Mỹ lên án tòa án Hồng Kông cấm bài hát dân chủ “Glory to Hong Kong”
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Tư (8/5), một tòa án ở Hồng Kông đã ra phán quyết cấm “Glory to Hong Kong” (Nguyện vinh quang quy Hương Cảng), bài hát phổ biến trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019. Chính quyền yêu cầu các nền tảng internet xóa bài hát này. Lệnh cấm đã vấp phải sự chỉ trích từ Hoa Kỳ.
Cùng ngày, AFP đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Matthew Alan Miller đã nói với giới truyền thông rằng quyết định cấm bài hát này là một đòn mới giáng vào danh tiếng quốc tế của Hồng Kông. Thành phố này từng tự hào vì có hệ thống tư pháp độc lập, bảo vệ thông tin cá nhân, tài sản cũng như quyền tự do tư tưởng và ngôn luận.
Thẩm phán Phan Triệu Sơ (Jeremy Poon) viết trong phán quyết, theo yêu cầu của chính quyền địa phương về việc cấm phát sóng, thậm chí cấm biểu diễn bài hát này, chúng tôi tin rằng nên ban hành lệnh cấm.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Tư (8/5), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiện nói, việc ngăn chặn bất kỳ ai sử dụng hoặc phát bài hát được đề cập (…) là hợp pháp và “cần thiết” để Hồng Kông thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia.
Sau đó, nhà chức trách sẽ yêu cầu tất cả các nhà khai thác nền tảng Internet xóa bài hát này để người dùng Hồng Kông không thể truy cập.
Hôm thứ Tư (8/5), Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông, ông Lâm Định Quốc (Paul Lam), tuyên bố chính phủ sẽ liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ Internet có liên quan, và yêu cầu họ xóa nội dung liên quan theo lệnh này.
AFP cho biết “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” là bài hát đầu tiên bị cấm ở Hồng Kồng kể từ khi thành phố này trở về Trung Quốc vào năm 1997. Điều này đã gây lo ngại về quyền tự do ngôn luận và không gian sáng tạo nghệ thuật của Hồng Kông.
Bài hát được viết trong cuộc biểu tình năm 2019 khi hàng triệu người Hồng Kông xuống đường đòi tự do chính trị, thậm chí dùng cả bạo lực.
“Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” đã trở thành một bài hát ngợi ca được lưu hành rộng rãi cho phong trào dân chủ của Hồng Kông. Một trong những khẩu hiệu trong lời bài hát “Hồng Kông tự do, cuộc cách mạng thời đại” đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc biểu tình.
Chi nhánh hành pháp Hồng Kông đã nộp đơn xin lệnh cấm bài hát lên tòa án vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, vào cuối tháng Bảy, tòa sơ thẩm đã bác bỏ với lý do việc cấm bài hát sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tự do ngôn luận và lệnh cấm “không có tác dụng thực tế”.
Hôm thứ Tư (8/5), theo yêu cầu của chính phủ, Tòa phúc thẩm Hồng Kông đã đưa ra quan điểm khác với phiên sơ thẩm. Thẩm phán Phan Triệu Sơ viết: “Người sáng tác bài hát này muốn biến nó thành ‘vũ khí’ và đó chính là mục đích.”
Vị thẩm phán cho biết: “Bài hát này đã trở thành tâm điểm cho các cuộc biểu tình bạo lực ở Hồng Kông kể từ năm 2019. Bài hát có sức mạnh rất lớn trong việc khuấy động cảm xúc giữa một số bộ phận xã hội”.
Ông nói thêm rằng bài hát này “có tác dụng biện minh, thậm chí lãng mạn hóa các cuộc biểu tình.”
Vì vậy, tòa án nhận thấy lệnh cấm dân sự là cần thiết vì “mục tiêu lợi ích công là bảo vệ an ninh quốc gia không thể đạt được chỉ bằng luật hình sự”. Lệnh cấm bao gồm ngoại lệ đối với “các hoạt động học thuật và báo chí”.
Google từ chối xóa
Tháng 12/2023, các thẩm phán đã nêu lên hậu quả mà lệnh cấm này có thể gây ra đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet. Các quan chức địa phương đã yêu cầu những ‘gã khổng lồ’ trực tuyến như Google xóa bài hát ủng hộ dân chủ này khỏi kết quả tìm kiếm và nền tảng video, nhưng hầu hết đều bị từ chối.
Tháng 3/2023, Google cho biết họ đã nhận được yêu cầu từ chính quyền Hồng Kông về việc xóa 2 video YouTube bị phát nhầm thành quốc ca tại các trận đấu thể thao. Theo cảnh sát Hồng Kông, đây là hành vi xúc phạm quốc ca, nhưng Google không xóa video.
Theo phán quyết của Tòa phúc thẩm Hồng Kông hôm thứ Tư (8/5), lệnh cấm này là “cần thiết”. Vì các nền tảng như Google “đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng tuân theo yêu cầu của chính phủ Hồng Kông nếu (có) lệnh của tòa án”.
Ông Anthony Lai, chuyên gia an ninh mạng Hồng Kông, giải thích, nhằm tuân thủ lệnh cấm đối với bài hát “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, các nền tảng phải đảm bảo rằng người dùng Hồng Kông không thể truy cập bài hát này, và nó không được lưu trữ trên máy chủ có địa chỉ IP Hồng Kông.
Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực vào năm 2020, môi trường chính trị ở Hồng Kông đã trải qua những thay đổi to lớn.
Quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp đã bị hạn chế, nhiều nhân vật và người biểu tình ủng hộ dân chủ đã bị bắt hoặc lưu vong ở nước ngoài. Hơn 290 người, chủ yếu là các chính trị gia, nhà hoạt động và nhà báo ủng hộ dân chủ, đã bị bắt, 174 người bị truy tố và 114 người bị kết án.
Việc cấm bài hát “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sự phát triển trong tương lai của Hồng Kông.
Từ khóa Hồng Kông Nguyện vinh quang quy Hương Cảng Glory to Hong Kong