Nước: Tử huyệt của Trung Quốc
- Yoichi Funabashi
- •
Lời dịch giả: Cách đây vài tuần, chúng tôi đăng bài viết trên diendan.org về sự khan hiếm nước trầm trọng ở hạ lưu sông Mê Kông trong mùa hè vừa qua với hệ lụy vô cùng lớn trong tương lai. Sự khan hiếm nước này có thể sẽ tăng tốc khi Trung Quốc chặn các đập ở Mê Kông và trên các nhánh của nó, mục đích là giữ nước để cung cấp cho nhu cầu nội địa của họ ngày càng nguy cập. Bài viết sau đây của Yoichi Funabashi làm rõ hơn, nhu cầu về nước của Trung Quốc lớn dường nào với hệ lụy khó lường: “Trong tương lai, các cuộc đấu tranh khốc liệt về tài nguyên nước và cuộc đua xây dựng các con đập sẽ bao trùm không chỉ các quốc gia khu vực Hy Mã Lạp Sơn, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bhutan, mà cả các quốc gia hạ nguồn như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
***
NƯỚC: Tử huyệt của Trung Quốc [1]
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 (2019), tốc độ tăng trưởng thực tế của nền kinh tế Trung Quốc chỉ là 6,2% – chậm nhất trong 27 năm qua. Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Đại học Chicago tiết lộ rằng doanh thu thuế tăng từ năm 2010 đến 2016 thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng thực tế chính thức. Điều này cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đã chậm lại khoảng 4%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức phản hồi đến thông báo của Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng chậm, ông viết trên Twitter: “Chế độ thuế quan của Hoa Kỳ đang có ảnh hưởng lớn đến các công ty muốn rời Trung Quốc sang các nước phi thuế quan”. Trump đã xác định rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc là một điểm yếu, và đã tấn công tương ứng.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu kín đáo tìm hiểu những điểm yếu tiềm tàng của Trung Quốc – gót chân Achilleus của họ. Mới tháng Tư này, một nhóm đại diện cho các cơ quan tình báo của một đồng minh Hoa Kỳ đã đến thăm nhóm chuyên gia cố vấn của tôi, Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Initiative), để xác định một danh sách các lỗ hổng của Trung Quốc và loại bỏ một số câu hỏi liên quan trước khi khởi động kế hoạch. Trong chuyến thăm Washington sau đó trong cùng một tháng, tôi đã trao đổi với một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang nghiên cứu cùng một chủ đề.
Một số vấn đề tiềm ẩn đã xuất hiện trong quá trình của các cuộc đàm luận này: nợ nần của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước dở sống dở chết, nợ xấu liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường, thế “lưỡng nan Malacca” [2] của Trung Quốc, điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho chất bán dẫn và các sản phẩm khác, sự chênh lệch ngày càng tăng về sự giàu có và cơ hội, sự tham nhũng của giới chóp bu ĐCSTQ, vấn đề hủy hoại môi trường, các cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số và các hoạt động khủng bố đi kèm.
Tuy nhiên, càng thảo luận nhiều, chúng tôi ngày càng thấy rõ rằng các lỗ hổng lâu dài và cơ bản nhất của Trung Quốc là lỗ hổng có thể được tóm tắt trong một từ duy nhất: NƯỚC. Trung Quốc đã thất bại trong việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nước cho công dân của mình, dẫn đến tình trạng “khan hiếm tuyệt đối” về nguồn nước quốc gia.
Liên Hợp Quốc xác định ba mức độ “căng thẳng nguồn nước” (water stress), mức bắt đầu khi nguồn cung cấp nước hàng năm tại một quốc gia giảm xuống dưới 1.700 mét khối mỗi người. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi mức cung cấp hàng năm giảm xuống còn 1.000 mét khối – một tình trạng được định nghĩa là “khan hiếm nước” (water scarcity). Quốc gia nào chỉ chung cấp được lượng nước dưới 500 mét khối mỗi năm cho mỗi người thì rơi vào tình trạng “khan hiếm nước tuyệt đối” (absolute water scarcity). Tám tỉnh ở Bắc Trung Quốc đang bị khan hiếm nước tuyệt đối, trong khi 11 tỉnh khác đang ở mức khan hiếm.
Tài nguyên nước do sông Hoàng Hà cung cấp chỉ còn một phần mười so với những năm 1940. Trên khắp vùng lưu vực sông Hoàng Hà, chúng đã bị giảm một nửa trong 50 năm qua. Năm 1997, sông Hoàng Hà đã khô cạn trong 226 ngày, cắt đứt sự kết nối con sông này với Biển Bohai [3].
Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự ô nhiễm đã khiến một phần mười nguồn nước sông không còn phù hợp cho việc sử dụng trong nông nghiệp. Biến đổi khí hậu chỉ làm tăng tốc độ dòng sông đang cạn dần. Năm 2000, Thủ tướng Zhu Rongji cảnh báo rằng tốc độ hiện tại cuối cùng sẽ buộc chính phủ phải di dời thủ đô khỏi Bắc Kinh.
Để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã khởi động Dự án chuyển nước Nam-Bắc để dẫn nước từ sông Dương Tử về phía bắc. Tuyến Đông (1.156 km) đã được hoàn thành vào năm 2013 và Tuyến Trung tâm (1.432 km) vào năm 2014. Tuyến Đông chảy ngang qua các thành phố Hàng Châu và Bắc Kinh, sử dụng Kênh đào Lớn (Grand Canal), được xây dựng từ thời nhà Tùy và sau đó được khôi phục và mở rộng vào thời nhà Minh [4].
Kênh đào Lớn là một tuyến giao thông quan trọng chuyên chở ngũ cốc từ vùng Giang Nam đến Bắc Kinh như một hình thức nộp thuế. Ngày nay, nước được chuyển đến Bắc Kinh thông qua các đường ống dọc theo tuyến đường. Trong khi Dự án chuyển nước Nam-Bắc có thể tạm thời giảm bớt mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu nước, Bắc Kinh vẫn trong tình trạng “khan hiếm nước tuyệt đối”, và các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tương tự.
Nguồn nước này từ sông Dương Tử cũng đang cảm thấy những hậu quả tiêu cực của dự án khổng lồ này. Tại điểm gốc của Tuyến Trung tâm ở tỉnh Hồ Bắc (Hubei), khoảng 380.000 người đã được tái định cư từ khu vực xung quanh hồ chứa nước Danjangku. Để ngăn chặn sự ô nhiễm nước, các nhà máy, trang trại và nghề cá trong khu vực cũng đã ngừng hoạt động. Một số chính quyền địa phương đang bảo vệ nguồn cung cấp nước của họ bằng cách xây dựng các con đập dọc theo các nhánh của dòng sông để ngăn nước của họ khỏi bị rút đi.
Khủng hoảng nước của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ sự bất lực trong việc ngăn chặn ô nhiễm nước và chất thải. Khởi đầu là, nước đã quá rẻ: trên thực tế, nước được sử dụng miễn phí trong 30 năm đầu tiên của chính phủ cộng sản ở Trung Quốc. Chỉ với những cải cách kinh tế trong những năm 1980, chính phủ mới bắt đầu thu phí sử dụng nước.
Từ thời xa xưa, “quản lý sông ngòi” đã là nền tảng cho việc quản trị quốc gia ở Trung Quốc. Trong triều đại nhà Thanh, việc sửa chữa Kênh đào Lớn đã bị dừng lại sau trận lụt năm 1855 trên sông Hoàng Hà và cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý sông ngòi cũng bị bãi bỏ. Trước thời điểm này, việc vận chuyển ngũ cốc từ Giang Nam đến Bắc Kinh đã được tiến hành qua đường biển.
Tuy nhiên, các biện pháp của chính phủ đã hủy hoại nhiều việc làm trong ngành vận tải trên Kênh đào Lớn, cũng như các ngành liên quan phục vụ cho sinh kế của người dân. Tình trạng bất ổn xã hội là nguồn gốc của cuộc nổi loạn Taiping. Một sự trùng hợp bất ngờ, họ của nhà lãnh đạo cuộc nổi loạn, Hong Xiuquan, cũng là chữ đại biểu cho “lũ lụt”.
Quản lý sông ngòi và thủy lợi tưới tiêu ở Trung Quốc luôn luôn là đặc trưng của các dự án kỹ thuật địa lý vĩ đại đi kèm theo sự khoe khoang chính trị. Điều này không gì khác hơn là “PoliTec”: Sự biến đổi môi trường để phục vụ mục tiêu chính trị.
Trong thế kỷ 21, động lực cổ điển này sẽ chĩa mũi dùi về phía Hindu Kush và dãy Hy Mã Lạp Sơn. Được biết đến như là “mái nhà của thế giới”, khu vực này là thượng nguồn của những dòng sông lớn của Châu Á: không chỉ sông Dương Tử và Hoàng Hà, mà còn cả sông Ấn (Indus), sông Hằng và sông Mê Kông. Khối lượng băng tuyết của vùng này là lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Nam và Bắc cực.
Trong tương lai, các cuộc đấu tranh khốc liệt về tài nguyên nước và cuộc đua xây dựng các con đập sẽ bao trùm không chỉ các quốc gia khu vực Hy Mã Lạp Sơn, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bhutan, mà cả các quốc gia hạ nguồn như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
***
Tác giả: Yoichi Funabashi
Người dịch: Tôn Thất Thông
Đăng trên Diễn đàn khai phóng (diendankhaiphong.org)
Yoichi Funabashi là chủ tịch của Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Initiative) và là cựu tổng biên tập của Asahi Shimbun. Đây là bản dịch của chuyên mục của ông trong nguyệt san Bungei Shunju.
Nguồn: Japantimes, 9 tháng 9 năm 2019
Ghi chú của dịch giả:
[1] Tựa đề gốc là “Water: China´s Achilles Heel”. Thuật ngữ tác giả dùng là “Achilles Heel” (gót chân của Achilleus). Theo thần thoại Hy Lạp, đó là điểm yếu cốt tử của vị anh hùng Achilleus vô địch, bách chiến bách thắng, chưa bao giờ bị thương nếu đối phương không biết điểm yếu duy nhất là gót chân.
[2] Eo biển Malacca (tây nam Mã Lai) là con đường biển ngắn nhất để Trung Quốc tiếp cận về phía tây, nhưng sẽ trở thành điểm nghẽn bế tắc nếu có một biến cố chính trị bất ngờ.
[3] Eo biển ở biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên
[4] Nhà Tùy (Sui Dynasty) kéo dài ngắn ngủi từ 581 đến 618. Nhà Minh (Ming Dynasty): 1368-1644.
Xem thêm cùng dịch giả:
Từ khóa sông Mê Kông Tôn Thất Thông an ninh nước