Cấy gen não người vào não khỉ: Nhà khoa học Trung Quốc lại gây chấn động
- Huệ Anh
- •
Một tờ tạp chí tiếng Anh của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua đã đăng một bài báo cáo nghiên cứu khoa học gây chấn động, nội dung cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc theo đuổi thực nghiệm dùng gen có tác dụng giúp não người phát triển để cấy vào não của khỉ.
Được biết, mục đích của công trình thực nghiệm này là để tìm hiểu xem khỉ liệu có thể có được trí thông minh như con người khi có được gen của con người hay không. Các nhà khoa học tại Mỹ đã chỉ trích công trình thực nghiệm này là vi phạm chuẩn tắc đạo đức khoa học.
Theo Hãng tin Reuters, hồi tháng 3, tạp chí tiếng Anh có tên National Science Review tại Bắc Kinh đã đăng một bài báo cáo nghiên cứu cho thấy, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh vật học Côn Minh và Học viện Khoa học Trung Quốc đã phối hợp cùng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Carolina (Mỹ) để tiến hành thực nghiệm cấy ghép gen não người vào não của khỉ, mục đích để nghiên cứu và quan sát xem dựa vào gen này, loài khỉ liệu có trí lực như của con người hay không.
Bản báo cáo này tiết lộ, các nhà nghiên cứu căn cứ vào tính toán khoa học để xác định gen MCPH11 (gen não người được cho là khởi tác dụng quan trọng phát triển não bộ của con người) sẽ cấy vào não của 11 cá thể khỉ vàng rhesus, kết quả chỉ 5 cá thể sống sót đến giai đoạn kiểm tra.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra trí nhớ đối với khỉ đã được cấy gen vào não bộ, thử nghiệm để chúng ghi nhớ màu sắc và hình dạng trên màn hình, và thông qua quét cộng hưởng từ để xác nhận.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện, đại não của khỉ phát triển chậm, tuy nhiên, so sánh với những cá thể khỉ khác đang sống trong môi trường tự nhiên, trí nhớ tạm thời và thời gian phản ứng của nó biểu hiện tương đối tốt.
Báo cáo còn nói, thể tích đại não của những cá thể khỉ được thí nghiệm không lớn hơn thể tích não của những cá thể khỉ cùng loại.
Nhóm nghiên cứu giải thích: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, loài linh trưởng (không bao gồm vượn) có tiềm năng giúp chúng ta trả lời những câu hỏi về quá trình tiến hóa trí thông minh ở người”. Họ còn nói, về mặt di truyền, mặc dù so với gen của loài chuột, gen của khỉ gần với gen người hơn, nhưng nó vẫn chỉ là động vật.
Bản tin của Reuters phân tích chỉ ra, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc nói như thế này, có thể chỉ là vì để tránh bị cáo buộc vi phạm đạo đức y học, nhưng cách nói này cũng không thể nào ngăn cản được sự chỉ trích và lên án. Công trình thực nghiệm này sau khi được công bố, đã khiến cho giới khoa học có nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức, có nhà khoa học Mỹ phê bình, sau khi động vật được “trao cho trí lực của con người” sẽ không cách nào sinh tồn, nghiên cứu này vi phạm chuẩn tắc đạo đức khoa học.
Jacqueline Glover, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học Colorado ở Hoa Kỳ, đã so sánh nghiên cứu này với bộ phim viễn tưởng “Hành tinh Khỉ”.
Jacqueline Glover cũng nói trên tạp chí Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts rằng, “Việc ‘nhân hóa’ những cá thể khỉ này về bản chất đã gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu và sẽ làm được những gì? Chúng ta không nên tạo ra một sinh vật không thể có được một cuộc sống bình thường dưới bất kỳ lý do gì”.
Theo Reuters, hồi tháng 1 năm nay, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc khác cũng từng công bố thông tin rằng, họ đã nhân bản năm cá thể khỉ bị bệnh được biến đổi gen từ một mẫu tế bào đơn để nghiên cứu chứng mất ngủ. Kết quả nghiên cứu phát hiện những cá thể khỉ này thể hiện ra triệu chứng liên quan đến vấn đề tinh thần tâm lý (trầm cảm, lo lắng, hành vi của chứng tâm thần phân liệt). Các nhà nghiên cứu cho cũng biết thêm, mục đích của công trình thực nghiệm này là nghiên cứu bệnh tật về tâm lý của con người.
Tháng 11/2018, Phó Giáo sư Đại học Công nghệ Phương Nam Trung Quốc là ông Hạ Kiến Khuê từng tuyên bố 2 trẻ song sinh được chỉnh sửa gen đã chào đời và có khả năng miễn dịch với virus HIV, thông tin này đã làm cho giới khoa học trong và ngoài Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ, các nhà khoa học cho chỉnh sửa gen thai nhi đã phá hoại giới hạn đạo đức và luân lý của nghiên cứu khoa học. Sau đó, ông Hạ Kiến Khuê đã bị trường Đại học Công nghệ Phương Nam xa thải, đồng thời bị chính quyền cách ly để tiến hành điều tra.
Đến hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa phát biểu bất cứ lập trường chính thức nào về nghiên cứu khoa học cấy gen não người vào não khỉ. Tuy nhiên, trong các bản tin của truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc, không ít cư dân mạng Trung Quốc đã thể hiện cách nhìn nhận và quan điểm của mình về vấn đề này, trong đó đa số chỉ trích thực nghiệm liên quan đến di truyền.
Có người nói, “Chỉnh sửa gen không có độ khó về mặt kỹ thuật. Nghiên cứu sinh Tiến sĩ có thể làm, nhưng nguyên nhân mà phương Tây không làm hoàn toàn là liên quan đến luân lý. Bởi vì sự băn khoăn về luân lý [khoa học] của Trung Quốc dường như là bằng 0, do đó mới có việc Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê đắc ý tuyên bố thành quả của mình, và hiện tại là thành quả ‘người khỉ’. Thực ra, những cái gọi là thành quả này đều không phải là tiến bộ khoa học thực sự, chỉ là đột phá về cầm kỵ luân lý; thực tại không có gì đáng để khoe khoang.”
Cư dân mạng có tên “Thiếu niên lão thành” bình luận: “Nếu biến nhân loại thành sinh vật ‘bách độc bất xâm’, có thể gọi là muốn gì làm nấy, không có bệnh tật và tử vong, thì thế giới này không có hạnh phúc để bàn nữa. Hạnh phúc, niềm vui, sức khỏe vốn là tương đối, nhưng nếu biến nó thành tuyệt đối rồi, thì thế giới này sẽ trở thành rối loạn. Công nghệ cao có thể hủy hoại nhân loại chỉ trong chớp mắt, chỉ có người ngốc nghếch mới không tự hiểu.”
Một cư dân mạng bình luận, “Tiền đề để kiên trì nghiên cứu về bất cứ công trình khoa học nào liên quan đến sinh mệnh phải là sự kính ngưỡng đối với sinh mệnh, hoặc có thể nói là có niềm tin cao hơn sự tồn tại của sinh mệnh, như thế mới có thể đảm bảo không dám động đến những nghiên cứu có thể dẫn đến phá hủy sinh mệnh; những người vì để đạt được mục đích tham lam của bản thân, mà có thể tùy ý sát hại rất nhiều sinh mệnh, thì đương nhiên cũng có thể dùng những nghiên cứu đó để chà đạp sinh mệnh, do đó thế giới tự do cũng ý thức được việc để vũ khí khoa học nằm trong tay những người như thế này là vô cùng nguy hiểm, giống như bán thuốc nổ và súng cho kẻ giết người hàng loạt.”
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Đạo đức y học cấy gen não người khỉ mang gen não người nhà khoa học Trung Quốc