Năm 2014 do thúc đẩy từ hãng xe Tesla (Mỹ), thị trường Trung Quốc dấy lên làn sóng thi đua sản xuất xe năng lượng mới, và được nhà cầm quyền Trung Quốc hưởng ứng thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ cùng chính sách ưu đãi. Tuy nhiên ngày nay sau 10 năm, phong trào chế tạo xe điện này của Trung Quốc đã để lại một số lượng lớn các dự án phá sản.

xe dien trung quoc
Ngày 10/1/2024, xe điện BYD đang chờ xếp hàng để xuất khẩu tại cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: STR/AFP)

Hàng loạt nhà sản xuất ô tô mới Trung Quốc bị phá sản

Tờ thông tin kinh tế Yicai của Trung Quốc cho biết, năm 2014 là năm khởi đầu “lực lượng sản xuất ô tô mới” của Trung Quốc. Các công ty ô tô như Weilai, Ideal, Xiao Peng và Singularity… lần lượt thành lập; ngoài ra cũng có nhiều giám đốc điều hành công ty ô tô truyền thống tham gia vào thị trường mới này, khiến đến năm 2019 Trung Quốc có hơn 60 hãng sản xuất ô tô mới.

Trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện (xe năng lượng mới) thông qua một loạt chính sách và biện pháp kích thích thị trường, giúp Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, bao gồm: trợ cấp tài chính, ưu đãi thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng và quy định thị trường…

Tuy nhiên ngày nay sau 10 năm, một lượng lớn công ty xe điện Trung Quốc không còn tồn tại. Theo dữ liệu của nghiên cứu ô tô Trung Quốc, hiện tại chỉ còn lại 8 công ty ô tô điện mới của Trung Quốc có doanh số bán hàng, bao gồm Ideal, Zero Run, Weilai, Xiao Peng, Xiaomi, Necha, Extreme Stone và Hycan. Tuy vậy, một số công ty đó cũng đang ở trong tình trạng khốn khó, ví dụ: Necha đang ở trong vũng lầy thua lỗ sâu – lỗ tích lũy trong 3 năm qua 18,38 tỷ RMB; Hycan chỉ còn lại một số ít nhân viên để duy trì hoạt động.

Theo thống kê chưa đầy đủ của tờ Yicai, lực lượng sản xuất ô tô mới của Trung Quốc trong 10 năm qua đã xây dựng và lên kế hoạch tổng công suất sản xuất đạt 13,55 triệu chiếc, đầu tư công suất sản xuất theo kế hoạch đạt 685,3 tỷ RMB. Trong đó, tính riêng đối với những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động rõ ràng, thì kế hoạch công suất sản xuất của họ đạt 10,3 triệu chiếc, tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 606,58 tỷ RMB; đối với số doanh nghiệp còn duy trì ổn chỉ là 3,89 triệu chiếc, số tiền tài trợ tích lũy là 107 tỷ RMB.

Có thể kể một số tỉnh tiêu biểu: Tỉnh Chiết Giang có kế hoạch sản xuất hàng năm tích lũy hơn 2 triệu xe, số doanh nghiệp thực sự duy trì được chỉ còn lại ít ỏi, trong khi các doanh nghiệp như Weima, Skyline và Baoneng đều đã rút khỏi thị trường; ở tỉnh Giang Tô, trong số các thế lực sản xuất ô tô mới được giới thiệu tại 8 thành phố cấp tỉnh, chỉ có Li Auto là nổi bật, trong khi những hãng khác như Bateng, Sailin và HiPhi đều đã phá sản; tỉnh Giang Tây có tổng công suất sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 900.000 chiếc, nhưng thực tế chỉ cho ra được 450.000 chiếc, các dự án như Aichi, Lvchi và Guozhijun đều đã tuyên bố thất bại…

Dư thừa do nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu bị chặn

Đài RFA đưa tin, nhà bình luận tài chính kỳ cựu Thái Thận Khôn (Cai Shenkun, người Hoa tại Mỹ) khi phỏng vấn cho biết, Chính phủ Trung Quốc mấy năm gần đây khuyến khích phát triển xe điện, nhưng nhu cầu trong nước yếu, xuất khẩu bị nước ngoài cản trở, cuối cùng dẫn đến dư thừa công suất.

“Ví dụ, Tập đoàn Evergrande đã được hỗ trợ một lượng lớn đất ở Nam Sa – Quảng Châu để sản xuất ô tô điện. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích sản xuất ô tô khiến nhiều doanh nghiệp lao vào ngành này, các chính quyền địa phương cũng tranh giành chén cơm này, bởi vì ngành công nghiệp ô tô có thể thúc đẩy GDP khiến nhiều chính quyền địa phương ra các chính sách ưu đãi, trợ cấp, đưa các doanh nghiệp này vào,” ông Thái Thận Khôn chia sẻ.

Ông phân tích, xe năng lượng mới khác với xe truyền thống, yêu cầu kỹ thuật không quá sức đối với “người ngoài ngành muốn thử sức”, nên nhiều công ty thuộc lĩnh vực khác cũng có thể đầu tư chuyển sang lĩnh vực mới này, dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Rất nhiều công ty ô tô nhận được trợ cấp tiền đã đủ cho chi phí sản xuất của họ, vì vậy họ tăng năng lực sản xuất, khiến hiện nay xe năng lượng mới sản xuất quá nhiều đến mức không có nơi để xe.

Ông Cao, một người trong ngành bán ô tô ở Hồ Bắc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trong 10 năm qua, nhiều công ty đã tham gia vào sản xuất ô tô năng lượng mới để giành được trợ cấp của chính phủ, nhưng hầu hết trong số họ cuối cùng đã phá sản do vấn đề chất lượng sản phẩm và khiếm khuyết kỹ thuật…

Công suất sản xuất xe điện dư thừa năm 2025 sẽ gần 20 triệu chiếc

Nikkei Asia đưa tin, công suất sản xuất xe điện của Trung Quốc vượt xa nhu cầu trong nước nhưng họ vẫn mở rộng với tốc độ đáng báo động, ước tính sẽ có gần 20 triệu xe dư thừa vào năm 2025. Tình hình này đã làm gia tăng lo ngại của các nước trên thế giới về việc xuất khẩu xe điện của Trung Quốc ra nước ngoài, gây ra cuộc chiến lớn về giá xe.

Thông tin chỉ ra, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của ngành công nghiệp ô tô thường phải đạt khoảng 80% để cân bằng lợi nhuận và thua lỗ, nhưng tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc chỉ khoảng 50%. Do dư thừa công suất, nhiều nhà sản xuất ô tô điện mới nổi của Trung Quốc đã tuyên bố phá sản.

Theo kế hoạch của các nhà sản xuất ô tô và chính quyền địa phương, dự kiến công suất sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc vào năm 2025 sẽ vượt 36 triệu chiếc, trong khi doanh số bán được ước tính chỉ khoảng 17 triệu chiếc, do đó công suất sản xuất dư thừa sẽ gần 20 triệu chiếc.

Một số công ty ô tô Trung Quốc cho rằng việc tăng xuất khẩu sang châu Âu và Đông Nam Á có thể giải quyết khủng hoảng dư thừa công suất này của họ. Một thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ô tô chỉ ra, xuất khẩu xe năng lượng mới của Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng 78% lên 1,2 triệu chiếc, dự kiến sẽ đạt 3,5 triệu chiếc trong năm tới.

Theo thông tin, điều này sẽ gây ra tác động đến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và châu Âu và Mỹ, các nước đang cảnh giác. BYD và các nhà sản xuất ô tô điện khác của Trung Quốc đang thâm nhập vào Thái Lan và các thị trường Đông Nam Á khác, nơi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang chiếm tới 80% thị phần.

RFI đưa tin, ngày 13/9 Mỹ tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD, một số mức thuế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 27/9. Trong đó có mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc và 25% đối với pin xe điện.

BBC đưa tin, cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện Trung Quốc bắt đầu vào ngày 4/10 năm ngoái, kéo dài hơn một năm, cuối cùng đã công bố báo cáo điều tra dài 278 trang. Vào ngày 30/10 năm nay, Ủy ban châu Âu cho biết kết thúc điều tra chống trợ cấp, quyết định áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian 5 năm, có hiệu lực chính thức vào ngày 31/10. Họ áp đặt mức thuế bổ sung thấp hơn đối với BYD sẵn sàng hợp tác điều tra là 17%, Geely là 18,8%; áp thuế 35,3% đối với SAIC không hợp tác; các công ty khác áp thuế lần lượt từ 20,7% đến 35,3% theo mức độ hợp tác.

Tóm lại, xe điện của Trung Quốc đã đi từ ‘không khí hừng hực khí thế’ năm 2014 đến kết thúc tồi tệ quy mô lớn vào năm 2024, và làn sóng lực lượng mới chế tạo ô tô này đã kết thúc. Những người trong ngành tin rằng “mộng xe điện” này không chỉ phơi bày thiển cận và mù quáng của Chính phủ Trung Quốc, cũng là cảnh báo cho sự phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới.

Thái Tư Vân, Vision Times