Mỹ chỉ ra 6 thách thức lớn của lãnh đạo Trung Quốc
- Lâm Yên
- •
Hôm thứ Hai (11/3), Văn phòng Giám đốc Tình báo Mỹ đã công bố “Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Thường niên năm 2024”, báo cáo chỉ ra 6 thách thức hàng đầu của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cảnh nhân viên an ninh đứng bên ngoài tòa nhà Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tại Bắc Kinh, các bản tin bên trong tòa nhà cho thấy hình ảnh lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Hình ngày 8/2/2024. (Nguồn: PEDRO PARDO/AFP)
Báo cáo viết: “Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về vấn đề dân số [mất cân bằng nam – nữ, già hóa] và kinh tế, có thể khiến nước này trở nên khó lường hơn trong tham gia quốc tế”.
Báo cáo cho biết, bất chấp những suy thoái kinh tế của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ vẫn duy trì các chính sách kinh tế chủ nghĩa dân tộc, hướng dẫn dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên và giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài để hiện đại hóa quân đội ĐCSTQ.
“Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới do những trở ngại về cơ cấu và việc Bắc Kinh không thể áp dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù [hệ thống công quyền] có vấn đề về tính minh bạch nhưng không muốn cải cách, vì như vậy trái với các ưu tiên của ông Tập Cận Bình đối với đầu tư công nghiệp và sản xuất do nhà nước lãnh đạo”, theo báo cáo.
Sau đây là 6 thách thức lớn mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ phải đối mặt, theo đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ.
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu của người lãnh đạo ĐCSTQ không phải là giải quyết vấn đề sinh kế của người dân trong nước.
Báo cáo cho biết vì ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo ĐCSTQ là an ninh và ổn định của chế độ, điều này sẽ làm suy yếu khả năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp trong nước và sẽ cản trở ĐCSTQ đạt được mục tiêu trở thành cường quốc thế giới.
Thứ hai, người lãnh đạo ĐCSTQ không quan tâm đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của Trung Quốc.
Chống tham nhũng, mất cân bằng dân số và những khó khăn về tài chính – kinh tế, tất cả sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc. Nền kinh tế và chất lượng cuộc sống là hai yếu tố then chốt để ĐCSTQ có được tính hợp pháp chính trị, sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ và mang lại ổn định chính trị, nhưng vấn đề là đây không phải là trọng tâm của người lãnh đạo đương nhiệm.
Thứ ba, Bắc Kinh tăng cường ứng xử cả trong lẫn ngoài nước theo cái gọi là “an ninh quốc gia”.
Bắc Kinh đã ban hành luật bảo mật dữ liệu và phản gián mới nhắm vào các công ty nước ngoài, đàn áp các công ty công nghệ Trung Quốc và kêu gọi toàn xã hội tham gia vào các hoạt động phản gián. Động thái không chỉ khiến các nhà đầu tư nước ngoài khiếp sợ, còn khiến cả đông đảo người dân Trung Quốc liên lụy.
Thứ tư, chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ không bao giờ có thể vô hiệu hóa được tham nhũng hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình không ngừng cảnh báo tình trạng tham nhũng và thúc đẩy các cuộc điều tra nội bộ ĐCSTQ, chiến dịch này đã thanh trừng và bỏ tù vô số quan chức. Báo cáo cho biết chiến dịch chống tham nhũng này không bao giờ giải quyết được cái gốc vấn đề, vì quyền lực áp đảo của các quan chức cấp cao và việc ông Tập kiên định rằng ĐCSTQ có thẩm quyền độc quyền để giám sát và chống tham nhũng.
Thứ năm, tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc tiếp tục suy giảm.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc ngày nay đã không ngừng giảm bất chấp việc nhà cầm quyền nới lỏng chính sách kiểm soát dân số. Tỷ lệ kết hôn cũng có xu hướng giảm tương tự, điều này sẽ làm trầm trọng thêm các xu hướng tiêu cực trong dân số Trung Quốc và lực lượng lao động bị thu hẹp.
Thứ sáu, ĐCSTQ gây thù oán trong và ngoài nước.
Báo cáo cho rằng hành vi trộn lẫn các mối đe dọa an ninh trong và ngoài nước của ông Tập Cận Bình đang gây hại cho vị thế của Trung Quốc ở nước ngoài, làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu và khả năng đạt được mục tiêu của Bắc Kinh. Ngoài ra, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh chống lại cái gọi là chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng, cũng như việc đàn áp trên diện phổ biến đối với các nhân vật tôn giáo và bất đồng chính kiến ở Trung Quốc đã không ngừng khiến các cơ quan nhân quyền quốc tế lên án hành vi vi phạm nhân quyền và can thiệp bên ngoài lãnh thổ của ĐCSTQ.
Từ khóa Chính trị Trung Quốc