Hôm thứ Hai (ngày 9/5), hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế trong phòng chống dịch bệnh theo chính sách “zero COVID”, không cho người dân rời khỏi nhà và nhận hàng hóa.

Mâu thuẫn giữa người dân và lực lượng chống dịch ở Trung Quốc ngày càng gia tăng
Mâu thuẫn giữa người dân và lực lượng chống dịch ở Trung Quốc ngày càng gia tăng. (Ảnh chụp màn hình video)

Chưa có thời hạn gỡ phong tỏa, mọi người: không sợ virus chỉ sợ “zero COVID”

Sau khi ông Tập Cận Bình yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách “zero COVID”, kiên quyết trấn áp bất cứ tiếng nói và hành động nào thách thức chính sách này vào hôm 5/5, chính quyền Thượng Hải đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, khiến hàng triệu người bị hạn chế trong nhà và chưa biết đến khi nào được gỡ phong tỏa. Nhiều người cảm thấy tuyệt vọng trước sự siết chặt chính sách chống dịch của chính quyền, họ đã phải chịu đựng hơn 6 tuần bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng chính quyền Thượng Hải đã đưa ra các động thái mới để cố gắng loại bỏ việc lây nhiễm bên ngoài khu vực cách ly vào cuối tháng Năm.

Mặc dù không có thông tin chính thức, nhưng người dân ở ít nhất 4 trong số 16 quận của Thượng Hải cuối tuần qua đã được thông báo rằng họ không được phép rời khỏi nhà hoặc nhận hàng hóa. Thông báo này một lần nữa làm bùng lên làn sóng tích trữ lương thực. Một số người trong số họ trước đây đã được phép di chuyển xung quanh nhà của mình.

Hôm Chủ nhật (ngày 8/5), một người phụ nữ đã dùng loa để hét lên với cư dân tầng dưới của một chung cư: “Về nhà, về nhà!”

Reuters dẫn lời Coco Wang, một cư dân Thượng Hải sống dưới các chính sách hạn chế mới của chính quyền, nói rằng: “Nó giống như một nhà tù. Chúng tôi không sợ virus. Điều chúng tôi sợ là chính sách này (zero COVID).”

Trong khi đó, theo những hạn chế khắt khe nhất của Bắc Kinh cho đến nay, một khu vực phía tây nam thủ đô hôm thứ Hai đã cấm người dân rời khỏi cộng đồng của họ, đồng thời ra lệnh ngừng mọi hoạt động không liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác ở Bắc Kinh, người dân được yêu cầu làm việc ở nhà, một số nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng đã ngừng hoạt động, và nhiều con đường, sân chơi và công viên đã bị phong tỏa vào hôm thứ Hai (ngày 9/5).

Các biện pháp cực đoan châm ngòi cho sự phản kháng của dân chúng

Những hạn chế này đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Hôm thứ Hai (ngày 9/5), dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại chậm lại trong tháng Tư, với xuất khẩu tăng 3,9%, thấp nhất trong gần 2 năm.

Các biện pháp cực đoan đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng, đặc biệt là khi chính quyền Thượng Hải gần đây đã thông báo trực tuyến rằng họ đang buộc những người hàng xóm của những người dương tính với COVID phải cách ly tập trung và yêu cầu họ giao chìa khóa nhà để khử trùng.

(Ghi chú tweet: Những người dương tính bị đưa đi cách ly, nhân viên chống dịch đột nhập vào nhà họ khử trùng, vứt bỏ đồ ăn trong tủ lạnh bừa bãi…)

Một đoạn video cho thấy cảnh sát đã cạy khóa sau khi một người dân từ chối mở cửa.

Các video khác lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào cuối tuần cho thấy, người dân Thượng Hải tranh cãi hoặc xô xát với nhân viên phòng chống dịch mặc quần áo bảo hộ trắng và cảnh sát khi họ bị cưỡng chế đưa đi cách ly. Nhiều video đã bị cơ quan kiểm duyệt gỡ bỏ sau khi làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng.

Chính quyền ĐCSTQ đã thắt chặt các biện pháp chống dịch mặc dù báo cáo các về ca nhiễm mới có sự sụt giảm. CNN nói rằng đó là bởi vì các quan chức địa phương đang chịu áp lực trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.

Theo chính sách cứng rắn mới, ngay cả những cư dân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus cũng sẽ bị đưa đến các cơ sở cách ly tập trung của chính phủ. Theo các bài đăng trên mạng xã hội và thông báo từ chính quyền địa phương, tại một số quận ở Thượng Hải, ngay sau khi phát hiện một trường hợp dương tính, toàn bộ các tòa nhà chung cư được coi là có nguy cơ về sức khỏe và tất cả cư dân buộc phải rời khỏi nhà để cách ly tập trung. Điều này dẫn đến việc cư dân cãi vã với cảnh sát.

Một đoạn video cho thấy cảnh sát nói với người dân rằng những người sống cùng tầng với bệnh nhân dương tính phải được đưa đi cách ly.

Cảnh sát nói, “Đừng hỏi tôi tại sao. Không vì sao cả. Chúng tôi phải tuân thủ các quy định và chính sách phòng chống dịch của quốc gia.”

Epoch Times không thể xác minh video một cách độc lập.

Các chuyên gia đặt câu hỏi về tính hợp pháp của chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ

Ông Đổng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), giáo sư Hiến pháp học tại Đại học Chính trị Pháp luật Hoa Đông ở Thượng Hải, đã đăng một bài viết trên mạng xã hội với tiêu đề “Ý kiến ​​pháp lý về 2 biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát đại dịch virus corona mới ở Thượng Hải”. Ông cho rằng bất kỳ hành vi nào của chính quyền sử dụng biện pháp cưỡng chế để buộc đưa người dân đến nơi cách ly đều là bất hợp pháp, hơn nữa không có quyền cưỡng chế xông vào nhà dân để khử trùng, những hành vi này cần được dừng lại ngay lập tức.

Bài viết đã được công chúng Thượng Hải đăng lại với số lượng lớn nhưng nhanh chóng bị xóa, và tài khoản Weibo của ông cũng đã bị cấm.

Sau khi ủy ban khu phố đăng thông báo “một người dương tính, cả tòa nhà sẽ phải cách ly”, luật sư Lưu Đại Lực (Liu Dali) ở Thượng Hải cũng đã gửi thư tới chính quyền Thượng Hải vào ngày 8/5, đề nghị chính quyền khẩn trương yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp pháp và hợp lý của các biện pháp phòng chống dịch khi bắt buộc cách ly tất cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm virus corona mới; đồng thời gấp rút thảo luận việc làm thế nào để bảo vệ quyền lợi dân sinh của công dân không bị xâm phạm trong khi ngăn chặn dịch.

Ông Lưu Đại Lục là đối tác của “Công ty Luật Quân Hợp” chi nhánh Thượng Hải và là trọng tài viên của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc.

Bản sao bức thư của ông Lưu cũng đã bị kiểm duyệt trên internet Trung Quốc, nhưng một số người dùng đã đăng lại ảnh chụp màn hình.

Xem thêm các bài về dịch bệnh tại Thượng Hải tại đây.