Mỹ tung đòn mới khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc e dè?
- Tuyết Mai
- •
Viễn cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ diễn biến như thế nào vẫn chưa rõ ràng, gần đây còn có dấu hiệu leo thang. Dòng người tham dự Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang được tổ chức vô cùng thưa thớt. Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc lo lắng cuộc chiến tranh thương mại khiến giá cả hàng hóa trong nước tăng cao. Hơn nữa Mỹ cũng cho biết sẽ rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), điều này rốt cuộc ảnh hưởng to lớn tới Trung Quốc như thế nào ?
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc không đủ lòng tin chống chọi với cuộc chiến tranh thương mại
Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Import and Export Fair hay Canton Fair) được tổ chức tại Quảng Châu, hội chợ này được sáng lập vào mùa xuân năm 1957. Đây là Hội chợ Thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất, hiệu quả giao dịch thành công và mang tính tổng hợp tốt nhất của Trung Quốc, được gọi là “Hội chợ số 1 của Trung Quốc”, được vinh danh là “Mốc chỉ hướng gió” và “Đồng hồ thời tiết” của ngoại thương Trung Quốc. Hội chợ lần này được tổ chức được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm hội nghị quốc tế tại Quảng Châu.
Hiện tại, Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 124 đang diễn ra. Theo kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% các nhà xuất khẩu của Trung Quốc lo lắng về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại đến việc xuất khẩu. Tổng cộng có 91 đại diện các doanh nghiệp tham gia khảo sát, bao gồm các ngành như cơ khí công nghiệp, điện gia dụng, xe máy, ô tô sử dụng năng lượng mới. Trong các công ty chấp nhận tham gia khảo sát, có gần một nửa doanh nghiệp không có mối quan hệ nghiệp vụ với doanh nghiệp Mỹ.
Theo kết quả khảo sát, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đa phần lo lắng rằng cuộc chiến tranh thương mại có khả năng sẽ ảnh hưởng liên đới tới nền kinh tế toàn cầu. Hơn 60% các nhà xuất khẩu dự đoán cuộc chiến tranh thương mại còn kéo dài ít nhất 1 năm nữa. Trong đó có 55% người được phỏng vấn bày tỏ, chính quyền Bắc Kinh nên “tích cực tham gia thảo luận” để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại.
Todd Cao, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng Speyer cho biết, cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Trung Quốc, kinh tế của các quốc gia giao dịch với các công ty của họ cũng bị ảnh hưởng.
Tory Mak, giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Điện tử Huệ Địch Quảng Châu chia sẻ: “Toàn bộ đơn đặt hàng đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Argentina, Iran, Syria và Libya đều tuột mất.” Đây là hiệu ứng liên hoàn do tình trạng suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến tranh thương mại.
Ngoài ra một vài người khác được phỏng vấn cũng bày tỏ, mặc dù không bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới của Mỹ, nhưng chế tài của Mỹ với Iran cũng ảnh hưởng tới ngành dệt may, thiết bị điện tử và ngành sản xuất năng lượng mặt trời. Bởi vì những ngành này không được phép xuất khẩu sang Iran nữa.
Rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), Mỹ lại tung đòn mới nhắm vào Trung Quốc
Ngày 17/10, Nhà trắng tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu trình tự rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) ngay ngày hôm đó. Theo Văn phòng Thông tin Nhà Trắng cho biết, nếu trong vòng 1 năm sau mà không thể sửa đổi những thoả thuận hiện nay của Liên minh Bưu chính Quốc tế theo chiều hướng có lợi cho Mỹ (chủ yếu là đàm phán lại chi phí bưu chính quốc tế với Liên minh Bưu chính Quốc tế), lúc đó Mỹ sẽ chính thức rút khỏi tổ chức này.
Ngày 18/10, “Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times) – cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc cho biết, lần này Mỹ khởi động việc rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế, vừa thể hiện nổi bật chính sách “Ưu tiên Mỹ” của ông Trump, mặt khác cũng là một cú đấm tổng hợp của chính phủ Trump nhằm áp chế Trung Quốc về vấn đề thương mại.
Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế không phải là quyết định bồng bột nhất thời. Ngay từ tháng Tám năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Tổng cục Bưu chính Mỹ huỷ bỏ toàn bộ chiết khấu bưu chính của Trung Quốc, ngăn chặn các mặt hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào Mỹ, đồng thời đàm phán lại về chi phí bưu chính quốc tế với Liên minh Bưu chính Quốc tế.
Liên minh Bưu chính Quốc tế là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc chuyên điều tiết về chính sách bưu chính giữa các nước thành viên, được thành lập năm 1874, có trụ sở tại Berne Thuỵ Sỹ. Hiện nay tổ chức này có 192 nước thành viên. Bắt đầu từ năm 1969 tới nay, tổ chức này đã quy định những nước nghèo và những quốc gia đang phát triển có thể được hưởng tỷ lệ chi phí bưu chính thấp hơn các quốc gia phát triển. Dẫu cho hành động này đang thúc đẩy sự phát triển của các nước Châu Á và Châu Phi, nhưng Thương mại điện tử của Trung Quốc nổi lên khiến một lượng lớn hàng thời trang, đồ điện gia dụng và các mặt hàng điện tử tiêu dùng được vận chuyển tới Mỹ với chi phí thấp. Điều này khiến chính phủ Trump cho rằng Trung Quốc đã có được ưu thế cạnh tranh không công bằng.
Một quan chức của Nhà Trắng cho hay, hệ thống này cho phép những kiện hàng nhỏ vận chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ được hưởng chiết khấu từ 40% – 70%, còn trong nước Mỹ những kiện nhỏ như vậy có chi phí cao hơn rất nhiều.
Vị quan chức này đã lấy ví dụ trên để miêu tả một hiện tượng xoay chuyển kinh tế mà chính phủ hy vọng cải tổ.
Mỹ hy vọng đàm phán lại tỷ lệ chi phí này, hay còn gọi là phí trạm cuối. Việc rút khỏi liên minh sẽ không có hiệu lực trong vòng 01 năm để cho phép Mỹ có thời gian tiến hành đàm phán. Ông nói thêm, “Mục tiêu của chúng tôi là đạt được một tỷ lệ chi phí công bằng, chứ không nhất quyết phải rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế”.
Phí trạm cuối chính là bưu chính nước A nhờ bưu chính nước B chuyển phát trong nước B, thì phải thanh toán phí trạm cuối với bưu chính nước B. Quy định về phí trạm cuối do 192 nước thành viên của Liên minh Bưu chính Quốc tế thảo luận quyết định trong đại hội được tổ chức 4 năm 1 lần, mỗi nước một lá phiếu, sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, quy định này sẽ được áp dụng trong vòng 18 tháng.
Các doanh nghiệp và nhà sản xuất của Mỹ nếu muốn gửi một kiện hàng có trọng lượng 455g từ Los Angeles tới NewYork, phải trả chi phí từ 7-9 USD. Nhưng trong quy định phí trạm cuối hiện hành của Liên minh Bưu chính Quốc tế, thì dịch vụ bưu chính của Mỹ sẽ vận chuyển kiện hàng tương tự tới nước mình mà chỉ nhận được chừng 2.5 USD.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Liên minh Bưu chính Quốc tế Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc