Ông Bessent vô tình tiết lộ ĐCSTQ sẽ tổ chức “hội nghị mật” vào tháng 8?
- Lý Tịnh Dao
- •
Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent trong khi trả lời câu hỏi của phóng viên đã sử dụng từ “conclave” (hội nghị mật), khiến dư luận suy đoán rằng ông có thể đã lỡ lời tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ “thay người đứng đầu” vào tháng Tám. Trùng hợp là Viện nghiên cứu Hudson – một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu của Mỹ – cũng mới tổ chức một hội thảo đặc biệt, tập trung thảo luận khả năng ĐCSTQ có thể sụp đổ trong thời gian ngắn, và Mỹ nên làm gì để giúp ổn định cấu trúc chính trị, kinh tế và xã hội của Bắc Kinh.
Ông Bessent ám chỉ ĐCSTQ sẽ “thay người đứng đầu” vào tháng Tám?
Tiến sĩ Lưu Quân Ninh, một nhà chính trị học và là cựu nghiên cứu viên Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã đăng trên nền tảng X vào ngày 17/7:
“Ai là Tổng Bí thư mới của ĐCSTQ? Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent nói với phóng viên rằng Trung Nam Hải sẽ tổ chức một cuộc họp kín quan trọng vào tháng Tám tới, để quyết định xem ĐCSTQ có thay đổi lãnh đạo hay không. Hãy xem video tại mốc 6 phút 20 giây.”
谁是新的总书记?美国财政部长贝森特对记者说,中南海在即将来临的八月份召开一次重要的闭门会议,决定CCP是否更换领导人。请观看此视频的 6 分 20 秒。
China’s 4th Plenum will be held at the beginning of August, according to Scott Bessent. Sounds like smth big will happen then as next… pic.twitter.com/6RLfsOQ5th— 刘军宁 (@liujunning) July 17, 2025
Ông Lưu cho rằng, “Cuộc họp kín quan trọng vào đầu tháng Tám mà ông Bessent đề cập, không phải là Hội nghị Trung ương 4 (diễn ra công khai), càng không phải là cuộc gặp với phái đoàn thương mại Mỹ, mà là cuộc họp nhỏ, kín, diễn ra trước Hội nghị Trung ương 4 để định hướng cho hội nghị. Với tư cách là một người làm tài chính nghiêm túc, ông Bessent rất cẩn trọng trong lựa chọn từ ngữ. Ông không nói ĐCSTQ sẽ thay Tổng Bí thư, mà chỉ nói vào đầu tháng Tám sẽ có một hội nghị mật giống như hội nghị bầu ‘giáo hoàng’ (conclave). Người Trung Quốc đều hiểu rằng tầm quan trọng của hội nghị tỷ lệ nghịch với quy mô. Ông ấy không bàn tán những thông tin chưa được xác thực, vì không hề nêu tên Tổng Bí thư.”
“Có người nói ông Bessent cũng chỉ là nghe lỏm từ các tin đồn, suy diễn từ một số tổ chức tư vấn và truyền thông độc lập rồi đưa ra kết luận võ đoán về giới lãnh đạo ĐCSTQ. Tôi thì không nghĩ vậy. Trong Chính phủ Mỹ, Bộ trưởng Tài chính là nhân vật trọng yếu, mỗi ngày đều tiếp cận với các bản tin tình báo tổng hợp từ nhiều hệ thống tình báo chính thức của Mỹ. Vẫn còn nhớ gần đây CIA đã đăng quảng cáo tuyển dụng bằng tiếng Trung đấy chứ?”
Bối cảnh của phát ngôn trên là khi một phóng viên hỏi ông Bessent về thời hạn cho đàm phán thuế quan thương mại Mỹ – Trung. Ông Bessent trả lời: “Lãnh đạo Trung Quốc sẽ có một cuộc họp kín quan trọng vào đầu tháng Tám, nên chúng tôi đang xem xét [xem liệu các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có được tổ chức ở một nước thứ ba hay không].…” (nguyên văn: “The Chinese leadership has big conclave at the beginning of August, so we’re trying…”).
Việc ông Bessent dùng từ “conclave” khiến nhiều người am hiểu về Công giáo cho rằng ông đang ẩn ý việc ĐCSTQ sẽ chọn Tổng Bí thư mới trong tháng Tám.
“Hội nghị mật” mà ông Bessent nói tới có phải là Bắc Đới Hà?
Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn phân tích, từ “conclave” có nguồn gốc Latin, nghĩa là “phòng kín”. Thời La Mã cổ, nó chỉ căn phòng khóa kín. Đến Trung Cổ, từ này được Giáo hội Thiên Chúa giáo dùng để chỉ cuộc họp bí mật bầu ra Giáo hoàng.
Ông Đường Tĩnh Viễn cho biết, ông Bessent là người thận trọng và chính xác trong lời nói. Ông không nói rằng ĐCSTQ sẽ thay Tổng Bí thư, mà chỉ nói tháng Tám sẽ có một cuộc họp quan trọng, kín đáo, giống với hội nghị bầu Giáo hoàng.
Các cuộc họp của ĐCSTQ luôn có tính tỷ lệ nghịch: hội nghị càng nhỏ thì quyết định càng lớn, còn hội nghị càng lớn thì chỉ bàn chuyện nhỏ. Ông dẫn chứng: việc xử lý ông Hồ Diệu Bang năm xưa cũng được quyết định khi ông Đặng Tiểu Bình đang đánh bài tại nhà riêng.
Có phân tích cho rằng, cuộc họp mà ông Bessent nhắc tới chính là hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra vào cuối tháng Bảy – đầu tháng Tám. Dưới thời Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào, Bắc Đới Hà là nơi các nguyên lão can thiệp chính sự một cách hợp pháp. Nhưng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông cố gắng hạn chế ảnh hưởng của giới nguyên lão, biến Bắc Đới Hà thành nơi nghỉ dưỡng là chủ yếu.
“Nhưng sau khi cuộc khủng hoảng quyền lực của ông Tập Cận Bình nổ ra, chúng ta có thể thấy rằng vai trò độc đáo của Bắc Đới Hà trong hệ thống quyền lực của ĐCSTQ là sự can thiệp của những nguyên lão vào chính trị một lần nữa được làm nổi bật.”
Thông tin của ông Bessent trùng khớp với nguồn tin từ Nga
Nhà bình luận Lý Đại Vũ cho rằng, việc ông Bessent nói “conclave” chứ không nói “CCP Summer conclave” nghĩa là ông không nhất thiết ám chỉ Bắc Đới Hà, mà có thể là một cuộc họp kín nhỏ hơn với tính chất đặc biệt. Nhiều nguồn rò rỉ đều chỉ ra rằng trong tháng Tám, ĐCSTQ có thể sẽ đưa ra một tuyên bố trọng đại – có thể là sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo cao nhất. Vì vậy, mốc thời gian này rất đáng chú ý.
Ông Lý nhận định, điều đó cho thấy tình hình Bắc Kinh không hề yên ả như vẻ bề ngoài, mà là “sóng ngầm mãnh liệt và hỗn loạn tột độ.”
Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng từ “conclave” mà ông Bessent dùng có thể là một cách nói nước đôi. Với kênh thông tin của mình, chắc chắn ông Bessent không thể không biết gì về biến động trong nội bộ ĐCSTQ – nhất là khi ông là người đứng đầu trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Kênh thông tin của ông hẳn phải rất thông thạo, cho nên ông có lẽ cũng là người sớm nắm bắt được bất kỳ biến động hay dấu hiệu nào trong nội bộ ĐCSTQ. “Vậy nên, việc ông Bessent dùng từ ‘conclave’ có thể ngụ ý rằng ĐCSTQ muốn thay đổi người khác. Nhưng ông cố tình mơ hồ và cố tình chơi chữ để bạn đoán mò.”
Thông tin mà ông Bessent tiết lộ trùng khớp gần như hoàn toàn với nguồn tin từ kênh Telegram “SVR General” – được cho là có liên hệ với Cục Tình báo Đối ngoại Nga. Theo đó, “ông Tập Cận Bình có thể sẽ chuyển giao quyền lực” và người kế nhiệm là “một nhân vật có xu hướng thân phương Tây.
Ông Đường Tĩnh Viễn nói thêm: “Nói thẳng ra, Bắc Đới Hà sẽ là nơi các nguyên lão bàn chính sự, đồng thời cũng là nơi định hướng cho Hội nghị Trung ương 4. Các quyết định về nhân sự, ai lên ai xuống, và đường lối sau Hội nghị Trung ương 4 đều có thể được định đoạt ở đó.”
Ba ứng viên thay Tập: Vương Dương, Hồ Xuân Hoa, Đinh Tiết Tường?
Gần đây, một số nguồn tin nội bộ từ Bắc Kinh cho biết, giới lãnh đạo cấp cao vẫn chưa thống nhất được hai vấn đề lớn:
- Ai sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư? Các ứng viên chính gồm: Uông Dương, Hồ Xuân Hoa, Đinh Tiết Tường.
- Có nên khởi động cải cách chính trị trong thời kỳ hậu Tập Cận Bình hay không? Có tin cho rằng, các nguyên lão như Ôn Gia Bảo, Lý Thụy Hoàn đang thúc đẩy cải cách chính trị vì cho rằng không còn con đường nào khác. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào muốn giữ nguyên thể chế ĐCSTQ như hiện tại để tránh “xáo trộn”.
Bình luận: “Mọi người quá mong Tập xuống nên dễ suy diễn”
Tuy nhiên, nhà bình luận Chương Thiên Lượng cho rằng, việc dư luận suy đoán rằng ông Bessent ám chỉ việc thay Tổng Bí thư ĐCSTQ là bởi “mọi người quá mong Tập Cận Bình từ chức, nên bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào cũng bị thổi phồng”.
Ông chỉ ra, ông Bessent chỉ nói rằng đàm phán thương mại có thể diễn ra trước hoặc sau hội nghị bí mật kia, chứ không phải chờ kết quả của nó. Ông cho rằng hội nghị bí mật đó chính là hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra hàng năm vào cuối tháng Bảy – đầu tháng Tám.
Mỹ chuẩn bị cho kịch bản ĐCSTQ sụp đổ đột ngột
Tình hình chính trị bất thường của Trung Quốc cũng đã thu hút sự chú ý của các tổ chức nghiên cứu và tư vấn (think tank) hàng đầu ở Mỹ. Viện Hudson gần đây tổ chức một hội thảo đặc biệt, “tập trung thảo luận khả năng ĐCSTQ sụp đổ đột ngột trong thời gian ngắn, và Mỹ nên có những hành động gì để ổn định trật tự chính trị, kinh tế và xã hội tại Bắc Kinh.”
Hai trọng tâm chính của hội thảo gồm:
- ĐCSTQ có thể sụp đổ một cách đột ngột, và Mỹ cần chuẩn bị đối phó.
- Trong thời kỳ hậu Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn hậu cộng sản. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ phải có cách phản ứng phù hợp.
Hội thảo thảo luận cách xây dựng thể chế tại Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Một trong các biện pháp được đề cập là: nếu chính quyền mới của Trung Quốc đồng ý, lực lượng đặc nhiệm Mỹ có thể vào Trung Quốc sau khi ĐCSTQ sụp đổ để hỗ trợ ổn định tình hình, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, giúp chính quyền lâm thời xây dựng trật tự, và phối hợp với lực lượng địa phương để thúc đẩy chuyển đổi hòa bình.
Một biện pháp khác là: Mỹ nên tích cực hỗ trợ Trung Quốc xây dựng hiến pháp mới theo hướng lập hiến dân chủ, đồng thời thành lập một Ủy ban Sự thật và Hòa giải để thanh toán tội ác của ĐCSTQ. Ngoài ra, cần giúp bảo vệ quyền con người cơ bản của các nhóm thiểu số và tôn giáo.
Ông Đường Tĩnh Viễn kết luận: hội thảo này cho thấy các tổ chức nghiên cứu và tư vấn hàng đầu của Mỹ đang rất nghiêm túc xem xét khả năng xảy ra biến động lớn trong nội bộ ĐCSTQ.
“Trọng tâm của họ không phải là liệu ông Tập Cận Bình có còn nắm quyền hay không, mà là Mỹ nên đối phó với ĐCSTQ như thế nào sau khi ông Tập Cận Bình mất quyền lực, bao gồm cả khả năng Trung Quốc sẽ bước vào kỷ nguyên phi cộng sản sau khi ĐCSTQ mất quyền lực.”
Từ khóa Bắc Đới Hà Scott Bessent hội nghị bí mật Tập Cận Bình
