Người Hồng Kông tìm biện pháp tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6
- Gia Huy
- •
Cô Mary Cheung (bí danh), một cư dân Hồng Kông, đã viếng thăm Bắc Kinh lần đầu tiên lúc cô 29 tuổi. Cô đã dừng chân tại Quảng trường Thiên An Môn và chụp những bức ảnh một cách vui vẻ vào tháng 4/1989.
Không lâu sau khi cô trở về nhà sau kỳ nghỉ của mình, các sinh viên Trung Quốc Đại lục đã bắt đầu tập trung tại quảng trường này để phản đối tham nhũng và yêu cầu có được quyền tự do chính trị nhiều hơn.
Các cuộc biểu tình gia tăng và tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần cho đến tận ngày 4/6/1989. Vào ngày hôm đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã đưa xe tăng quân sự tiến vào quảng trường và nghiền nát phong trào biểu tình, được cho là đã giết chết hàng trăm người, nhưng thực tế có thể nhiều hơn rất nhiều.
Với ký ức về kỳ nghỉ vẫn còn mới trong tâm trí, cô Cheung không thể tin được trước những cảnh quay về chiến dịch quân sự đẫm máu đàn áp người biểu tình chiếu trên TV và những bức ảnh đăng trên báo chí.
Cô Cheung, hiện 61 tuổi và là một nhân viên xã hội đã về hưu, phát biểu: “Làm thế nào mà chính quyền [Trung Quốc] có thể làm điều này với người dân của mình? Họ [những nạn nhân của cuộc đàn áp] là những thanh niên với một tương lai tươi đẹp ở phía trước. Họ không nên bị lãng quên.”
Với niềm tin rằng các nạn nhân của Quảng trường Thiên An Môn phải được tưởng nhớ, cô Cheung đã tham gia hầu hết các buổi lễ tưởng niệm ngày 4/6 tại Công viên Victoria của Hồng Kông kể từ đó. Đây là cuộc tập hợp công khai quy mô lớn duy nhất được tổ chức trên đất Trung Quốc để tưởng niệm sự kiện đau buồn này.
Vào ngày kỷ niệm này hàng năm, hàng chục nghìn người dân Hồng Kông, thường là nhiều hơn, đã đến công viên tại Vịnh Causeway, để thắp nến, bày tỏ sự tiếc thương và cầu chúc cho các gia đình có người đã chết hoặc mất tích vào ngày 4/6/1989 trong vụ thảm sát đẫm máu của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, cảnh những ngọn nến thắp sáng Công viên Victoria có thể đã là dĩ vãng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp cảnh sát Hồng Kông viện dẫn các nguy cơ sức khỏe cộng đồng phát sinh từ đại dịch Covid-19 để cấm buổi lễ tưởng niệm, mặc dù các nhà phê bình cho biết lý do thật sự là do sự không hài lòng của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với sự kiện này.
Kể từ khi Bắc kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia sâu rộng hà khắc lên Hồng Kông vào cuối tháng 6 năm ngoái cấm các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, nhiều người lo ngại rằng các nhà tổ chức buổi lễ tưởng niệm cũng như những người tham dự có nguy cơ bị bắt vì vi phạm luật này.
Số phận của nhà tổ chức buổi lễ tưởng niệm, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc (gọi tắt là liên minh), hiện đang ở trạng thái nguy hiểm khi các phê bình cho rằng thậm chí các mục đích hoạt động của liên minh này có thể vi phạm luật an ninh mới này.
Trong khi những người Hồng Kông như cô Cheung vẫn quyết tâm đến Công viên Victoria lần nữa vào ngày 4/6, những người khác cho hay, họ sẽ không đến đó mà sẽ thắp nến tại nhà và tại một nơi khác trong Đặc khu.
Đã đến lúc tổ chức sự kiện một cách an toàn hay tiếp tục như trước?
Liên minh được thành lập vào tháng 5/1989 sau một cuộc biểu tình được cho là đã thu hút hàng triệu người dân Hồng Kông bao gồm những người nổi tiếng như cố ca sĩ kiêm diễn viên Hồng Kông Mai Diễm Phương (Anita Mui Yim-fong) nhằm ủng hộ phong trào biểu tình của sinh viên Trung Quốc đang diễn ra vào lúc đó tại Thiên An Môn. Liên minh hiện bao gồm khoảng 200 nhóm dân sự.
Liên minh luôn theo đuổi năm “mục tiêu hoạt động”:
- Yêu cầu trả tự do cho những người bất đồng chính kiến tại Đại lục
- Minh oan cho phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 [tại Thiên An Môn]
- Yêu cầu trách nhiệm giải trình về vụ thảm sát ngày 4/6 tại Thiên An Môn
- Chấm dứt chế độ độc tài độc đảng tại Trung Quốc
- Xây dựng một nước Trung Quốc dân chủ.
Các mục tiêu này đã làm dấy lên câu hỏi liệu tổ chức này có vi phạm Luật An ninh Quốc gia hay không.
Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Hồng Kông năm ngoái, hàng nghìn người dân Hồng Kông, bao gồm những người lãnh đạo liên minh, đã tràn vào Công viên Victoria để tiến hành lễ kỷ niệm 31 năm vụ thảm sát. Tổng cộng 26 nhân vật đối lập, bao gồm ba trong bốn nhà lãnh đạo cốt lõi của liên minh: Lee Cheuk-yan, Albert Ho Chun-yan và Richard Tsoi Yiu-cheong, khi đó đã bị buộc tội bao gồm việc tổ chức hoặc tham gia một cuộc hội họp trái phép và kích động
Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP trước khi một tòa án ra lệnh bắt giữ ông vào tháng 5 vì một cuộc hội họp trái phép khác, phó chủ tịch liên minh Ho nhận thức được nguy cơ nếu tổ chức lễ tưởng niệm ngày 4/6 tại Công viên Victoria năm nay bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.
Ông thừa nhận rằng ngay cả trong liên minh cũng có sự chia rẽ về quan điểm giữa những người tin rằng tốt nhất nên tổ chức sự kiện một cách an toàn và đảm bảo sự tồn tại của tổ chức này và những người không muốn nhượng bộ.
Ông Ho, một luật sư, nói: “Rõ ràng sẽ rất rủi ro khi vào Công viên Victoria năm nay. Tôi sẽ không ngăn chặn bất kỳ ai làm điều đó, nhưng sẽ chỉ nhắc nhở họ cân nhắc giữa lợi ích và tổn thất.” Tuy nhiên, ông nhận định thêm rằng tác động xã hội của việc bị tống giam đang giảm bớt, bởi vì có quá nhiều nhà hoạt động đang bị giam giữ rồi.
Mặc dù nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải bảo vệ liên minh, nhưng ông cũng tin rằng tổ chức này không nên từ bỏ những nguyên tắc cơ bản của mình.
Ông khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng. [Liên minh] là tổ chức ủng hộ việc cải cách hiến pháp một cách hòa bình và trật tự. Chúng tôi không ủng hộ bạo lực. Chúng tôi chỉ đang cố gắng thuyết phục Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông gợi ý rằng thay vì đến Công viên Victoria, người dân Hồng Kông có thể “linh hoạt” khi tổ chức lễ tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm nay. Theo ông, chính phủ Hồng Kông không thể cấm người dân thắp nến ở nhà hoặc cấm bật đèn điện thoại di động của họ trên đường phố.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể coi toàn bộ Hồng Kông như Công viên Victoria và trải dài ánh nến của chúng ta, hoặc vào công viên tại những thời điểm khác nhau và đăng ảnh lên ‘bức tường phản đối’ trực tuyến.”
Hôm thứ Bảy (29/5), thư ký liên minh Tsoi thông báo rằng ông đã thất bại trong nỗ lực cuối cùng để lật ngược lệnh cấm của cảnh sát. Một hội đồng phúc thẩm đã ủng hộ quyết định của lực lượng cảnh sát, viện dẫn lý do những rủi ro của Covid-19.
Liên minh sẽ không tổ chức lễ tưởng niệm năm nay, và ông Tsoi sẽ không đi đến Công viên Victoria.
Ông nói: “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng người dân Hồng Kông sẽ sử dụng những cách riêng của họ tại các địa điểm khác nhau để tưởng nhớ sự kiện 4/6.”
Những đồng nghiệp của ông Tsoi trong liên minh, ông Ho và ông Lee Cheuk-yan đã bị kết án 18 tháng tù giam mỗi người vì tham gia trong cùng một cuộc biểu tình. Trước đó , ông Lee đã bị giam giữ vì vai trò của minh trong những cuộc tình trái phép khác vào năm 2019.
Chấp nhận mạo hiểm đến Công viên Victoria
Trong một chuyên mục của một tờ báo Trung Quốc phát hành hôm thứ Hai (31/5), học giả đại lục Tian Feilong, giám đốc Hiệp hội Trung Quốc Nghiên cứu về Hồng Kông và Macau, tiếp tục cáo buộc mạnh mẽ rằng liên minh đang vi phạm Luật An ninh Quốc gia với mục tiêu “lật đổ” để chấm dứt “chế độ độc tài độc đảng”.
Ông Tian thúc giục Cục An ninh hành động, bằng cách yêu cầu liên minh loại bỏ các mục tiêu “lật đổ” của họ, hoặc cấm hoàn toàn tổ chức này như đã làm với Đảng Quốc gia Hồng Kông bất hợp pháp hiện nay, nếu tổ chức này từ chối tuân thủ.
Vào tháng 4, Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam đã không trực tiếp kết luận liệu buổi lễ tưởng niệm ngày 4/6 có vi phạm luật an ninh hay không, nhưng bà nhấn mạnh rằng nếu tôn trọng hiến pháp Trung Quốc, Hồng Kông cũng nên tôn trọng Đảng Cộng sản cầm quyền.
Ông Lau Siu-kai, phó chủ tịch của cùng tổ chức tư vấn với ông Tian Feilong, tin rằng sự tồn tại của liên minh cũng chẳng còn bao lâu nữa.
Ông Lau nói: “Chính quyền trung ương xem vấn đề [buổi lễ tưởng niệm] ngày 4/6 là một vấn đề an ninh quốc gia. Ngay từ đầu, liên minh được thành lập là để chống lại Đảng Cộng sản. Tổ chức này cũng có các mối liên hệ với những phần tử chống Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến bên ngoài Hồng Kông.”
Tuy nhiên, ông tin rằng chính phủ Hồng Kông sẽ không ra tay với liên minh nếu không đạt được sự đồng thuận trước với Bắc Kinh về các bước thực hiện.
Do việc ĐCSTQ sẽ kỷ niệm 100 ngày thành lập của mình vào ngày 1/7, ông Lau cho biết thêm rằng Bắc Kinh có thể không muốn tạo ra bất kỳ cơ hội nào cho các lực lượng chống Trung Quốc gây rắc rối.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cheung Chor-yung, một nhà khoa học chính trị của Đại học City, nhìn nhận rằng nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” đảm bảo cho Hồng một mức độ tự chủ cao sẽ chết nếu buổi lễ tưởng niệm không được cho phép và liên minh bị cấm hoạt động.
Ông Cheung cho rằng liên minh là một tổ chức yêu nước nếu xét khía cạnh việc tổ chức này công nhận một Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, những người, vốn tin rằng tổ chức này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia chỉ vì họ không đồng ý với ĐCSTQ, đã không nắm rõ tình huống thực tế.
Những người bất đồng chính kiến “buồn cho Hồng Kông”
Nhà văn kiêm nhà sản xuất phim Trung Quốc lưu vong Su Xiaokang, một thành viên tích cực của phong trào sinh viên năm 1989, đã rất đau lòng vào ngày mà xe tăng của ĐCSTQ tiến vào Quảng trường Thiên An Môn.
Ông bày tỏ, hiện giờ ông cũng rất buồn khi nhìn thấy cách thức mà nền chính trị của Hồng Kông thực hiện.
Người đàn ông 72 tuổi hiện sống tại Hoa Kỳ cùng với vợ và con trai, cho biết: “Người Hồng Kông đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể đảo ngược số phận khi rơi vào chế độ độc tài của ĐCSTQ.”
Ông Su nói thêm: “Tôi vô cùng buồn và đau lòng. Sự đau buồn này ngang với những gì tôi cảm thấy cách đây 30 năm khi các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn cuối cùng đã bị những xe tăng [của ĐCSTQ] nghiền nát.”
Ông Su đã viết kịch bản cho loạt phim tài liệu gây tranh cãi, kích thích tư duy có tên “River Elegy” được phát trên truyền hình tại Trung Quốc đại lục vào năm 1988, được cho là đã truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo tại Bắc Kinh.
Sau cuộc đàn áp năm 1989, ông Su phát hiện mình nằm trong danh sách bảy trí thức bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc.
Ngay cả khi buổi lễ tưởng niệm tại Công viên Victoria cuối cùng bị cấm, ông Su vẫn tin rằng người dân Hồng Kông sẽ kiên trì và tìm cách để tưởng niệm cuộc đàn áp bằng những cách khác nhau.
Ông Su nói: “Truyền lại ký ức về sự kiện ngày 4/6 được xem là trách nhiệm của thế hệ trí thức cùng thời với tôi. Chúng tôi có nghĩa vụ phải tiếp tục, để tưởng nhớ nó [cuộc đàn áp ngày 4/6 tại Thiên An Môn] hàng năm trên toàn thế giới.”
Ông Yan Jiaqi, một trong những lãnh đạo phong trào Thiên An Môn đã trốn sang Hoa Kỳ, cho biết việc cảnh sát Hồng Kông cấm buổi lễ tưởng niệm tại Công viên Victoria năm nay cho thấy rằng các quyền tự do được bảo vệ theo Tuyên bố Chung Trung – Anh trước khi Hồng Kông được Anh trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997 đã “hoàn toàn biến mất”.
Ông nhận thấy, 32 năm sau cuộc đàn áp, vụ thảm sát vẫn chưa được phơi bày hoàn toàn tại Đại lục: “Sự thật chưa được tiết lộ, công lý chưa được thực thi, và [do đó] sẽ không có sự sáng tỏ tại Trung Quốc.”
Đối với một số người, rất khó để quyết định
Ông Matthew Lee (bí danh), một người về hưu 75 tuổi, là tình nguyện viên cho buổi lễ tưởng niệm hàng năm tại Công viên Victoria ngay từ đầu, chủ yếu với tư cách người phụ trách nghi lễ.
Ông chia sẻ: “Có một năm tôi rất xúc động khi thấy rất nhiều người kiên quyết ở lại đó bất chấp trời mưa như trút nước.”
Năm ngoái ông vẫn đến đó bất chấp lệnh cấm của cảnh sát. Tuy nhiên năm nay, với việc Luật An ninh Quốc gia hà khắc đã có hiệu lực, ông vẫn chưa quyết định có đi hay không.
Ông cho hay: “Tôi có thể sử dụng cách riêng của mình để tưởng nhớ”, đồng thời nói thêm rằng có thể ông chỉ thắp một ngọn nến ở nhà.
Cô Catherine Cheng (bí danh), một nhân viên 33 tuổi trong một tổ chức công, đã tham dự hầu hết các buổi lễ tưởng niệm kể từ năm 2009 và năm ngoái cũng đã đến Công viên Victoria.
Cô không biết điều gì về cuộc đàn áp năm 1989 tại Bắc Kinh cho đến khi cô vào đại học. Các giáo viên trung học của cô chưa bao giờ nhắc đến việc này.
Cô nhớ rằng mình đã bị choáng ngợp khi lần đầu tiên cô đứng trong biển người cầm những cây nến thắp sáng vào năm 2009. Cô chưa bao giờ tham gia một cuộc biểu tình nào trước đó.
Cô nói: “Buổi lễ tưởng niệm tại Hồng Kông là buổi lễ quy mô lớn duy nhất trên thế giới. Đây là một sự kiện quan trọng đối với những người đã chết, đối với những thành viên trong gia đình của họ, và đối với những người vẫn đang chịu áp bức tại Trung Quốc đại lục. Buổi lễ gửi những lời động viên đến họ.”
Vài năm trước, sự trỗi dậy của chủ nghĩa địa phương ở Hồng Kông khiến một số người người trẻ từ bỏ tham gia buổi lễ tưởng niệm, họ nói rằng người Hồng Kông nên quan tâm nhiều hơn về những gì đang xảy ra tại Đặc khu của mình. Một số không đồng ý với mục tiêu của liên minh về việc xây dựng một Trung Quốc dân chủ, điều này cho thấy họ không quan tâm về những gì đã xảy ra tại Đại lục hoặc tương lai của nó.
Cô Cheng nhận định: “Tại buổi lễ tưởng niệm năm ngoái, tôi cảm thấy người Hồng Kông đã gạt sang bên việc tranh chấp này.”
Năm nay, cô lo sợ khả năng bị bắt và tính đến cho đến cuối tuần qua, cô vẫn chưa quyết định liệu có đến Công viên Victoria một lần nữa hay không.
Tuy nhiên, nhân viên xã hội đã nghỉ hưu Mary Cheung sẽ không chấm dứt buổi lễ tưởng niệm hàng năm của mình vốn đã kéo dài hơn ba thập kỷ. Cô khẳng định cô không có ý định vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Cô kết luận: “Là một công dân, tôi có quyền đến Công viên Victoria. Tôi sẽ không đi với nhiều bạn bè và sẽ không vi phạm quy định giãn cách xã hội. Căn cứ nào để họ bắt tôi? [Đối với] những người đã dám hy sinh mạng sống của mình để theo đuổi nền dân chủ, chúng ta cần phải tưởng nhớ đến họ.”
Gia Huy (Theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông thắp nến tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn Lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ tại công viên Victoria