Bóng đen dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang bao trùm toàn cầu. Chỉ riêng tại Trung Quốc, bởi vì con số người tử vong thực sự vì viêm phổi Vũ Hán rốt cuộc là bao nhiêu, đến hiện nay chúng ta vẫn chưa thể biết rõ được, nhưng ít nhất, đại đa số đều giữ thái độ nghi ngờ đối với những con số được cơ quan chức năng Trung Quốc báo cáo. Tạm gác những con số lạnh lẽo kia qua một bên, chúng ta hãy xem câu chuyện của một người đã mất trong số này. Câu chuyện của cô do một người Hoa không rõ danh tính ở nước ngoài, chỉnh lý từ trang tin trực tuyến ThePaper tại Trung Quốc Đại Lục, và công bố trên WeChat “Gia viên Chicago”.

Embed from Getty Images

Hình ảnh chụp trong Bệnh viện container tại Vũ Hán hôm 5/2/2020 (Ảnh: Getty Images)

Chưa kịp mừng vì biết tin có thai thì đã qua đời trong 12 ngày ngắn ngủi

Cô Ông Thu Thu (Weng Qiuqiu) 32 tuổi, từ lúc phát bệnh đến lúc qua đời, chỉ trong 12 ngày ngắn ngủi, chưa kịp đợi chẩn đoán xác nhận lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán thì đã đi rồi.  

Ngày 7/1, mọi thứ vẫn còn tương đối ổn. Ông Thu Thu đi chợ mua cá, thịt gà về làm một nồi lẩu, ăn cùng chồng và con gái 5 tuổi. Ăn ngon miệng nên cô đã ăn rất nhiều. Ngày hôm sau, cô có chút khó chịu, nên đã gửi tin nhắn qua WeChat cho chồng Trần Dũng nói rằng bị cảm mạo, bảo anh sau khi hết giờ làm thì mang ít thuốc cảm về cho cô, tiện thể mua thêm một hộp que thử thai. Chập tối, cô phát hiện mình thực sự có thai. 

Trần Dũng rất vui mừng, đã làm đầy một bàn thức ăn ngon. Ông Thu Thu vẫn còn ăn được. Khi đó, họ đều cho rằng chỉ là cảm mạo vặt, nghỉ ngơi một chút là khỏi. Đến 3 giờ sáng ngày 10/1, tình trạng của Ông Thu Thu đột nhiên trở nên trầm trọng hơn, sốt cao hơn 38 độ.  Cô gọi Trần Dũng tỉnh dậy, cả nhà 3 người cùng đi xe đạp điện đến bệnh viện – bởi vì ở nhà không có ai trông con nhỏ, họ không yên tâm để con ở nhà một mình. Họ sống ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, cho nên đầu tiên họ đến Bệnh viện Trung tâm thành phố Hoàng Cương, nhưng bác sĩ nói cần đợi đến sáng mới có thể truyền nước, vì thế họ lại phải đội mưa đi xe trở về nhà. 

Thật không dễ gì đợi đến trời sáng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, cả nhà 3 người chuyển qua nhiều bệnh viện lớn. Đến buổi chiều, Ông Thu Thu đã bắt đầu khó thở, không đi lại được nữa. Trần Dũng ngồi trên ghế ở bệnh viện hỏi cô: Chúng ta không đi nữa, ngồi ở đây có được không? Lúc đó, cô đã không nói được nữa, chỉ đành liên tiếp gật đầu. Trần Dũng nhìn cô, trong lòng vô cùng buồn bã. 

Đến 11 giờ tối, Ông Thu Thu cuối cùng đã đến một bệnh viện cấp AAA ở Vũ Hán. Sau khi bác sĩ kiểm tra, nói rằng toàn bộ phổi của cô biến thành trắng. Trước đó họ cũng đã biết Vũ Hán xuất hiện “viêm phổi lây truyền”, nhưng nào ngờ Ông Thu Thu lại có thể mắc bệnh này. 

Ông Thu Thu và Trần Dũng là người vùng khác đến sinh sống ở Hoàng Cương, hợp tác cùng người khác mở một cửa hàng, làm ăn buôn bán nhỏ, vẫn luôn trong trạng thái lỗ, hai người mỗi tháng chỉ có hơn 3.000 tệ tiền lương cơ bản (khoảng hơn 10,5 triệu đồng), còn phải bỏ ra mỗi tháng 500 tệ tiền thuê nhà, cộng thêm tiền học phí cho con học mẫu giáo, thu không đủ chi. 

Ban đầu họ vốn chuẩn bị sau ngày 12/1 được nghỉ sẽ về quê ăn tết. Ai ngờ đến sáng sớm ngày 11, Ông Thu Thu phải vào phòng cấp cứu, và không lâu phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ nói bệnh tình của cô nghiêm trọng, cần dùng loại máy móc chuyên dụng, chi phí rất cao, một ngày tiêu tốn 20.000 tệ, và chỉ có chưa đến 10% hy vọng. 

Trần Dũng như suy sụp. Liên tiếp mấy ngày, người đàn ông này chạy xuôi ngược trong bệnh viện, không có lúc nghỉ ngơi. Sáng ngày 12/1, anh mệt mỏi đến nỗi chịu không được, nên mới ngồi trên ghế bệnh viện ngủ hơn một tiếng đồng hồ. Trong thời gian vợ vào viện, Trần Dũng và mẹ mình trú ở một nhà trọ gần bệnh viện, để tiết kiệm tiền, ngày đầu tiên không mở điều hòa, mỗi tối phải trả 60 tệ, ngày thứ hai cảm thấy lạnh quá, nên mở điều hòa, tiền tăng lên 80 tệ một đêm. 

Nhà trọ đó có rất nhiều người nhà của người bệnh đang điều trị viêm phổi Vũ Hán trong bệnh viện. Ông Thu Thu bị cách ly, Trần Dũng mỗi ngày ở bên ngoài đều nghĩ mọi cách để gom tiền, tất cả bạn bè thân thích anh đều vay tiền một lần. Anh rất lo sợ, trong lòng chỉ nghĩ không thể ngừng dùng thuốc, cần phải cứu mạng vợ mình. 

Anh đã gọi vào đường dây nóng của thị trưởng, tỉnh trưởng, truyền thông, còn mượn tiền từ các quỹ cộng đồng, gom được hơn 40.000 tệ. Nhưng về cơ bản vẫn không đủ. Ông Thu Thu nằm viện 3 ngày đầu, mỗi ngày chi phí là 50.000 – 60.000 tệ, sau đó mỗi ngày là hơn 20.000 tệ. Số tiền vất vả khó nhọc gom góp được, chỉ trong nháy mắt đã không còn đồng nào. 

Một phương diện khác, Trần Dũng muốn nhìn vợ, muốn nói chuyện với cô, hỏi cô có đỡ chút nào chưa, muốn ăn gì, muốn làm gì … nhưng vẫn không được gặp. Anh gọi điện thoại hỏi bác sĩ, mỗi lần đều là câu “chưa tỉnh dậy”, “còn rất nghiêm trọng”, hoặc là “nghiêm trọng hơn rồi”. Ông Thu Thu vốn đã mang thai, sức đề kháng bị giảm sút. Bác sĩ nói, toàn bộ tay của cô tím bầm, về sau chân cũng tím bầm, đã hoại tử rồi, bệnh tình xấu đi rất nhanh. 

Từ khi Ông Thu Thu vào phòng chăm sóc đặc biệt, Trần Dũng không gặp được cô nữa, cho đến lúc cô biến thành một hũ tro cốt. 

Trưa ngày 21/1, Trần Dũng không vay được tiền nữa, bệnh tình của Ông Thu Thu lại không có chút chuyển biến tốt nào, anh không biết làm gì hơn, sau khi thương lượng với bố vợ, anh đành phải ký vào đơn đồng ý từ bỏ điều trị. Một tiếng đồng hồ sau, Ông Thu Thu qua đời. Về sau Trần Dũng nói, khi đó trong bệnh viện có một người lớn tuổi, bệnh tình cũng nghiêm trọng giống như Ông Thu Thu, nhưng sau khi kiên trì trị liệu thì cũng dần dần có chuyển biến tốt. 

Điều này khiến cho tâm tình Trần Dũng rối bời, mặc dù bố mẹ vợ không trách anh, nhưng bản thân anh lại vô cùng cắn rứt. Anh nghĩ, nếu tiếp tục điều trị, có thể vợ anh vẫn có thể cứu được, nhưng khi đó, đúng là không còn cách nào khác để có được tiền. Trong những ngày này, buổi tối, Trần Dũng nằm trên giường nhưng đều không ngủ được, trong đầu rối bời, trong lòng cảm thấy đau khổ không nói ra được. Con gái không biết đã xảy ra chuyện gì, thỉnh thoảng hỏi mẹ đi đâu rồi, anh không biết trả lời thế nào.

Một bi kịch vô cùng đau lòng

Một người phụ nữ 32 tuổi sắp làm mẹ, vốn có thể hạnh phúc đón một thiên thần bé nhỏ chào đời, một gia đình 4 người có thể sống yên ổn. Ai ngờ đột nhiên một loại virus lại tấn công đến, khiến cho cô và sinh mệnh bé nhỏ chưa chào đời phải rời đi. Thường ngày, chúng ta đều cho rằng ngày tháng đều êm ả trôi qua một cách bình thường, nhưng lại không nghĩ rằng, có lúc sóng gió đột nhiên ập đến. Trong lúc đột nhiên ập đến, chúng ta lại không chịu nổi một kích như thế này. Người phụ nữ bị bệnh tật dày vò, không kịp để lại một câu nói nào liền rời đi; người đàn ông đau đớn tuyệt vọng, một mình cắn răng gánh vác để bươn chải cuộc sống; đây đều là những điều khiến người ta tràn đầy sự sự thổn thức than thở. 

Chúng ta không dám nói cảm kích như chính mình chịu ơn, nhưng thực sự trong tâm có sự ưu sầu. Cũng không kìm được suy nghĩ: Nếu chính bản thân gặp phải thảm họa này, liệu có chống đỡ được không? Chống đỡ thế nào? Nhưng cũng chỉ dám nghĩ đoạn đầu. Bởi vì về sau, nghĩ thế nào, đều là đau khổ, đều là khó khăn. Muôn nghìn lời cũng biến thành một tiếng bi than. Chỉ mong mỗi mắt xích của xã hội này, điều tiếp thu bài học một cách sâu sắc, không để cho bi kịch này tái diễn. 

Trách nhiệm của ai

Ngày 29/1, Tổ Giám sát Trung ương đến thành phố Hoàng Cương kiểm tra, chính là thành phố mà Ông Thu Thu sinh sống trước khi cô qua đời. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Hoàng Cương Đường Chí Hồng thì hỏi gì cũng không biết. 

Ngày hôm sau, ông Chủ nhiệm “hỏi gì cũng không biết này” bị bãi miễn chức vụ. Ngoài ra, còn có hơn 20 cán bộ bị truy hỏi trách nhiệm vì bất lực trong phòng chống và kiểm soát dịch. Tuy nhiên, cư dân mạng cho biết, những người bị truy trách nhiệm chẳng qua chỉ là những quan chức nhỏ “hạng tôm tép” mà thôi, kẻ thực sự phải truy trách nhiệm chính là những kẻ ngồi chễm chệ trên cao. 

Cuối bài viết này, tác giả viết: Dịch bệnh tại Vũ Hán, mặc dù xuất hiện rất nhiều anh hùng, họ đều rất đáng được khen tụng. Nhưng chúng ta cũng cần biết một cách tỉnh táo rằng, thảm họa này, nói cho cùng là một bi kịch, là nhân họa. Chúng ta dù thế nào, cũng không thể hát nó (thảm họa) thành một bài hát ca ngợi.

Bao nhiêu sinh mạng bất hạnh đã chết, bao nhiêu gia đình bi thương tuyệt vọng, đều là bài học đẫm máu. Chúng đều bày ở đó một cách chân thực và tàn khốc, để nhắc nhở chúng ta: Cần phải suy nghĩ lại! Cần phải suy nghĩ lại! Dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi. Còn việc chúng ta suy nghĩ lại, có lẽ mới chỉ vừa bắt đầu.

Huệ Anh

Xem thêm: