Người trung lưu thất nghiệp ở TQ đối mặt nguy cơ “biến mất” khỏi thị trường lao động
- Trí Đạt
- •
Tại thị trường lao động Trung Quốc Đại Lục, một “ngưỡng cửa việc làm vô hình ở tuổi 35” đang trở thành hố sâu khó vượt qua đối với vô số người lao động. Theo một bài phóng sự chuyên sâu của tạp chí Nam Phong Song (South Reviews) ngày 19/7, hàng loạt người thất nghiệp ở độ tuổi trung niên từ 35 đến ngoài 40 tuổi – trong đó không thiếu các cựu lãnh đạo cấp cao hay chuyên gia dày dạn trong nhiều lĩnh vực – đang cùng lúc đối mặt với một thử thách sinh tồn nghiêm trọng. Nhóm nhân sự tinh anh này không thể nghỉ hưu sớm và hoàn toàn rời khỏi thị trường lao động, lại đang bị thế hệ trẻ gây ra áp lực cạnh tranh mang tính lật đổ. Một khi thất nghiệp, họ có thể sẽ đối diện với nguy cơ “biến mất vô hình” khỏi thị trường lao động Trung Quốc một cách tàn khốc.
Chuyên gia tuyển dụng nhân sự cấp cao cảnh báo: 40 tuổi là “ranh giới đỏ” về tuổi tác nơi công sở
Annie, một chuyên gia tuyển dụng nhân sự cấp cao kỳ cựu với 18 năm kinh nghiệm, thẳng thắn cho biết: 40 tuổi là một “điểm nghẽn rõ ràng” đối với thất nghiệp ở tuổi trung niên, và điều này đã trở thành hiện tượng phổ biến. Cô chỉ ra rằng ngay cả ngành tuyển dụng nhân sự cấp cao người cũng xem tuổi 40 là một “ranh giới đỏ” khó vượt qua.
Ngay cả những người có trình độ cao cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng trung niên này. Báo cáo cho biết, có người từng là nhân viên kỹ thuật cốt lõi hay quản lý cấp cao, nhưng trong môi trường lao động hiện tại, họ vẫn rơi vào tình cảnh bế tắc. Cơ hội từ các công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao ngày càng ít, thậm chí khi có được cơ hội phỏng vấn qua các mối quan hệ cá nhân, họ vẫn bị nhà tuyển dụng nghi ngờ – cái gọi là “dày dạn kinh nghiệm” ngày xưa, giờ lại trở thành gánh nặng vì “quá tuổi”.
Cuộc sống thắt chặt của cựu quản lý cấp cao
Tại khu vực đắc địa nơi giao nhau giữa sông Tô Châu và sông Hoàng Phố, đối diện Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu ở Thượng Hải, là nơi sinh sống của “Tổng giám đốc Lộ”, hiện 41 tuổi. Sau gần 20 năm phấn đấu từ nhân viên kinh doanh tuyến đầu, anh từng vươn lên làm tổng giám đốc của một tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Tuy nhiên, sự nghiệp của anh đột ngột dừng lại ở tuổi 40, và anh đã thất nghiệp suốt 3 năm nay.
Nhận thức được thực tế thất nghiệp, anh cố gắng cắt giảm mọi chi tiêu. Anh nói trong bất lực: “Ngoài ăn uống cơ bản ra, cái gì không cần tiêu thì tuyệt đối không tiêu…” Cuộc sống trở nên vô cùng chắt bóp.
Tương tự như “Tổng giám đốc Lộ”, anh Tống Phi – từng là phó tổng giám đốc một công ty nội thất – đã rao bán chiếc đồng hồ hàng hiệu (từng bỏ ra 110.000 nhân dân tệ mua vào năm 2021) trên nền tảng đồ cũ đúng vào ngày thứ 160 thất nghiệp (15/6/2024). Đó cũng chính là ngày đến hạn thanh toán của dịch vụ tín dụng Huabei. Sống ở Cáp Nhĩ Tân, thời điểm đó anh cần số tiền vài vạn tệ từ chiếc đồng hồ để giải quyết tình thế khẩn cấp.
Kỹ sư thất nghiệp: “Đêm McDonald’s” không dám về nhà
Mùa hè năm 2024, gần Tam Lý Đôn – khu vực có giá nhà đắt đỏ nhất Bắc Kinh – đôi vợ chồng kỹ sư 45 tuổi Đổng Lam Hân sống trong u ám suốt một thời gian dài. Đầu năm 2024, người chồng vừa mất việc sau 1,5 năm làm tại một công ty mới, anh từng là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình. Còn vợ anh, vì nuôi con, đã rời khỏi thị trường lao động nhiều năm.
Trong vài năm qua, họ đã mua đến 6 căn nhà, nhưng đến năm 2024 lại sống cực kỳ tiết kiệm. Lúc đầu chồng đưa con đi học bằng ô tô, sau thấy xăng quá đắt nên chuyển sang xe điện, mỗi lần đi từ Tam Lý Đôn đến Hải Điến mất hơn một giờ đồng hồ.
Đổng Lam Hân chỉ đi chợ vào lúc gần đóng cửa buổi tối để mua đồ giá rẻ, ngay cả cà rốt bị nứt cũng không bỏ qua, gọt xong thì còn rất ít. Cô nói: “Bình thường hai vợ chồng ban ngày chỉ nằm dài trên giường, chẳng ai có tâm trạng nấu ăn, trừ khi con về, thì mới nấu cho con ăn tạm cái gì đó.” Cuộc sống tiêu trầm như vậy khiến người ta xót xa.
Hai vợ chồng không tránh khỏi cãi nhau thường xuyên. Mỗi lần cãi, chồng không đấu lý được lại bỏ ra khỏi nhà. Nhưng Đổng Lam Hân biết anh chỉ ra McDonald’s gần nhà, nơi mở cửa 24 giờ và miễn phí ngồi. Nếu con gái không đi gọi, anh sẽ ở đó đến tận đêm khuya mới về.
Một người vợ khác cũng có chồng thất nghiệp từng tâm sự: “Chúng tôi như thể trở thành phế nhân xã hội ở tuổi 45. Nhưng 45 tuổi không phải là lực lượng chủ chốt của xã hội và gia đình sao?” – Câu nói này phản ánh sự hoang mang và bất lực chung của vô số người trung niên thất nghiệp cùng gia đình họ.
Khoảnh khắc đen tối và hy vọng của nữ tổng giám đốc khu vực Trung Quốc của một công ty trị giá hàng chục tỷ
Trước tháng 1/2025, Sally (47 tuổi) vẫn còn là tổng giám đốc khu vực Trung Quốc của một công ty trị giá hàng chục tỷ, trước đó cô cũng từng là tổng giám đốc của một công ty nước ngoài khác. Cô từng đạt đến vị trí mà nhiều người không thể với tới, thậm chí trong một cuộc họp tại trụ sở công ty ở Mỹ với hơn 200 người, chỉ có cô là người Trung Quốc duy nhất.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2025, cô xác nhận công ty rút khỏi thị trường Trung Quốc và đồng thời tuyên bố thất nghiệp.
Thời gian đó là “thời khắc đen tối nhất” trong cuộc đời cô: cha cô – người mắc bệnh xơ cứng teo cơ – mất trong đại dịch, bạn bè lâu năm phản bội cô trong công việc, và cuối cùng công ty cũng rút đi. Ở tuổi 48, cô tự mình giải tán đội ngũ và một mình quay lại thị trường lao động.
Dù sở hữu tài sản không nhỏ, Sally vẫn không thể hoàn toàn yên tâm. Hai con gái của cô đều du học – con lớn sắp tốt nghiệp đại học ở Canada, con nhỏ vừa vào trung học ở Anh – học phí vô cùng đắt đỏ.
Tuy nhiên, nhờ năng lực vượt trội và kinh nghiệm, cuối cùng Sally đã tìm được công việc mới.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ba lần thất nghiệp: Ăn bánh bao để tiết kiệm tiền
Tại Hạ Môn, Phúc Kiến, “anh Hầu” – từng là trưởng phòng thiết kế của một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp nhà nước – đã trải qua ba lần thất nghiệp liên tiếp trong hai năm sau tuổi 40. Anh không dám ở nhà, mà đến thư viện gần nhà vì ở đó có bàn ghế, điều hòa và nước nóng để giúp anh tiết kiệm chi phí.
Sau khi thất nghiệp, anh Hầu phát sinh nỗi sợ chi tiêu đến mức gần như “hành xác”. Khi ở thư viện, dù rất đói và muốn ăn một bát mì, anh vẫn chọn mua hai cái bánh bao vì chỉ mất 2 tệ, trong khi mì cần tới 10 tệ.
Những người trung niên thất nghiệp trên 40 tuổi này đều đối mặt với áp lực tài chính khổng lồ không thể né tránh. Anh Hầu tiết lộ: Hạ Môn hay có bão, năm ngoái cửa kính ban công nhà bị nứt, gió thổi bay mất một cánh nhưng vẫn chưa thay vì không có tiền. Bầu không khí tiết kiệm cực độ này cũng bị con anh cảm nhận được. Ngày của cha năm nay, con trai tặng anh một món quà đặc biệt – một tờ 100 tệ do chính tay con vẽ. Sau khi thất nghiệp, con anh từng đưa anh 50 tệ, đây là số tiền con kiếm được bằng cách giúp bạn chép bài tập.
“Rải hồ sơ khắp nơi” không có kết quả: Nỗi khốn khổ chung của các quản lý cấp cao và nhân sự kỳ cựu
Ngay cả những người có mối quan hệ và nền tảng kinh nghiệm quản lý cũng không dễ tìm việc sau khi thất nghiệp; còn với những người kỹ thuật hoặc chuyên môn đơn thuần thì tình hình càng tồi tệ hơn.
Anh Hầu đã nộp hồ sơ cho mọi vị trí phù hợp trên các nền tảng, bất kể lớn nhỏ. Anh thậm chí còn biết rõ mỗi ngày Hạ Môn có bao nhiêu việc mới, việc nào khả thi sẽ liên hệ ngay. Nhưng sau nửa năm, anh vẫn chưa có việc làm.
Tình trạng này đã bắt đầu manh nha từ cuối năm 2020. Lúc đó, anh Đặng (42 tuổi) bị thất nghiệp khỏi ngành quảng cáo. Anh từng có lý lịch nghề nghiệp xuất sắc, làm việc lâu dài tại các công ty quảng cáo nước ngoài (4A) của Mỹ và Nhật, cũng từng là trưởng phòng tại công ty trong nước. Nhưng chỉ trong 2 tháng sau khi thất nghiệp, anh đã “rải” hơn 100 hồ sơ, tất cả đều không có hồi âm. Duy nhất một công ty truyền thống liên hệ yêu cầu anh phải “mang theo nguồn lực” khi gia nhập, khiến anh không biết xoay sở ra sao. Người chủ động tìm đến anh chỉ là những công ty bán bảo hiểm.
Xu hướng thuê ngoài và tác động của AI: Áp lực kép lên người thất nghiệp trung niên
Anh Hầu bị mất việc vào tháng Hai năm nay, và đến đầu tháng Sáu lại tiếp tục bị sa thải. Anh kể rằng vào tháng Năm, vừa mới được một công ty tuyển dụng, nhưng chỉ làm một tháng đã bị cho nghỉ. “Công ty đã tổ chức một cuộc họp và sau khi thảo luận, họ cảm thấy chi phí nghiên cứu và phát triển độc lập quá cao, cần phải thuê nhiều người, và khối lượng công việc có thể không đủ đáp ứng trong tương lai, nên cuối cùng họ quyết định thuê ngoài dự án. Kết quả là, vị trí của tôi trở nên rất khó xử và tôi không còn cần thiết nữa.”
Điều này phản ánh một xu hướng rõ ràng trong ngành thiết kế mà anh theo đuổi: xu hướng thuê ngoài. Thu nhập duy nhất của anh trong thời gian này là nhận các dự án thuê ngoài, 800 tệ cho việc thiết kế hàng chục trang web trong 5 ngày liên tục làm việc không ngừng nghỉ. Nhưng anh biết đây không phải kế lâu dài, bởi sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo áp lực lớn lên ngành. Anh thừa nhận: “Tuổi tác lớn, không còn sức và thời gian để học thêm, trong khi áp lực tài chính trong nhà lại không cho phép mình chậm bước.”
Đối với nhóm người trung niên thất nghiệp này, điều họ sợ nhất là: thất nghiệp, rồi lại gặp biến cố. Cuộc sống của họ đầy trách nhiệm, nhưng cơ hội lại ít ỏi. Ngoài chính bản thân đang bị thời đại bỏ lại phía sau, dường như họ không có gì vững chắc để nương tựa.
Phóng sự của Nam Phong Song cho biết, trong số những người được phỏng vấn, chỉ có rất ít người thực sự quay trở lại được với công việc. Những người khác buộc phải khởi nghiệp, chuyển sang làm blogger tự do, hoặc vẫn tiếp tục trong trạng thái thất nghiệp.
Ngoài áp lực kinh tế và giáo dục trước mắt, họ còn phải đối diện với nhiều vấn đề lâu dài trong tương lai. Ví dụ, sau khi chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc được ban hành, những người trung niên thất nghiệp ở tuổi 40 rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó xử. Họ còn khoảng 20 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian đóng bảo hiểm y tế và hưu trí lại chưa đủ. Nếu thất nghiệp kéo dài, mà không tự bỏ tiền ra đóng tiếp, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị mất bảo hiểm hoàn toàn.
Từ khóa Recommend thất nghiệp ở Trung Quốc Tuổi trung niên tầng lớp trung lưu
