Cách đây vài ngày, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ban hành chỉ thị yêu cầu các quan chức ĐCSTQ “nỗ lực tô vẽ hình tượng Trung Quốc đáng yêu, đáng tin và đáng kính”, “phải kể chuyện tốt về Trung Quốc“. Đây là tín hiệu cho thấy chính sách ngoại giao “sói chiến” phải điều chỉnh và buông lỏng. Có một số học giả cho rằng Bắc Kinh có thể đang cảm thấy nguy cơ “kẻ thù khắp thiên hạ”.

shutterstock 677148799
Tập Cận Bình (Ảnh: 360b / Shutterstock)

Căn cứ theo truyền thông Đại Lục, ngày 31/5, ông Tập Cận Bình mở Hội nghị học tập Bộ chính trị ĐCSTQ. Trong hội nghị ông nói, phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và tính cần thiết của việc tăng cường và cải tiến công tác tuyên truyền quốc tế trong tình hình mới, tăng cường xây dựng năng lực tuyên truyền quốc tế, nhanh chóng xây dựng hệ thống diễn ngôn và tường thuật mang màu sắc Trung Quốc. Ngoài ra còn phải nắm vững giọng điệu “cởi mở tự tin nhưng cũng khiêm tốn ôn hòa“, nỗ lực bồi đắp hình tượng Trung Quốc “đáng tin, đáng yêu và đáng kính”, còn phải “kể chuyện tốt về Trung Quốc”.

Nhà văn cánh tả Trương Duy Vi đã được mời đến Hội nghị học tập Bộ chính trị để giảng giải những chủ đề liên quan, đồng thời đề xuất kiến nghị trong công tác làm việc.

Về vấn đề này, Đài tiếng nói Hoa Kỳ – VOA dẫn lời học giả độc lập Cao Phạt Lâm cho rằng có hai điểm cho thấy ông Tập Cận Bình cảm nhận được khủng hoảng. 

Thứ nhất, việc triển khai tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn trong nhiều năm đã được đầu tư rất nhiều nhân lực, tài lực, nhưng đã liên tiếp gặp thất bại. Sự trái ngược trên hình tượng, dẫn đến sự phản cảm trong cách thể hiện, sau đó đưa đến sự phản tác dụng trong hành động. Một thế hệ những quan chức ngoại giao, rất nhiều người là “chiến lang”. “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng“, đem hiệu quả của bao nhiêu bài viết đẹp đẽ, bao nhiêu tiết mục êm tai như câu nói trên, toàn bộ đã triệt tiêu hết vì phong cách “chiến lang“.

Thứ hai là do sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu, mạng xã hội, kênh truyền thông cá nhân, đã dẫn đến tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn của quốc gia chuyên chế gặp phải bất lực và lúng túng. 

Bài viết cũng dẫn lời một cựu sinh viên Đại học Phúc Đán (người đề nghị giấu tên) nói rằng chính sách “ngoại giao sói chiến” của Bắc Kinh với phương Tây thực sự đã làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Nếu trong tương lai phát hiện rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã được điều chỉnh một chút, thậm chí điều chỉnh nhiều hơn đôi chút, thì việc “kể câu chuyện tốt về Trung Quốc” được cho là tín hiệu lần này.

Anh phân tích rằng trong Hội nghị học tập Bộ Chính trị lần này có mời Giáo sư Trương Duy Vi của Đại học Phúc Đán đến để giải thích. Một trong những đặc điểm bất thường nhất, chính là ông Trương Duy Vi không chỉ giải thích mà còn đưa ra kiến nghị công tác làm việc, thậm chí các Ủy viên Bộ Chính trị cũng thảo luận về những điều trong hội nghị. Điều này có nghĩa là mặt trận thống nhất sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai, không giống như quá khứ chỉ là giáo huấn người khác.

Cựu sinh viên này nhấn mạnh, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần chỉ thị “kể chuyện tốt về Trung Quốc”. Ông “năm lần bảy lượt” đưa ra chỉ thị này, chứng tỏ câu chuyện vẫn chưa được kể tốt.

Một số nhà quan sát cho rằng những chỉ thị của ông Tập Cận Bình có thể cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu tình hình quốc tế do hậu quả của chính sách “ngoại giao chiến lang”.

Ông Trương Duy Vi được biết đến như là người đại diện của giới văn nhân cánh tả. Ông bị chỉ trích rất nhiều trong giới học thuật, và thường được so sánh với Kim Xán Vinh và Hồ Tích Tiến. Lần này ông trở thành “khách quý”, được lên lớp cho giới quan chức cấp cao trong Bộ chính trị cỡ như ông Tập Cận Bình. Cho nên điều này nhất thời mang đến không ít tranh cãi. 

RFI đưa tin nói rằng ông Trương Duy Vi nhận được sự tín nhiệm của ông Tập, vì ông ấy biết hát những lời ca tụng “được lòng Đế vương”. Ví như ngày 1/10 năm ngoái là kỷ niệm 71 năm “quốc khánh”, ông Trương Duy Vi nói rằng: “Chúng ta đang chứng kiến ​​một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại”, “Tôi dự đoán  là thế giới sẽ nhanh chóng hướng về đông, hướng về Trung Quốc, hướng về chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh trên thế giới có thể nói là chất xúc tác cho khuynh hướng này”. Những câu nước đôi này khiến ông Tập Cận Bình rất hài lòng. 

Ông Trương Duy Vi còn nói: “Lần dịch bệnh này sẽ khiến nước Mỹ trở lại nguyên hình. Chúng ta sẽ thấy một nước Mỹ không còn là bá chủ thế giới nữa. Đối với đại đa số người dân mà nói đây là một loại tâm thái chiến thắng không gì sánh được“. Có một số người chỉ ra rằng những lời ông Trương Duy Vi nên là lời của một cán bộ tuyên giáo, bởi vì nó cách quá xa những lời của một học giả.

Có người chỉ trích ông Trương giỏi luồn cúi, a dua nịnh hót, từng hết lời ca ngợi cựu Bí thư thành uỷ Trùng Khánh Bạc Hy Lai. 

Một cư dân mạng đã lật lại một bài viết đầu năm 2012 mà ông tán dương kinh nghiệm của Trùng Khánh, ca ngợi Bạc Hy Lai làm đại sự quyết đoán. Trong bài viết có tựa đề “Trở về từ Trùng Khánh mà nói chuyện về Trùng Khánh“, ông nói: “Trùng Khánh đã khám phá ra nhiều thứ có nội dung rất rộng, đã hình thành một bộ các cách làm. Đây là một chính trị gia làm được việc lớn, có tầm nhìn xa, có quyết đoán, các phương án có tính khả thi được tính toán chu toàn, các chính sách đạt được sự chấp hành đầy đủ, cho nên Trùng Khánh trở thành nơi tạo nên kỳ tích. Tôi hy vọng rằng Trùng Khánh tiếp tục cố gắng, trong khi tìm tòi hướng đi cho Trung Quốc cũng sẽ đạt được thành tựu mới. Tôi cũng hy vọng rằng Trùng Khánh tiến thêm một bước nữa để đổi mới hệ thống diễn ngôn, nói tốt chuyện Trùng Khánh hơn nữa. Từ ‘kinh nghiệm của Trùng Khánh’ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Quốc và trên thế giới”.

Cư dân mạng cho rằng chỉ cần sửa đổi vài câu khen ngợi Bạc Hy Lai là có thể chuyển thẳng đến Tập Cận Bình: “Làm chuyện lớn, có tầm nhìn, có quyết đoán“, thay “kỳ tích Trùng Khánh” thành “kỳ tích Trung Quốc”, lấy “nói tốt chuyện Trùng Khánh” đổi thành “nói tốt chuyện Trung Quốc”, sửa như thế là được. 

Miêu Vi, Vision Times

Xem thêm: