi làm nhiệm vụ chứ. Tên anh là gì, anh làm ở bộ phận nào?”
Anh ta khinh khỉnh đáp: “Tôi chẳng việc gì phải nói cho anh cả.”
“Anh bắt tôi thì phải có lý do chứ. Anh có thể cho tôi biết lý do bắt giữ tôi được không?”
“Việc đó tôi cũng chẳng cần phải nói cho anh.”
“Vậy thì tôi cũng không cần phải hợp tác với anh.” Tôi đứng dậy và chạy ra cầu thang.
Khi tôi chạy đến giữa cầu thang thì nhìn thấy cửa vào tầng một đã bị khóa.
Tiêu Kiện đuổi theo tôi và hô người đến giúp. Sau đó, thêm ba công an nữa đến, họ kéo tôi lên tầng hai rồi bắt đầu đánh đập tôi.
Khi họ thấm mệt, họ lôi tôi vào phòng hội thảo. Tôi chỉ bước được vài bước, rồi đột nhiên, tôi cảm thấy mắt cá chân bên phải của tôi tê bại đi.
Họ quẳng tôi xuống đất. Tiêu Kiện vừa đá vào đầu tôi mấy cái, vừa chửi rủa tôi.
Mắt cá chân bên phải của tôi bị sưng tấy, tím bầm và đau nhức. Đến chiều tối, họ lôi tôi xuống tầng một và nhốt tôi trong lồng sắt. Họ còn nhìn thấy mắt cá chân của tôi bị thương.
Rồi họ đưa tôi đến Bệnh viện Trung tâm Đại Liên để chụp X quang. Bác sỹ hỏi tôi sao lại bị thế này.
Tôi trả lời: “Tôi không biết chính xác là vì sao, tôi vừa chạy vài bước thì bị đánh.”
“Thông tin ban đầu rất quan trọng. Anh phải giải thích rõ [nguyên nhân bị chấn thương].”
Có thể là tôi bị thương khi chạy đi, hoặc là, công an đã làm thương mắt cá chân của tôi trong khi họ đánh tôi.
Tôi nghĩ nhiều khả năng là như vậy, nên tôi yêu cầu bác sỹ ghi lại lý do này.
Rồi cảnh sát tìm cách đưa tôi đến trại tạm giam vào tối hôm đó, nhưng trại giam từ chối nhận tôi sau khi nhìn thấy mắt cá chân của tôi. Hôm sau, họ đưa tôi đến Bệnh viên Trung tâm để bó bột. Tuy nhiên, đến chiều, trại tạm giam vẫn không tiếp nhận tôi. Một cảnh sát đã gọi cho cấp trên của ông ta và ép trại tạm giam nhận tôi.
Lính canh ở trại tạm giam đã ra lệnh cho một số tù nhân canh chừng tôi, không cho tôi động vào băng bó bột. Một tháng sau, tôi thấy rất đau ở mắt cá chân bên phải. Khi Tiêu Kiện đến thẩm vấn tôi, tôi bỏ băng bó ở chân và mắt cá chân của tôi đã bị mưng mủ đến nỗi chúng tôi có thể nhìn thấy cả xương.
Từ lúc đó, cứ vài ngày trại tạm giam lại sắp xếp cho công an địa phương đưa tôi đến bệnh viện lấy thuốc.
Cưỡng chế phẫu thuật
Vào giữa tháng 8, một viên chức ở trại tạm giam đã yêu cầu Bệnh viện Trung tâm chụp X quang mắt cá chân của tôi. Kết quả lần chụp đó rất tệ. Viên chức này rất tức giận vì đồn công an đã cẩu thả trong việc điều trị mắt cá chân của tôi. Ông ta gọi cho cấp trên để báo cáo mức độ nghiêm trọng của vết thương của tôi.
Sau đó, đồn cảnh sát đã đồng ý cho tôi đi phẫu thuật để xử lý vấn đề này. Thay vào đó, tôi lại yêu cầu họ thả tôi, và tôi không đồng ý phẫu thuật.
Một ngày nọ, Trưởng khoa Chỉnh hình của Bệnh viện Trung tâm đến nói chuyện với tôi: “Về ca phẫu thuật của anh, anh hãy hợp tác với chúng tôi nếu anh muốn; kể cả anh không muốn thì anh vẫn phải hợp tác. Đây là bệnh viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi chỉ nghe lời Đảng. Nếu anh không hợp tác, chúng tôi sẽ gây mê cho anh toàn phần để thực hiện phẫu thuật.”
Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 8 năm 2009, họ đưa tôi lên bàn mổ. Sau một tiếng chờ, Trưởng khoa Chỉnh hình đến và giận dữ nói: “Công an yêu cầu chúng tôi làm phẫu thuật vào buổi sáng, giờ trưa rồi mà vẫn chưa đưa tiền cho chúng tôi. Bệnh viện chúng tôi có quy định là không nhận được tiền trước thì không có được thiết bị cần có. Chúng tôi chỉ thực hiện ca phẫu thuật với những gì chúng tôi có thôi đấy.”
Trong ca phẫu thuật, tôi nghe thấy bác sỹ này nói với y tá rằng họ không có đúng loại đinh nên phải dùng một loại khác.
Đầu tiên, họ gây mê tôi từ phần hông trở xuống. Sau khi đóng đinh, họ chụp X quang để kiểm tra kết quả. Tôi nghe họ nói: “Xương bị trệch rồi.” Sau đó, họ cho tôi thêm thuốc mê, khiến tôi bất tỉnh.
Trước sự kiên quyết của gia đình tôi, Nhà tù Thẩm Dương Số 1 đã đưa tôi đi kiểm tra chân vào tháng 6 năm 2010. Sau khi xem phim X quang, một giáo sư ở Bệnh viện Liên kết Đại học Y Khoa Trung Quốc Số 2 hỏi tôi phẫu thuật ở đâu. Sau đó, ông ấy nói: “Các bác sỹ ở Đại Liên các anh quá thành thạo rồi.” Tôi thấy giọng mỉa mai trong lời ông ấy và hỏi ông ấy nghĩa là gì. Ông ấy nhìn viên cảnh sát bên cạnh tôi, không nói gì.
Xét xử và kết án phi pháp
Khi giữ một tù nhân ở bệnh viện, thường là có một công an ở trại tạm giam và hai cảnh sát vũ trang túc trực để canh chừng tù nhân đó. Vì lo ngại ảnh hưởng của trường hợp của tôi, chính quyền đã cử thêm hai công an, mỗi ngày lại bố trí một công an từ 13 đồn công an thay phiên nhau, do Phòng Công an Sa Hà Khẩu ở Đại Liên giám sát.
Một cảnh sát trẻ tuổi canh chừng tôi đã thuật lại những hành động của phòng công an này vào hôm họ bắt tôi. Anh ấy kể lại một số thông tin từ thời điểm tôi rời khỏi nhà. Tuy nhiên, nếu công an không theo dõi tôi vào sáng hôm đó, họ đã không biết nhiều chi tiết như vậy. Sau đó, tôi nhận ra dù vụ bắt giữ ngày hôm đó là nhắm vào tôi, nhưng các học viên khác cũng bị liên đới.
Hồi cuối năm 2009, tôi có để ý học viên Pháp Luân Công, tên là Phùng Cương, người đã bị bắt trong thời gian tôi bị giám sát, đã qua đời. Sau khi được trả tự do, tôi đọc trên Minh Huệ Net mới biết ông Phùng bị tra tấn ngay sau khi bị bắt.
Tòa án Quận Sa Hà Khẩu đã mở phiên điều trần vào ngày 14 tháng 9 năm 2009. Họ không thông báo cho gia đình hay luật sư của tôi, cũng không thông báo cho tôi trước ba ngày theo quy định pháp luật.
Sau phiên xử, thẩm phán Lý Biên Giang ra chỗ tôi, hỏi thăm về chỗ thương ở mắt cá chân. Tôi đáp lại: “Thưa thẩm phán Lý, xin ông hãy nhận định đúng đắn về vấn đề Pháp Luân Công.”
Thẩm phán trả lời: “Tôi đã đọc các bài viết của anh, cũng được dùng làm bằng chứng [trong hồ sơ của anh]. Anh thật có tài. Tuy nhiên, anh không nên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).“
Tôi trả lời: “Là một thẩm phán, ông nên tập trung vào các vấn đề pháp lý, chứ không phải là ai chống lại ai.”
Ở Trung Quốc, các nhà chức trách và tay sai của họ thường quy kết tội danh “chống lại Đảng” đối với những ai chống đối và tấn công họ về mặt chính trị.
Ngày 27 tháng 11 năm 2009, Tòa án Quận Sa Hà Khẩu đã kết án tôi bảy năm tù. Tôi đã tuyệt thực để phản đối việc kết án phi pháp. Trại tạm giam đã bức thực và còng tay tôi ra sau lưng hơn 30 tiếng đồng hồ.
Sau đó, tôi mới biết có hai luật sư ở Bắc Kinh – luật sư Lan và luật sư Trương – đã đến Đại Liên sáu lần để gặp tôi. Tuy nhiên, trại tạm giam Đại Liên đã không cho họ gặp tôi. Nhưng đến lần thứ sáu, họ được thông báo là Tòa án Trung thẩm Đại Liên cần họ hỏi xem tôi có kháng cáo hay không. Đó là lần duy nhất luật sư được gặp tôi trong bảy năm tù.
Tra tấn ở trong tù
Ngày 2 tháng 4 năm 2010, tôi bị đưa đến Nhà tù Liêu Nam Tân. Khi tôi từ chối mặc đồng phục của nhà tù, các tù nhân đã đánh tôi và lột quần áo của tôi ra, rồi mặc đồng phục nhà tù cho tôi.
Tiếp đó, ngày 22 tháng 4 năm 2010, tôi bị đưa đến Nhà tù Thẩm Dương Số 1 Tỉnh Liêu Ninh. Chỉ trong vòng hai tuần, tôi đã bị mấy tù nhân đánh tàn bạo tới hai lần. Tôi đã báo việc này cho lính canh trực ban là Trương Hiệu Quân, nhưng ông ta thờ ơ nói: “Anh có bị thương không? Nếu có thì đến bệnh viện để họ kiểm tra chấn thương cho.”
Các tù nhân tiếp tục đánh tôi vào tối ngày 11 tháng 10 và sáng hôm sau.
Lính canh Thường Hồng và Lưu Sảng giam tôi ở khu quản lý đặc biệt. Cháo ngô là đồ ăn duy nhất tôi được ăn trong hai tuần liền.
Tôi từ chối đeo thẻ tù nhân. Đội trưởng khu 18, là Lý Thế Nghiễm, không cho tôi mua vật dụng trong chín tháng. Vì thế, tôi không có giấy vệ sinh, bột giặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng. Có thời gian dài, tôi phải nhặt tuýp kem đánh răng đã hết mà người ta vứt đi, cố bóp ra chỗ còn sót lại để dùng.
Ngày 1 tháng 6 năm 2011, sau khi học viên Hầu Ngạn Song ở Khu số 2 qua đời, nhà tù chuyển tôi từ Khu số 18 tới Khu số 2 để cân bằng số học viên Pháp Luân Công ở đây.
Đội phó Khu số 2 là Trần Đông, tuyên bố ông ta là người phụ trách tôi. Ông ta nghĩ ra mấy chiêu để khiến tôi “lao động tượng trưng”, như là làm sổ sách. Nhưng tôi từ chối, ông ta hét lên với tôi: “Ở trong tù, lính canh và tù nhân nào cũng phải làm việc. Tại sao anh không làm phần việc của anh?”
Tôi nói: “Công an phải hoàn thành phần việc được giao phó, tù nhân làm việc để đáp ứng yêu cầu cải tạo bằng lao động. Tôi không phải công an, cũng không phải tù nhân nên tôi không có nghĩa vụ phải lao động.”
Đội phó Trần đã nhốt tôi trong nhà ăn và không cho tôi tiếp xúc với ai. Ông ta còn cử một tù nhân giám sát tôi.
Đến tháng 2 năm 2012, nhà tù phát động chiến dịch “tiêu diệt tín ngưỡng Pháp Luân Công”. Lính canh Vương Bân và đội phó Lưu Thế Cương là hai người chỉ đạo chiến dịch này. Họ cho học viên hai lựa chọn: “Chết hoặc ‘bị chuyển hóa’”. Cách thực hiện chính yếu là cấm ngủ, hạn chế nước và đồ ăn.
Tôi bị cấm ngủ 13 ngày liền từ ngày 8 đến 21 tháng 5 năm 2012. Tôi được chẩn đoán bị viêm màng phổi và ứ dịch gần xương sườn thứ hai.
Khi vợ tôi đến thăm vào tháng 6 năm 2012, cô ấy thấy tôi phải có người khiêng ra nên hỏi lính canh đã xảy ra sự tình gì. Trần Đông đã trả lời: “Thì cũng như mẹ phạt con thôi.”
Có lần Trần Đông bảo tôi: “Anh phải biết giữ lời chứ. Anh đã đồng ý “chuyển hóa” rồi thì phải giữ lời chứ. Tại sao anh không tôn trọng cam kết thế?”
Khi tôi từ chối trả lời cuộc khảo sát những học viên “đã chuyển hóa” của ông ta, Đội phó Trần nói: “Nếu anh không trả lời, chúng tôi sẽ không thả anh, kể cả đến khi mãn hạn tù. Chúng tôi sẽ giam anh 20 năm luôn.”
Một hôm khác, đội phó Trần cho mang vào chiếc ghế sắt để tra tấn tôi. Một tù nhân bảo tôi sau khi ông Trần bỏ đi: “Khi ĐCSTQ làm thế này với người như anh, nghĩa là họ đã bất lực.”
Sau đó, họ đưa tôi đến Nhà tù Thiết Lĩnh, ở đó có cơ sở cách ly bệnh nhân bị bệnh lao.
Bị chuyển lại để tra tấn
Vào tháng 3 năm 2013, Nhà tù Thẩm Dương Số 1 đã cử mấy người đến Nhà tù Thiết Lĩnh để xem tôi đã “chuyển hóa” chưa. Tôi bảo họ là tôi vẫn giữ vững đức tin của mình và lên án việc cưỡng chế “chuyển hóa” của họ.
Tôi đã viết thư gửi Nhà tù Thiết Lĩnh để phơi bày những tra tấn mà tôi phải chịu ở Nhà tù Thẩm Dương Số 1. Ngày 25 tháng 6 năm 2013, Nhà tù Thẩm Dương Số 1 đã đưa tôi về, giam tôi ở Khu 19, và dùng ghế hổ tra tấn tôi trong ba ngày.
Tôi chỉ được cho ăn cháo ngô trong 15 ngày. Tôi bị đau ở ngực và ở lưng nên đã tới phòng khám để kiểm tra. Kết quả chụp X quang cho thấy tôi có triệu chứng của viêm màng phổi và bệnh lao.
Tôi bị giám sát đặc biệt trong hai tháng, đến ngày 23 tháng 8. Lúc đó là mùa hè, mà tôi không được tắm rửa, giặt quần áo, rửa mặt mũi, tay chân hay dùng giấy vệ sinh. Ngoài ra, tôi bị ép ngồi trên ghế gỗ từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm mỗi ngày, đêm thì không được vào phòng tắm.
Tôi quay lại Khu số 2 sau khi hết triệu chứng viêm màng phổi vào ngày 23 tháng 1 năm 2013.
Tôi ở lại bệnh viện ngày 16 tháng 4 năm 2013 vì chấn thương mắt cá chân. Tôi được khám ở Bệnh viện Số 1 và Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Quốc Số 4 và Bệnh viện Chỉnh hình Thẩm Dương. Họ chẩn đoán tôi bị viêm xương sau phẫu thuật.
Được thả nhưng vẫn bị giám sát
Ngày 3 tháng 7 năm 2016, tôi mãn hạn tù. Một lính canh phụ trách các học viên Pháp Luân Công đã đưa tôi ra ngoài và nói: “Đừng làm như vậy nữa. Anh không thấy trong những năm qua, những lúc nguy kịch, anh chỉ có thể nương tựa vào gia đình thôi sao?”
Tôi hiểu anh ta muốn nói gì. Tôi trả lời: “Nếu không phải nhờ những nỗ lực không ngừng của các học viên Pháp Luân Công và người dân hải ngoại thì tình huống của chúng tôi ở đây còn khổ sở hơn gấp nhiều lần!”
Anh ta im lặng.
Thực ra, nếu không liên tục có những đợt cảnh báo và thỉnh nguyện, có lẽ tôi đã không còn sống nữa.
Đầu tiên, nhà tù không trả tự do cho tôi, nói rằng họ đang đợi lệnh của chính quyền địa phương. Mãi đến khi mấy người ở ủy ban dân phố của tôi đến, họ mới thả tôi.
Để giám sát tôi, ủy ban khu dân phố và đồn công an địa phương đã lắp một camera ở nhà tôi và một cái nữa trên nóc tòa nhà đối diện ban công nhà tôi. Một cái hướng vào cửa ra vào nhà tôi, còn cái kia thì chiếu vào hai phòng ngủ của tôi. Cả hai đều là camera hồng ngoại.
Nhân chứng cho các vụ giết người
Dưới đây là những trường hợp các học viên Pháp Luân Công tử vong mà tôi đã trực tiếp chứng kiến hoặc gián tiếp biết được:
- Học viên Phùng Cương ở Đại Liên qua đời trong tình huống đáng ngờ.
- Học viên Hầu Ngạn Song ở Lăng Nguyên qua đời ở Nhà tù Thẩm Dương Số 1
- Học viên Bành Canh ở Sở Công an tỉnh Liêu Ninh qua đời trong lúc tuyệt thực hoặc bị bệnh lao ở Nhà tù Thiết Lĩnh.
- Học viên Lý Thượng Thi ở Bàn Cẩm qua đời tại Nhà tù Thẩm Dương Số 1
- Học viên Lưu Chiêm Hải ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang qua đời tại Nhà tù Thẩm Dương Số 1
- Học viên Quách Xuân Chiêm ở Hồ Lô Đảo chết vì nội tạng bị hoại sau khi được thả khỏi Nhà tù Thẩm Dương Số 1
- Học viên Hồ Quốc Hạm ở Phủ Thuận qua đời ở Nhà tù Bổn Khê, tỉnh Liêu Ninh
Vương Vĩnh Hàng
Theo Minghui.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công luật sư nhân quyền Trung Quốc