Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc mua giấy phép cư trú Thụy Sĩ
- Giang Tuyết
- •
Quốc gia “đáng sống” Thụy Sĩ giàu có và an toàn là đích đến mục tiêu của nhiều người, tuy nhiên, người nước ngoài không dễ dàng để định cư tại quốc gia này. Truyền thông Thụy Sĩ cho biết, xu hướng mới đã xuất hiện ở nước này trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc phát hiện ra “đường tắt” để di cư sang Thụy Sĩ.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) dẫn tin từ trang tin tức Thụy Sĩ SwissInfo cho biết, ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc mua giấy phép cư trú của Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập, giàu có và an toàn, được sống ở miền đất này là kỳ vọng của nhiều người, nhưng không dễ để người nước ngoài đến đây định cư, trừ khi bạn là người siêu giàu.
Không dễ dàng cho những người bình thường từ các quốc gia bên ngoài châu Âu đến Thụy Sĩ để làm việc và sinh sống thông qua các thủ tục thông thường. Những người có kỹ năng công nghệ cao có thể nhận được giấy phép cư trú ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhân tài có kỹ năng công nghệ cao được lưu lại quốc gia này cũng không nhiều. Lý do là kể từ khi Thụy Sĩ thông qua kiến nghị chống nhập cư ồ ạt trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014, chính phủ đã hạn chế số lượng người nước ngoài được vào nước này.
Nhưng người giàu có thể có ngoại lệ. Theo luật, những người có khả năng mang lại lợi ích tài chính đáng kể cho chính quyền bang có thể nhận được sự chấp thuận đặc biệt. Điều này có nghĩa là chỉ cần bạn có kinh tế vững chắc thì bạn có thể mua được quyền cư trú tại Thụy Sĩ.
Có một điều khoản pháp lý ít được biết đến, Thụy Sĩ đã mở ra “con đường xanh” cho các cá nhân giàu có nước ngoài di cư đến Thụy Sĩ. Điều 30 Luật người nước ngoài của Liên bang Thụy Sĩ (the Federal Aliens Act enables foreigners) quy định rằng người nước ngoài bên ngoài châu Âu được phép định cư tại Thụy Sĩ với điều kiện họ phải đủ giàu.
Theo báo cáo, một xu hướng mới đã xuất hiện ở Thụy Sĩ trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc phát hiện ra “con đường tắt” này để đến Thụy Sĩ. Trong 4 năm qua, có tổng cộng 34 công dân Trung Quốc đã đến Thụy Sĩ theo cách đó.
Theo báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger đưa tin, hiện có 352 người nhập cư theo hình thức đặc biệt như vậy ở Thụy Sĩ, nhiều nhất là người Nga (86), tiếp theo là Trung Quốc (29), sau đó là Ả Rập Xê-út (18), Mỹ (14 ) và Brazil (13)… Tình trạng của những người nhập cư được chấp thuận đặc biệt này là bí mật nhà nước. Nhiều bang sẽ từ chối trả lời thông tin cá nhân với lý do bảo mật thuế và bảo vệ dữ liệu khi họ được hỏi vấn đề.
Theo báo cáo, trên thực tế, Thụy Sĩ không phải là một quốc gia quá nổi tiếng trong lĩnh vực này và thậm chí nó cũng không hấp dẫn lắm, bởi để có được tư cách cư trú như vậy, người giàu nước ngoài mỗi năm phải sống ở đây ít nhất là nửa năm; và so sánh với các nước khác, giá cư trú của Thụy Sĩ cao hơn.
Hầu hết những người nhập cư nhận được chấp thuận đặc biệt này cần phải ký một thỏa thuận gọi là “nộp thuế một lần“. Đối với những người đến từ Liên minh Châu Âu, thu nhập hàng năm phải hơn 400.000 franc Thụy Sĩ (khoảng hơn 10 tỷ VND). Đối với những người nhập cư bên ngoài Châu Âu, giữa các bang cũng có các yêu cầu khác nhau. Ví dụ, bang Fribourg yêu cầu thu nhập hàng năm tối thiểu là 500.000 franc Thụy Sĩ, Geneva là 750.000 franc Thụy Sĩ, Vaud và Zug đều là 1 triệu franc Thụy Sĩ.
Tính trên cơ sở thu nhập hàng năm này, thuế hàng năm mà những người nước ngoài giàu có đó phải trả ở Thụy Sĩ ít nhất phải đạt mức sáu con số (tính theo franc Thụy Sĩ). Con số này thực ra không cao, bởi có rất nhiều tỷ phú trong số những người nước ngoài giàu có đến định cư tại đây. Nhưng nếu so sánh với các quốc gia khác thì con số này có vẻ khá “lớn”. Bồ Đào Nha, Síp và Malta đều là những quốc gia nổi tiếng về nhập cư với chi phí thấp.
Theo SwissInfo, mặc dù vậy, luật sư Kenel tại Geneva cho biết ông không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc chọn di cư đến Thụy Sĩ. Tiếp nhận phỏng vấn của báo Tages-Anzeiger, ông Kenel nói: “Bởi những người Trung Quốc này muốn con cái của họ đi học ở Thụy Sĩ, họ cũng coi trọng hệ thống bảo vệ y tế tốt của Thụy Sĩ, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.”
Trong quá khứ, các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc luôn là đích đến mục tiêu của giới quyền quý Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump nhậm chức đã thắt chặt chính sách nhập cư, thêm vào đó là xung đột trong quan hệ Trung-Úc, không có gì ngạc nhiên khi giới nhà giàu Trung Quốc chuyển mục tiêu nhập cư sang các nước châu Âu như Thụy Sĩ.
Giang Tuyết, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc di cư Thụy Sĩ nhập cư Người giàu Trung Quốc Dòng sự kiện