Nữ danh thủ quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) trước đó đã làm dậy sóng công luận với thông tin công khai cáo buộc bị cựu Phó Thủ tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Trương Cao Lệ lạm dụng tình dục. Tuy nhiên mới đây cô lại phủ nhận, và nhấn mạnh “luôn rất tự do”. Nhiều nhận định cho rằng màn trình diễn của Bành Soái hiện giờ rất giống diễn theo một kịch bản do chính quyền Trung Quốc sắp đặt, là màn kéo dài của trò hề…

Bành Soái Trương Cao Lệ
Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (trái) và cô Bành Soái (Ảnh ghép cắt từ video)

Sau khi tung tin cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ có quan hệ bất chính với mình, bài đăng của Bành Soái đã biến mất sau 30 phút đăng trên Weibo, đồng thời cô cũng “mất tích” trong 3 tuần. Sự việc khiến giới quần vợt và nhân quyền thế giới dấy lên lo lắng cho sự an toàn của Bành Soái.

Mới đây hôm 19/12, cô xuất hiện tại Chung kết “Giải quốc tế 2021 về trượt tuyết đường dài đô thị” ở Thượng Hải và nhận trả lời phỏng vấn ngắn bên lề với Zaobao (Singapore). Trong cuộc phỏng vấn, cô nói “Trước hết, tôi phải nhấn mạnh một điểm rất quan trọng: tôi chưa bao giờ nói hoặc viết rằng có ai đó đã lạm dụng tình dục tôi. Bài đăng về tôi là ‘vấn đề riêng tư’, công luận có rất nhiều hiểu lầm”.

Nói về cuộc gọi video của cô với Chủ tịch Olympic Quốc tế Thomas Bach, Bành Soái cho biết cô không nhớ cụ thể diễn ra vào ngày nào, nhưng rất cảm ơn ông Thomas Bach và những người khác đã quan tâm đến cô.

Bành Soái nói về email mà cô gửi cho giám đốc WTA Steve Simon vào ngày 2/12: “Email tiếng Trung do chính tôi viết. CGTN (Mạng lưới truyền hình toàn cầu của nhà nước Trung Quốc) đã dịch nó sang tiếng Anh và đăng trên Twitter của mình.”

Bành Soái còn nói rằng cô luôn sống trong nhà của mình tại Bắc Kinh và hoàn toàn không bị giám sát. Khi phóng viên hỏi liệu việc ra vào có được tự do không, cô trả lời: “Luôn rất tự do”.

Dù vậy giới quan sát vẫn đưa ra nhiều nghi vấn trong lần đầu tiên Bành Soái công khai trước ống kính phóng viên này.

Akio Yaita:Màn kéo dài của một trò hề

Chuyên gia truyền thông Nhật Bản Akio Yaita thẳng thắn tuyên bố với Đài Á châu Tự do (RFA), ĐCSTQ đã thúc đẩy một chuỗi hành động như trò hề về quan hệ công chúng để xử lý cuộc khủng hoảng này. Akio Yaita tin rằng cuộc phỏng vấn của Bành Soái với tờ Zaobao cũng do ĐCSTQ dàn dựng, và Zaobao hoạt động như cái gọi là vai trò “truyền thông nước ngoài”.

Akio Yaita nói: “Đây là màn kéo dài của trò hề… Zaobao cũng gần như truyền thông của ĐCSTQ, vì thế có thể nói mọi chuyện đều được sắp xếp…”.

Akio Yaita cũng chỉ ra rằng việc ĐCSTQ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và đàn áp Hồng Kông là những lý do chính khiến cộng đồng quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, trong khi giới chức Trung Quốc không thể biện bạch được đối với các vấn đề đó, bây giờ tập trung vào sự kiện Bành Soái gần nhất. Ông tin rằng những gì Bành Soái nói đều là những biểu hiện trong trạng thái không tự do, vì vậy không thể tin.

Được biết “Giải trượt tuyết đường dài đô thị” có sự xuất hiện của Bành Soái theo dõi là sự kiện hạng A do Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế đăng cai tổ chức. Đồng thời đây cũng là trận đấu tính điểm của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh (khai mạc ngày 4/2/2022).

Theo Zaobao, hôm đó Bành Soái và ngôi sao bóng rổ Diêu Minh (Yao Ming) cùng vận động viên bóng bàn Vương Lịch Cần (Wang Liqin) và nữ vận động viên đua thuyền Từ Lợi Giai (Xu Lijia), đã xuất hiện trên khu khách quý ở tầng 5 của khán đài lộ thiên do ban tổ chức chỉ định để theo dõi trận đấu và họ đã theo dõi trong khoảng 20 phút.

p3063291a68144880
Bành Soái lần đầu phát biểu trước truyền thông, thu hút công luận quan tâm (Ảnh: Twitter / Qingqing Chen).

Gần như cùng lúc, phóng viên Trần Thanh Thanh (Qingqing Chen) của Thời báo Hoàn cầu ĐCSTQ đã “xuyên tường lửa” đăng một đoạn video dài 7 giây lên Twitter. Trong video có thể thấy Bành Soái và Diêu Minh đang đứng trên khán đài tầng 5, Bành Soái mặc áo thun đỏ và áo khoác đen với nụ cười trên môi, còn lời nói của Diêu Minh không thể nghe được.

(Nội dung tweet: “Một người bạn đã gửi cho tôi video này cho thấy vào sáng nay tại sự kiện “FIS Cross-Country Skiing China City Tour” ở Thượng Hải, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái đã nói chuyện với Yao Ming – một trong những vận động viên được yêu thích nhất trong lịch sử @NBA. Pic.twitter .com / Ebduv5rean.)

Wang Longmeng:Trả lời của Bành Soái không khác gì “lời thú tội trên truyền thông”

Một nhận định khác từ nhà phê bình người Pháp gốc Hoa là Wang Longmeng cho rằng trước sức ép của việc quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thiết kế kịch bản phỏng vấn Bành Soái, và bản chất của nó không khác gì “màn thú tội trên truyền thông”.

Ông kêu gọi ngoài việc nhiều nước tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh, giới vận động viên các nước cũng nên có động thái tẩy chay cá nhân đối với tình trạng đồng nghiệp Bành Soái mất tự do buộc phải hợp tác phát biểu theo nhà cầm quyền: “Nhiều chính phủ đã tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh; nhưng nhiều vận động viên nên thấy việc Bắc Kinh diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp Hồng Kông và đàn áp đồng nghiệp vận động viên của họ để có thể bắt đầu một chiến dịch tẩy chay về mặt cá nhân“.

Về sự xuất hiện của Bành Soái trong cuộc phỏng vấn của Zaobao, Hiệp hội quần vợt nữ thế giới (WTA) cũng lại đưa ra một tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi vẫn kiên quyết kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện, công bằng, minh bạch và không bị kiểm duyệt về cáo buộc của Bành Soái việc cô bị lạm dụng tình dục. Như chúng tôi đã nhiều lần cho biết, WTA lo lắng về sự an toàn của cô ấy và liệu cô ấy có thể giao tiếp mà không bị kiểm duyệt hay ép buộc hay không. Những lo lắng này vẫn chưa được giảm bớt hoặc giải quyết khi cô ấy xuất hiện”.

Trước đó WTA cũng đã có tuyên bố tạm ngừng tổ chức các sự kiện ở Trung Quốc và Hồng Kông vì lo ngại vấn đề an toàn của các vận động viên.

Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cũng nói rằng những phát biểu mới nhất của Bành Soái sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những nghi ngờ rằng ĐCSTQ vẫn đang quản thúc cô.

Tờ New York Times chỉ ra, video phỏng vấn này không hề hỏi Bành Soái và ông Trương Cao Lệ có “mối quan hệ” gì. Trước trả lời không nhất quán của Bành Soái, họ cũng không đặt câu hỏi tại sao Bành Soái lại có những phát ngôn trước sau ​​khác nhau như vậy. Cho nên, New York Times nhấn mạnh, ĐCSTQ có thể sử dụng những nhận xét mới nhất của Bành Soái để chống lại sức ép từ bên ngoài đòi điều tra.

Nhiều tiếng nói nghi ngờ khác

Đài VOA (Mỹ) đưa tin, dù truyền thông nhà nước Trung Quốc nỗ lực xây dựng những kịch bản “hoàn hảo” nhưng vẫn không thể xua tan được mối nghi ngờ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu phỏng vấn tại “FIS Cross-Country Skiing China City Tour” có phóng viên báo đài khác hay không, và cũng không rõ liệu cuộc phỏng vấn có phải do chính quyền Trung Quốc cố tình sắp xếp hay không.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Kenneth Rose cho biết trên Twitter rằng tuyên bố mới nhất của cô Bành Soái “sẽ chỉ làm sâu sắc thêm lo ngại về áp lực của Chính phủ Trung Quốc đối với cô ấy”.

Ông Lỗ Nan (Lu Nan) – một nhà phê bình độc lập – cho biết trên Twitter: Cô Bành Soái nhận trả lời phỏng vấn, một lần nữa nhấn mạnh “quyền riêng tư cá nhân” trong Weibo do cô đăng tải. Cô cũng cho biết “không nói được tiếng Anh” để khẳng định rằng email bằng tiếng Anh không phải do cô viết. Tuy nhiên từ sự suôn sẻ trong những câu chào hỏi ban đầu cho đến thái độ né tránh khi trả lời câu hỏi cho thấy áp lực và tổn thương mà cô ấy phải nhận, cũng như nỗi sợ hãi trong lòng cô ấy. Ở xa xa đằng sau cô có một người mặc đồng phục màu đen đang theo dõi.

Ông Tần Bằng (Qin Peng) – một nhà quan sát kinh tế và chính trị ở Mỹ nói: Bành Soái xuất hiện ở Thượng Hải và xuất hiện kịch bản “gặp gỡ tình cờ” với Zaobao của Singapore, cho thấy rõ sự kiện được cơ quan chức năng sắp xếp kịch bản – thừa nhận rằng chia sẻ trên Weibo do cô viết nhưng phủ nhận bị lạm dụng xâm hại tình dục và chỉ ra vấn đề bị công luận diễn giải quá đáng. Cô nói rằng không rành tiếng Anh, bức thư tiếng Trung gửi chủ tịch WTA là do chính cô viết, còn [email] tiếng Anh chính xác là điều cô nghĩ: có tự do và cảm ơn Ủy ban Olympic. Nhưng phát ngôn né tránh vấn đề, và có người mặc đồ đen ở đằng xa…. “Vở kịch” thực sự vô dụng, công luận phổ biến hiểu rõ cô ấy đã bị xâm hại tình dục.

Ông Hồ Bình (Hu Ping) – Chủ biên danh dự của tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh” (Beijing Spring) của người Hoa tại Mỹ, cho biết: Ngay cả khi không có vấn đề lạm dụng tình dục giữa ông Trương Cao Lệ và cô Bành Soái, điều đó không có nghĩa ông Trương Cao Lệ không thể bị điều tra và không phải chịu trách nhiệm. Theo Điều 135 Quy định về các biện pháp kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Có quan hệ tình ái bất chính, gây ảnh hưởng xấu cho Đảng…, nếu trường hợp nghiêm trọng thì phải khai trừ Đảng….

Luật sư Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một nhà hoạt động nhân quyền người Hoa ở Mỹ nói: Bành Soái đã xuất hiện trả lời phỏng vấn. Không biết tiếng Anh thì làm sao cô ấy (Bành Soái) có thể biết rằng ý của bản dịch có nghĩa giống với nghĩa tiếng Trung mà cô ấy đã viết? Mọi người có thấy phản ứng của cô ấy là bình thường? Bành Soái biết nhấn mạnh vấn đề nhà cầm quyền quan tâm nhất là “phủ nhận bị xâm hại tình dục”, vậy thì rốt cuộc đầu của cô có vấn đề hay còn tỉnh táo? Cô ấy cho rằng đó là vấn đề riêng tư nên Bộ Tư pháp không thể can thiệp ngoại trừ có đơn kiện của chính cô ấy. Ông Trương Cao Lệ hào hứng nhất với kết quả này.

Cư dân mạng Twitter “Tài xế già” cho biết: Video trả lời phỏng vấn của Bành Soái đã nói “Tôi chưa bao giờ nói hoặc viết rằng có ai đó đã xâm hại tình dục tôi!” Tất cả những gì chúng ta thấy [ở cô trong phỏng vấn] là hoảng sợ, sợ hãi, bối rối…

Nhìn lại chuỗi hành động xử lý khủng hoảng quan hệ công chúng của ĐCSTQ

Sau bùng nổ sự kiện Bành Soái, cơ quan chức năng ĐCSTQ ngay lập tức thúc đẩy chuỗi hành động xử lý khủng hoảng quan hệ công chúng:

– Sáng sớm ngày 18/11 “Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc” (CGTN) ở nước ngoài của ĐCSTQ bất ngờ đăng trên tài khoản Twitter của họ bức thư bằng tiếng Anh của Bành Soái gửi cho chủ tịch Simon của WTA, nền bức thư thậm chí có “con trỏ” như là ảnh chụp màn hình từ một tệp định dạng word. Về vấn đề này, ông Simon của WTA cũng nói rằng rất khó để tin rằng Bành Soái đã tự mình viết ra.

– Tiếp đó vào ngày 21/11, giám đốc chi nhánh của CGTN là Thẩm Thi Vĩ (Shen Shiwei) đã tung ra một loạt video quay cảnh Bành Soái tham dự trận chung kết quần vợt thanh thiếu niên tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, gần như cùng thời điểm khi Thẩm Thi Vĩ tung video về Bành Soái, ông Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu ĐCSTQ cũng đăng video về Bành Soái tham gia sự kiện này.

– Cùng ngày, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đăng hình ảnh cuộc gọi video giữa Chủ tịch Thomas Bach và Bành Soái trên trang web của họ, đồng thời cho biết Bành Soái đang có khoảng thời gian tuyệt vời bên người thân và bạn bè ở Bắc Kinh, nhấn mạnh “hy vọng các bên tôn trọng quyền riêng tư của cô ấy”. Động thái này càng khiến công luận nghi ngờ hơn.

– Ngày 2/12, khi WTA tuyên bố tạm ngừng tổ chức các giải đấu ở Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, IOC lại ra một tuyên bố cho biết Bành Soái “an toàn”, nói rằng vào ngày hôm qua “nhóm của IOC đã có một cuộc trò chuyện video khác với cô ấy”. Cũng giống như hoạt động thông tin trước đó về cuộc gọi video giữa chủ tịch Thomas Bach của IOC và Bành Soái, hoạt động thông tin này không công khai toàn bộ video, cũng không giải thích đầu đuôi sự kiện, bao gồm cách sắp xếp cuộc gọi này.

Thứ sáu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ Susan Lyons lần đầu tiên phát biểu về sự kiện Bành Soái: “Không ai trong chúng ta, đặc biệt là ở thế giới phương Tây, thực sự hiểu được hoàn cảnh của Bành Soái”, “Chúng tôi chân thành hy vọng rằng bất cứ ai có khả năng điều tra khiếu nại của cô ấy và bất kỳ ai có thể đảm bảo an toàn cho cô ấy đều làm như vậy”. Hãng tin AP có chỉ ra trong tuyên bố của Lyons nói là “có khả năng điều tra ”, ngụ ý bao gồm cả IOC.

– Diễn biến mới nhất, dù Zaobao đã phỏng vấn Bành Soái, nhưng đối với loạt nghi vấn từ công luận chỉ thấy Zaobao có ý làm nhẹ đi tình hình, tiêu biểu trong bản tin đã không nhắc vấn đề tại sao trước đây Bành Soái đăng cáo buộc bị lạm dụng tình dục nhưng đến giờ lại thay đổi và phủ nhận…

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: