Ông Lê Trí Anh bị quản thúc tại gia với điều kiện khắc nghiệt
- Gia Hoành
- •
Người sáng lập hãng truyền thông Next Media, ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) bị tạm giam vì cáo buộc tội danh “lừa đảo” vào ngày 13/12. Chỉ sau vài hôm, ông lại bất ngờ bị Sở An ninh Quốc gia Hồng Kông truy tố tội “Cấu kết với các thế lực nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia” và không được cho bảo lãnh tại ngoại. Sau 20 ngày tạm giam, đến hôm 23/12, hai đơn xin tại ngoại mới được “thẩm phán được chỉ định” Lý Vận Đằng xử lý. Cuối cùng, ông Lê Trí Anh cũng được chấp nhận tại ngoại với điều kiện kèm theo vô cùng khắc nghiệt.
Bộ Tư pháp Hồng Kông trở thành công cụ đàn áp tự do
Sau khi có quyết định cho phép ông Lê Trí Anh được tại ngoại, Bộ Tư pháp Hồng Kông lập tức tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định trên, viện dẫn Điều 35 của Pháp lệnh Tòa chung thẩm áp dụng tiếp tục giam giữ bị cáo trong thời gian điều tra. Sau khi nghe các bản đệ trình, thẩm phán bác đơn của bên công tố, giữ nguyên lệnh cho phép ông Lê Trí Anh được lập tức tại ngoại. Điều này có nghĩa là Bộ Tư pháp sẽ phải nộp hồ sơ lên tòa phúc thẩm để tiếp tục kháng cáo.
Theo “Apple Daily” đưa tin, ông Lê Trí Anh là người thứ tư và gần đây nhất bị bắt giữ sau khi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” được thi hành. Ông cũng là bị cáo đầu tiên trong vụ việc liên quan đến luật an ninh quốc gia được cho phép tại ngoại. Sau khi biết rằng mình sẽ không tiếp tục bị giam giữ, ông đã rất bình thản, vỗ tay tán thưởng với luật sư qua tấm ngăn cách phạm nhân của nhà tù, và chúc “Merry Christmas” (giáng sinh vui vẻ) với người thân bạn bè và những công chúng ủng hộ trước khi vào phòng tạm giam.
Gần 11 giờ tối ngày 23/12, ông Lê Trí Anh cuối cùng cũng bước ra khỏi phòng xử án, ông vẫy tay chào giới truyền thông đã chờ đợi sẵn, và chúc Giáng sinh vui vẻ bằng tiếng Anh trước khi lên xe và rời đi.
Phí bảo lãnh hơn 10 triệu đô la Hồng Kông và không được nhận phỏng vấn hay phát biểu trên mạng xã hội
Mặc dù ông Lê Trí Anh được phép tại ngoại, nhưng “thẩm phán được chỉ định” của Luật An ninh Quốc gia cũng đã ban hành kèm theo các điều kiện bảo lãnh cực kỳ khắc nghiệt, bao gồm 10 triệu đô la Hồng Kông tiền mặt cộng thêm 300.000 đô la Hồng Kông phí bảo lãnh. Ông Lê Trí Anh sẽ không được trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào bất kỳ hành vi nào có thể được coi là “thỉnh cầu các tổ chức, cơ quan hoặc nhân viên nước ngoài hoặc bên ngoài biên giới áp đặt các biện pháp trừng phạt, phong tỏa hoặc các hành động thù địch khác chống lại Đặc khu hành chính Hồng Kông hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”; không được tiếp xúc với các quan chức ngoại giao, không được tiếp nhận phỏng vấn từ các kênh truyền thông, và không được xuất bản các bài đăng, nhận xét và thông tin trên báo giấy hoặc trực tuyến, bao gồm nhưng không giới hạn ở trang mạng xã hội như Twitter.
Đồng thời, ngoài việc không được rời khỏi Hồng Kông và phải giao nộp toàn bộ giấy tờ thông hành, ông Lê Trí Anh cũng không được phép rời khỏi nơi cư trú 24/24 giờ, ngoại trừ việc phải trình báo với đồn cảnh sát ba lần một tuần và tham gia các phiên điều trần. Theo báo cáo, ba người cam kết bảo lãnh cho ông Lê Trí Anh là Ðức Giám Mục Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân, luật sư Hà Tuấn Nhân (Albert Ho Chun-Yan) và giáo sư thỉnh giảng Ngô Minh Đức (NG Ming Tak, Victor) của Đại học Baptist Hồng Kông.
Trước đó, Ông Lê Trí Anh bị chuyển đến Trung tâm Tiếp nhận Lai Chi Kok vào ngày 3/12, sau đó chuyển đến nhà tù Stanley vào ngày 18/12 vừa qua. Ông được cho là bị biệt giam. Hai mươi ngày sau, ông bị áp giải đến Tòa án Tối cao bằng xe tù, và luật sư thâm niên Đặng Nhạc Cần (Peter Duncan) làm đại diện cho ông. Ông Lê Trí Anh nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các nhà dân chủ, bao gồm hai con trai của ông là Lê Kiến Ân, Lê Diệu Ân, Next Digital, và các giám đốc điều hành Apple Daily Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim Hung), Trần Phái Mẫn (Chan Pui Man), La Vĩ Quang (Ryan Law Wai-kwong), v.v., cũng như các cựu nghị viên lập pháp Lý Vĩnh Đạt (Lee Wing-tat), Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai), Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), v.v.
Lương Gia Kiệt: Luật An ninh Quốc gia đánh vào nguyên tắc “Giả định vô tội”
Tờ Apple Daily đưa tin, rằng luật sư thâm niên Lương Gia Kiệt (Alan Leong Kah-kit), cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư, và là Chủ tịch Đảng Dân sự, nói rằng các điều kiện để ông Lê Trí Anh được tại ngoại là “quá khắc nghiệt“, điều này cũng phản ánh tác động của Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đối với nguyên tắc “giả định vô tội” trong hệ thống pháp luật của Hồng Kông. Ông nói rằng việc ông Lê Trí Anh chấp nhận các điều kiện tại ngoại đồng nghĩa với việc ông phải từ bỏ quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả việc đăng tải các bài báo, đối thoại trực tuyến… để đáp ứng các yêu cầu của Luật An ninh Quốc gia, trước khi thẩm phán chấp thuận đơn xin tại ngoại của ông.
Về kháng cáo của Bộ Tư pháp chống lại việc tại ngoại của ông Lê Trí Anh, luật sư Lương Gia Kiệt viện dẫn trường hợp năm 2009, ông Lý Nghĩa (Roberto Ribeiro), hiện đang là thẩm phán của Tòa chung thẩm từng ra phán quyết về việc cho phép bị cáo tại ngoại có được kháng lên tòa phúc thẩm hay không. Có thể nói rằng kháng cáo của phía Tư pháp chỉ là hành động “gà luộc đạp vung nồi” nghĩa là phí công vô ích.
Tước quyền tự do ngôn luận và quyền được có cuộc sống bình thường
Chủ tịch Đảng Dân sự, Lương Gia Thiện (Jessica Leung Ka Sin) bản thân là luật sư, tin rằng các điều kiện bảo lãnh hiện tại mà tòa án áp đặt cho ông Lê Trí Anh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí kiềm chế và tước đi quyền tự do và cuộc sống bình thường của ông.
Ủy viên ban chấp hành Đảng Dân sự Trương Quân Kiều (Cheung Kwan Kiu) nói rằng, trước đây, tòa án chủ yếu xem xét liệu bị cáo có bỏ trốn hay không, liệu anh ta có phạm các tội khác hay không và liệu anh ta có cản trở công lý tư pháp hay không. Còn giờ đây, “Luật An ninh Quốc gia” yêu cầu bị đơn phải chứng minh rằng mình sẽ không còn gây nguy hại cho an ninh quốc gia nữa trước khi được tại ngoại, đây là hành vi “tiếm thiết” (lạm quyền thiết lập) đối với yêu cầu về phương diện pháp luật. Điều vô lý nhất là ông Lê Trí Anh vẫn được phép làm việc cho báo Apple Daily trong thời gian quay về, nhưng không cho phép phát biểu gì trong thời gian tại ngoại.
Quản thúc tại gia, tòa án Hồng Kông biến thành An ninh quốc gia Trung Quốc Đại Lục
Các điều kiện tại ngoại mà thẩm phán Luật An ninh Quốc gia cấp cho ông Lê Trí Anh đã thu hút sự chú ý và chỉ trích từ mọi tầng lớp xã hội. Nhà bình luận Đào Kiệt (Chip Tsao) đã viết trên Facebook rằng, việc cấm rời khỏi nhà và cấm truyền thông trên mạng xã hội, cũng giống như việc bị quản thúc tại gia của bà Aung San Suu Kyi, còn không được coi là “tại ngoại”, chỉ là thay phòng giam của nhà tù Stanley bằng nhà riêng của ông ấy, điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử tư pháp Hồng Kông.
Cựu phóng viên của tờ Stand News tại Hồng Kông, Hà Quế Lam (Gwyneth Ho) viết rằng, bên công tố đã liệt việc ông Lê Trí Anh “tiếp nhận các cuộc phỏng vấn của các kênh truyền thông nước ngoài” là một phần của hành vi phạm tội. Điều đó đã là vô lý. Bây giờ tòa án đã đi đầu trong việc hạn chế quyền tự do ngôn luận thông qua các điều kiện tại ngoại, tương tự như rất nhiều trường hợp ở Trung Quốc Đại Lục. Chẳng hạn như luật sư nhân quyền Lý Hòa Bình (Li Heping), đã bị giam giữ phi pháp trong hơn hai năm, “các tòa án Hồng Kông đã rất nhanh chóng ‘noi gương’ an ninh của Trung Quốc đại lục”
Các cáo buộc hiện tại đối với ông Lê Trí Anh bao gồm: “tội cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia” theo Điều 29 (4) của Luật An ninh Quốc gia, tuyên bố rằng, từ ngày 1/7 đến ngày 1/12 năm nay, ông Lê Trí Anh đã kêu gọi một quốc gia nước ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt, phong tỏa hoặc các hành động thù địch khác chống lại Chính phủ Trung Quốc và Hồng Kông.
Một tội danh khác là “tội lừa đảo”, ông bị tình nghi cùng với hai giám đốc điều hành cấp cao của Next Media Group, Chu Đạt Quyền (Chow Tat Kuen) và Hoàng Vĩ Cường (Wong Wai-keung) sử dụng sai mục đích thuê văn phòng ghi trên hợp đồng thuê trong khoảng thời gian từ ngày 27/6/2016 – 22/5/2020; bao gồm việc cho thuê lại mặt bằng để thu lợi.
Cả hai vụ án đều do thẩm phán được chỉ định bởi Luật An ninh Quốc gia Tô Huệ Đức (Victor So Wai-tak), ông này đã từ chối đơn xin tại ngoại của ông Lê Trí Anh hai lần trước đó. Vụ án được hoãn đến ngày 16/4 năm sau.
Gia Hoành, Vision Times tiếng Trung
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Lê Trí Anh Jimmy Lai